3 thg 3, 2020

Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân

Tôi vẫn thường gọi làng chài Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là làng chài đá theo cách riêng của mình. Mỗi lần ngắm những con thuyền cá neo mình bên những bãi đá lô nhô nơi làng chài này, tôi lại nghĩ đến sự kiên gan và tình yêu biển của những ngư dân nơi đây.

Vẻ đẹp của làng chài Kỳ Xuân. Ảnh tư liệu

Có lẽ không bãi biển làng chài nào lại có nhiều ghềnh đá như ở Kỳ Xuân. Suốt chiều dài 13 km bờ biển lô nhô đá tảng ấy là 6/8 thôn làm nghề đánh bắt. Không biết ai đã đem những tảng đá ấy dựng ngay bờ biển để nơi đây thành vùng biển độc đáo nhất của Hà Tĩnh. Những tảng đá sừng sững như muốn che chở cho dân làng chài qua những phong ba của đại dương xanh thẳm, đồng thời cũng là tiếng lòng của lớp lớp ngư dân bao đời kiên định một tình yêu với biển.

Nghề biển tuy lắm gian nan và thăng trầm nhưng người Kỳ Xuân luôn có cách để gắn bó và yêu biển một cách nồng nhiệt. Hiện tại, toàn xã Kỳ Xuân có trên 600 hộ dân làm nghề biển với 160 thuyền đang hoạt động. Thu nhập bình quân của mỗi gia đình làm nghề biển từ 6-15 triệu đồng/tháng, tùy vào thời điểm trong năm.

Ngư dân Cao Trọng Tình (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân) đã có hơn 40 năm gắn bó với biển.

Trở về từ biển một sớm đầu xuân Canh Tý, với mẻ cá đù vẫn còn lấp lánh ánh bạc, lão ngư Cao Trọng Tình ở thôn Lê Lợi không giấu nổi niềm hân hoan. Bởi, với lão ngư có hơn 40 năm kinh nghiệm bám biển này, ra khơi đầu năm đã mang về “lộc biển” như thế này, báo hiệu một năm thuận lợi.

Ngắm nhìn gương mặt rắn rỏi, làn da mặn mòi vị biển và ánh mắt kiên trung của ông Tình, lắng nghe tiếng nói âm ba sóng biển của ông, tôi biết rằng, ông và biển đã ở trong nhau. Cuộc đời ông sinh ra là để dành cho biển và biển cũng vậy, đã trở thành nhà của ông, trở thành người bạn tri kỷ của ông. Tôi mường tượng về những lần ông nhổ neo ra khơi, những đêm tối ông nương náu vào biển, những ngày mưa, ngày nắng lênh đênh cùng sóng nước.

Ông Tình tâm sự: “Lần ra khơi đầu tiên là những năm 1980, lúc đó tôi vừa học xong cấp 3 và cũng là những ngày đầu tiên theo cha học nghề đánh cá. Những năm đó, biển Kỳ Xuân nhiều cá lắm, chúng tôi chỉ việc chèo thuyền ra nửa cây số là đã có thể đánh bắt được bao nhiêu là hải sản. Mỗi lần trở về đất liền đợi chờ chuyến đi mới, tôi thấy mình như càng gắn bó với biển nhiều hơn”.

“Hải sản Kỳ Xuân dồi dào, với nhiều đặc sản nổi tiếng nên ngư dân sống khỏe với biển”.

Trong lời kể chất chứa niềm tự hào về biển của ông Tình, tôi chợt nhớ đến những lý giải từ các chuyên gia Hải dương học về nguồn cơn về sự giàu có hải sản của vùng biển này. Với bờ biển trải dài, hầu hết dựa lưng vào núi, biển Kỳ Xuân có rất nhiều ghềnh đá và rặng san hô phong phú…

Đây là nơi trú ngụ yêu thích của rất nhiều loại hải sản như: Tôm hùm, cua, ghẹ, ốc, sò và các loại cá… Đặc biệt, vào mùa sinh sản, nhiều loài như mực, tôm hùm… tìm vào vùng biển này để sinh sôi, mùa biển động thì vào ẩn nấp. Vì thế, biển Kỳ Xuân mùa nào hải sản cũng dồi dào.

Thế nhưng, nghề biển cũng có những nốt trầm, nhất là dưới tác động của con người khiến môi trường biển có nhiều thay đổi.

Ông Tình kể: Những năm 1990 (thế kỷ XX), ngư dân Kỳ Xuân có sự thay đổi lớn về phương tiện đánh bắt. Thay thế những con thuyền chèo truyền thống là những con thuyền máy với công suất lớn hơn. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, ngư trường bị phá hoại bởi một số thuyền ngoại tỉnh đến đánh bắt bằng nhiều hình thức tận diệt… Vì thế mà nguồn hải sản có lúc trở nên khan hiếm. Nhiều ngư dân Kỳ Xuân phải đến các vùng biển khác như Nha Trang, Phú Quốc… để mưu sinh.

Nhiều ngư dân nhờ biển, sắm được thuyền mới để tiếp tục ra khơi khai thác hải sản. (Trong ảnh: Ông Cao Trọng Tình và bạn nghề chuẩn bị cho chuyến ra khơi).

“Trong giai đoạn đó, tôi và nhiều bạn chài khác vẫn bám biển. Ngư trường lúc thắng, lúc thua, nhưng chúng tôi tin rằng, biển đã nuôi sống cha ông chúng tôi bao đời thì không có lý gì lại không cưu mang chúng tôi cả. Và thế là chúng tôi lại kiên trì bám trụ với nghề” - ông Tình chia sẻ thêm.

Còn ông Võ Hồng Nam ở thôn Xuân Tiến thoáng chút bần thần khi kể về sự cố môi trường biển năm 2016: “Đó là lúc chúng tôi thất vọng, nghĩ sẽ không bao giờ còn được làm công việc suốt cuộc đời mình và ông cha mình đã gắn bó. Nhưng rồi biển đã hồi sinh, đã trở lại là nơi mưu sinh cho người dân làng tôi. Những chuyến đi biển đều đặn hơn. Thậm chí, nhiều gia đình đã chuyển đổi tàu công suất nhỏ sang công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Chỉ cần biển lặng thôi, ra khơi lúc nào về cũng có tôm, có cá. Hải sản Kỳ Xuân thơm ngon, có giá, đánh bắt dễ dàng nên người dân làng tôi đang và sẽ sống khỏe với biển…”.

Kỳ Xuân với những đặc sản ngon nổi tiếng giờ đây còn trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. Những bãi đá tưởng chừng như vật cản lại trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Hải sản của làng chài đá đánh bắt không đủ để cung cấp cho các nhà hàng sở tại, chính vì thế, ngư dân không còn phải vất vả trong tiêu thụ nguồn lợi đánh bắt nữa.

Với lợi thế bãi biển đẹp, độc đáo, Kỳ Xuân sẽ được xây dựng thành khu đô thị ven biển trong tương lai. Ảnh tư liệu

Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân Nguyễn Thành Chung cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình hoàn thành đề án xây dựng Kỳ Xuân thành khu đô thị ven biển của tỉnh. Trong đó, nội dung rất được quan tâm là phát triển bền vững nghề cá truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, với những ưu thế độc đáo riêng biệt của những làng chài nơi đây, dự án còn hướng tới xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm. Mô hình này không chỉ giúp du khách có những khám phá thú vị đối với công việc đánh bắt hải sản khi đến với biển Kỳ Xuân mà còn giúp ngư dân có thêm thu nhập song hành cùng nghề cá”.

Đến Kỳ Xuân trong một ngày đầu xuân Canh Tý, lắng nghe những câu chuyện thăng trầm của nghề đi biển, ngắm nhìn hình ảnh phối cảnh quy hoạch khu đô thị ven biển, tôi như nghe muôn lớp sóng đang vỗ vào lòng mình những thanh âm đẹp đẽ nhất của tình yêu quê hương, đất nước.

Thiên Vỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét