1 thg 11, 2017

Về đồng nước lũ

Như một thứ “đặc sản” miền Tây, đồng nước lũ đã trở thành nét đẹp không thể thiếu của vùng đất đầu nguồn. Hình ảnh đồng nước mênh mông luôn mang đến cảm giác rất riêng cho những ai có dịp hòa mình vào khung cảnh bình yên, thi vị bên cạnh cuộc mưu sinh của những người dân vùng lũ.

Vẻ đẹp nên thơ…


Kênh Trà Sư mùa nước đổ. Con nước cuồn cuộn mang theo màu đỏ ngầu của phù sa tắm táp ruộng đồng. Cánh đồng xã Thới Sơn được dòng nước lấp đầy ăm ắp, hứa hẹn một vụ mùa bội thu sau khi lũ rút. Chúng tôi đến nơi này trong một ngày nắng nhạt. Cả cánh đồng như tấm gương khổng lồ soi bóng mây trời. Dù mực nước chưa lên đỉnh điểm nhưng khiến tôi lo lắng bởi máy móc mang theo toàn là thứ “nước không ưa, mưa không chịu”.


Mấy người bạn hào hứng bơi xuồng để chụp ảnh mùa nước nổi. Chiếc xuồng nhỏ bằng nhựa composite tròng trành bởi sự lóng ngóng của 2 “người mẫu” vốn không phải là dân sông nước. Bản thân tôi cũng chẳng khá hơn khi phải nhờ người dân địa phương bơi hộ mới yên tâm chụp ảnh. Dưới cái nắng nhẹ nhàng sau cơn mưa, đồng nước lũ ở xứ núi Tịnh Biên mang vẻ nên thơ rất riêng. Vẫn có rặng điên điển vàng ươm, thấp thoáng nụ cười xinh xinh của người con gái và phía xa kia là ngọn núi uy nghi giữa trời. Bởi đồng nước quá mênh mông dễ làm cho người ta liên tưởng chúng có thể tiếp giáp với chân trời. 


Ông Ngô Văn Nhứt, người dân sống ven kênh Trà Sư chia sẻ: “Cánh đồng này xả lũ nhiều năm nay nên người dân nhớ như in cái vòng tuần hoàn của con nước. Cứ thấy điên điển trổ vàng, ai cũng nôn nao chuẩn bị ngư cụ mưu sinh. Với người khác, nước lũ có thể gây bất lợi nhưng với bản thân tôi đó là thời khắc mưu sinh. Có đi, về với đồng nước lũ mới thấy mình gắn bó, thân thương cùng nó. Nếu lũ không về thì dân "bà cậu" như chúng tôi thấy nhớ da diết”.

Bởi vào mùa lũ đồng biến thành sông nên người ta cứ ngang dọc khắp nơi. Khi đó, xuồng là phương tiện hữu hiệu để di chuyển và mưu sinh. Có lẽ hình ảnh những chiếc xuồng bé xíu, lọt thỏm giữa đồng nước bạt ngàn đã trở thành một phần ký ức của miền Tây, là nét đẹp dân dã, hiền hòa và sâu lắng. Với những ai yêu thích cảm giác nhẹ nhàng, đồng nước lũ luôn là bức tranh lý tưởng. Với tôi, đồng nước lũ là nơi gợi nhớ về ngày thơ ấu với đủ trò tinh nghịch bên chiếc cầu tre lắc lẻo hay những lúc theo ba đi chài cá đêm về nấu cháo…

...Sống chung với lũ

Ngược dòng lên xứ đầu nguồn An Phú. Cánh đồng giáp biên xã Vĩnh Hội Đông là nơi con nước xuất hiện sớm hơn nơi khác. Hai ấp Vĩnh An, Vĩnh Hòa trở thành “làng nổi” khi mùa lũ về. Với những người cất nhà trên tuyến dân cư, việc nước lũ lên cao không ảnh hưởng nhiều. Nhưng với những hộ cất nhà sát bờ sông thì mùa nước dù lớn, dù nhỏ cũng khiến họ thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Mùa nắng, họ chạy xe tới lui lo công việc. Mùa nước, xe được gửi tạm nơi khác hay “trùm mền” trong nhà và ai cũng chuyển sang “chế độ” di chuyển bằng xuồng.

Muốn đi từ nhà này sang nhà kia, người dân trong ấp phải bắc cầu tạm. Những chiếc cầu dã chiến có thể cơi nới theo mực nước tỏ ra hữu hiệu, trở thành lối đi chung cho cả xóm. Bà Nguyễn Thị Đẹp, người dân ấp Vĩnh An bộc bạch: “Dân ở đây mùa nước buộc phải đi xuồng. Người ta mưu sinh, đưa con đi học, đi chợ… đều phải bồng bềnh theo con nước. Sấp nhỏ lớn lên từ những mùa lũ nên cũng không còn xa lạ lắm với cảnh nước ngập tứ bề. Bởi vậy, bất cứ ai rời quê đi lập nghiệp đều nhớ như in đồng nước lũ ở miệt biên giới này. Cá mắm dù không còn phong phú nhưng cũng đủ cho chúng tôi sinh sống qua ngày”.

Ở vùng đầu nguồn này, chuyện học của con em vẫn còn vất vả. Địa phương đã thực hiện việc đưa rước học sinh đi học trong mùa lũ nhiều năm nay để cái chữ tiếp tục đến với các em nhỏ vùng biên giới. Với tình hình lũ năm nay, hoạt động đưa rước học sinh được UBND xã Vĩnh Hội Đông chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Thầy Nguyễn Minh Tâm, người có nhiều năm gắn bó với việc “gieo chữ” ở 2 ấp Vĩnh An - Vĩnh Hòa cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của địa phương nên chuyện học của con em nơi đây cũng đỡ phần vất vả. Chúng tôi chỉ mong các em cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường xây dựng tương lai”.

Có dịp ngồi trên chiếc xuồng máy chạy băng băng qua đồng nước mới cảm nhận hết phong vị mùa lũ. Những giọt nước li ti từ phía mũi xuồng bắn vào mặt làm tôi cảm thấy tỉnh táo hẳn. Gió chiều đồng lũ mát rượi. Anh bạn địa phương và tôi ngồi đối diện nhau trong ngôi nhà sàn bên mâm cơm dân dã mùa lũ. Biết bạn đường xa nên anh đãi toàn những thứ bắt được từ đồng nước mênh mông ngoài kia. Con cá lăng lèo xèo trên bếp than và nồi canh chua bông điên điển đồng, một dĩa ốc luộc sả theo kiểu “chân quê” làm tôi ấn tượng mãi.

Những ngày “lang thang” với đồng lũ để lại trong tôi những cảm xúc khó quên. Mùa lũ về cũng là lúc những cánh đồng trắng nước trở thành chốn mưu sinh của không ít người. Đồng nước mênh mông sẽ là hình ảnh đẹp, hiện hữu trong ký ức của người miền Tây như là một phần không thể thiếu của văn hóa miệt đầu nguồn.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét