Theo địa chí Long An: “Cần Đước vốn là tên gọi một làng nhỏ nằm ở mũi đất giao nhau giữa rạch mương Ông Quỳnh và rạch Bến Bà. Các tên gọi bình dị ấy đến nay, chưa ai hiểu thật chính xác là gì và xuất hiện từ bao giờ”.
Có ý kiến cho rằng, Cần Đước có nguồn gốc từ chữ “cần đước” nghĩa là con ba ba. Hoặc “Cần” là xóm làng theo tiếng Khmer, còn “Đước” là cây đước trong tiếng Việt. Cũng có giả thuyết, “Cần” xuất phát từ Mạt Cần, phiên âm của tiếng Khmer “Mak kek” hay “Moko” có nghĩa là con đường. Do thói quen đọc lâu dần nên mất chữ "Mạt”. Cho đến ngày nay, chưa có sự thống nhất nào cho tên gọi Cần Đước.
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa
Phần đất huyện Cần Đước ngày nay, trước kia từng thuộc dinh Phiên Trấn, rồi trấn Phiên An. Năm 1832, Cần Đước thuộc huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính và tên gọi, ngày nay, Cần Đước thuộc phía Nam của tỉnh, giáp các huyện: Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, Cần Giuộc và tỉnh Tiền Giang, có diện tích hơn 220 km², gồm 16 xã và 1 thị trấn.
Huyện Cần Đước có điều kiện giao thông đường thủy thuận lợi. Sách Cần Đước đất và người có viết, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cần Đước là cửa ngõ quan trọng của chiến khu Rừng Sác, vị trí tiền tiêu quan trọng, tuyến phòng thủ đầu tiên của tỉnh. Đồn Rạch Cát tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước từng được xem là pháo đài lớn nhất Đông Dương ngày trước.
Cũng do thuận lợi về đường sông nên huyện Cần Đước phát triển nghề đóng ghe. Ghe “mũi đỏ, trảng lườn” của huyện Cần Đước có mặt từ 100 năm trước và từng vang danh một thời ở khắp xứ Nam kỳ.
Theo bài viết Một số nghề thủ công cổ truyền tiêu biểu ở Cần Đước (tác giả Võ Công Nguyện), ghe Cần Đước là ghe lớn, chạy nhanh, chở khỏe, có dáng đẹp và phát huy ưu thế trên sông, rạch. Hiện nay, tại xã Tân Chánh, nhiều gia đình vẫn giữ nghề đóng ghe truyền thống.
Nhắc đến nghề thủ công truyền thống tại huyện Cần Đước, không thể không nhắc đến Nghề dệt chiếu lác - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhiều người cho rằng, nghề dệt chiếu bắt đầu từ xã Long Định, Long Kim, sau đó truyền qua xã Long Cang, Phước Vân, Long Sơn và một số nơi ở huyện Bến Lức,... Vào khoảng thế kỷ thứ XIX, XX, hầu như gia đình nào ở Long Định, Long Cang cũng theo nghề dệt chiếu.
Ngày nay, dưới tác động của kinh tế thị trường, nghề dệt chiếu dần mai một. Dệt chiếu bằng tay không còn phổ biến, thay vào đó là các cơ sở dệt chiếu máy tạo ra các sản phẩm đồng bộ với năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, huyện Cần Đước còn nổi tiếng với nghề làm bánh phồng, bánh in, lạp xưởng,...
“Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” là câu nói được lưu truyền lâu đời trong dân gian, cho thấy "danh tiếng" của đặc sản gạo Nàng Thơm chợ Đào ở xã Mỹ Lệ. Giống lúa này chỉ sản xuất được một vụ trong năm tại ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ bên dòng kênh Rạch Đào. Với đặc tính cơm dẻo, mềm, tơi xốp, mùi hương lan tỏa, Nàng Thơm chợ Đào trở thành loại gạo nổi tiếng.
Cần Đước - vùng đất giáp ranh Sài Gòn thời bấy giờ, là nơi đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại, vị nhạc quan triều đình Huế, lưu lại lâu nhất để truyền dạy ĐCTT. Nhiều lớp học trò của ông sau này trở thành các bậc tài tử nổi danh: Nhạc Láo, nhạc Thời, cô Năm Giỏi, cô Bảy Lung, ông xã Năm,... Từ các môn đệ của ông, thế hệ tài danh nối tiếp ra đời: Hai Biểu, Năm Giai, Văn Vĩ,...
Năm 1996, linh vị đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại được đưa về thờ phụng tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ cho đến ngày nay. Hàng năm, nhân Lễ húy kỵ nhạc sư, giới tài tử khắp nơi tề tựu về cùng nhau giao lưu ĐCTT Nam Bộ như một dịp gặp gỡ, tâm tình.
Hàng năm, nhân Lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, giới tài tử khắp nơi tề tựu về cùng nhau giao lưu Đờn ca tài tử Nam bộ
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Đước - Võ Thành Ngon, để giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ gắn với phát triển du lịch, huyện thành lập câu lạc bộ ĐCTT gồm các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú trên địa bàn huyện. Du khách đến thăm huyện Cần Đước sẽ có cơ hội thưởng thức các tiết mục ĐCTT do chính các nghệ nhân ưu tú, tài tử thể hiện.
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch tại Cần Đước cũng được chú trọng. Một số tour du lịch về vùng hạ của tỉnh, qua Cần Đước, Cần Giuộc nhận được đánh giá tốt từ phía du khách. Các điểm đến: Di tích lịch sử Nhà Trăm Cột, đồn Rạch Cát, lạp xưởng Cô Châu, đình Vạn Phước,... được nhiều người biết đến.
Cần Đước ngày nay
Song song với việc giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cần Đước nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Đến nay, huyện hoàn thành hồ sơ xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). 16/16 xã của huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 5/16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong năm 2024, xã Tân Ân, Phước Đông và Tân Lân phấn đấu xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu.
Ghe Cần Đước "mũi đỏ trảng lườn" có mũi sơn màu đỏ tươi, lườn sơn màu xanh (Ảnh: Mạnh Hảo)
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng bảo đảm phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Công tác chuyển đổi số được tập trung thực hiện: Dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 98,98%; hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%;… Đối với lĩnh vực giáo dục, huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho dạy và học, đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình.
Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trưởng so cùng kỳ; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực an sinh xã hội bảo đảm; an ninh, trật tự ổn định; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Trải qua hơn 300 năm khai phá và xây dựng, từ vùng đất hoang vu, Cần Đước ngày nay đã và đang từng bước vươn mình, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, xứng đáng là huyện điển hình về văn hóa của tỉnh, huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tài liệu tham khảo:
- Địa chí Long An.
- Sách Cần Đước Đất và Người.
- Sách Đờn ca tài tử Nam bộ.
Quế Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét