2 thg 8, 2020

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường – Cao Lãnh – Đồng Tháp

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường rất cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Đặc biệt là với giới kinh doanh làm ăn buôn bán nên đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi về đây tham quan chiêm bái.

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường hay Miếu ông bà chủ Chợ là di tích lịch sử văn hóa, thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với vị tiền bối đã có công khai phá, tạo dựng làng mạc và hình thành nên địa danh Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp ngày nay.

Trải qua quá trình tồn tại, được trùng tu tôn tạo, hiện nay, di tích là một tổ hợp kiến trúc gồm: Đền thờ, nhà khách, ngôi mộ đồ sộ, được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, trang trí, chạm trổ nguy nga lộng lẫy theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX.

Kiến trúc đền mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ

Về mặt kiến trúc thẩm mỹ, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được xây dựng theo kiến trúc dân gian truyền thống, mái đền được lợp bằng ngói thanh lưu ly; các gian thờ được trang trí lộng lẫy với các hoành phi, sơn son thếp vàng với đề tài Tứ linh hay Tứ quý.

Phía trước cổng có tượng của bốn con sư tử đặt ở hai bên cổng. Hai con sư tử mẹ với tư thế ngồi xổm như canh chừng để xua đuổi tà khí và mọi điều xui xẻo vào đền, hai con sư tử con ở hai bên thì đùa giỡn với trái cầu, biểu tượng cho một cảnh sắc thanh bình.

Cổng Tam Quan

Ở mỗi cửa của cổng tam quan đều có mái nóc, trên có lợp ngói, được trang trí nhiều hoa văn họa tiết, nổi bật với hai gam màu vàng và đỏ. Phía trên cổng chính có biển đề: Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường.

Đền thờ gồm có một nhà chính và một nhà phụ. Nhà phụ nằm bên phải đền thờ là nhà khách, nơi dùng để tiếp khách, sinh hoạt của những người phụ trách đền và cũng là nơi chuẩn bị thức cúng trong mỗi kỳ tế lễ.

Chánh điện Đền thờ được thiết kế theo kiểu kiến trúc mái chồng mái.

Đền thờ, ngoài bề ngang khá rộng, chiều dài cũng khá sâu. Chánh điện Đền thờ được thiết kế theo kiểu kiến trúc mái chồng mái. Ngay cửa chính của đền thờ là một tấm bia ghi công tích của ông bà trong lịch sử được đặt ngay chính giữa lối đi, có tác dụng như bức bình phong che chắn những cái nhìn trực diện từ ngoài vào gian chính điện.

Tấm bia ghi công tích của ông bà

Khuôn viên bên trong đền thờ được trang hoàng rực rỡ nhưng cũng đượm vẻ thâm u, tạo nên một không khí thiêng liêng và tĩnh lặng đến lạ thường. Trong này được chia thành nhiều gian, mỗi gian có một trang thờ riêng, thờ các vị thần khác nhau, như gian thờ Quan Thánh Đế, gian thờ Khổng Tử và có cả gian thờ Thành hoàng của đình thần Đình Trung…

Trong đền thờ được chạm nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo

Riêng khám thờ ông bà Đỗ Công Tường được chạm trổ tứ linh, hình song long tranh châu và nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Hệ thống sắc phong, đối liễn, hoành phi cổ của đền thờ là kho tàng di sản Hán Nôm của địa phương, cần được bảo tồn và phát huy.

Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng

Theo sử sách ghi lại, ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh là người miền Trung cùng vợ, đến lập nghiệp tại làng Mỹ Trà (nay thuộc P.2, TP.Cao Lãnh) vào năm 1817, dưới triều Gia Long. Ông khai khẩn đất hoang, trồng cây, không bao lâu khá lên nhờ nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng rãi, mát mẻ, thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên người dân trong thôn thường họp ở đây để mua bán, lâu dần thành chợ.

Tượng đồng ông bà Đỗ Công Tường

Dân chúng quanh vùng ai cũng mến mộ ông bà. Thấy ông có tính cương trực, lại thông thuộc kinh sách nên người dân cử ông giữ chức Câu Đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Từ đó, người người quen gọi chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quýt cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu. Từ đó, chợ Ông Câu, được gọi là chợ Câu Lãnh, lâu ngày nói trại thành Cao Lãnh. Lần hồi Cao Lãnh trở thành một địa danh cho đến ngày nay.

Công lao thành lập chợ của ông bà cũng được triều đình phong kiến nhà Nguyễn ghi nhận thông qua bản sắc phong của vua Tự Đức năm 1935: “Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường”. Đây cũng là bằng chứng lịch sử có giá trị về công lao của ông bà Đỗ Công Tường đối với vùng đất Cao Lãnh ngày nay và địa danh ấy đã tồn tại đến nay gần 200 năm.

Vào năm Canh Thìn (1820), tiết trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội làm chết nhiều người. Ông Bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin nguyện chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, Ông Bà chay lạt, khổ hạnh 3 ngày, thì Bà lâm bệnh và mất, ông cũng lâm bệnh và qua đời vào ngày sau đó. Dịch bệnh cũng từ đó chấm dứt.

Tin rằng lòng thành của ông bà thấu đến trời đất và chính ông bà là người chịu chết thay để mang lại sự sống cho dân làng, nên nhân dân đã xây dựng một ngôi miếu thờ ngày đêm hương khói để tưởng nhớ công lao của hai người, người dân gọi là “Miếu ông bà chủ Chợ” – tên chữ là Chủ Thị Miếu.

Hàng năm, lấy ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 6 âm lịch làm ngày giỗ. Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường là dịp để thể hiện lòng thành kính của người dân TP Cao Lãnh đối với bậc tiền nhân đã có công xây dựng vùng đất Cao Lãnh. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, du lịch Đồng Tháp nói chung và TP Cao Lãnh nói riêng. Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách thập phương đến chiêm bái, thể hiện lòng thành.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích mang nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần đối với người dân Cao Lãnh nói riêng, Đồng Tháp nói chung. Ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng mộ và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Mekong Delta Explorer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét