31 thg 7, 2014

Huế xưa trong Ngự Lãm Viên

Trong một góc nhỏ ở quận 9, có một khuôn viên độc đáo với sông Hương thơ mộng, Hoàng thành, chùa Thiên Mụ cổ kính, hay Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng... được tái tạo theo đúng kiến trúc của cố đô Huế theo tỉ lệ 1/700. Đó là Ngự Lãm Viên, công trình tâm huyết của anh Nguyễn Thanh Tùng, một người con xứ Huế xa quê.

Chỉ sống ở Huế trong 5 năm tuổi thơ nhưng vẻ đẹp của cố đô Huế đã in sâu trong tâm hồn anh Nguyễn Thanh Tùng. Ý tưởng phục dựng một cố đô Huế cổ kính mà thanh tịnh, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất từng là kinh thành của nhà Nguyễn suốt gần 4 thế kỷ đã được anh ấp ủ từ những ký ức đẹp này.

Với nguyên liệu xây dựng Ngự Lãm Viên là đá xay nhuyễn, trộn thêm xi măng để kết dính, sau 5 năm xây dựng Ngự Lãm Viên hoàn thiện vào năm 2007. Từ đó đến nay, đã có hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan đều không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi có chung cảm giác cố đô Huế cổ kính như đang hiện ra trước mắt. Đó là những đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát ở Ngự Lãm Viên qua việc tái hiện Hoàng thành Huế, cung Thái Hòa, Ngọ Môn, cung Trường Sanh, Lăng Tự Đức... 

Ấn tượng lớn nhất của Ngự Lãm Viên là sự tái hiện chân thực, tỉ mỉ, tinh tế các công trình trọng yếu của cố đô Huế.


Cố đô Huế cổ kính mà thanh tịnh, được tái hiện ở Ngự Lãm Viên theo đúng kiến trúc và tỉ lệ 1/70.

Hoàng Thành, vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế được tái hiện ở Ngự Lãm Viên.

Mô phỏng Cửa Chương Đức.

Tái hiện vườn Cơ Hạ trong Hoàng Thành Huế, do vua Thiệu Trị lập nên vào năm 1843. 

Mô phỏng Lăng Gia Long.

Ngự Lãm Viên được tái tạo theo đúng kiến trúc của cố đô Huế với nguyên liệu xây dựng là đá xay nhuyễn, trộn thêm xi măng để kết dính.

Mô phỏng các khẩu đại bác bảo vệ kinh thành Huế. 

Ngự Lãm Viên với kiến trúc cố đô Huế thu nhỏ cũng có hướng quay mặt về hướng Nam như ở kinh thành. Hình ảnh cố đô được tái hiện khi được bao bọc bởi dòng sông Hương thơ mộng, có núi Ngự Bình và hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương (Cồn Hến và Cồn Dã Viên) trong thế rồng chầu - hổ phục (tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ) án ngữ bảo vệ cố đô. Ấn tượng lớn nhất của Ngự Lãm Viên là tái hiện chân thực, tỉ mỉ, tinh tế các công trình trọng yếu của cố đô Huế, nhất là Hoàng thành và Tử cấm thành. Cả ba tòa thành là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành được giới hạn bởi 3 vòng ngoài lớn, trong nhỏ, bố trí trên một trục chính giữa cố đô theo hướng Bắc - Nam tạo điểm nhấn cho lối kiến trúc độc đáo biểu thị của quyền uy tối thượng.

Gắn bó với Huế, lại tạo dựng một công trình công phu như Ngự Lãm Viên, anh Nguyễn Thanh Tùng còn có sự am hiểu về Huế như một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế thực thụ. Khách đến tham quan được đích thân anh thuyết minh từng chi tiết nhỏ trong Ngự Lãm Viên, nơi mỗi viên gạch trong khu vườn này đều chứa đựng những hoa văn mang đậm nét văn hóa Huế. Thăm Ngự Lãm Viên, anh tùng giới thiệu với chúng tôi về công trình mô phỏng Kinh thành Huế, nơi có 8 cửa án ngữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc được thiết kế theo lối kiến trúc phòng thủ và tấn công (VAUBAM). Ngọ môn vừa là cổng chính vừa là bộ mặt của Ðại Nội có 5 cửa, 9 mái và 100 cái cột tượng trưng cho sự trường cửu, tròn đầy. Bên trong Kinh thành Huế là Hoàng thành và Tử Cấm thành, được gọi chung là Đại nội. Riêng Hoàng thành có chức năng bảo vệ cung điện, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử cấm thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Bên trong đại nội ngoài việc tái hiện nguyên mẫu thực các cung điện còn có Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Triệu Tổ Miếu… Tất cả đều giữ nghiêm trật tự trên, dưới, trước, sau như thực tế.

Xuôi dòng Hương Giang mô phỏng vắt ngang Kinh thành Huế, chúng tôi tiếp tục được thưởng lãm những công trình mô phỏng bên ngoài kinh thành Huế như cầu Trường Tiền, bến Vân Lâu, đình Thương Bạc, chùa Thiên Mụ và điện Hòn Chén. Ai cũng cảm nhận được những nét kiến trúc rất thật mà vẫn đầy chất thơ cùng với vẻ uy nghi, tráng lệ. Đặc biệt, một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã cho rằng, thành công nhất của Ngự Lãm Viên chính là sự tái hiện một số công trình bị chiến tranh tàn phá.

Mô phỏng hình ảnh Cố đô Huế được bao bọc bởi dòng sông Hương thơ mộng.

Mô phỏng Cầu Trường Tiền bắc qua Sông Hương.

Chùa Thiên Mụ được tái hiện ở Ngự Lãm Viên.

Mô phỏng Lăng Gia Long tựa lưng vào núi Ngự Bình.

Gắn bó với Huế bằng cả tâm hồn, lại tạo dựng một công trình công phu, anh Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp thuyết minh cho các đoàn khách tới thăm Ngự Lãm Viên. 

Theo anh Tùng, Ngự Lãm Viên giúp nhiều người dù biết hay nghe qua nhưng chưa trực tiếp đến Huế sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc và vẻ đẹp của cố đô. Với những ai đến Huế rồi thì qua Ngự Lãm Viên là nơi có thể hình dung di sản thế giới này một cách bao quát hơn. Ngoài những người con xa Huế, khách quốc tế, khách tham quan Ngự Lãm Viên đa phần học sinh, sinh viên đến đây với mục đích tìm hiểu lịch sử văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Nguyễn Minh Đăng, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em chưa một lần đến Huế nhưng nhờ Ngự Lãm Viên, em đã có thêm nhiều hiểu biết về vùng đất cố đô nên thơ này, nhất là những công trình kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xuyên suốt nhiều thế kỷ…”.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét