9 thg 7, 2013

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Nhà văn Sơn Nam sinh ra ở Kiên Giang, sống và chết tại Sài Gòn, yên nghỉ tại nghĩa trang Bình Dương, nhưng nhà lưu niệm Ông thì lại ở... Mỹ Tho!

Ủa, sao kỳ dzậy?

Chính bởi sự "sao kỳ dzậy" ấy mà tôi hơi bất ngờ khi một người bạn của gia đình anh chị Nghị - Hằng, con của nhà văn Sơn Nam, chuyển lời mời đến thăm nhà lưu niệm ông tại Mỹ Tho.

Nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, sát bên bờ kinh Bảo Định, do vợ chồng người trưởng nữ của ông là chị Đào Thúy Hằng và anh Trần Đức Nghị xây dựng nên để tưởng nhớ cha mình. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên 1500 m2, được ra mắt nhân ngày giỗ lần 2 của ông (22/08/2010).

Đến đây, một sự "sao kỳ dzậy" thứ hai xuất hiện: Sơn Nam họ Phạm (Phạm Minh Tày), vậy sao con gái ông lại họ Đào?


Tạm gác 2 cái sao kỳ dzậy ấy sang một bên, ta hãy đến thăm ông già Nam bộ thân thương nơi nhà lưu niệm của ông, bạn nhé.


Toàn cảnh nhà lưu niệm Sơn Nam. Nhà xây theo kiểu nhà cổ Nam bộ, bên cạnh dòng Bảo Định giang, xung quanh là những cây đặc trưng miền Tây Nam bộ như cau, dừa nước, bần... Lối vào lát đá ong, phía trước có phù điêu đá chân dung nhà văn và điêu khắc đá tạc lại thủ bút của ông bài thơ đề từ tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau.

Cùng anh Trần Đức Nghị, con rể của nhà văn bên phù điêu đá chân dung của ông. Tác phẩm này có nét hao hao phù điêu đá chân dung trên mộ Trịnh Công Sơn, điều này không có gì lạ vì cả 2 tác phẩm do cùng một điêu khắc gia tạo nên: anh Nguyễn Sánh, nghệ nhân đá ở Đà Nẵng.

Phiến đá khắc bài thơ Hương rừng Cà Mau với thủ bút của Sơn Nam, bài thơ có 2 câu thơ nổi tiếng, đậm chất Sơn Nam:
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Bàn thờ nhà văn trong gian chính của nhà lưu niệm, đơn sơ mà trang trọng, mộc mạc như chính con người ông

Tượng bán thân nhà văn Sơn Nam


Bên trong nhà lưu niệm trưng bày rất nhiều kỷ vật của nhà văn: những vật dụng thường ngày của ông, tác phẩm của bạn bè vẽ, viết, chạm khắc về ông, những bức ảnh lưu niệm, và dĩ nhiên là không thể thiếu những quyển sách của ông từ xưa đến nay.

Nơi đây còn lưu giữ, trưng bày nhiều thư từ, bút tích của ông. Và đây là một văn bản đặc biệt, nó giải thích cho ta cái sự "sao kỳ dzậy" nêu ở trên. Đây là Giấy xác nhận của nhà văn Sơn Nam gửi Hội Nhà văn Việt Nam: Thời kháng Pháp, ông cưới vợ là bà Đào thị Phán ở Rạch Giá. Trong chiến khu ông bà có 2 người con là Đào Thúy Hằng (1951) và Đào Thúy Nga (1953). Vì ông là người hoạt động cách mạng, nên để che giấu lý lịch, khai sinh 2 người con phải khai là không cha và lấy theo họ mẹ.

Cảnh quan bên ngoài nhà lưu niệm tuyệt đẹp, nên thơ như một bức tranh đồng quê Nam bộ. Bải cỏ được tạo dáng lượn sóng nhấp nhô với những bông hoa vàng li ti khiến ta nhớ tới một tựa sách quen thuộc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Chị Đào Thúy Hằng cho biết khi cha mình đi kháng chiến và lưu lạc ở Sài Gòn, chị cùng mẹ sinh sống ở Mỹ Tho từ năm 1958 đến nay. Khi nhà văn qua đời, chị cùng chồng quyết định mua một mảnh đất ở bên bờ kinh Bảo Định để xây nhà lưu niệm cho cha.

Cùng chị Đào Thúy Hằng, trưởng nữ của nhà văn Sơn Nam ở trước nhà lưu niệm

Nhà lưu niệm Sơn Nam không phải là một công trình của nhà nước, cũng không phải là một khu du lịch. Đây là một nơi do người con của ông dựng nên để tỏ lòng kính yêu người cha thân thương của mình, để ngày ngày khói hương tưởng nhớ, và để những bạn bè thân hữu, những người yêu quý ông già Nam bộ này có thể đến viếng thăm ông. Bởi thế, bạn có thể đến đây một cách thoải mái, tự nhiên, thắp cho ông nén nhang rồi đắm mình vào không gian êm ả của Nam Bộ, vùng đất mà ông đã ôm ấp, dấu yêu và gửi vào đấy tất cả trang sách của đời mình.


Nhà văn Sơn Nam - người con vĩ đại của vùng đất Nam bộ - đã quá khiêm tốn khi tự ví mình là hạt bụi:

Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

khiến cho kẻ hậu sinh quý yêu ông không biết tự ví mình là gì nữa, thôi đành mượn lời ông để bày tỏ lòng kính yêu khi đến nơi này:

Hạt bụi nghiêng mình kính viếng Ông

Phạm Hoài Nhân
6/2013
Ảnh: Hoài Nhân, Đắc Nhân, Minh Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét