12 thg 11, 2018

Về miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long

Với hệ thống sông rạch chằng chịt, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vườn trái cây trĩu quả, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là điểm đến ưa thích của khách quốc tế trong hành trình khám phá sông nước miệt vườn, môi trường sinh thái và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc. 

Thủ phủ trái cây của Việt Nam
 


Là vùng thuộc hạ lưu sông Mê Kông nên ĐBSCL có địa hình sông ngòi chằng chịt. Phù sa sông Mê Kông là nguồn dinh dưỡng chính cho cây trồng, cùng với khí hậu ôn hòa quanh năm là điều kiện rất thích hợp để hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái. Chính những yếu tố tuyệt vời này đã biến ĐBSCL trở thành vựa trái cây lớn nhất nước với nhiều loại như: Chôm chôm, xoài, sầu riêng, nhãn, ổi, xoài, cam, mận…

Có thể kể ra một số vườn trái cây đặc trưng ở vùng ĐBSCL đã làm nên tên tuổi, nổi tiếng xa gần như: vườn trái cây Cái Bè, Vĩnh Kim, Chợ Gạo (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre), Cù lao An Bình (Vĩnh Long), Mỹ Khánh (Cần Thơ)…

Vườn Quýt ở Lai Vung Đồng Tháp. Ảnh Đặng Kim Phương

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - nơi mua bán, trao đổi trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Chính 

Vựa trái thơm (dứa) ở Tiền Giang. Ảnh: Nguyễn Luân

Dưa lưới trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP ở Bến Tre. Ảnh: Đặng Kim Phương

Vườn mận ở Cần Thơ. Ảnh: Đặng Kim Phương

Những trái cây đặc sản vùng sông nước phục vụ du khách. Ảnh: Đặng Kim Phương 

Ngoài mang lại giá trị kinh tế nông nghiệp thì hiện nay mô hình làm vườn kết hợp với du lịch cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, vừa mang lại một loại hình du lịch đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước.

ĐBSCL có tổng diện tích vườn cây ăn trái khoảng 300 nghìn ha (chiếm 37,5% tổng diện tích trồng cây ăn trái cả nước) với tổng sản lượng khoảng 3.8 triệu tấn/năm, chiếm hơn 70% sản lượng trái cây cả nước. Một số địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn như: Tiền Giang có hơn 80 nghìn ha, Bến Tre hơn 27 nghìn ha, Đồng Tháp hơn 25 nghìn ha, Cần Thơ hơn 17 nghìn ha…


(Theo số liệu thống kê của
Viện Cây ăn quả Miền Nam)
Hệ thống sông ngòi đa dạng và lối sinh hoạt và buôn bán trên ghe, dưới thuyền, từ đó cũng hình thành những chợ nổi trên sông vùng ĐBSCL như: Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Năm (Sóc Trăng), Phụng Hiệp (Hậu Giang)...

Người dân vùng sông nước vùng ĐBSCL hiếu khách, nhiệt tình, hào sảng chính là yếu tố quan trọng thu hút du khách gần xa đến trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa sông nước hữu tình.

Việc làm nông nghiệp kết hợp với du lịch miệt vườn và gắn với các di tích lịch sử, văn hóa đang là mô hình hoạt động nổi bật của nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL. Đơn cử như ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Long An… với những tuyến du lịch khám phá miệt vườn, sống chung và hóa thân thành người nông dân Nam bộ đã trở thành một hướng du lịch độc đáo của vùng ĐBSCL.

Tour trải nghiệm miệt vườn đôi bờ sông Tiền

Từ Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi đi xe khách xuống Tp. Mỹ Tho theo chân các du khách của công ty Du lịch sinh thái Mỹ Tho đi khám phá cồn Thới Sơn (còn gọi là Cù lao Thới Sơn) một trong bốn cù lao nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.

Chiếc đò được trang trí đẹp mắt chở chúng tôi lướt trên sông Tiền, có đầy đủ các phương tiện cứu hộ. Xa xa, cồn Thới Sơn hiện lên xanh ngắt một màu đặc trưng của những vườn cây ăn trái bạt ngàn.

Bước lên Cồn, chúng tôi được trải nghiệm uống trà mật ong và ăn chôm chôm, nhãn, chuối cao, saboche… Sau đó, chúng tôi đi thăm thú vườn trái cây và tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống của người dân như: làm kẹo dừa, làm bánh tráng, nghề đan lát, dệt chiếu, chế biến socola từ trái cacao...

Du lịch xanh hòa cùng thiên nhiên của du khách khi nghỉ dưỡng tại Tiền Giang. Ảnh: Nguyễn Luân

Trải nghiệm cảm giác mạnh của du khách nước ngoài khi đên miệt vườn. Ảnh: Đặng Kim Phương

Cá lóc nướng đặc sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long mùa nước nổi. Ảnh: Đặng Kim Phương

Đặc sản mật ong Hoa Nhãn ở Tiền Giang. Ảnh: Nguyễn Luân 

Du khách thưởng thức bánh tráng nóng và trải nghiệm với nghề khi đến du lịch Bến Tre. Ảnh: Đặng Kim Phương 

Những trò chơi vận động như chèo xuồng ba lá, tát cá dưới ao, chinh phục cầu khỉ... tạo nên một không khí huyên náo khác thường ở vùng miệt vườn.

“Với 3 khu vực phát triển du lịch gồm Cù lao Thới Sơn, thị trấn Cái Bè, biển Tân Thành đã thu hút nhiều du khách đến với Tiền Giang. Trung bình mỗi năm Tiền Giang đón trên 1.5 triệu lượt khách; riêng năm 2017 đã thu hút 1,8 triệu lượt khách, trong đó có 735 ngàn lượt du khách quốc tế”.


(Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc
sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang)
Sau thời gian vận động, chúng ghé vào quán nước nghỉ ngơi, ngồi uống nước dừa, thưởng thức Đàn ca tài tử - một món ăn tinh thần đặc trưng không thể thiếu của người dân Nam bộ.

Vì muốn khám phá thêm cuộc sống của ngươi dân nên hôm sau chúng tôi di chuyển qua Cù lao Tân Phong thuộc huyện Cái Bè. Nơi đây nổi tiếng với những vườn chôm chôm tươi tốt cùng những khu resort sang trọng hướng đến phục vụ cho du khách nước ngoài.

Vừa bước vào khu resort Mekong Ecolodge thì gặp gia đình ông Ronal Van Den Berg đến từ Hà Lan chuẩn bị đạp xe đi khám phá cù lao này. Đi theo đoàn gia đình người Hà Lan, chúng tôi đi ăn sáng ở những quán ven đường trước khi vào nhà người dân tìm hiểu về cuộc sống, công việc của họ.

Một góc khu du lịch Lan Vương (Bến Tre). Ảnh: Nguyễn Luân 

Trải nghiệm mùa hè của nhóm học sinh khi đến Bến Tre. Ảnh: Đặng Kim Phương

Du khách trải nghiệm loại hình đi ròng rọc trên sông nước. Ảnh: Nguyễn Luân

Trải nghiệm làm chả cuốn của du khách quốc tế khi tham quan miệt vườn Bến Tre. Ảnh: Đặng Kim Phương

Du khách thưởng thức Đờn ca Tài tử, một nét văn hóa của miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân 

Nơi nghỉ dưỡng của du khách tại Tiền Giang. Ảnh: Đặng Kim Phương

Resort MeKong Ecolodge được thiết kế tranh lá nằm ở giữa không gian xanh được khách du lịch ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Luân

Hồ bơi dành cho du khách ở nhà vườn Năm Hiền, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Luân 

Sau đó, chúng tôi lại lên đò theo con sông Cái Bè ngắm những khu chợ nổi, tìm hiểu về các hoạt động của người dân địa phương.

Trước giờ ăn tối, các thành viên trong gia đình ông Ronal Van Den Berg được nhân viên của Mekong Ecolodge hướng dẫn làm món bánh xèo. Có thể nói, đây là món ăn đặc trưng khoái khẩu của người miền Tây mà bất kỳ du khách nào nào cũng muốn tập làm thử. Các thành viên trong gia đình ông Ronal Van Den Berg rất thích thú khi được học rồi thực hành, tự làm ra những chiếc bánh xèo thơm ngon, vàng rộm.

Buổi tối, gia đình ông Van Den Berg ở trong căn nhà lá rất đầy đủ tiện nghi ở giữa vườn trái cây chôm chôm đang vô mùa trái chín đỏ. Sáng dậy, bọn trẻ nhà ông Van Den Berg tự do hái chôm chôm và thưởng thức những trái cây chín đỏ.

Ông Van Den Berg cho chúng tôi biết, ông đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và rất ấn tượng với vùng đất và con người vùng ĐBSCL. Trước khi chia tay, Van Den Berg nói với chúng tôi rằng, gia đình ông sẽ trở lại Việt Nam và khám phá các địa danh du lịch miệt vườn trong khu vực ĐBSCL vào một dịp khác.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang (tháng 8/2018) có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh đã thống nhất và lên kế hoạch ưu tiên mời gọi đầu tư trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, thương mai - dịch vụ, công nghiệp chế biến - phụ trợ… Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã nhấn mạnh ưu tiên phát triển chuỗi khách sạn cao cấp, các điểm du lịch và mạng lưới các bến tàu, thúc đẩy dịch vụ du thuyền, tàu cao tốc.


Bài: Sơn Nghĩa
Ảnh: Trọng Chính - Đặng Kim Phương - Nguyễn Luân và Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét