3 thg 7, 2014

Non thiêng Yên Tử

Trong dòng chảy lịch sử hơn 2000 năm của Phật giáo Việt Nam, danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo của người Việt. Và mảnh đất “địa linh” này chính là “kinh đô” Phật giáo của nước Đại Việt xưa. Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa và lịch sử, Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới...

Về miền cõi Phật

Vào một ngày đầu tháng Năm, khi tiết trời đầu hạ bắt đầu rực vàng ánh nắng, chúng tôi hành hương về miền cõi Phật trên đỉnh non cao Yên Tử ở Quảng Ninh, nơi cách đây hơn 700 năm, vua Trần Nhân Tông từ giã chốn cung vàng điện ngọc lên núi sống kiếp khổ hạnh tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đặc sắc văn hóa Phật giáo của người Việt.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử bao gồm 03 cụm chính:

  • Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên tử (Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)
  • Khu Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
  • Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử (huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang).
Ngược dòng thời gian, sử cũ chép rằng, vào một ngày cuối năm năm 1299, Trần Nhân Tông từ bỏ hoàng cung lên núi Yên Tử xuất gia, tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh). Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một vị Thái thượng hoàng sau hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông xâm lược, đã từ bỏ đời sống vương giả nơi chốn hoàng cung để vào rừng sâu núi thẳm, sống đời khổ hạnh để xuất gia tu hành, một lòng trung trinh hướng Phật, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, người đời sau cung kính gọi là “Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

Hàng năm, từ ngày mồng 10 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, hàng vạn du khách thập phương hành hương về đây dự Lễ hội Yên Tử để tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, chiêm bái lễ Phật và vãn cảnh mùa xuân.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và là Trụ trì chùa Đồng - Yên Tử, ngay từ buổi đầu khai sơn, ngoài việc chăm lo tu tập, nghiên cứu giáo lý để hoằng dương Phật pháp, Phật hoàng Trần Nhân Tông còn cho xây dựng tại Yên Tử một hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo gồm nhiều chùa, am, tháp có giá trị kiến trúc, nghệ thuật đặc biệt như: chùa Đồng, chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, vườn tháp Huệ Quang, vườn tháp Hòn Ngọc…

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tham thiền nhập định giữa bao la hùng vĩ của núi rừng Yên Tử. Tượng có trọng lượng 138 tấn, là pho tượng đồng nguyên khối trên núi lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Trọng Chính

Chùa Đồng trên đỉnh linh sơn Yên Tử (cao 1.068m so với mực nước biển), ngôi chùa độc đáo có một không hai đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là “Ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Chùa Đồng khởi dựng vào thời Hậu Lê (TK XV), được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, cao 3m, rộng 12m2 và nặng 60 tấn. Ảnh: Hoàng Hà

Đại đức Thích Vân Phong chủ trì một buổi lễ ở chùa Đồng. Ảnh: Hoàng Hà

Đại đức Thích Khai Thiện ở chùa Đồng trước khung cảnh đậm chất thiền trên đỉnh “non thiêng” Yên Tử. Ảnh: Hoàng Hà

Chùa Hoa Yên, xây dựng từ thời Lý (TK XI) được coi là ngôi chùa chính trong hệ thống chùa tại Yên Tử. Ảnh: Trọng Chính

Chùa Một Mái nép mình bên sườn núi ở vị trí cao giữa lưng trời, một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại chỉ có một phần mái phô ra bên ngoài đúng như tên gọi của chùa. Ảnh: Trọng Chính

Bộ tượng trong chùa Một Mái được chế tác từ nguyên liệu đá trắng, kích thước trung bình khoảng 34 - 62cm, có niên đại vào khoảng thời Lê, đầu Nguyễn. Ảnh: Hoàng Hà

Dấu tích một ngôi chùa cổ của thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử. Ảnh: Trọng Chính

Một dấu tích trang trí hình hoa sen bằng gạch nung mang dấu ấn của thiền phái Trúc Lâm ở tháp Thiền Định - Yên Tử. Ảnh: Hoàng Hà

Dấu tích trang trí hình hổ phù ở tháp Thiền Định - Yên Tử. Ảnh: Hoàng Hà

Các họa tiết trang trí tinh xảo trên một chân cột ở tháp Thiền Định - Yên Tử. Ảnh: Hoàng Hà

Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, giữa một vùng đồi núi trập trùng, kỳ vĩ, danh sơn Yên Tử vẫn còn lưu giữ cả một kho tàng văn hóa Phật giáo đồ sộ của người Việt cách đây hơn 700 năm, với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng nghìn di vật cổ quý giá chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng vô giá của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng thời Đại Việt (TK 13 - 15).

Điểm đến đầu tiên của đoàn hành hương chúng tôi là suối Giải Oan. Nơi tương truyền có rất nhiều cung tần mỹ nữ đã buồn phiền gieo mình tự vẫn vì không khuyên giải được vua Trần Nhân Tông từ bỏ cõi tu trở về hoàng cung. Thương cảm trước cảnh ngộ, nhà vua đã cho lập một ngôi chùa để siêu độ giải oan, nên con suối có tên Giải Oan từ đó.

Tiếp tục lên cao chừng hơn 500m, đi dọc theo con đường rợp bóng tùng xanh là đến vườn tháp Huệ Quang, nơi có ngôi tháp Tổ Trần Nhân Tông, bên trong đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cao 62cm, bằng chất liệu đá cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư đang ngồi thiền định.

Tiếp đến là chùa Hoa Yên, xây dựng từ thời Lý (TK XI). Phía trên chùa Hoa Yên hai bên tả hữu có thác Bạc, thác Vàng quanh năm tuôn trào dòng nước mát thanh khiết của núi rừng. Cứ thế leo tiếp lên cao theo từng bậc đá là một chuỗi các ngôi chùa với nhiều dấu tích đã được sử sách ghi chép. Và cuối cùng, trên đỉnh Yên Tử, nơi có độ cao 1.068m so với mực nước biển là chùa Đồng, ngôi chùa độc đáo có một không hai đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là “Ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”.

Chùa Đồng được khởi dựng vào thời Hậu Lê (TK XV). Chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, cao 3m, rộng 12m2 và nặng 60 tấn. Nếu đi bằng đường bộ, đường lên đến chùa Đồng khá cheo leo, hiểm trở, phải mất 5-6 tiếng đồng hồ mới lên được tới nơi.

Dọc đường đi, chúng tôi tình cờ gặp nhà sư Danh ĐaRa, trụ trì chùa Sareyvonsa ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước vừa lên núi vãn cảnh chùa Đồng xuống. Nhà sư tâm sự: “Lên tới đỉnh non cao muôn trượng, được tận mắt thấy chốn Phật hoàng tu hành năm xưa mới thấy cái đức, chí và tâm của Ngài cao cả và vĩ đại biết đến nhường nào”.

Bóng chiều dần buông trên đỉnh non thiêng Yên Tử. Ánh hoàng hôn như một vầng hào quang tỏa xuống, chiếu rọi lên pho bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tham thiền nhập định tĩnh tại uy nghiêm giữa cái bao la hùng vĩ của núi rừng. Và trong khung cảnh ấy, giữa tiếng gió ngàn reo vi vút, tiếng mõ chiều vang vọng giữa thinh không và mùi hương trầm thoảng đưa trong gió khiến cho lòng người lữ khách lên non vãn cảnh chùa bỗng thấy phiêu diêu như lạc vào cõi Phật, về với miền vô ngã, vô ưu, không còn lo toan, phiền muộn. Âu đó cũng là cái duyên của kẻ phàm trần khi được về với cõi Phật trên miền non xanh Trúc Lâm – Yên Tử.

Lên đỉnh Phù Vân

Đặt chân lên đỉnh “non thiêng” Yên Tử và chậm rãi từng bước chân theo những bậc đá chênh vênh phủ bóng rêu xanh vì sương gió, chúng tôi và những người hành hương đi lễ không khỏi bị choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ của thiên nhiên đất trời nơi đây. 

«
     Rừng Yên Tử có hệ động thực vật phong phú với 981 loài. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được 38 loài thực vật, 23 loài động vật đặc hữu quý hiếm. Tiêu biểu như táu mật, lim xanh, lát hoa, thông tre, tùng la hán, vù hương, kim giao, bình vôi, ngũ gia bì, ba kích, dây đau lưng, voọc mũi hếch, sóc bay lớn, ếch ang...

» 
Từ độ cao 1.068m so với mực nước biển này, phóng tầm mắt ra xa là cả một vùng Đông Bắc rộng lớn. Phía dưới là cả một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng mênh mông ẩn chìm trong làn mây trắng bềnh bồng nhẹ trôi theo các sườn núi, khiến lòng người cảm thấy nhẹ nhàng, phiêu diêu như đang ở chốn thần tiên.

Xưa kia, Yên Tử được biết đến với tên gọi Bạch Vân Sơn, bởi đỉnh núi quanh năm mây trắng bao phủ. Và có lẽ cũng vì thế mà có người còn gọi là đỉnh Phù Vân, tức đỉnh “mây nổi”.

Đường đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh Yên Tử dài khoảng 6000m, đường núi quanh co, hiểm trở, đi liên tục theo hàng nghìn bậc đá len lỏi qua các cánh rừng hoang sơ phải mất khoảng 6 giờ liền mới lên được đến nơi. Hai bên đường đi, thỉnh thoảng lại hiện lên những vạt rừng trúc xanh mướt, ngả nghiêng lao xao trong gió ngàn. Trúc là loài cây độc đáo của Yên Tử, thân mọc thẳng tắp tượng trưng cho sức sống dẻo dai và vẻ đẹp thanh cao, tao nhã. Có lẽ vì thế mà xưa kia Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên Trúc Lâm, tức “rừng trúc”, để đặt tên cho dòng Thiền của mình.

Ngoài trúc, Yên Tử còn có con đường tùng rất nổi tiếng. Dọc đường đi, đoạn từ am Lò Rèn lên khoảng 200m, hơn 200 cây tùng cổ thụ có độ tuổi chừng 700 năm, tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành, vươn cao sừng sững giữa trời, thân cành rắn chắc nhuốm màu phong sương, cành là sum sê xanh ngắt một màu như tỏa ra linh khí của đất trời non thiêng để tiếp sức du khách trên hành trình lên non về miền cõi Phật.

Với hệ thống cáp treo Yên Tử, từ trên cao, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan Yên Tử với những công trình chùa, am, tháp cổ kính nằm thấp thoáng ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh xanh ngút ngàn. Ảnh: Trọng Chính

Hai bên đường đi bộ lên chùa Đồng là những vạt rừng trúc xanh mướt, đây là loài cây độc đáo của Yên Tử, có lẽ vì thế mà xưa kia Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lấy tên Trúc Lâm, tức “rừng trúc”, để đặt tên cho dòng Thiền của mình. Ảnh: Trọng Chính

Khu vườn tháp chùa Vân Tiêu nằm giữa vùng đồi núi Yên Tử. Ảnh: Trọng Chính

Đường lên Yên Tử có con đường tùng rất nổi tiếng với những cây tùng cổ thủ chừng 700 năm tuổi, tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành. Ảnh: Trọng Chính

Hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng Giêng (âm lịch) và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, hàng vạn du khách hành hương về dự Lễ hội Yên Tử để tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, chiêm bái lễ Phật và vãn cảnh mùa xuân. Ảnh: Trang Linh

Một trong 03 cây đại cổ thụ trên 700 tuổi do Tam Tổ Trúc Lâm vun trồng ở chùa Hoa Yên. Ảnh: Trọng Chính

Chùa Vân Tiêu (có nghĩa là "trên mây") nằm ở độ cao giữa núi Yên Tử. Ảnh: Trọng Chính

Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng. Đây là dãy núi thấp, được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp đã kiến tạo nên nơi đây nhiều cảnh quan thiên nhiền kỳ thú, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Rừng Quốc gia Yên Tử. Rừng Quốc gia Yên Tử có tổng diện tích gần 2.800ha, tuy không lớn nhưng nơi đây lại gắn liền với di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử và còn là nơi bảo tồn nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như thủy tùng (gỗ trắng), thanh tùng (gỗ xanh), xích tùng (gỗ đỏ), trúc, mai vàng và nhiều loại cây thuốc nam quý hiếm như ba kích, trầm hương, bình vôi, hoa đầu, hoàng đằng, đẳng sâm, câu tích, thổ phục linh...

Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, hiện Ban Quản lý đang thực hiện dự án khoanh nuôi, bảo vệ và bảo tồn rừng một cách nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn động thực vật quý hiếm, nhằm bảo tồn nguồn gen, phục vụ nghiên cứu khoa học.

Chỉ trong vòng một thập kỷ qua, Yên Tử đã được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó phải kể đến hệ thống cáp treo Yên Tử được thiết kế tinh tế, hài hoà với cảnh quan môi trường xung quanh để phục vụ du khách đến tham quan.

Với hệ thống cáp treo này, từ trên cao, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan Yên Tử với những công trình chùa, am, tháp cổ kính nằm thấp thoáng ẩn mình u tịch trong những khu rừng tùng, rừng trúc và những cánh rừng nguyên sinh xanh ngút ngàn giữa đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ, để được hòa mình vào với thiên nhiên và cảm nhận được khí thiêng sông núi nơi miền cõi Phật an lành, thanh tịnh. 

Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Trang Linh, Trọng Chính, Hoàng Hà & Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét