Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Quảng Ngãi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Quảng Ngãi. Hiển thị tất cả bài đăng

19 thg 3, 2021

Sáu thập kỷ cơm Bắc Sơn

Tại TP.Quảng Ngãi, hiện có rất nhiều quán ẩm thực, nhưng nhiều người vẫn nhớ mãi quán ăn đi qua gần 6 thập kỷ, đó là quán cơm Bắc Sơn trên đường Hùng Vương.

Có tiếng từ thời kháng chiến chống Mỹ, đến nay quán cơm Bắc Sơn vẫn là quán "ruột" của nhiều người. Quán vẫn giữ món ăn với hương vị gia truyền, đó là món cá bống sông Trà vàng ươm kho tộ hấp dẫn thực khách khắp nơi. Từng thực khách, sau khi thưởng thức món cá bống kho tộ đều không quên mua thêm hộp cá bống để về làm quà biếu người thân. Có thể nói, gần 60 năm qua, quán cơm Bắc Sơn đã làm cầu nối góp phần đưa đặc sản của Quảng Ngãi đến với du khách gần xa.

Quán ăn Bắc Sơn nổi tiếng với các món ăn đặc sản đậm chất xứ Quảng. Ảnh: K.Ngân

9 thg 3, 2021

Mùa bắp ven sông vẫy gọi du khách

Một mùa bắp bãi sông nữa lại về. Dọc các bãi bồi ven sông Trà, đâu đâu cũng ngút ngàn một màu xanh mởn của đồng bắp phất cờ đậu trái. Những trái bắp non còn bấm sữa, lá xanh mướt một màu được người dân thu hoạch vội mang về làm quà cho thực khách. Đó là món bắp luộc thơm phức và nóng hổi, thường được thưởng thức trong những ngày tiết trời đầu xuân se lạnh.

Với những đứa con được sinh ra từ làng quả quyết rằng, ở đâu cũng có thể trồng bắp, nhưng bắp trồng ven sông ngọt chắc chắn không nơi đâu sánh bằng. Có lẽ vì vậy, cứ đến mùa bắp ven sông, nhiều người lại tìm đến nơi bán bắp luột quen thuộc nằm trên Tỉnh lộ 23B đoạn qua xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) để lựa chọn cho mình một trái bắp còn đang nóng hôi hổi, rồi xuýt xoa bóc tách từng lớp lá, vừa thổi vừa thưởng thức những hạt bắp dẻo thơm và được uống bát nước bắp luộc thơm mát.

Những gian hàng bán bắp luộc trên Tỉnh lộ 623B đoạn qua xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa)

Nam Châm, huyền tích và hiện thực

Núi Nam Châm nay có các bể chứa sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất vốn xưa đã ghi dấu ấn trong ca dao, lịch sử, với nhiều huyền tích.

Một ngày những năm đầu thập niên chín mươi thế kỷ XX, tôi đến làng Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) ngay bờ tây cửa Sa Cần. Bà cụ vợ ông Lê Văn Ba, cách mạng lão thành huyện Bình Sơn, hát cho tôi nghe nhiều câu ca dao thuở trước, mà bốn câu sau đây mới đầu tiên được nghe và chưa từng được ghi vào bất cứ sách vở nào: "Hòn Ông, hòn Kẽm, hòn Bà/ Hòn Ông ai đắp, Cổ Ngựa mà ai xây/ Ai làm đó hiệp cùng đây/ Núi Nam Châm há dễ một cây nên rừng".

Tất cả các “hòn” đều nằm ở chung quanh cửa Sa Kỳ - vịnh Dung Quất. Người ta mượn hình ảnh các núi ở ven biển để nhắn nhủ nhau, gửi gắm tâm sự cùng sống nương tựa nhau. Như núi sông, như cây rừng.

Ngọt mát bát canh rau dền cơm

Gắp một nhúm rau dền cơm luộc đưa vào miệng, cảm nhận vị mềm, bùi, ngọt của loại rau dân dã thường mọc xen lẫn trong các luống rau khác. Rồi chan bát nước canh ngọt mát giúp “giải nhiệt” bao nhiêu thịt cá trong những ngày đầu năm.

Rau dền là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình, song với rau dền cơm có lẽ khó thấy nhất so với các loại rau dền khác. Bởi đây là loại rau hay “mọc ké” trong các luống rau cải, mồng tơi, xà lách mà chẳng cần gieo trồng. Thông thường, sau khi thu hoạch các loại rau, người nông dân hay để dành lại rau dền để nhà ăn. Chỉ thỉnh thoảng, rau dền cơm mọc nhiều mới nhổ bán. Thế nên, lâu lâu ra chợ mới thấy cô hàng rau có vài bó rau dền cơm mà chỉ thoáng chốc đã bán hết vèo.

Bát canh rau dền cơm nấu cùng tôm có vị ngọt thanh mát, hương vị đậm đà đặc trưng của loại rau dân dã. Ảnh: H.THẢO

Bùi ngùi cơm ghế củ lang khô

Má tôi bảo “ngày xưa nhiều gia đình còn nghèo nên phải ghế củ lang khô với cơm mới đủ no bụng cho cả nhà". Đến bây giờ, mùi vị của nó vẫn theo tôi hoài không thể nào quên được.

Ngày trước, sau mùa mưa kéo dài, đất còn ướt, má tôi tranh thủ lên vài luống rau lang làm thức ăn cho heo, sau đó đào lấy củ xắt phơi khô để ghế cơm. Đến kỳ thu hoạch, những củ khoai lang tím, trắng mập ú được anh em tôi cặm cụi lặt cuống, bỏ vào giỏ, khuân vào nhà cho má. Xong công việc, tối đến mấy anh em ngồi lại, dùng dao gọt hết vỏ ngoài để má rửa sạch rồi xắt thành lát mỏng, chẻ nhỏ thành miếng cho vào những chiếc nong, chiếc nia mang ra phơi. Khi củ lang đã đủ nắng, khô rang, giòn rụm, má cho vào bịch ni lông rồi cột chặt cất vào thùng phuy. Khi nấu cơm, má hốt ra một ít vo cùng với gạo, nhóm bếp, thổi lửa chờ cơm chín.

Món cơm ghế củ lang khô. Ảnh: HOÀI BIỆT

Cổ miếu bên đồi ông Diên

Ngôi miếu cổ nằm cạnh chân đồi với khung cảnh thâm nghiêm, bốn mùa khói hương bảng lảng. Mùa nối mùa, nhiều người dân vẫn đến chiêm bái, cầu mong gia đình may mắn, xóm làng yên vui...

Miếu cổ bên làng

Làng Thạnh Đức 1 (giờ là tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ) nằm bên biển Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió. Đồi ông Diên tựa tường thành che chắn cho làng khỏi họa cuồng phong từ biển cả bao la. Bên chân đồi có ngôi miếu cổ xây dựng hàng trăm năm trước, bốn mùa khói hương bảng lảng. Miếu quay về phía làng với mái ngói lô xô và đầm Nước Mặn, nơi tàu cá chen chúc neo đậu sau chuyến vươn khơi. "Theo lời ông bà kể lại thì miếu thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, xây dựng từ hàng trăm năm trước, nhưng không có sử liệu ghi chép cụ thể vào năm nào...", Bí thư Chi bộ tổ dân phố Thạnh Đức 1 Võ Đức Thuận cho hay.

Ngôi miếu cổ bên chân đồi ông Diên. ẢNH: TRANG THY

Nhớ củ lang ngào

Ở Quảng Ngãi, cứ sau Tết âm lịch là mùa thu hoạch mía bắt đầu, cũng là mùa củ lang bước vào chính vụ. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến cho những cư dân của xứ sở mía đường có thêm một món đặc sản không dễ nơi nào có được: Củ lang ngào đường.

Một vài clip phổ biến trên mạng bày cách ngào đường từ củ lang hoàn toàn không giống như cái cách mà những ông thợ nấu đường thủ công ở Quảng Ngãi ngào đường từ ba bốn chục năm trước, lúc đường thủ công còn thịnh hành. Nghĩa là, củ lang trong clip được các bà nội trợ chiên trong chảo dầu cho chín giòn trước khi ngào với đường tinh luyện. Củ lang ngào đường mà các thợ nấu đường thủ công làm không quá cầu kỳ, thậm chí rất đơn giản, nhưng lại mang một hương vị khó lẫn.

Củ lang ngào đường. ẢNH: TRẦN ĐĂNG

2 thg 9, 2020

Nên thơ Hòn Nhàn

Hòn Nhàn thuộc vùng biển xã Bình Châu (Bình Sơn) là đảo đá trầm tích được tạo ra từ hoạt động phun trào và kiến tạo của vùng trầm tích núi lửa. Xung quanh Hòn Nhàn có nhiều rạn san hô đa dạng màu sắc. Nơi đây là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách.

Đặt chân đến Hòn Nhàn, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quyến rũ của cảnh quang nơi đây. Hòn Nhàn cách bờ biển khoảng 10 - 15 phút đi tàu. Ngồi trên tàu của thuyền trưởng trẻ tuổi 9X Phạm Thái Viên, chúng tôi mang theo cảm giác hồi hộp xen lẫn hào hứng khi băng qua từng con sóng. Khoảng 14 giờ, trời êm, lặng gió, trên đường đến Hòn Nhàn ánh mặt trời rực rỡ giúp chúng tôi dễ dàng quan sát, ngắm nhìn từng mảng sinh vật biển lượn lờ trong sóng nước. Từng chùm rong mơ đung đưa, từng đàn cá, tôm nối đuôi nhau bơi lượn... 

Từ trên cao nhìn xuống, Hòn Nhàn có dáng như hình trái tim. Ảnh: Lê Hữu Trọng Nghĩa 

Dấu tích Chăm trên đồng Gò Tháp

Những viên gạch đỏ sẫm không còn nguyên vẹn nằm im lìm dưới lớp lá khô ẩn chứa bao điều kỳ bí thuở xa xưa. Phế tích tháp cổ gắn với bao câu chuyện ly kỳ lưu truyền nơi làng quê...

Vết tích tháp Chăm
Hơn 30 năm trước, tôi cùng nhóm bạn rong ruổi theo đàn bò trên đồng Gò Tháp, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) sau buổi đến trường. Thuở ấy, nơi đây có nền tháp Chăm khá cao cùng những viên gạch đỏ sẫm, nằm giữa khu đất rộng cùng dấu vết tường gạch bao quanh. Sau bao đổi thay, nền tháp và tường bao quanh bị san phẳng, nhưng vết tích tháp cổ vẫn còn hiện hữu với những thỏi gạch vỡ ẩn mình dưới lớp lá khô. Ông Phạm Ngăn, người khai khẩn và canh tác trên khu đất, cùng tôi tìm vết tích tháp Chăm dưới tán rừng keo lai xanh mát giữa trưa nắng. 

Khu vực lưu vết tích tháp Chăm. 

1 thg 9, 2020

Nhãn rừng, thứ quả dại gắn liền tuổi thơ của nhiều người

Cùng với những loại quả dại như chà là, chùm chày, dủ dẻ.. thì nhãn rừng cũng là loại cây gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Nhãn rừng (hay nhãn dê) là loại cây bụi hay cây gỗ nhỏ, thường mọc dại nhiều nơi ở vùng quê, thậm chí trên vùng đất cát khô cằn. 

Canh cá lóc nấu khế

Ở quê tôi, khi những cơn mưa bắt đầu, những con cá lóc (cá tràu) tìm chỗ trũng trong đồng sâu để vùng vẫy. Đó cũng chính là lúc người ta dùng lờ, đó, cắm câu bắt về nấu canh khế.

Tôi nhớ ngày bé, khi những cơn mưa đầu hè bắt đầu trút xuống, mấy đứa nhỏ trong xóm thường rủ nhau ra cái mương nước hoặc đám ruộng gần nhà. Hôm nào nước nhiều thì thả câu, hôm nào nước hơi cạn thì thay nhau mà tát. Nước vơi đi là tha hồ mà bắt cá, hôm nào hên là có cả mấy con cá rô, cá lóc to bằng cổ tay. Như vậy là đủ để có một bữa cơm ngon lành cho cả ngày hôm đó. 

Canh cá lóc nấu khế. 

26 thg 8, 2020

Rủ nhau... chạy còng

Vùng bãi ngang ven biển quê tôi có nhiều món hải sản tươi ngon. Trong số đó, còng biển là loại giáp xác tuy ít người ở phố biết đến, lại là món ăn dân dã, hấp dẫn của người dân ven biển, nhất là tụi trẻ con. Chạy còng cũng là thú vui rộn ràng của những đứa trẻ sinh ra đã hít hà vị mặn mà của gió biển.

Con còng hình thù giống với con ghẹ, tuy nhiên thân hình nhỏ bé hơn rất nhiều. Để chạy còng, bọn trẻ thường đợi mặt trời đã lặn xuống núi, lúc ấy những con còng bò đi kiếm ăn. Khi ánh đèn của những chiếc tàu thuyền đánh bắt cá lung linh tận phía xa, những đứa trẻ vùng biển tay cầm đèn pin, xách theo cái xô đi dọc bờ biển “săn” còng. 

Còng biển có thể dùng để nấu cháo, nướng hoặc rang me chua. 

Tân An và những tên gọi đi vào huyền thoại

Người từng đi qua, từng biết về những năm tháng chiến tranh khói lửa, ít ai gọi ngôi làng anh hùng với 52 gia đình thì đã có 50 gia đình liệt sĩ, nằm ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức) bằng tên gọi hành chính Tân An. Mọi người thường gọi Tân An bằng cái tên thân thương là “xóm Mù U”, hoặc lấy mật danh trong kháng chiến chống Mỹ của làng là “Cây số 52” để gọi tên làng.

Ngôi làng anh hùng
Đôi mắt đã không còn nhìn thấy được gì nữa, nhưng người thương binh Nguyễn Ngọc Độ (1956), ở làng Tân An vẫn đi phăm phăm ra nhà tưởng niệm của xóm để hương khói cho những người nằm xuống. Vừa thắp hương, ông Độ vừa bồi hồi kể: Gia đình tôi có 6 anh chị em, thì cả 6 người đều tham gia cách mạng. Một người hy sinh, 5 anh em còn lại đều là thương binh. Tôi là em út trong nhà, tham gia du kích từ năm 16 tuổi. Liền sau đó, tôi bị thương ở đầu, ở tay, chân trong một trận đánh, rồi mắt bị giảm thị lực, một thời gian sau thì mù hẳn. 

Nhà tưởng niệm những người nằm xuống ở làng Tân An. 

Lưỡi long rim đường: Món mứt dân dã của người Gò Cỏ

Nơi mảnh đất cực nam của tỉnh, người dân thường dùng lưỡi long để chế biến thực phẩm trong bữa ăn gia đình. Đây được xem là rau sạch, mọc tự nhiên ở vùng đất cát ven biển. Từ loại rau chỉ dùng để nấu canh, các bà, các mẹ ở làng Gò Cỏ, tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã chế biến thành món mứt lưỡi long rim đường dân dã, bình dị, thơm ngon.

Lưỡi long là loại cây cùng họ với xương rồng, không có gai. Cây tự sinh sôi, phát triển, phần lá non có màu xanh đọt chuối, người dân hay hái vào để nấu canh. Điều thú vị là lưỡi long hái vào buổi sáng, sẽ có vị chua hơn hái vào buổi chiều.Ngoài món canh chua (có thể nấu với cá, tôm, hoặc thịt), với tài khéo léo chế biến các món ăn, các bà, các mẹ ở Gò Cỏ đã sáng tạo làm nên món mứt lưỡi long. 

Món mứt lưỡi long có vị chua thanh, ngọt của đường và thơm ngon của hạt mè rang. 

Thơm ngon bánh tráng cuốn thịt luộc

Bánh tráng cuốn thịt luộc là món ăn đặc trưng xứ Quảng. Với nhiều người, đây là món ăn khoái khẩu. 

Theo kinh nghiệm của nhiều người, để món bánh tráng cuốn thịt luộc thơm ngon, nên chọn thịt ba chỉ vừa có mỡ, có nạc. Thịt được cắt ra từng khổ, rửa sạch với nước muối, sau đó cho vào nồi nước luộc. Khi luộc cũng vừa đủ nhiệt độ để thịt không dai, không bị rã. 

Bánh tráng cuốn thịt luộc là món ăn mang đậm chất quê xứ Quảng. 

Món bánh tráng cuốn thịt heo ngon một phần cũng nhờ nước chấm. Tùy vào khẩu vị và sở thích của mỗi người, nước chấm có thể là nước mắm chanh tỏi ớt pha chút đường để tạo vị chua ngọt hoặc là mắm nêm pha vừa.

25 thg 8, 2020

Thịt heo đèo mắm mực

Ngoài những món ăn đặc trưng của người Quảng Ngãi, quê tôi còn có sản vật đặc biệt của vùng ven biển miền Trung, đó là mắm mực. Món ăn trông có vẻ xấu xí với màu đen xì và mặn chát vị biển ấy lại song hành cùng đời sống của con người nơi đây từ thuở nào.

Mắm mực không xa lạ gì với dân ven biển quê tôi. Hằng năm, cứ đến mùa mực rộ là họ tự làm món mắm mực cho gia đình hay gửi biếu tặng đặc sản quê nhà cho bạn bè gần xa. Mắm mực được làm từ mực con nhỏ, còn gọi là mực cơm hay mực sữa vì rất nhỏ. Mực này ngoài làm mắm thì có thể dùng hấp gừng, sả cuốn bánh tráng chấm mắm ăn cũng ngon tuyệt.

Có dịp về quê đúng mùa mực, tôi lại được chứng kiến cảnh tất bật của các cô, các chị. Từ tờ mờ sáng, họ đã chia nhau lựa mực, “mắm mực phải được làm từ những chú mực tươi cong thì mới ngon và lâu hư”, bác gái tôi bảo vậy. Từ lúc ủ mắm cho đến lúc mắm chua, phải mất mấy ngày, tuỳ theo ướp muối mặn, lạt.

Da bò làm gỏi chua ngọt

Gỏi da bò là một trong những món gỏi được nhiều người ưa chuộng. Sự kết hợp hài hoà giữa da bò non và các loại rau gia vị, tạo nên hương vị đặc trưng của ẩm thực xứ Quảng.

Gỏi da bò rất hấp dẫn với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, cùng cảm giác mềm mại của da bò non kích thích cảm giác ngon miệng, thèm ăn đến kỳ lạ. Gỏi da bò chua ngọt chế biến khá đơn giản, không cầu kỳ. Chọn loại da bò non, bởi da bò non ăn rất mềm và bổ dưỡng. 

Gỏi da bò chua ngọt. 

23 thg 8, 2020

Chuyện về danh thần tài ba thời Gia Long

Đó là câu chuyện về Ân Quang hầu Trần Công Hiến. Chuyện bắt đầu từ mộ chí của người xưa ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn).

Mộ chí đầu thời Nguyễn duy nhất ở Quảng Ngãi
Trải qua hơn 200 năm, mộ chí Ân Quang hầu Trần Công Hiến rêu phong phủ mờ. Ngôi mộ như có sức hút kỳ lạ, thôi thúc những cán bộ làm công tác bảo tàng tìm hiểu cho bằng được những gì chưa rõ từ lịch sử xa xưa. Theo chị Tạ Thị Di Hà - cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, mộ xây dựng năm 1817, không chỉ là nơi yên nghỉ của bậc anh tài, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị thẩm mỹ về kiến trúc nghệ thuật mộ chí thời Nguyễn đặc sắc và duy nhất ở Quảng Ngãi, cùng nhiều hiện vật, tài liệu Hán Nôm quý giá. 

Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh làm rõ câu đối ở mộ chí Ân Quang hầu Trần Công Hiến, ở xã Bình Dương (Bình Sơn). ẢNH: Di Hà 

Vãn cảnh chùa Năng Quang

Chùa Năng Quang tọa lạc ở cuối thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Chưa tìm thấy sử sách nào ghi năm thành lập chùa. Theo các cụ cao niên ở xóm, thì chùa đã có từ thời mới lập làng. Lúc đó còn là đình, với tên gọi là đình Năng Quang.

Khi hỏi các cụ về năm lập làng, lập đình thì không ai biết. Họ chỉ biết khi sinh ra đã thấy đình rồi. Các cụ lý giải, sở dĩ xây dựng đình ở cuối làng là vì nơi đây có thế đất rồng cuộn hổ ngồi. Trước đình có một cây đa cổ thụ, gốc to bằng cái nong phơi lúa, cao ngất trời, cành lá sum suê, quanh năm tỏa bóng mát cả một vùng. 

Chùa Năng Quang. 

Đậm đà kho quẹt

Nhắc đến kho quẹt sẽ khiến nhiều người nhớ về một thời gian khó. Giờ đây, khi cuộc sống đủ đầy hơn, kho quẹt cũng vẫn là món ăn hấp dẫn, đậm đà hương vị. 

Món kho quẹt được chế biến rất đơn giản, nước mắm cùng với tỏi, hành tím phi và một ít đường, cứ thế kho trên bếp đến khi quánh sệt lại là có nồi mắm kho quẹt đậm đà. Theo giải thích của một số người lớn tuổi, cái tên kho quẹt xuất phát từ cách làm và cách ăn của món này. Mắm được kho đến keo lại, khá mặn, nên chỉ cần dùng đầu đũa quẹt cho dính một chút rồi ăn. Kho quẹt là món ăn rẻ tiền, dễ làm, nhưng rất “bắt cơm”, chỉ cần một ít kho quẹt, rau luộc là đã ngon cơm. 

Kho quẹt thường được ăn cùng với rau, củ luộc.