Hiển thị các bài đăng có nhãn Trà Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trà Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng

30 thg 5, 2013

Món ngon bông mỏ quạ

Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.

Dĩa bông mỏ quạ xào tỏi. Ảnh: Phương Kiều 

Trong một dịp về thăm chị Ba, tôi đã được chị cho tận hưởng một bữa ngon nhớ đời. Chị rủ tôi ra vườn tìm hái những chiếc đọt và lá mỏ quạ non. Vừa hái, chị vừa chỉ những chiếc lá mỏ quạ hình trái tim màu xanh sậm và nói, đầu lá cong quặp giống chiếc mỏ con quạ nên người ta đặt tên cho nó như vậy.


10 thg 5, 2013

Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh

Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được thiết kế kết hợp kiến trúc truyền thống và hiện đại. Ảnh: Mai Lĩnh 

Trà Vinh là tỉnh duyên hải thuộc đồng bằng sông Cửu Long, giáp tỉnh Sóc Trăng về phía Tây - Tây Nam (có ranh giới là sông Hậu dài hơn 60km), phía Tây - Tây Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và phía Bắc - Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có ranh giới là sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền). Đến Trà Vinh, du khách thường ngạc nhiên trước một rừng cây cổ thụ trong lòng đô thị, cảm nhận được một bầu không khí hết sức trong lành.

Ngoài những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ba Động, ao Bà Om... và chùa chiền Khmer, nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer nằm cạnh ao Bà Om cũng là một điểm đến thú vị.


24 thg 4, 2013

Bánh dứa “Ọm Chiếl” của người Khmer

Bánh dứa còn gọi là bánh rây, là món bánh truyền thống của người Khmer với tên gọi “Ọm Chiếl”, chỉ có nhiều ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, nơi nhiều người Khmer sinh sống. 

Bánh dứa vừa chế biến - Ảnh: Hoài Vũ

Hiện nay nhiều gia đình người Việt cũng làm loại bánh này để ăn và đãi khách. Tuy cách chế biến ở mỗi nơi có khác nhau nhưng nét đặc trưng vẫn là mùi thơm lá dứa và vị béo ngọt của cơm dừa.

Để có được những cái bánh thơm ngon độc đáo, người làm bánh phải trải qua quá trình chuẩn bị công phu và tỉ mẩn, nhất là khâu xay nếp, xào nhân và rây bột. Công đoạn nào cũng đòi hỏi phải khéo tay và nhiều kinh nghiệm.

15 thg 4, 2013

Mùa mưa đến Ba Động hòa mình với thiên nhiên

Người ta thường đến biển để giải tỏa cái nắng nóng trong những ngày hè. Nhưng nếu đến Ba Động trong những ngày mưa, đảm bảo bạn sẽ được hưởng không khí hoang sơ mà gần gũi của một khu rừng đước với nhiều “hải vị” nhớ đời.

Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), là một trong 3 bãi biển nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long (2 bãi kia là Mũi Nai - Hà Tiên, Kiên Giang và Tân Thành - Gò Công, Tiền Giang). Bãi Ba Động trải dài khoảng 50km qua 3 xã Trường Long Hòa, Vân Thành và Đông Hải cùng huyện, nằm giữa hai cửa sông lớn ra biển Đông của dòng Cửu Long là Cung Hầu (tiếp giáp tỉnh Bến Tre) và Định An (tiếp giáp tỉnh Sóc Trăng). Vì là nơi không khí trong lành, phong cảnh hữu tình nên thời Pháp thuộc, Ba Động được chọn làm nơi nghỉ mát cuối tuần của một số quan chức thực dân đến tắm biển và nghỉ ngơi. Ngày nay, mùa hè nóng bức, đến Ba Động đón những ngọn gió hào phóng của biển khơi rồi nhào xuống biển nô đùa thỏa thích có lẽ không gì hấp dẫn bằng. Tắm biển xong, thưởng thức một vài món đặc sản của nhà hàng, rồi ra về là một điều “phí phạm”, nếu như bạn không lên tàu đến rừng đước Long Khánh cách đó khoảng 7km.



3 thg 4, 2013

Trao trảo chiên giòn

Trao trảo là một loài chim thuộc họ chào mào, còn có tên hoành hoạch (hay quành quạch). Trao trảo biết hót, nhưng tiếng hót không mấy thanh tao, sang trọng, đài các như các “nàng” sơn ca, hoàng oanh, họa mi... nên chúng chẳng mấy khi được người chơi chim cho ở trong “lầu son gác tía”, thi đấu tưng bừng như các nàng ca sĩ có “sao” vừa nêu.

Trao trảo chiên giòn. Ảnh: Phương Kiều 

Trao trảo là loài chim được người ta liệt vào loài “phá họai vườn cây ăn trái”, vì chúng rất thích ăn những trái chín treo lủng lẳng trên các cành cây đang trĩu quả, tỏa mùi thơm quyến rũ, như xoài, nhãn, sa-pô-chê, thanh long... Đặc biệt trao trảo rất thích ăn những trái lá cách chín tím bầm. Dù vậy, để săn bắt chúng, người ta không giăng lưới, móc câu hay một phương cách nào khác, ngoài việc dùng cái giọng hót đặc trưng của con trao trảo mồi để quyến dụ chúng. Nếu trúng, một bữa người ta có cả chục con trao trảo mê nghe “ca hát” mà sa vào chốn hiểm nguy.


16 thg 3, 2013

Đặc sản Cầu Kè: Tiết canh dơi sen

Thị trấn huyện Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh không nổi tiếng trên bản đồ du lịch miền Tây nhưng có vài đặc sản khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức như gỏi “xái pấu”, “xái pấu” hầm xương (giò, đùi heo...), “xái pấu” chiên hột vịt...; dừa sáp; bún nước lèo; “xim lo”; đặc biệt là món dơi sen.

Tiết canh dơi sen ở Cầu Kè, Trà Vinh. Ảnh: Cúc Tần 

Đến thị trấn Cầu Kè, hỏi người địa phương thì ai cũng sẽ vui vẻ chỉ đường cho khách đến quán dơi sen dễ dàng. Quán nầy nằm cách trung tâm thị trấn chừng 2 cây số, ở ấp Chông Nô 3 (xã Hòa Tân). Tuy là một quán nhỏ, nhưng thực đơn có đủ một lô “5 món ăn chơi” toàn từ dơi sen: luộc, nướng, khìa, lẩu cháo đậu xanh và gần đây có thêm món mới toanh là tiết canh dơi sen.


11 thg 3, 2013

Lẩu cá chèo bẻo

Một bếp lửa than và chiếc lẩu đậy kín dậy tỏa mùi thơm lừng. Anh bạn chủ nhà giở nắp lẩu ra, khói bốc lên nghi ngút, mùi thơm rõ hơn, kích thích khẩu vị, trong đó là cơm mẻ, cà chua, gia vị và cá chèo bẻo được cắt thành từng thỏi ngụp lặn trong cái lẩu sôi sùng sục. 

Cá chèo bẻo làm sạch để ráo nước, chờ làm lẩu. Ảnh: Thụy Minh 

Anh chủ nhà cho biết, cá chèo bẻo là cá nước mặn, thuộc loại da nhám nên cách chế biến đòi hỏi người làm cá phải có kinh nghiệm trong việc cạo vảy cá. Trước hết, bắc chảo nấu nước sôi để trụng cá. Khi nước sôi, áp dụng theo liều lượng 7 nóng – 3 lạnh để trụng cá vào. Trụng cá xong, để làm sạch da cá, ta phải lấy “cước” loại chùi soong nồi chà nhè nhẹ để vảy da tróc từ từ. Sau đó mổ bụng cắt bỏ nội tạng. Rửa thật sạch cắt từng thỏi, để ráo nước. 


7 thg 3, 2013

Thăm chùa Ông đẹp nhất Trà Vinh

Trong 14 di tích lịch sử văn hóa được Bộ VH-TT& DL xếp hạng ở Trà Vinh, chùa Ông (còn gọi Phước Minh Cung) được coi là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và giàu ấn tượng nghệ thuật nhất vùng đất này. 


Mặt tiền chùa Ông Trà Vinh - Ảnh: travinh.gov.vn

6 thg 2, 2013

Đệ nhất giả sơn Nam kỳ lục tỉnh

Hòn non nhìn từ quốc lộ 54 (ảnh chụp năm 2004). Ảnh: Cúc Tần 

Ở tỉnh Trà Vinh có một hòn non bộ được xây dựng cách đây nửa thế kỷ, từng được báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ phong tặng là “Hòn giả sơn lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh”. 

Hòn non bộ nầy tọa lạc tại ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, cách thị xã Trà Vinh chừng 21 cây số, trên quốc lộ 54. Đến khu vực nầy, hỏi “Hòn non” là người địa phương chỉ dẫn tận tình.



19 thg 1, 2013

Vô chùa thăm cò

Chùa chính tên là Kompong Chrây, nhưng người Khmer gọi là chùa Mông Rầy (nghĩa là cây đa). Cổng chùa giống cái hang nên người Việt gọi là chùa Hang. Trong chùa có nhiều chim cò nên còn gọi là Chùa Cò. Hai Ẩu chỉ post lên đây hình chim cò ở chùa, nên ghi là chùa Cò cho tiện!


16 thg 1, 2013

Ao Bà Om - Trà Vinh

Ao Bà Om thuộc xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nằm dọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 7km.

Gọi là ao, nhưng cái ao này hơi bị lớn! Ao Bà Om gần như hình vuông, mỗi cạnh khoảng 200 met (nên còn gọi là Ao Vuông). Bạn tính coi, như vậy diện tích mặt ao là 200 m x 200 m, bằng 4 ha! Hic, vậy mà kêu là cái ao!



Mặt nước ao Bà Om phẳng lì, chung quanh là những hàng sao, dầu cổ thụ, thật mát mẻ...


10 thg 1, 2013

Trà Vinh, những đêm gió bấc

Hàng chục năm qua, cứ hễ vào những ngày lộng bấc, nhất là vào buổi tối, là tôi lại nhớ tới thị xã nhỏ bé đầy bóng sao dầu cổ thụ Trà Vinh. Tôi nhớ đến căn nhà mái tôn thấp, nằm lọt thỏm dưới hai “con đê” cao là đường Lê Quang Liêm (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Trần Quốc Tuấn (đường số 2). Đó là căn nhà tôi trọ học những năm phổ thông trung học. Cùng với tôi còn có năm ba anh em đồng hương Cầu Kè “ăn cơm tháng” tìm lấy cái chữ cho cuộc đời mình. Vì vậy căn nhà rộn rịp vào ban ngày tuổi trẻ chúng tôi. Nhưng đêm xuống lại thanh vắng bởi mỗi đứa “chiếm ngự” một góc với cuốn tập học bài hoặc cây viết trên tay giải bài toán hay viết bài văn nào đó. Càng vào sâu đêm, sự thanh vắng càng rõ và buồn nhất là trong những đêm gió bấc cuối năm.





Trái quách - vị ngon đất giồng



Rổ trái quách bán bên đường. Ảnh: Phương Kiều

Đi khắp sáu huyện, thành phố của tỉnh Trà Vinh, nơi nào ta cũng bắt gặp những xề trái quách bày bán ven đường. Và, rải rác trong sân nhà giữa hai bên lộ là những cây quách thân ốm yếu, khẳng khiu với những chiếc lá giống lá cần thăng cùng những trái thõng xuống thân cành. Tuy nhiên, Cầu Kè mới là “quê hương" của trái quách xứ biển Trà Vinh.

Trái quách đã có mặt trên đất Trà Vinh từ hơn nửa thế kỷ, nay được trồng nhiều ở huyện Cầu Kè. Quách là loại cây cao khoảng 7-8 mét, lá nhỏ và thân giống như cây cần thăng, trồng khoảng bảy năm thì cho trái. Cây quách già hàng chục tuổi, cho hàng trăm trái. Trồng quách sướng cái là không cần phải trèo lên cây hái. Quách bắt đầu chín thì tự rụng. Dù rơi từ trên cao xuống nhưng quách không giập vỡ vì vừa chớm chín, trái còn rắn.

Dừa sáp - đặc sản giải khát đồng bằng Cửu Long

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, vì cơm dày, mềm, dẻo như sáp. Bọng dừa thường ít hoặc không có nước. Cơm do nước dừa từ từ đặc lại rồi phình ra tạo thành một khối xôm xốp, vị béo và ngọt. 

Dừa sáp là đặc sản của quê hương Trà Vinh, nổi tiếng nhất là tại huyện Cầu Kè. Tương truyền cách nay khoảng 70 năm có một nhà sư người Khmer ở Trà Vinh sang Campuchia tu hành, khi về mang theo giống dừa này trồng tại huyện Cầu Kè và phát triển cho đến ngày nay. Xã Tân Hòa, huyện Cầu Kè, được mệnh danh là "Làng triệu phú dừa sáp" với hơn 100 xã viên hợp tác xã. 


Dừa sáp Cầu Kè. Ảnh: Thiên Lộc.


Các món rươi ở Trà Vinh

Món khô rươi đang được làm thử trước khi sản xuất đại trà. Ảnh: Cát Lộc

Chuyện xưa kể rằng, khi Nguyễn Ánh bôn tẩu đến vùng biển huyện Duyên Hải (thuộc Trà Vinh hiện nay), được một phú hộ phục vụ các bữa ăn bằng nước mắm rươi. Sau khi lên ngôi, xưng hiệu Gia Long, nhà vua vẫn rất nhớ hương vị thứ nước mắm này, nên năm nào cũng cho ghe bầu vào đây mua nước mắm rươi về thưởng thức. Vì vậy món nước chấm dân dã này được người địa phương gọi là nước mắm ngự.

Nhưng từ bấy đến nay, thứ nước mắm rươi ấy vẫn chỉ được tiêu thụ quẩn quanh trong huyện Duyên Hải, rộng ra cũng chỉ trong địa phận tỉnh Trà Vinh. Là bởi loại nước mắm này chỉ được sản xuất thủ công nhỏ lẻ, dùng trong gia đình. Mãi gần đây, nước mắm rươi mới có cơ hội mở rộng thị trường, một phần nhờ việc áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận thị trường. Bên cạnh hàng trăm gia đình sản xuất nhỏ, Duyên Hải đã có 3 nhà sản xuất có quy mô khá lớn; trong đó có thương hiệu nước mắm rươi Long Vinh.

Bánh canh Bến Có


Mặt tiền quán bánh canh Bến Có. Ảnh: Phương Kiều

Khách phương xa đến Trà Vinh nên thưởng thức tô bánh canh của quán Bến Có nổi tiếng ở địa phương này. Từ hướng Vĩnh Long, gần đến Trà Vinh khoảng chục cây số, hỏi bất cứ người nào về quán cũng đều được bày: “Thấy bên tay trái, chỗ nào xe honda, xe du lịch đậu đầy thì cứ ghé vô”.

Những năm 1980, người dân khu vực Bến Có - ao Vuông (ao Bà Om) đều được ăn bánh canh tại nhà do cô Hai Hên phục vụ. Bánh canh được làm từ bột gạo đắp quanh cái chai, dùng dao cắt từng sợi cho rơi vào nồi nước luộc, nấu với tép quết nhuyễn, chan nước cốt dừa, là món món ăn bình dân của nhiều người.

Trà Vinh êm đềm

Không khí và cảnh quan của Trà Vinh hết sức êm đềm với nét cổ kính của chùa chiền, hàng cây trăm tuổi và phố xá yên tĩnh. Nghỉ hè mà về Trà Vinh cũng có nhiều điều thú vị. 


Thắng cảnh ao Bà Om - Ảnh: D.T.H.

Từ TP.HCM đi Trà Vinh chỉ mất 3 giờ qua đoạn đường 130 km nhờ có quốc lộ 60 qua Mỹ Tho, cầu Rạch Miễu (Tiền Giang - Bến Tre) và bắc Cổ Chiên (so với đi quốc lộ 1 qua Vĩnh Long mất tới 4 giờ với 200 km).

Chùa Cò ở Trà Vinh

Chùa Nodol ở Trà Vinh còn có tên gọi là chùa Cò. Ảnh: Mai Lý

Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên - một nhánh của sông Tiền và sông Bac Sac - một nhánh của sông Hậu. Đây là một trong hai tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều người dân tộc Khmer sinh sống. Người Khmer rất sùng đạo Phật. Khắp các làng xã, phum, sóc ở Trà Vinh đều có chùa chiền; trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng với đặc điểm riêng.

Chùa Nodol ở ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú còn được gọi là chùa Cò hay chùa Giồng Lớn, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40 cây số về phía nam.

Theo quốc lộ 54 đến huyện Trà Cú, đi tiếp về phía cảng Định An (sông Hậu), tới cổng chào của xã Đại An, rẽ vào tay trái du khách sẽ gặp tam quan chùa Nodol bề thế với hoa văn, họa tiết sặc sở. Qua cổng, theo con đường đất xuyên giữa hai bờ tre, bạch đàn, me tây, du khách rẽ vào một cổng nữa sẽ lọt vào khu vực chùa Cò. Từ đây, ta sẽ nhìn thấy rất nhiều chim, cò sải cánh bay lượn trên những mái ngói, những vòm cây, những đỉnh tháp thâm nghiêm cổ kính. 


Hàng ngàn con chim đủ loại, nhiều nhất là cò đã sinh sống trong khuôn viên chùa Nodol hàng trăm năm qua. Ảnh: Mai Lý 

 Chùa Nodol là một ngôi chùa cổ to lớn, bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội... có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hóa Khmer ở Trà Vinh. Ngôi chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như thần Riehu (Reahu), thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt...

Chung quanh chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu, sầu đâu rợp bóng, xa hơn là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Người dân địa phương thường gọi chùa Nodol là chùa Cò vì đã hơn 100 năm qua, trong khuôn viên chùa rộng khoảng 4 hec ta và những bờ tre bao bọc là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như cò, cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...

Du khách sẽ rất thú vị khi nhìn thấy những đàn cò với nhiều chủng loại bay đi kiếm ăn, bay về tổ với tiếng kêu quang quác giữa một khung cảnh thâm trầm u tĩnh. Đến với chùa Cò, ta sẽ thấy yêu mến và muốn hòa mình, đắm chìm cùng với thiên nhiên hoang dã.

Mai Lý

Biển Duyên Hải ở Trà Vinh


Biển Duyên Hải ở Trà Vinh. Ảnh: Phương Hà

Duyên Hải là một huyện sát biển của tỉnh Trà Vinh; vùng đất nầy vắt ngang từ cửa biển Cổ Chiên (sông Tiền) đến cận cửa Định An (sông Hậu). Đây là nơi cuối dòng Mékong đổ ra biển Đông.

Từ Trà Vinh theo quốc lộ 53 đi về phía đông sẽ đến Duyên Hải. Từ đây, du khách sẽ có nhiều tiết mục khám phá vùng biển còn khá nguyên sơ nầy. Điểm nhấn, hấp dẫn của chuyến đi nầy là khu vực xã Trường Long Hòa, nơi có bãi biển Ba Động nổi tiếng với những động (cồn) cát hoang sơ được hình thành nên bởi gió biển thổi cát dồn tụ lại. Dọc theo triền, dưới chân những động cát là rừng phi lao tuyệt đẹp, nhiều lớp, xanh thẳm chạy dài xa tít tắp. Rừng phi lao cũng là rừng phòng hộ chống sự xâm lấn của cát vào trong đất liền.


26 thg 8, 2012

Chùa Hang không có hang

Nước ta có hàng chục ngôi chùa mang tên chùa Hang (xem bài Chùa Hang. Có bao nhiêu chùa Hang?). Đã gọi là chùa Hang tất nhiên phải có cái hang, nếu không phải là chùa được lập nên trong hang thì ắt là trong khuôn viên chùa phải có cái hang!

Vậy mà có một ngôi chùa - rất nổi tiếng đấy nhé - mang tên chùa Hang mà ta đi từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đi vòng vòng khắp khuôn viên chùa vẫn chẳng tìm đâu ra cái hang hốc nào cả! Đó là chùa nào, ở đâu mà kỳ cục vậy?

Xin thưa: Đó là chùa Hang ở Trà Vinh ạ!

Chùa có tên chính thức là chùa Kompong Chrây, tọa lạc ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đây là một ngôi chùa Nam tông Khmer.

Hai điều đặc sắc ở ngôi chùa này là:

1. Trong chùa có vô số cây sao dầu và me cổ thụ, tạo bóng mát rượi và hàng đàn, hàng đàn chim cò tụ tập, ríu rít rất vui tai (do đó có người - như tui chẳng hạn - còn gọi đây là chùa Cò).

2. Trong chùa có xưởng tạo tác các sản phẩm gỗ mỹ thuật tuyệt đẹp và rất có giá trị.

Vậy là cả tên chùa, cả những nét đặc sắc của chùa đều... không có liên quan gì đến cái hang! Tại sao lại kêu là chùa Hang?