Tháp Eiffel nổi tiếng của thủ đô Paris hoa lệ.
Cầu Ghềnh gập ghềnh khó đi của Biên Hòa trầm lặng.
Điểm giống nhau dễ thấy nhất là cả hai đều là những công trình xây dựng bằng thép. Điểm giống nhau không thấy được là cả hai có cùng một tác giả thiết kế kiến trúc: Kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel (1832 - 1923).
Nhiều tư liệu nói rằng kiến trúc sư Eiffel có 3 công trình kiến trúc cầu ở Việt Nam: Cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Ghềnh (Biên Hòa).
Wikipedia, trong phần tiểu sử Eiffel có nêu tên một số công trình kiến trúc tiêu biểu của ông, trong đó có cầu Long Biên và cầu Tràng Tiền, không thấy ghi tên Cầu Ghềnh - có lẽ vì cầu Ghềnh quá "bé bỏng" so với 2 "đàn anh" kia chăng?
Một thông tin gần đây cho biết cầu Long Biên không phải do Công ty của Eiffel thiết kế xây dựng, mà là một công ty của Pháp có tên là Daydé & Pillé (*).
Thế còn cầu Ghềnh, có đúng là do Eiffel thiết kế không nhỉ?
Cầu Ghềnh - chính xác là 2 cây cầu được bắc qua cù lao Phố, mang tên cầu Rạch Cát dài 125,37 met và cầu Ghềnh dài 223,30 met - được xây dựng năm 1909.
Vậy là 2 năm nữa, năm 2009, sẽ là tròn 100 năm ngày sinh của cặp đôi cầu Ghềnh này. Có nên có một lễ kỷ niệm 100 năm cầu Ghềnh không nhỉ?
_____
(*) Các tài liệu tại cục lưu trữ Việt Nam cũng như tấm bảng đồng ở đầu cầu phía nội thành Hà Nội đều ghi tên hãng thiết kế là Daydé & Pillé. Theo tài liệu tham khảo được thì vòng bỏ thầu đầu tiên, 5 hãng tham gia thì 3 hãng bật ra, trong đó có hãng Eiffel. Vòng hai còn 2 kỳ phùng địch thủ là L.Perret với giá 5387540.60F và Daydé & Pillé với giá cao hơn chút đỉnh 5390794F. Nhưng theo tiểu ban kỹ thuật bỏ thầu với cái nhìn đặc trưng kiểu Pháp đã khuyến nghị viên toàn quyền Paul Doumer không nên tiết kiệm một số tiền quá nhỏ để hy sinh một cây cầu chắc chắn với kiểu kiến trúc gothic trang nhã của hãng Daydé & Pillé. Như vậy có thể khẳng định hãng của Eiffel có tham gia đấu thầu nhưng đã bị loại ngay từ đầu. Còn tên của kỹ sư hay kiến trúc sư nào thiết kế cây cầu này đến nay vẫn là ẩn số.
P.H. Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét