Lễ hội Háu Đoong được người Giáy coi trọng nhất trong các lễ hội, là hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc trong đời sống cộng đồng. Theo tiếng Giáy, “Háu Đoong” là vào rừng cúng thần rừng. Lễ cúng được tổ chức bên mó nước tại khu rừng cấm cổ thụ ở bản Nậm Loỏng 1, phường Quyết Thắng. Người chủ trì lễ cúng là bậc cao niên uy tín trong bản. Lễ vật cúng rừng có lợn, gà để xung quanh gốc cây cổ thụ. Thầy cúng Tảo Thị Tính (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) cho biết, dân tộc Giáy sống trên vùng đất này tổ chức lễ cúng để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị bệnh dịch; người dân khỏe mạnh, mọi nhà kinh tế ngày càng phát triển, gia đình ấm no hạnh phúc. Đây cũng là dịp để người Giáy hướng về cội nguồn, truyền thống của dân tộc mình.
Ngoài phần lễ với nghi thức cúng thần rừng, phần hội là không gian các hoạt động vui tươi như: thi văn nghệ, giã bánh giầy, đẩy gậy, kéo co, tó má lẹ, bóng chuyền hơi... Lễ hội thể hiện cuộc sống ấm no, ngày càng đi lên của đồng bào Giáy cũng như việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Thi giã bánh Giày tại Lễ hội Háu Đoong. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Ông Hoàng Chí Tình, Bí thư Đảng ủy phường Quyết Thắng chia sẻ, từ xưa đến nay, người Giáy vẫn duy trì tổ chức lễ Háu Đoong tại khu rừng cổ thụ của bản. Khu rừng rất đẹp, mát mẻ, người dân trong bản thường đến để nghỉ ngơi, trò chuyện. Trong tương lai, nếu được tỉnh đầu tư, khu rừng có thể trở thành điểm nhấn của thành phố Lai Châu, là nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh thái đặc sắc của người Giáy.
Dân tộc Giáy còn gọi là Pú Giáy hoặc Hún Giáy, sinh sống rải rác tại 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu với khoảng 14.000 người. Tại thành phố Lai Châu, dân tộc Giáy sinh sống chủ yếu tại phường Quyết Thắng và xã San Thàng.
Những năm qua, tỉnh Lai Châu tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát triển, phát huy văn hóa của các đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Giáy nói riêng.
Nguyễn Oanh (TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét