Chánh điện của chùa được xây dựng trên nền đất cao ráo, bên trong là pho tượng Phật ngồi uy nghi trên đài sen, trên vách tường là những bức bích họa lộng lẫy vẽ cuộc đời đức Phật. Không gian xung quanh thật thanh tịnh.
Chùa SêRây KroSăng (Cà Săng) tọa lạc tại TX. Vĩnh Châu. Ảnh: Pon Lư
Đối diện cổng chùa là dãy nhà Sala, bên trên nóc có gắn biểu tượng hình người ngư dân cầm bánh lái tàu ngó ra hướng biển. Qua biểu tượng này cho ta thấy ngôi chùa Cà Săng không chỉ là một trung tâm văn hóa, tôn giáo của người Khmer quanh vùng mà thông qua ngôi chùa còn biết về đặc trưng văn hóa của vùng đất này. Đó là lễ cúng biển (Chrôi rum check) được tổ chức hàng năm vào ngày 14, 15 (âm lịch). Đây là một lễ hội đã có từ lâu đời và chỉ có ở vùng đất Vĩnh Châu, nơi bà con sống chủ yếu bằng nghề đi biển và trồng trọt.
Người xưa kể lại cách đây lâu lắm rồi, Chrôi rum check là một sóc nhỏ có nhiều người sống bằng nghề trồng rẫy và chài lưới ven biển. Lễ cúng biển (còn gọi là Phước biển) là nhằm để tạ ơn biển cả đã ban cho con người nguồn hải sản quý giá và nguyện cầu cho người đi biển được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm, đồng thời để tưởng niệm những người đi biển không may bị nạn “không về”.
Ông Tà Hu, một nhà sư người Khmer đã dựng một ngôi tháp trên giồng đất cao hướng ra biển gần chùa Cà Săng, thuộc ấp Đôn Chếck, Vĩnh Châu để mọi người trong sóc đến thắp hương tưởng niệm người đã khuất. Ông chọn ngày rằm tháng hai âm lịch (nhằm rằm tháng 11 của người Khmer) là ngày lập đàn làm phước, vì thời điểm này là lúc trời yên, biển lặng, ghe thuyền của ngư dân nào trở về cũng đầy ắp cá tôm.
Làng quê biển Chrôi rum check giờ đây đã nhiều đổi mới, thôn xóm mở rộng hơn xưa hướng về phía biển, và từ lúc nào lễ Phước biển trở thành một phong tục của người dân Khmer Vĩnh Châu. Ngôi tháp xưa giờ không còn nguyên vẹn nữa nhưng dấu vết còn lại như để hàng ngày, hàng giờ đánh thức lòng người dân biển nhớ về tổ tiên đã khai sáng nghề biển cho họ.
Lê Trúc Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét