Hồi xưa, sau ngày Giải phóng miền Nam, tôi – một gã thư sinh trói gà không chặt, chỉ biết đi học thôi chứ chả biết làm gì – bắt đầu hiểu thế nào là “Lao động là vinh quang”.
Ba là công chức chế độ cũ, đi học tập cải tạo hơn 4 tháng. Má ở nhà cùng các con đi làm ruộng, làm rẫy để kiếm sống.
Tôi biết cây điên điển từ hồi đó.
Nhà tôi trồng lúa trên vuông đất trũng nhỏ (gọi là bàu). Điên điển là một loại cỏ dại, sống khỏe, sống mạnh ở những vùng nước như vậy. Nó có lá giống như lá cây mắc cỡ (mà người ta gọi một cách thơ mộng là hoa trinh nữ), nhưng thân thon thả hơn, và không có gai. Nó cũng không biết khép lá ngây thơ như hoa trinh nữ, chỉ khép lá vào buổi chiều tối.
Đối với tôi nó là cỏ dại, cỏ dại chiếm đất của lúa, vì vậy phải tiêu diệt. Phải tàn sát không nương tay!
Nhổ từng bụi. Dùng rựa hoặc phảng để phát, có khi dùng liềm cắt cỏ để cắt từng bó, từng bó. Giết, giết, giết sạch!
Điên điển là một trong những đối tượng để tôi thực hiện nghĩa vụ lao động của mình.
Cũng cần nói thêm là ở thời điểm ấy, tôi không có khái niệm về bông điên điển. Lý do dễ hiểu: Tôi đã tàn sát nó trước khi nó trổ bông!
Lớn lên, học đại học, ra trường đi làm, tôi nghe bài Bông điên điển do Phi Nhung, rồi Cẩm Ly hát. Tôi thắc mắc tự hỏi: Bông điên điển này là điên điển nào mà nghe tình tứ, nên thơ vậy ta. Rồi tôi tự trả lời: Chắc chắn đó là điên điển miền Tây, chớ không phải thứ điên điển miền Đông là cỏ dại mà tôi đã từng tàn sát. Chẳng qua là trùng tên vậy thôi!
Rồi một ngày tôi đi công tác ở miền Tây. Bây giờ là một ông giám đốc đi xe con công tác chớ không phải một thằng thư sinh đi làm ruộng. Đối tác của tôi là dân miền Tây chính hiệu, mời vô ăn lẩu miền Tây ở một quán nổi tiếng tại Ngã Ba Lộ Tẻ.
Trên dĩa rau có những bông hoa vàng tươi. Ông bạn tôi cười nói: Mùa này có bông điên điển rồi đây!
Tôi hỏi một cách ngu ngơ: Bông điên điển đây sao?
Thế là lần đầu tiên tôi được ăn canh bông điên điển, mơ màng nghe câu hát:
Với màu điên điển say mê,
vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân.
Trót thương tình nghĩa vợ chồng,
Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương.
Tình thương em khó mà lường.
...
Ăn bông mà điên điển,
Nghiêng mình nhớ đât quê...
Anh bạn hỏi: Đặc sản miền Tây ngon hông?
Tôi thiệt tình trả lời: Ngon, ngon quá!
Rồi tôi cũng thấy được cây điên điển miền Tây. Má ơi, chẳng đâu xa lạ, nó chính là cái cây điên điển mà tôi đã tàn sát ngày nào. Nghĩa là: điên điển là điên điển, chẳng có miền Đông miền Tây gì ráo trọi!
Điều khác nhau là ở trong điều kiện nào đó thì ta cảm nhận về điên điển khác nhau mà thôi.
Còn bây giờ, tôi đang điên điển... tức là hơi điên điên đó, các bạn ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét