28 thg 7, 2024

Về Bắc Kạn thưởng thức bánh gio mật mía của dân tộc Tày

Nếu có dịp du lịch Bắc Kạn, du khách không nên bỏ qua món bánh gio dân dã ăn một lần mà mãi vấn vương.

Bánh gio (hay còn gọi bánh tro) là loại bánh đặc trưng trong ẩm thực người Tày ở Bắc Kạn. Thức quà dân dã này có tên gọi như vậy bởi gio là một nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món bánh này.

Làm bánh gio không quá cầu kỳ, nhưng yêu cầu người thợ phải khéo léo và thật tinh mắt. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bánh, mọi công đoạn đều được chú trọng.

Từ chọn lá để gói bánh, lựa cây đốt lấy gio… mọi khâu chuẩn bị đều quan trọng để tạo nên thứ bánh dẻo thơm, có màu đẹp mắt.

Từ lựa chọn cây đốt để làm gio chuẩn, phải là thân cây sim, tầm gửi hay vỏ chuối… Cây đem đốt xong, giữ phần gio mịn và sạch, hòa với nước vôi có độ nồng độ thích hợp, rồi lọc lấy nước tro màu vàng nâu.

Quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, để nước gio quyết định độ ngon của bánh. Nước đậm quá bánh có vị chát không thể ăn được, hay nhạt quá bánh sẽ bị nhão. Để có đủ lượng gio làm một lô bánh, có khi cần tới 10 tiếng để lọc.

Gạo làm bánh là nếp rẫy, để có độ dẻo và thơm. Lá gói bánh phải là lá chít bánh tẻ. Bởi, chỉ có lá cây chít mới tạo nên màu sắc vàng sáng như thạch và dễ bóc, mang theo mùi thơm đặc trưng khi ăn bánh. Mật mía chấm bánh gio được chế biến từ đường mía trồng trên đất cát, có màu sậm, thơm ngon.

Bánh gio ngon phải có lớp bề mặt mịn, màu vàng óng, dẻo, ăn thanh mát, là đặc sản của bà con dân tộc Tày ở Bắc Kạn, ngày nay đã có mặt ở khắp nơi.

Mỗi một chiếc bánh đều được gói gọn gàng, tỉ mỉ trong những chiếc lá chít đã được rửa sạch sẽ, để ráo nước. Khi ăn, thực khách bóc lớp lá chít, rưới đều mật mía lên bánh gio và thưởng thức, cảm nhận hương vị ngọt thơm đặc trưng.

Bánh gio ngon sẽ có độ mịn, ăn dẻo và dai, có vị đậm đà, ăn mát lành, và có thể để được lâu. Chị Lan Hương, tiểu thương bán bánh gio Bắc Kạn, cho biết: “Bánh gio bảo quản ngăn mát tủ lạnh để được một tuần, để lạnh ăn sẽ càng ngon, bánh không hề bị cứng”.

Trong những ngày hè nắng nóng, thưởng thức chiếc bánh gio mát lạnh, chấm với mật từ đường mía sẽ rất hợp miệng.

Từ lâu, bánh gio mật mía thường được sử dụng nhiều trong các dịp lễ Tết quan trọng trong văn hóa của người Việt, như Tết Đoạn Ngọ (ngày 5.5 âm lịch), cúng ngày rằm và mùng 1 hàng tháng.

Ngày nay, bánh gio không chỉ có ở Bắc Kạn, mà còn được phân phối ra nhiều tỉnh thành khác. Món bánh này đã trở nên phổ biến, thức quà này có thể được dùng trong bữa sáng hay ăn chơi vào buổi chiều. Giá bánh gio khá rẻ, chỉ khoảng 35.000 đồng/chục.

Linh Boo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét