27 thg 4, 2019

Gác Trịnh – Một chốn lui về

Ghé Gác Trịnh một buổi trưa chớm hạ, những vị khách lạ ngỡ ngàng khi căn gác cũ mà lại sáng bừng. Nơi ấy như chất chứa một miền thương cho một chốn lui về của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Gác Trịnh là căn phòng ở tầng 2, số 203/19 dãy nhà C khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Huế. Đây là nơi 9 người gia đình Trịnh Công Sơn từng sống từ năm 1962 cho đến khi chuyển vào Nam.


Căn gác ấy vẫn được nhiều người nhắc nhớ về những tháng ngày đầy tiếng cười, tiếng đàn hát của những chàng trai, cô gái trẻ.

Năm 2013, với niềm yêu mến dành cho cố nhạc sĩ tài hoa của xứ Huế, một nhóm nghệ sĩ yêu mến Trịnh Công Sơn đã thuê lại ngôi nhà này, mở quán cà phê nhẹ nhàng, đặt tên là Gác Trịnh. Đến năm 2015, quán đóng cửa.
Mãi tận tháng 5.2018, những người yêu mến nhạc Trịnh mới thấy căn gác nhỏ trên con đường Nguyễn Trường Tộ đón khách trở lại.

Gác xếp nhỏ cuối căn nhà là nơi nhiều người tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Dòng giới thiệu về nơi này được viết ngắn gọn: “Gác Trịnh - Căn nhà của những gã lang thang, nơi Trịnh Công Sơn đã từng sống và sáng tác, cũng là nơi của những văn nghệ sĩ tên tuổi như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Ý, Khánh Ly, Lữ Quỳnh,... đã từng trú ngụ”.
Lặng lẽ và giản dị như chính những gì Trịnh để lại cho đời, căn gác trở thành nơi lui về của những người trẻ, người già. Người yêu nhạc Trịnh hay chỉ mới nghe vài câu ca “Diễm xưa” cũng tìm đến căn gác này ngồi, ngắm nhìn.

Có người tự hỏi, sao giữa căn gác nhỏ ấy Trịnh lại viết nên những bài ca bất hủ. Có người đến hát những bài hát của Trịnh, như tặng cho mình, như hát cho Trịnh nghe.
Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm – người ngày ngày chăm chút cho căn gác ấy nở nụ cười hiền hoà mỗi khi có vị khách lạ ghé thăm.
Ông Lâm kể, căn nhà này khi mở cửa lại đã được sơn sửa đôi chút, riêng căn gác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ở vẫn được giữ lại nguyên vẹn.

Từng góc trong căn nhà nay đã thay đổi ít nhiều để tiện phục vụ khách ghé thăm. Chỉ có những bức ảnh là như sống mãi với thời gian.

Những vị khách vẫn như thấy một Trịnh Công Sơn ôm cây đàn với niềm mê say hay nụ cười hiền hoà của ông bên những người bạn tri kỉ.

Còn với ông Lâm, niềm vui của người mỗi ngày cố gắng giữ chút Trịnh giữa lòng xứ Huế là ngồi ở căn gác ấy, ngắm nhìn những vị khách ghé thăm và dành một niềm thương mến cho Trịnh.




Giữa trưa mùa hạ, đôi bạn trẻ hỏi mượn cây đàn, đôi mắt nhà thơ sáng lên niềm hân hoan. Người con trai ngồi ở hàng lang buông tiếng đàn, cô gái khe khẽ ngân nga hát cho nhau nghe về cơn “Mưa hồng”. Cuộc đời dễ thương như những gì Trịnh để lại cho đời.

THUỲ TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét