Cái bánh chưng nhân hến ấy, có vị ngòn ngọt của hến, thơm thơm của bùn và dĩ nhiên cũng có vị beo béo của nước mỡ lợn, là món ăn được làm trong ngày Tết của những năm tháng còn khó khăn, thiếu thốn.
Tết với người Việt là dịp để sum vầy, dịp để báo ân với tiên tổ về những thành quả trong một năm lao động vất vả của mình. Chính vì thế, mỗi khi Tết đến Xuân về, dù có đi đâu về đâu người ta cũng luôn hướng về gia đình, dòng tộc. Đối với những người xa quê vì nhiều lí do khác nhau nếu không về được, họ vẫn chuẩn bị chu đáo cho gia đình nhỏ của mình một cái Tết truyền thống đúng nghĩa ở chính mảnh đất mình đang sinh sống. Nghĩa là cũng đào, cũng quất, cũng mai... và dĩ nhiên là cũng bánh chưng xanh.
Diễn Châu, nơi có con sông Bùng nổi tiếng quanh co chảy tràn ra biển ấy, những năm 1980 của thế kỷ trước đối với tôi là những ngày khó nhọc. Cái khó nhọc lam lũ ấy đè nặng lên vai của mẹ tôi, để rồi mẹ tôi đã sáng tạo ra cái bánh chưng hến ấy. Nhà tôi đông anh em, và bố mẹ tôi đều làm nghề cày ruộng. Cái xứ đất pha cát quê tôi, một năm chỉ trồng một vụ lúa, cái giống lúa cút hạt nẩy, màu nâu đỏ ấy tuy ăn rất ngọt và thơm nhưng năng suất lại kém. Thu hoạch xong vụ lúa là đất trời sang xuân để sang trồng vụ lạc. Một năm chỉ hai mùa chính vụ như thế cho nên cái nghèo cứ dấm dẳng hết năm này qua năm khác.

Con don (hến) là nguyên liệu để làm nhân bánh chưng khi thịt lợn còn đắt đỏ, quý hiếm. Ảnh: Lê Thắng