11 thg 1, 2013

Thánh đường Mubarak ở Châu Giang


Thánh đường Mubarak. Ảnh: TP. Diều

Thánh đường Mubarak tọa lạc trên một sở đất rộng, bên bờ Châu Giang hiền hòa, thuộc xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Người địa phương thường gọi nôm na các thánh đường Hồi giáo ở đây là chùa. Ước tính, hiện nay ở An Giang có khoảng 12.700 tín đồ theo đạo Hồi.

Ở Nam bộ, người Chăm không nhiều, phần lớn sinh sống tập trung ở An Giang. Mặc dù có cùng nguồn gốc, nhưng người Chăm ở An Giang khác với người Chăm ở miền Trung.


Lên đỉnh Cô Tô


Núi Cô Tô. Ảnh: Mai Lý

Đến vùng Thất Sơn, sau khi tham quan những thắng cảnh, di tích nổi tiếng như Núi Cấm, Anh Vũ Sơn (Núi Két), đồi Tức Dụp, chùa Vạn Linh, điện Bồ Hong, du khách nên thực hiện chuyến du hành chinh phục đỉnh Phụng Hoàng Sơn kỳ vĩ với nhiều huyền thoại. Phụng Hoàng Sơn là tên chữ của núi Cô Tô (hay núi Tô), cao 614 mét, là một ngọn núi đẹp nằm trong cụm Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc địa bàn xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang).


Từ thị trấn Tri Tôn đến hồ Soài So dưới chân núi Tô chừng 4 cây số. Sang thu, gió mùa tây nam mang đến cho miền núi Thất Sơn những cơn mưa rào mát mẻ. Sau một mùa nắng hạn gay gắt hồ Soài So đang được nạo vét, gia cố và đã dần có nước trở lại.



Cháo lòng Cái Tắc


Cháo lòng Cái Tắc. Ảnh: TP. Diều

Cái Tắc là một thị tứ thuộc xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ở đây, ngoài cảnh sông nước tấp nập ghe xuồng mỗi lần họp chợ, cây trái bốn mùa xanh tươi còn có những món ăn rất ngon mà giá cả lại rất bình dân. Tiêu biểu là món cháo lòng.

Chỉ là một món ăn rất bình dân, gần như ở đâu cũng có, nhưng món cháo lòng Cái Tắc đã vang danh không chỉ trong tỉnh mà còn lan ra ở các tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chẳng phải vô cớ mà một số nhà hàng lớn ở thành phố Cần Thơ, mỗi khi có tổ chức hội ẩm thực đều có trương băng quảng cáo cho món cháo lòng Cái Tắc này. Nhiều người ở xa có dịp ghé Cái Tắc ăn tô cháo lòng một lần có chung nhận xét là ngon hơn những nơi khác.

Về thăm dòng kênh Tình anh bán chiếu

 “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy. Cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra... chào” - đoạn vô vọng cổ thật mùi nói trên của nghệ sĩ Út Trà Ôn trong bài Tình anh bán chiếu quá quen thuộc với số đông bà con vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

Nhưng có lẽ không mấy người biết đích xác đâu là “bờ kênh Ngã Bảy” trong bài ca cổ, nơi để lại nỗi sầu tê tái cho chàng bán chiếu si tình.

Nơi từng là chợ nổi Phụng Hiệp cũ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Từ Cần Thơ theo quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng chừng 30km là tới thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Từ thị trấn huyện “lên” thị xã từ năm 2006, Ngã Bảy nay phố thị sầm uất, trên bến dưới thuyền.




Bên dòng kinh xáng Xà No



Kinh xáng Xà No là tuyến đường thủy hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế miền Hậu Giang. Ảnh: Mai Lý

Theo quốc lộ 1A, từ thành phố Cần Thơ đi về phía nam chừng 15km, đến ngã ba Cái Tắc rẽ phải, du khách sẽ vào địa phận tỉnh Hậu Giang. Đi thêm 45km theo tỉnh lộ 61 ta sẽ tới thị xã Vị Thanh, đây là tỉnh lỵ của Hậu Giang mới thành lập năm 2000. Từ TPHCM, du khách có thể đi thẳng về Vị Thanh (240km) bằng xe khách của nhiều hãng tốc hành, khá thuận tiện, an toàn.

Đến Hậu Giang, sau khi tham quan những di tích, thắng cảnh như chợ nổi Ngã Bảy, lung Ngọc Hoàng (Phụng Hiệp), di tích chiến thắng Tầm Vu (Châu Thành A)... du khách về thị xã Vị Thanh dạo chơi, ngắm nhìn dòng kinh Xà No thơ mộng, dập dìu tàu, ghe xuôi ngược.


Về Ô Môn thưởng thức khô chạch nướng



Khô cá chạch nướng chấm mắm me. Ảnh: Tương Tâm 

Cá chạch đồng (chạch bùn) là loài cá nước ngọt, sống ẩn mình dưới bùn nơi sông rạch, theo con nước chúng ngoi đầu lên tìm các phiêu sinh vật hoặc bọt nước để ăn. Thân cá chạch tròn dẹt, khi trưởng thành dài khoảng một gang tay. Da cá trơn láng có màu vàng nâu hoặc xám đen. Đầu và miệng nhỏ, mắt bé, vảy cá nhỏ li ti ẩn sâu dưới da, và nơi phần đuôi có những chấm tròn đen. 


Nem nướng Cái Răng



Nem nướng của cô Thu ở Cái Răng. Ảnh: Phương Kiều

Từ hình thức của món ăn cho đến cách bán hàng đều khác lạ, không thuận tiện - nếu không nói là khó khăn cho thực khách; thế mà hàng bán chạy chỉ vì chất lượng món ăn. Muốn ăn nem nướng, khách phải điện thoại đặt trước với điều kiện đặt từ 1 ký trở lên; rồi đúng hẹn khách phải tự đến nơi nhận nem đem về. Cách buôn bán này có từ rất lâu đời của một lò nem nướng ở trung tâm quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Đó chỉ là một căn nhà bình thường, không có bàn ghế để khách ngồi nhẩn nha thưởng thức từng gói nem nướng ngon ngọt với mấy chai bia. Cho nên muốn có nem nướng, khách phải điện thoại đặt trước, số điện thoại này, đa số ai ở Cái Răng cũng thông thuộc. Cây nem nướng ở đây cũng “không giống ai” vì đó là những chiếc nem dài chừng một gang tay, bự và tròn khoảng hai lóng tay người lớn, như một cây xúc xích cỡ bự.

Bánh ú nước tro Cần Thơ



Bánh ú nước tro. 

Mâm cỗ cúng ông bà trong dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) của gia đình tôi không bao giờ thiếu món bánh ú nước tro. Tôi còn nhớ khi làm món bánh này, má tôi phải chuẩn bị tỉ mỉ mọi thứ nguyên liệu như nếp, nước tro, lá chuối, lạt buộc cùng những gia vị khác.

Trước hết, má chọn loại nếp rặt (không lẫn tạp chất) cũ, ngon cho vào thau. Tro bếp là loại loại tro dừa (hoặc rơm, rạ) sàng sạch lấy phần mịn cho vào hũ hòa với nước lạnh (có độ mặn, không quá nhạt) để một đêm cho lắng. Sáng hôm sau, má dùng cái mủng vùa (vật dụng dùng múc nước ở quê là phân nửa cái gáo dừa), gạn lấy phần nước trong cho vào thau nếp ngâm (nước xăm xắp cỡ lóng tay) khoảng 4 tiếng.


Quán ca cổ trên chợ nổi Cái Răng



Hai nghệ nhân đang đờn ca phục vụ khách trong quán cà phê nhà bè trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết 

Anh bạn rủ đi chợ nổi uống cà phê, nghe ca cổ. Chợ nổi Cái Răng thì mình đi nhão cả rồi, mỗi lần bạn bè nơi khác đến Cần Thơ mình vẫn dẫn ra chợ nổi tham quan mà. Nhưng vô Cái Răng uống cà phê nghe cũng hay, coi như đổi quán một bữa, lại có màn thưởng thức ca cổ thì càng vui. Vậy là sáng sớm, mấy người bạn cùng xuống bến tàu du lịch mướn tàu vào Cái Răng.

Khu chợ nổi họp mỗi sáng cách chân cầu Cái Răng khoảng 500 thước đông đúc ghe xuồng tụm lại dài theo mặt sông, mấy cây bẹo treo trước mũi ghe lủng lẳng nào khóm, nào cam, củ khoai, củ sắn và trăm thứ khác. Bữa nay cận tết nên cam, bưởi, dưa hấu, vú sữa đầy ghe và đã có nhiều xuồng chở hoa kiểng cho người mua chưng tết… Mấy con tàu du lịch cứ tới lui nườm nượp chở khách nước ngoài vẻ háo hức với những chiếc máy ảnh, quay phim. Cảnh vật, không khí trên khu chợ nổi đã bắt đầu rộn ràng không khí tết tuy có vẻ không được sung như mọi năm.

Về Cần Thơ thăm nhà cổ Bình Thủy


Mặt trước ngôi nhà 5 gian ở Bình Thủy. 

Có một điểm tham quan ở Cần Thơ, du khách có dịp về đòng bằng sông Cửu Long không nên bỏ qua là ngôi nhà cổ của gia đình họ Dương xây từ năm 1870 tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Ngôi nhà cổ 5 gian 2 mái này được gia đình họ Dương xây dựng theo kiến trúc Pháp đến nay gần 150 năm, vẫn còn khá nguyên vẹn. Địa chỉ này còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy, bởi hậu duệ đời thứ 5 sinh trưởng trong ngôi nhà này là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 1960, ông Ngôn sưu tầm được nhiều giống hoa lan quý hiếm rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan và kết hợp đón khách du lịch đến tham quan ngôi nhà cổ vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm tìm hiểu và cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 là ông Dương Minh Hiển cùng gia đình tiếp tục kế thừa và giữ gìn ngôi nhà. 



Nét đẹp Khôsa Răngsây

Chùa Khôsa Răngsây, còn gọi là chùa Viễn Quang, tọa lạc tại số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đây là một địa điểm tín ngưỡng không chỉ của bà con Khmer, mà của cả người Việt quanh vùng.

Chùa có diện tích khá hẹp, chỉ khoảng 150 m². Bên trái là dãy Đông lang Sala (trai đường), một trệt một lầu, có diện tích sử dụng 200 m², phía sau là nhà khói 100 m². Bên phải là dãy Tây lang, cũng một trệt một lầu, còn phía trước là thất trụ trì, phía sau dùng làm nơi ở trọ của học sinh, sinh viên người Khmer ở các tỉnh lên trọ học.

Ngôi tháp trong khuôn viên chùa

10 thg 1, 2013

Nhớ người xưa, từng ở nơi này...

Trong ảnh là cầu Gành, chiếc cầu sắt cũ kỹ bắc ngang sông Đồng Nai, nối liền cù lao Phố và Bửu Hòa. Ở đầu cầu phía bên kia, tả ngạn sông Đồng Nai là đền thờ thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh - xây đã hơn 3 trăm năm. Ở đầu cầu phía bên này, hữu ngạn sông Đồng Nai là đền thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương - xây đã hơn trăm năm. Trớ trêu thay, chiếc cầu nối 2 đền thờ của 2 bậc danh nhân Việt Nam lại là sản phẩm thiết kế bởi một danh nhân Pháp: kiến trúc sư Gustave Eiffel! Chiếc cầu này cũng đã hơn trăm năm tuổi.



Nguyễn Tri Phương là đại danh thần triều Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân(1800) tại Phong Điền, Thừa Thiên, tuẫn tiết ngày 20 tháng 12 năm Quý Dậu (1873) khi thất thủ thành Hà Nội.

Trà Vinh, những đêm gió bấc

Hàng chục năm qua, cứ hễ vào những ngày lộng bấc, nhất là vào buổi tối, là tôi lại nhớ tới thị xã nhỏ bé đầy bóng sao dầu cổ thụ Trà Vinh. Tôi nhớ đến căn nhà mái tôn thấp, nằm lọt thỏm dưới hai “con đê” cao là đường Lê Quang Liêm (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Trần Quốc Tuấn (đường số 2). Đó là căn nhà tôi trọ học những năm phổ thông trung học. Cùng với tôi còn có năm ba anh em đồng hương Cầu Kè “ăn cơm tháng” tìm lấy cái chữ cho cuộc đời mình. Vì vậy căn nhà rộn rịp vào ban ngày tuổi trẻ chúng tôi. Nhưng đêm xuống lại thanh vắng bởi mỗi đứa “chiếm ngự” một góc với cuốn tập học bài hoặc cây viết trên tay giải bài toán hay viết bài văn nào đó. Càng vào sâu đêm, sự thanh vắng càng rõ và buồn nhất là trong những đêm gió bấc cuối năm.





Trái quách - vị ngon đất giồng



Rổ trái quách bán bên đường. Ảnh: Phương Kiều

Đi khắp sáu huyện, thành phố của tỉnh Trà Vinh, nơi nào ta cũng bắt gặp những xề trái quách bày bán ven đường. Và, rải rác trong sân nhà giữa hai bên lộ là những cây quách thân ốm yếu, khẳng khiu với những chiếc lá giống lá cần thăng cùng những trái thõng xuống thân cành. Tuy nhiên, Cầu Kè mới là “quê hương" của trái quách xứ biển Trà Vinh.

Trái quách đã có mặt trên đất Trà Vinh từ hơn nửa thế kỷ, nay được trồng nhiều ở huyện Cầu Kè. Quách là loại cây cao khoảng 7-8 mét, lá nhỏ và thân giống như cây cần thăng, trồng khoảng bảy năm thì cho trái. Cây quách già hàng chục tuổi, cho hàng trăm trái. Trồng quách sướng cái là không cần phải trèo lên cây hái. Quách bắt đầu chín thì tự rụng. Dù rơi từ trên cao xuống nhưng quách không giập vỡ vì vừa chớm chín, trái còn rắn.

Dừa sáp - đặc sản giải khát đồng bằng Cửu Long

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, vì cơm dày, mềm, dẻo như sáp. Bọng dừa thường ít hoặc không có nước. Cơm do nước dừa từ từ đặc lại rồi phình ra tạo thành một khối xôm xốp, vị béo và ngọt. 

Dừa sáp là đặc sản của quê hương Trà Vinh, nổi tiếng nhất là tại huyện Cầu Kè. Tương truyền cách nay khoảng 70 năm có một nhà sư người Khmer ở Trà Vinh sang Campuchia tu hành, khi về mang theo giống dừa này trồng tại huyện Cầu Kè và phát triển cho đến ngày nay. Xã Tân Hòa, huyện Cầu Kè, được mệnh danh là "Làng triệu phú dừa sáp" với hơn 100 xã viên hợp tác xã. 


Dừa sáp Cầu Kè. Ảnh: Thiên Lộc.


Các món rươi ở Trà Vinh

Món khô rươi đang được làm thử trước khi sản xuất đại trà. Ảnh: Cát Lộc

Chuyện xưa kể rằng, khi Nguyễn Ánh bôn tẩu đến vùng biển huyện Duyên Hải (thuộc Trà Vinh hiện nay), được một phú hộ phục vụ các bữa ăn bằng nước mắm rươi. Sau khi lên ngôi, xưng hiệu Gia Long, nhà vua vẫn rất nhớ hương vị thứ nước mắm này, nên năm nào cũng cho ghe bầu vào đây mua nước mắm rươi về thưởng thức. Vì vậy món nước chấm dân dã này được người địa phương gọi là nước mắm ngự.

Nhưng từ bấy đến nay, thứ nước mắm rươi ấy vẫn chỉ được tiêu thụ quẩn quanh trong huyện Duyên Hải, rộng ra cũng chỉ trong địa phận tỉnh Trà Vinh. Là bởi loại nước mắm này chỉ được sản xuất thủ công nhỏ lẻ, dùng trong gia đình. Mãi gần đây, nước mắm rươi mới có cơ hội mở rộng thị trường, một phần nhờ việc áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận thị trường. Bên cạnh hàng trăm gia đình sản xuất nhỏ, Duyên Hải đã có 3 nhà sản xuất có quy mô khá lớn; trong đó có thương hiệu nước mắm rươi Long Vinh.

Bánh canh Bến Có


Mặt tiền quán bánh canh Bến Có. Ảnh: Phương Kiều

Khách phương xa đến Trà Vinh nên thưởng thức tô bánh canh của quán Bến Có nổi tiếng ở địa phương này. Từ hướng Vĩnh Long, gần đến Trà Vinh khoảng chục cây số, hỏi bất cứ người nào về quán cũng đều được bày: “Thấy bên tay trái, chỗ nào xe honda, xe du lịch đậu đầy thì cứ ghé vô”.

Những năm 1980, người dân khu vực Bến Có - ao Vuông (ao Bà Om) đều được ăn bánh canh tại nhà do cô Hai Hên phục vụ. Bánh canh được làm từ bột gạo đắp quanh cái chai, dùng dao cắt từng sợi cho rơi vào nồi nước luộc, nấu với tép quết nhuyễn, chan nước cốt dừa, là món món ăn bình dân của nhiều người.

Trà Vinh êm đềm

Không khí và cảnh quan của Trà Vinh hết sức êm đềm với nét cổ kính của chùa chiền, hàng cây trăm tuổi và phố xá yên tĩnh. Nghỉ hè mà về Trà Vinh cũng có nhiều điều thú vị. 


Thắng cảnh ao Bà Om - Ảnh: D.T.H.

Từ TP.HCM đi Trà Vinh chỉ mất 3 giờ qua đoạn đường 130 km nhờ có quốc lộ 60 qua Mỹ Tho, cầu Rạch Miễu (Tiền Giang - Bến Tre) và bắc Cổ Chiên (so với đi quốc lộ 1 qua Vĩnh Long mất tới 4 giờ với 200 km).

Chùa Cò ở Trà Vinh

Chùa Nodol ở Trà Vinh còn có tên gọi là chùa Cò. Ảnh: Mai Lý

Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên - một nhánh của sông Tiền và sông Bac Sac - một nhánh của sông Hậu. Đây là một trong hai tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều người dân tộc Khmer sinh sống. Người Khmer rất sùng đạo Phật. Khắp các làng xã, phum, sóc ở Trà Vinh đều có chùa chiền; trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng với đặc điểm riêng.

Chùa Nodol ở ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú còn được gọi là chùa Cò hay chùa Giồng Lớn, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40 cây số về phía nam.

Theo quốc lộ 54 đến huyện Trà Cú, đi tiếp về phía cảng Định An (sông Hậu), tới cổng chào của xã Đại An, rẽ vào tay trái du khách sẽ gặp tam quan chùa Nodol bề thế với hoa văn, họa tiết sặc sở. Qua cổng, theo con đường đất xuyên giữa hai bờ tre, bạch đàn, me tây, du khách rẽ vào một cổng nữa sẽ lọt vào khu vực chùa Cò. Từ đây, ta sẽ nhìn thấy rất nhiều chim, cò sải cánh bay lượn trên những mái ngói, những vòm cây, những đỉnh tháp thâm nghiêm cổ kính. 


Hàng ngàn con chim đủ loại, nhiều nhất là cò đã sinh sống trong khuôn viên chùa Nodol hàng trăm năm qua. Ảnh: Mai Lý 

 Chùa Nodol là một ngôi chùa cổ to lớn, bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội... có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hóa Khmer ở Trà Vinh. Ngôi chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như thần Riehu (Reahu), thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt...

Chung quanh chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu, sầu đâu rợp bóng, xa hơn là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Người dân địa phương thường gọi chùa Nodol là chùa Cò vì đã hơn 100 năm qua, trong khuôn viên chùa rộng khoảng 4 hec ta và những bờ tre bao bọc là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như cò, cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...

Du khách sẽ rất thú vị khi nhìn thấy những đàn cò với nhiều chủng loại bay đi kiếm ăn, bay về tổ với tiếng kêu quang quác giữa một khung cảnh thâm trầm u tĩnh. Đến với chùa Cò, ta sẽ thấy yêu mến và muốn hòa mình, đắm chìm cùng với thiên nhiên hoang dã.

Mai Lý

Biển Duyên Hải ở Trà Vinh


Biển Duyên Hải ở Trà Vinh. Ảnh: Phương Hà

Duyên Hải là một huyện sát biển của tỉnh Trà Vinh; vùng đất nầy vắt ngang từ cửa biển Cổ Chiên (sông Tiền) đến cận cửa Định An (sông Hậu). Đây là nơi cuối dòng Mékong đổ ra biển Đông.

Từ Trà Vinh theo quốc lộ 53 đi về phía đông sẽ đến Duyên Hải. Từ đây, du khách sẽ có nhiều tiết mục khám phá vùng biển còn khá nguyên sơ nầy. Điểm nhấn, hấp dẫn của chuyến đi nầy là khu vực xã Trường Long Hòa, nơi có bãi biển Ba Động nổi tiếng với những động (cồn) cát hoang sơ được hình thành nên bởi gió biển thổi cát dồn tụ lại. Dọc theo triền, dưới chân những động cát là rừng phi lao tuyệt đẹp, nhiều lớp, xanh thẳm chạy dài xa tít tắp. Rừng phi lao cũng là rừng phòng hộ chống sự xâm lấn của cát vào trong đất liền.


Lang thang triền núi

Núi Long Ẩn nằm trong khu du lịch Bửu Long. Muốn lên núi phải vào cổng khu du lịch, phải mua vé. 


Ở đó bạn có thể leo những bậc thang bám rêu để lên chùa Long Ẩn, từ trên cao ngắm thành phố Biên Hòa.

Món ngon đất Vĩnh Long


Ốc lác hấp lá gừng.

Với đặc thù sông rạch chằng chịt, đồng ruộng mênh mông, ẩm thực của Vĩnh Long có nhiều nét đặc sắc và rất đa dạng. Các món ăn rất phong phú trong thiên nhiên như cua, ốc, tôm, tép được sử dụng hàng ngày.

Ốc lác hấp lá gừng non là một món ngon dân dã, dễ làm, dễ tìm nguyên liệu. Tìm mua hoặc chịu khó mò vớt trong mương vườn, nhặt trên ruộng chừng một ký lô ốc lác loại bằng đầu ngón chân cái. Ngâm nước vo cơm vài tiếng đồng hồ, hoặc trong nước sạch chừng 24 giờ cho ốc nhả cặn. Rửa sạch ốc, cho vào nồi luộc chín với ít lá sả, bưởi, ổi cho thơm.


Chuyện bên rạch Cái Tôm


1. Mỗi chiều, thím Hai thường qua nhà tôi ngồi bắt chí cho mấy đứa nhỏ. Thím có một sở thích kỳ dị là bắt những con chí thả xuống nền ximăng cho chúng ngo ngoe bò một hồi rồi dùng móng tay cái đè lên từng con, từng con kêu bụp bụp.


Tụi nhỏ con thím khoái chí cười khé lên trong khi tôi sợ hãi lánh đi nơi khác. Con Chấm, con của thím, lớn hơn tôi hai tuổi, rất thích đọc truyện với tôi nhưng nó không tự hiểu được câu chuyện mà phải nhờ tôi giải thích. Mỗi khi má nó bắt chí cho em nó, biết tôi không thích nên con Chấm thường rủ tôi đọc truyện.

Không phải địa danh nào cũng có sức gợi. Không phải vì cái tên nó lạ hay nó đẹp mà vì hương vị của lịch sử. Động tới mấy từ Cao Lãnh đã nghe rưng rưng thơm, thơm mùi nắng gió sông Tiền và thơm mùi thuốc giồng thuốc gò, nó thơm từ trong quá khứ thơm ra.
Tác giả mới, cái tên Bùi Thị Cao Nguyên (*), có vẻ liên quan đến chỗ nào đó của đất bazan nhưng giọng văn thì miền Tây rặt. Truyện đọc lên thấy buồn, buồn om, ai đang vui mà đi viết văn bao giờ! Người viết viết từ gan ruột buồn viết ra, nhân vật loáng thoáng vì đông đúc nhưng hình ảnh cây thuốc thì đậm, chưa thấy ai yêu cây thuốc lá như vậy cả.
Có lẽ nó sống vì nó đã chết, nghề thuốc, cây thuốc, mùi thuốc và cả những tập quán làm nên hương sắc một thời. Có cảm giác tác giả khuân về tận thềm nhà mình một cái lõi cây, như vừa khai quật được, cái công ấy thật đáng ghi nhận, một sự phát hiện tâm huyết. Và không phụ lòng người, cái cây ấy đã cho lại những thứ mà nó có, giản dị, thơm tơi, nồng nồng và dĩ nhiên nó bùi ngùi, day dứt.  
DẠ NGÂN
(*) Bùi Thị Cao Nguyên là giáo viên Anh văn của Trường THPT thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đã từng có truyện dịch được đăng báo lúc còn là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ. Chuyện bên rạch Cái Tôm được chọn in trong tuyển tập thơ văn kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã Cao Lãnh. Không chỉ viết truyện ngắn, chị còn làm thơ.
Đôi khi, trong lúc chúng tôi chụm đầu đọc sách, chí từ đầu nó bò sang đầu tôi và mẹ tôi phải cực khổ mua thuốc về diệt chí cho tôi. Lúc đó tôi ngạc nhiên hỏi mẹ tại sao thím Hai không mua thuốc về trị cho tụi nhỏ mà cứ ngồi bắt chí mỗi chiều làm chi cho cực vậy. Mẹ tôi bặm môi nói con nít biết gì mà nhiều chuyện. Mãi sau này tôi mới hiểu, thím nghèo quá, tiền mua một bịch thuốc trị chí gần bằng ba lít gạo - một ngày ăn của tụi nhỏ.

Về Sa Đéc ăn hủ tiếu khô

Hủ tiếu khô là đặc sản của vùng Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Tường Vi

Nếu có dịp về Sa Đéc (Đồng Tháp) đừng quên thưởng thức hai món đặc sản xứ này: bánh phồng tôm Sa Giang và hủ tiếu khô.

Bánh phồng tôm Sa Giang dễ dàng được tìm thấy ở các siêu thị trong thành phố nhưng với món hủ tiếu khô thì bạn không nên bỏ qua khi đến vùng Sa Đéc này.

Vào quán gọi một phần hủ tiếu khô, người ta sẽ hỏi bạn ăn hủ tiếu tương (chay) hay mặn. Cách làm không khác nhau là mấy, nếu như mặn thì dùng với thịt thăn heo còn nếu chay thì dùng tàu hủ ky.

Hủ tíu bò viên Sa Đéc

Hủ tíu bò viên Sa Đéc. Ảnh: Trần P. Diều

Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, là nơi có nhiều món ăn ngon được lưu truyền vượt thời gian, như lẩu bò, hủ tíu Sa Đéc, nem, chả lụa… Nhưng ở Sa Đéc còn một thứ hủ tíu tuy ít nghe nhắc đến nhưng rất ngon, đó là hủ tíu bò viên. Gọi là hủ tíu bò viên vì khi ăn tô hủ tíu này, thực khách chẳng thấy miếng thịt nào cả, mà chỉ thấy bò vò viên thôi.

Cứ độ khoảng 6 giờ chiều mỗi ngày, khách từ xa đến cứ việc ghé qua chợ thực phẩm Sa Đéc, thưởng thức thử một tô hủ tíu bò viên, ắt sẽ hài lòng. Bởi hủ tíu bò viên ở đây rất ngon, mà cái ngon đó được tổng hợp từ các thứ gồm nước súp, bò vò viên, và cả từng sợi hủ tíu nữa. Hàng hủ tíu ở đây rất đông khách, người bán không kịp trở tay, khách thường phải ngồi chờ.

Làng chiếu ở Lấp Vò


Con đường làng quê loanh quanh là sân phơi chiếu đã nhuộm màu. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Từ TPHCM về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận rẽ tay phải rồi đi quá Sa Đéc thêm 33 cây số nữa là đến làng nghề dệt chiếu nổi danh đã hàng trăm năm nay ở hai xã Định An, Định Yên thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một địa chỉ du lịch hấp dẫn nằm bên bờ Bắc sông Hậu.

Chiếu là sản phẩm thủ công luôn gắn liền với đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Người ta dùng chiếu để nằm, ngồi, để khi nhà có lễ lộc, dùng ở những nơi thờ phượng, nơi có lễ hội, đình đám… Những chiếc chiếu đẹp nhất, tốt nhất đó là chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc… thường dùng để trải ra cho những người cao tuổi, những người có chức sắc ngồi.


Cam quýt Lai Vung mùa tết


Quýt hồng treo bán bên đường ở Lai Vung. Ảnh: Chi Lan

Một ngày giữa tháng Chạp trước tết Nhâm Thìn, cùng mấy người bạn chúng tôi đã tìm đến xứ sở của loại quýt hồng nổi tiếng miền Tây Nam bộ. Xuất phát từ Cần Thơ, chúng tôi đến thị trấn Ô Môn rồi rẽ vào bến đò Thới An, qua phà sang bên kia sông Hậu, chạy thêm khoảng 12 cây số trên quốc lộ 54 là đến cầu Lai Vung thuộc huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp.

Vừa đến gần cầu Lai Vung, khách đã có thể nhận biết mình đang bước vào xứ quýt bởi dọc hai bên đường, những chùm quýt chín đỏ đẹp mắt được treo lủng lẳng ở các quán ven đường. Cả bọn háo hức quẹo xe xuống con đường nhỏ dưới chân cầu Lai Vung chạy dọc mé sông. Chỉ độ vài trăm thước đã thấy quýt hồng chất đống trong sân mấy ngôi nhà lớn. Nhà nào cũng bày la liệt loại thùng mốp cỡ 50 ký.


Đồng Tháp, Tràm Chim: Mùa sếu bay về

Nghe tin đàn sếu đầu đỏ trở về, chúng tôi vội vã trốn cái nắng gay gắt của sự náo nhiệt phố thị, tìm đến Vườn Quốc gia Tràm Chim vào một buổi sớm mai, khi Mặt trời còn ngái ngủ.



Hằng năm, khi mùa khô phương Nam bắt đầu ấm nắng là đàn sếu lại xuất hiện trên bầu trời vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Kiên Lương (Kiên Giang). Ngay từ trước Tết Nguyên đán, những đàn sếu đầu tiên đã có khoảng trên 100 con bay về Tràm Chim. Tận mắt được chứng kiến “vũ điệu thần tiên” của loài chim cao 1,7m với đôi cánh rộng và màu đỏ rực trên đầu trong ánh bình minh tuyệt đẹp luôn là cảm hứng bất tận của những người yêu thiên nhiên.

Di tích cổ ở Sa Đéc

Từ TPHCM về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), qua khỏi cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền, rẽ trái chừng 15km sẽ đến thị xã Sa Đéc. Trước năm 1975, đây là thủ phủ của một tỉnh cùng tên, sau đó trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp cho đến năm 1994, trung tâm hành chính tỉnh Đồng Tháp chuyển sang Cao Lãnh.



Kiến An cung, còn gọi là chùa Ông Quách. Ảnh: Hoàng Thám

Dù chỉ là một thị xã nhỏ nằm bên bờ Sa giang nhưng có lịch sử hình thành khá lâu đời nên Sa Đéc có rất nhiều đình chùa, nhà cổ, làng nghề nổi tiếng. Kiến An cung hay còn gọi là chùa Ông Quách nằm ngay tại trung tâm thị xã do những người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến di cư sống tại Sa Đéc xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) và khánh thành vào mùa thu Đinh Mùi (1927).


Ngôi chùa được nhiều người thăm viếng nhất ở Đồng Nai

Đồng Nai có một ngôi chùa được rất nhiều người ghé thăm. Không dám chắc lắm, nhưng tôi nghĩ rằng đây là ngôi chùa được nhiều người thăm viếng nhất của tỉnh Đồng Nai.

Ngôi chùa đó đây nè:


Ốc gạo Phú Đa, gần xa nức tiếng…



Ốc gạo xưa nay có mặt khá nhiều nơi các vùng sông nước như Tân Phong (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), Vĩnh Bình (Bến Tre)… nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là ốc gạo Phú Đa trên dòng Cổ Chiên, thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. 

Theo các bậc lão nông tri điền, con ốc gạo đã có mặt từ lúc cồn Phú Đa mới nhô lên. Khi ấy, con người đã biết khai thác, lúc đầu chỉ để ăn và đãi khách, dần dần mới đưa ra thị trường, lâu ngày tạo thành thương hiệu “Ốc gạo Phú Đa”.

Trước đây ốc nhiều vô số kể, mãi đến năm 1978, sản lượng vẫn còn hằng trăm tấn/năm. Nhưng sau đó, do mạnh ai nấy bắt, có người còn sử dụng kiểu đánh bắt “diệt cả ổ, giết cả đàn” khiến cho nguồn ốc cạn kiệt dần, hoặc bỏ đi nơi khác vì môi trường bị ô nhiễm.

Đuông dừa, đặc sản đồng bằng sông Cửu Long


Đuông dừa, món ăn đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long


Ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre, có rất nhiều dừa. Và cây dừa chính là nơi sản sinh cho đời món ăn tuyệt thú: đuông.Đuông là loại côn trùng thích ăn củ hủ dừa (đọt dừa). Bản thân đuông lại là một trong những món ăn quí nhất của dân sành ẩm thực. Hằng năm, cứ sau mùa giao phối, đuông thường chọn cây dừa sung sức để khoét ngọn vào sinh trứng. 

Trứng nở ra ấu trùng, sau đó mẹ con nhà đuông "mở chiến dịch khai chiến" với củ hủ dừa. Trung bình mỗi cây dừa có khoảng 100 con đuông ngày đêm "đánh chén" "bộ óc dừa" một cách say sưa ngon lành cho đến khi xuyên thủng ngọn dừa, làm cây dừa kiệt sức rồi úa tàn dần đến chết. Đến lúc này, chủ vườn phải hạ đốn để bắt đuông. Mỗi con đuông dừa cỡ ngón tay cái, ú mập, béo tròn.


Lẩu cháo cua đồng Bến Tre



Canh cua đồng rau đay là món Bắc chính hiệu. Lẩu cháo cua đồng có xuất xứ từ món này và có lẽ chỉ có ở Thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre).

Cô chủ quán Hồng Thủy trên đường tránh Quốc lộ 60 cho biết, cô là người đầu tiên ở địa phương mở quán bán món này từ hơn hai năm nay. Và hiện giờ có rất nhiều người mở quán bán món lẩu “chạy hàng” này hai bên quán cô.

Cua đồng cô Thủy mua ở Đồng Tháp về, rửa sạch, tách mai và yếm bỏ. Gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị, để riêng. Phần còn lại của cua xay nhuyễn, hòa nước lạnh, quậy đều, lược lấy nước cốt. Nồi cháo gạo ngon nấu nhừ với đậu xanh cà, nấm rơm cho vào lẩu, nêm nếm vừa ăn rồi mới cho nước lọc cua vào cùng với hành lá xắt nhỏ và gốc hành. Sau cùng cho lớp gạch cua phi với hành thơm nức lên làm mặt.

Cơm dừa ăn với tép rang nước cốt dừa



Cơm hấp dừa xiêm. 

Cây dừa gắn bó với đời sống của người dân và trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của Bến Tre. Những món ăn của người Bến Tre thường mang vị ngọt của dừa. Nếu kể các món ăn chơi thì có kẹo dừa, bánh lá dừa, chè đậu xanh nước dừa xiêm... trong bữa ăn hàng ngày của người Bến Tre phải kể đến mắm lóc chưng nước cốt dừa, nấm mối xào dừa, cổ hũ xào dừa, chuối hầm dừa... 

Kỳ này, xin giới thiệu hai món ngon độc đáo từ dừa là cơm dừa và tép rang nước cốt dừa.



Làng nghề Mỹ Lồng, Sơn Đốc ở Bến Tre



Nghề tráng bánh bằng nước cốt dừa đã nổi tiếng hàng trăm năm nay.

Xưa kia có câu hò đố của các thôn nữ Bến Tre: “Hò ơ… ơ… Nghe anh đi đó đi đây, em thử đố câu này: Bánh phồng, bánh tráng đất này, đâu ngon… ơ… ơ…”. Anh trai mau miệng đáp: “Hò… ơ… ơ… Nghe em đố tức anh nói phứt cho rồi. Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, măng cụt Hàm Luông vỏ ngoài nâu trong trắng tựa bông gòn. Anh đà đáp đặng sao em còn so đo… ơ… ơ…”.

“Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” là câu nói đầu môi chẳng riêng gì của người Bến Tre. Sơn Đốc cách Mỹ Lồng chừng chục cây số. Tới ngã ba Sơn Đốc, cũng như gần tới Mỹ Lồng, thấy hai bên đường đầy những giàn phơi bánh cùng hàng quán treo bánh bán dọc hai bên đường. Hai làng nghề này nổi tiếng đã hàng trăm năm nay.


Về chơi cù lao Bảo

Từ TPHCM, đi chừng 70 cây số, xuyên ngang thành phố Mỹ Tho qua cầu Rạch Miễu, du khách sẽ vào địa phận tỉnh Bến Tre. Tỉnh Bến Tre được hình thành từ 3 cù lao (Minh, Bảo và An Hóa). Cù lao Bảo là một trong ba cù lao lớn.



Hồ Chung Thủy ở thành phố Bến Tre. Ảnh: Đặng Hoàng Thám

Năm 1900, tỉnh Bến Tre được thành lập gồm hai cù lao Minh và Bảo. Đến năm 1948, cù lao An Hóa tách ra khỏi tỉnh Mỹ Tho, nhập thêm vào tỉnh Bến Tre. Cù lao Bảo hiện nay, gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và thành phố Bến Tre. Ranh giới tự nhiên của cù lao Bảo và cù lao An Hóa là dòng sông Ba Lai uốn lượn lững lờ giữa đôi bờ lá xanh mướt. Cù lao Bảo ngăn cách với Cù lao Minh bởi con sông Hàm Luông dài ra tới biển Đông.


Đại sứ ẩm thực Gò Công cách đây khoảng 180 năm

Chuyến đi xa nhất đầu tiên của mắm tôm chua Gò Công chắc là chuyến ra Huế theo nỗi nhớ của bà Từ Dụ Phạm Thị Hằng cách đây xấp xỉ khoảng 180 năm. Nhờ đó người dân đất Thần kinh mới biết đến ẩm thực Gò Công.

Phải chăng cũng chính qua vị đại sứ ẩm thực của Gò Công này mà có phiên bản mắm tôm chua Huế. Thậm chí thương hiệu Huế nặng hơn Gò Công nên có người còn viết đại loại: mắm tôm chua Gò Công ngon không thua gì mắm tôm chua Huế. Nghĩa là lấy “con” làm chuẩn để so với “mẹ”. Thật là bất khả tư nghì kiểu sen từ bùn mà lớn lên lại õng ẹo tẩy chay bùn.


Ảnh: Thanh Hào


Đường về sóc Bom Bo

Cơn mưa chiều bất ngờ đổ xuống. Ở cao nguyên, đã mưa là tối đất tối trời. Không gian ướt sũng một mầu tím sẫm in bóng những dãy núi mờ xa. Ði trong tâm tưởng, tôi trở về với vùng đất kiên trung chiến khu Ð xưa. Mỗi chặng đường qua như trải theo những dòng hoài niệm về một thời lịch sử hào hùng và gian khó. Nơi ấy là sóc Bom Bo của những người S'tiêng một lòng theo cách mạng. Vùng đất đẹp như một huyền thoại núi rừng từng là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ - chiến sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo nổi tiếng.

Vượt hơn 300 cây số, từ Ðà Lạt chúng tôi đến di tích căn cứ Khu 6 anh hùng cuối tỉnh Lâm Ðồng rồi vượt sông Ðồng Nai qua vùng núi rừng Bù Ðăng, Bình Phước. Suốt hành trình là âm hưởng lời ca: 'Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày về đường này thăm sóc Bom Bo. Lại nghe tiếng chày nhịp nhàng trên sóc Bom Bo...'. Cắt ngang ngã ba Minh Hưng trên quốc lộ 14, tỉnh lộ ÐT.760 đưa chúng tôi về với căn cứ Nửa Lon xưa. Bom Bo đây rồi, không còn phải tìm đường thêm nữa, vì ngay trước mặt là ngôi trường tiểu học mang tên Xuân Hồng, người nhạc sĩ mà đồng bào S'tiêng coi như thân nhân của họ.


Ngút ngàn trảng cỏ Bù Lạch

Cây mua hiếm hoi mọc trên trảng cỏ Bù Lạch. Ảnh: PK

Vừa ra khỏi bìa rừng, tôi thực sự bàng hoàng khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Một màu xanh ửng vàng lúp xúp sát mặt đất, như tấm thảm ưa nhìn, trải dài hầu như bất tận tới chân trời, giáp bìa rừng xanh thẫm. Chỉ cỏ là cỏ, giống như thảo nguyên của Mông Cổ thu nhỏ.

Trên chặng đường từ ngã ba Minh Hưng, theo quốc lộ 14 chừng 20 cây số tới trảng cỏ Bù Lạch, anh Nguyễn Duy Hồng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước, luôn miệng nói về khu thảo nguyên rộng khoảng 500 héc ta với 20 trảng cỏ lớn nhỏ nằm giữa khu rừng nguyên sinh trải dài lên tới tận Đắc Nông.


Đêm diệu kỳ ở vườn quốc gia Bù Gia Mập

Cơn mưa ào ạt đổ xuống khi chúng tôi bắt đầu bước chân vào rừng. Mưa chợt đến chợt đi nhanh chóng để lại làn hơi nước mờ mịt trên các dãy núi thấp, con đường trơn trượt báo hiệu một hành trình gian khổ khi khám phá vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Hoàng hôn buông trên vườn quốc gia Bù Gia Mập

Trên con đường ngoằn ngoèo từ ngoài vùng đệm tiến vào vùng lõi vườn quốc gia, những phụ nữ dân tộc Stiêng đang trở về nhà sau một ngày mệt nhọc làm rẫy và tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Những khuôn mặt hằn nét mệt mỏi nhưng những chiếc gùi nặng trĩu rau rừng, măng, củi...
Cư dân đầu tiên đón chào chúng tôi là một chú chim diều hâu Milvus Migran dũng mãnh, dưới chân nó là kẻ chiến bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn của thế giới tự nhiên, một con rắn cạp nong vàng Bungarus fasciatus. Những con rắn cực độc và là mối đe dọa đối với rất nhiều loài rắn khác giờ đây đã trở thành miếng mồi ngon cho lũ chim non đang chuẩn bị bữa điểm tâm diều hâu mẹ mang về.


9 thg 1, 2013

Bụt chùa nhà thiêng không?

Bụt chùa nhà không thiêng!

Ở Bangkok, Thái lan, ngay trong lòng thành phố, có một ngôi chùa mang tên chùa Wat Pho, trong chùa có một gian phòng đồ sộ, trong đó có một tượng Phật nằm dài 45 met, cao 10 met. Đây là một điểm tham quan mà hầu như không du khách nào đến Thái lan có thể bỏ qua, nhất là theo lời của hướng dẫn viên du lịch đây là tượng Phật nằm dài nhất Đông Nam Á.

Tượng Phật nằm Wat Pho. Ảnh: bangkok.com

Ở Bình Thuận, cách tỉnh lỵ khoảng 30 km về hướng Nam, có một ngọn núi tên là núi Tà Cú, cao khoảng 649 met. Trên đỉnh núi, ở độ cao 563 met, có một ngôi chùa tên Linh Sơn Trường Thọ, và có một tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn dài 49 met, cao 7 met. Tượng Phật khổng lồ nằm hùng vĩ thâm nghiêm trên đỉnh núi cao, giữa bốn bề là núi non trùng điệp, và xa xa là biển cả bát ngát mênh mông.
 

Vĩnh biệt Ama Kông!

Rạng sáng nay, 3/11/2012 Ama Kông - huyền thoại săn voi - đã vĩnh biệt cõi trần ở tuổi 102.

Ama Kông không chỉ là huyền thoại săn voi, ông vua săn voi cuối cùng của thế kỷ, mà còn là huyền thoại trên nhiều chuyện nữa.

Ông là một nghệ nhân, chơi giỏi nhiều nhạc cụ. Ông đã từng được mời ra Hà Nội để biểu diễn điệu tù và săn voi gồm 3 điệu: khởi hành, bắt voi và quay về. Thời điểm đó, ông là người duy nhất trên đời còn thổi được điệu tù và ấy. Bây giờ, khi ông đã ra đi, điều ấy thất truyền.

Ông là một tay chơi bạt mạng, không kém gì công tử Bạc Liêu. Khoảng năm 1959 - 1960, ông từng bán voi lấy tiền, đi máy bay từ Buôn Ma Thuột đến Sài Gòn để... đánh bài! Trong 3 ngày, thua sạch một con voi!


Uống trà Chi Lê

Hôm nay Hai Ẩu đã chia tay vùng đất Hà Nam - Nam Định của Mẹ Bụ được gần 1 tháng rồi, nhưng có một chuyện này làm Hai Ẩu mắc cỡ (tức là xấu hổ, nói theo miền Bắc) lắm, giấu kỹ, giờ mới kể.


Làng quê Vụ Bản, Nam Định

Hôm ấy Mẹ Bụ và bạn đưa Hai Ẩu ghé thăm trang trại xinh xắn của gia đình bạn ấy. Trang trại đẹp lắm, hoa này, cây cảnh này, ao cá này... nói chung là rất sướng để phiêu diêu.

Hai nàng ấy chiêu đãi hai anh em Hai Ẩu món trà huỳnh mai, nghe nói là ở Chi Nê mang về. Và hình như còn giới thiệu vài thứ hoa cảnh gì đó xuất xứ từ Chi Nê.

Ốc ngọt Côn Đảo

Du khách đến tham quan Côn Đảo, ngoài việc thăm thú những di tích lịch sử, những thắng cảnh hoang sơ lãng mạn cũng không quên thưởng thức đặc sản biển ở nơi đây. 

Ngoài ốc vú nàng (nướng, luộc, trộn gỏi), trùn biển xào mướp hương, mắm hàu, mắm nhum... còn có một loại ốc ngon, rẻ tiền, ít người biết khi đến tham quan nơi đây, đó là ốc ngọt.



Ốc ngọt luộc sả
Ốc ngọt là loại ốc sống ven biển (tương tự ốc gạo nước ngọt), vỏ chắc dày có gân nhám, màu xanh xám, miệng không có mày. Ốc ngọt xuất hiện vào hai con nước trong tháng, nước dâng cao ốc di chuyển xa bãi biển, nước rút cạn ốc bám vào khe đá nơi bờ. Và, người dân nơi đây chờ con nước cạn xuống mé biển để bắt ốc. 


Hắc cấy - của hiếm vùng biển



Khô hắc cấy nướng. Ảnh Cát Lộc

Lâu lắm rồi, khoảng năm 1985, chúng tôi có dịp ra Côn Đảo (hồi đó vùng đảo này thuộc tỉnh Hậu Giang - gồm Cần Thơ và Sóc Trăng sát nhập) chứ không thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu như bây giờ). Những món hải sản như cá đuối xào lăn, nấu chua... khiến chúng tôi ăn mê mải. Ai nấy tấm tắc khen ngon, nhưng một người địa phương lại nói: “Hắc cấy mới thiệt là món ngon hảo hạng”.

Cả nhóm chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên, chẳng ai trong chúng tôi biết hắc cấy là con gì mà còn ngon hơn mấy món cá đuối tuyệt vời này vậy. Hỏi ra mới được một bô lão cho biết hắc cấy là cá đuối đen, bề ngang từ vi cánh này sang vi cánh nọ dài độ 2 gang tay. Hắc cấy lớn nhất cũng chỉ nặng độ 3 ký. Hắc cấy có cái đuôi dài cả sải, tròn nhỏ như sợi dây dù. Dân biển khi lưới được thường bẻ ngoặt cái đuôi xỏ ngược vào mũi cá, cột thành cái quai để xách lấy nó cho tiện.


Bà Rịa-Vũng Tàu, quen mà lạ


Vào những ngày cuối tuần, du khách đến suối Đá thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên. Ảnh: Minh Tâm 

Khi chị bạn gợi ý đi Vũng Tàu vào hai ngày cuối tuần, thực lòng tôi không thấy hào hứng lắm bởi tôi đã đến đó hàng chục lần. Nhưng sau chuyến đi, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Bà Rịa - Vũng Tàu và có lẽ những nơi khác cũng vậy, rất quen thuộc đấy nhưng vẫn còn nhiều điều lạ lẫm để khám phá nếu không bị sức ỳ tâm lý.

Để có thể tạt ngang tạt ngửa bất kỳ đâu cho thỏa cái thú ngang dọc, chúng tôi dùng xe máy và đi tắt qua phà Cát Lái, sang Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuyến đường qua huyện Nhơn Trạch đẹp và dễ đi, xe bon bon chạy trên mặt đường nhựa rộng, phẳng lì chứ không còn ổ gà, ổ trâu như dạo trước. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát, còn cả những cánh rừng cao su mát mắt…


Ốc núi Bà

Tương truyền, loài ốc núi Bà được hình thành từ những đồng tiền xu của người con gái họ Lý. Nhân tiết xuân, người con gái ấy đi viếng núi và dùng những đồng tiền xu bố thí cho dân nghèo.

Tiền xu dễ rơi nhưng khó tìm và ngày qua tháng lại, sau bao nhiêu dâu bể của cuộc đời, biến thành ốc núi, sinh sôi nảy nở. Điều lạ là Tây Ninh có nhiều đồi núi, nhưng chỉ riêng núi Bà là có loài ốc tròn vành vạnh ấy.





Đặc sản núi Bà trước nguy cơ tận diệt

Đến nay có lẽ chưa ai giải đáp được vì sao loài thằn lằn núi và ốc núi - từ lâu nổi tiếng là “đặc sản” đất Tây Ninh lại chỉ có ở ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam bộ? Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, thằn lằn núi, ốc núi Bà Đen bị săn bắt ráo riết, có khả năng dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. 

Bà Loan năm nay 52 tuổi, bán nước giải khát gần chân núi Bà kể rằng: Khoảng vài chục năm trước, khi bà đến đây sinh sống, chiều nào cũng thấy thằn lằn núi bò ra đầy trên vách đá, con nào con nấy bự gần bằng nửa cườm tay. Mấy năm nay chúng cứ ngày càng ít đi. Những người đi bắt thằn lằn bây giờ phải leo tuốt lên lưng chừng núi mới kiếm được chúng.

Lời bà Loan nói quả không sai!


Đầu mùa mưa nhớ nấm tràm ở chợ Lái Thiêu

Một bữa trưa đầu tháng năm, đi ăn đám giỗ nhà ông già ham chơi Lý Thân, giữa hồi chuyện rôm rả về cái còn cái mất ở khu chợ đông người Hoa này, bỗng dưng ông bạn tên Nguyễn Anh Kiệt sực nhớ, nói: “À, chợ này còn có một thứ cũ hồi nãy tui gặp”. Mấy cặp mắt đổ dồn về ông. Ông Kiệt hắn giọng: “Nấm tràm, nấu cháo cá có vị đắng mà cái hậu lại ngọt”. Ông Kiệt cũng là một quái kiệt về nấu ăn 



Nấm búp đã ngâm nước. Ảnh: Lam Phong

Sau đám giỗ, sau những câu chuyện về khu chợ lâu đời, ông Kiệt xăng xái dẫn tôi đi tới nơi bán nấm. Giữa trưa sạp chợ bán nấm vắng người bán lẫn người mua. Ông Kiệt gọi lớn: “Bán nấm đê!”. Một bà cụ từ trong ngôi nhà phía sau sạp chợ đi vội ra. Bà giới thiệu rổ nấm có tai lớn đều nhất 25.000 đồng/100g, loại tai nấm búp trong rổ kế theo cũng 25.000 đồng/100g, rổ tiếp theo nấm có cái nhỏ cái lớn 20.000 đồng/100g. Ông Kiệt chỉ loại nấm búp: “Thứ này nhứt hạng, nhưng phải chịu khó ngâm nước và xả nước cho kỹ không thì cát lắm”.


Góc ẩm thực khác ở Bình Dương

Du khách đến Bình Dương thường phải mềm lòng trước những vườn trái cây trĩu quả của vùng đất Lái Thiêu hay món bánh bèo bì chợ Búng trứ danh, đó là chưa kể đến món cháo gỏi vịt Cu Chì từng khiến nhiều cư dân Sài Gòn lặn lội quãng đường gần trăm cây số đến để thưởng thức. 

Song đặc sản Bình Dương vẫn còn những góc khác, bình dân và lạ lẫm, cũng đáng để thử đôi lần khi đặt chân đến nơi này…

Bún riêu lưỡi



Món bún riêu lưỡi

Quán bún không tên ấy nằm trên đường Lò Chén, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, chỉ bán về buổi chiều. Vậy mà bất kỳ dân sành ăn nào ở Bình Dương cũng có thể mách đường cho bạn tìm đến tận nơi.