Vườn tháp tại chùa Phúc Thắng – Văn Xá
Văn Xá là một khu dân cư của phường Ái Quốc. Trải qua thời gian và các cuộc kháng chiến trường kỳ, nơi đây đã bị tàn phá nặng nề, nhưng với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhân dân đã tích cực giữ gìn và tu sửa các di tích lịch sử văn hóa. Phường hiện nay có 5 di tích cấp quốc gia thì Văn Xá có cụm di tích gồm đình và chùa được xếp hạng.
Giàu giá trị lịch sử
Theo cứ liệu lịch sử, đình Văn Xá và các di tích khác trong phường Ái Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng tôn thờ các vị Thành hoàng. Theo bia “Thần tích bia ký lưu truyền vạn đại" lập năm Tự Đức thứ 22 (1869) lưu giữ tại chùa Văn Xá thì đình Văn Xá thờ ông Vũ Động, một trong ba anh em họ Vũ. Ông là con trai thứ ba của ông Vũ Thành và bà Hoàng Thị Mậu, người trang Vũ Xá, vốn dòng dõi thi thư ở triều vua Lê Đại Hành. Năm 13 tuổi, Vũ Động được cha mẹ cho nhập học ở Hoa Học Đường cùng với hai người anh trai là Vũ Hoàng và Vũ Huệ, cả ba đều thông minh hơn người.
Bấy giờ nước ta có giặc phương Bắc xâm lược, vua mở trường chọn tướng sĩ, ba vị trúng tuyển được phong tướng cầm quân đánh giặc. Sau khi chiến thắng trở về, ba vị được vua ban thưởng vàng bạc, lụa là. Ba năm một lần, ba anh em lại về bản trang (tức thôn Vũ Xá) thăm lại quê cha đất tổ.
Tương truyền, trong một lần về thăm quê, ba anh em cho mời các phụ lão và dân làng đến dự yến tiệc, yến ẩm, Vũ Động (Đệ tam công) nhân đó nhàn du sang ấp bên của bản trang (tức Văn Xá), thấy có khu đất như hình rồng, ông đứng quan sát và tự nhiên hóa tại đó. Nghe tin ông mất, vua truyền cho dân bản địa lập miếu thờ và phong cho ông là: Động Lâm Tuyên Huệ Đại vương.
Theo nội dung văn bia lưu lại, đình Văn Xá được khởi dựng khá sớm, trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Trước năm 1945, đình còn khang trang bề thế gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung đình, 2 giải vũ với nhiều cổ vật và đồ thờ tự, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá.
Đình hiện nay được khôi phục theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, diện tích không lớn, kiến trúc theo phong cách thời Nguyễn, mái lợp ngói ta truyền thống. Trong đình có các câu đối ca ngợi Thành hoàng. Một trong những câu đối có nội dung: “Thiên giảng Thánh nhân bình Bắc Tống Địa linh Thần tích trấn Nam Bang”, nghĩa là: “Trời giáng Thánh nhân dẹp yên giặc Bắc Tống Đất thiêng dấu tích Thần chấn động nước Nam”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Văn Xá còn là cơ sở của du kích, bộ đội và là nơi cứu chữa thương binh.
Chùa Văn Xá có tên tự là chùa Phúc Thắng, thờ Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Trước đây, tượng Pháp Loa được thờ ở chùa Hương Hải, thuộc thôn Tiền Hải (cùng xã), nhưng do bị giặc Pháp chiếm chùa làm bốt và tàn phá nặng nề, nhân dân chuyển tượng và tháp, bia về chùa Văn Xá để thờ tự. Cũng từ đó, nhân dân Văn Xá theo lệ chùa Hương Hải tổ chức giỗ tổ vào mùng 1/3 âm lịch.
Tuy thời gian và chiến tranh tàn phá nhưng chùa Văn Xá còn bảo lưu được nhiều cổ vật giá trị. Tiêu biểu là hệ thống bia hậu thời Nguyễn ở đình và hệ thống tượng Phật ở chùa. Trong số 11 pho tượng thì có 9 pho có niên đại thời Lê (thế kỷ XVII – XVIII) và 2 pho có niên đại thế kỷ XIX. Đặc biệt là pho tượng Pháp Loa được thếp vàng. Tại vườn chùa còn ngôi tháp Pháp Loa dựng năm Tự Đức thứ 21 (1868), trang trí hổ phù, cá chép, hoa sen, rồng chầu và tấm bia tạo năm 1856 viết về Đệ nhị Pháp Loa. Đó thực sự là những cổ vật có giá trị lịch sử nghệ thuật chứng minh lịch sử của di tích một cách rõ ràng nhất.
Bảo tồn và giữ gìn di tích
Ông Vũ Khắc Kha, 91 tuổi ở khu dân cư Văn Xá bày tỏ tiếc nuối khi nhớ về hình ảnh ngôi đình Văn Xá to đẹp khi xưa. Tuy đến nay ngôi đình không còn lưu giữ được di vật cổ, diện tích cũng khiêm tốn hơn, nhưng trong tiềm thức của cộng đồng dân cư trong vùng thì ngôi đình và vị Thành hoàng được thờ vẫn mang một ý nghĩa lớn lao.
Xưa kia, để tri ân công lao của Thành hoàng, dân làng tổ chức ba kỳ hội một năm, gồm ngày 11/2 âm lịch, ngày 18 tháng giêng và ngày 24/8 âm lịch. Các kỳ hội này duy trì đến năm 1945 thì bỏ.
Những năm gần đây, dân làng tổ chức lễ hội vào 10/2 âm lịch. Trong lễ hội có lễ rước ba vị Thành hoàng từ các đình Vũ Thượng, Vũ Xá, Văn Xá về chùa Kỳ Lân, làm lễ xong lại rước trở về các nơi thờ riêng. Lễ hội là dịp các làng giao lưu văn hóa với tinh thần đoàn kết hướng về cội nguồn của cộng đồng làng xã.
Chùa Phúc Thắng cũng đã được tu bổ, thậm chí di chuyển nhiều lần cho đến khi nằm ở vị trí hiện nay. Đến nay, chùa tuy không lớn nhưng các hạng mục công trình được quy hoạch gọn gàng, không gian thoáng đạt, thu hút phật tử gần xa đến tham quan, chiêm bái.
Theo Đại đức Thích Giác Lãm, trụ trì chùa Phúc Thắng – Văn Xá, đình và chùa Văn Xá ở thời kỳ nào cũng có nhà tu hành và nhân dân giữ gìn, bảo tồn tu sửa. Tại chùa, từ năm 2018 cũng đã xây dựng vườn tháp, nơi đặt mộ tháp của Thiền sư Pháp Loa và các nhà sư có công lao gìn giữ và xây dựng chùa trước đây, nhằm tri ân, tưởng nhớ, tiếp tục công đức bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của di tích một cách hiệu quả.
Từ năm 2001, cả đình và chùa được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
NGUYỄN TRƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét