Trong cộng đồng người Mông có nhiều người biết thổi khèn, nhưng để nhuần nhuyễn các âm điệu, cung bậc trầm, bổng thì không phải ai cũng đạt được. Nghệ nhân khèn Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Khèn là hơi thở cuộc sống của người Mông. Học thổi khèn, múa khèn còn khó hơn đi học chữ. Nó đòi hỏi ở người học tính kiên trì, năng khiếu chỉ là một phần, quan trọng là chịu khổ luyện, bắt đầu làm quen với các bộ phận trên cây khèn, rồi lấy hơi, nhả hơi và bắt đầu tập các động tác múa”.
Tiếng khèn của người Mông không chỉ được sử dụng tại gia đình vào những ngày đặc biệt mà nó còn cất lên trong những dịp hội hè, trong những buổi giao lưu thắm tình bè bạn. Trong đời sống văn hoá, tâm linh, tiếng khèn, cây khèn đi theo suốt cuộc đời của mỗi người Mông, hiện diện trong lúc vui nhất, lúc buồn nhất của mỗi gia đình.
Người Mông tự hào với nghệ thuật khèn, đồng thời nghệ thuật khèn khẳng định được bản sắc văn hóa khác biệt của người Mông. Chính vì lẽ đó, cây khèn, tiếng khèn được đồng bào gìn giữ, trao truyền như một báu vật và phát huy giá trị thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch. Nhờ đó, nghệ thuật khèn của người Mông ngày càng lan tỏa, bay xa.
Ông Hoàng Văn Mùi, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ trải lòng: “Tiếng khèn lúc vui là thứ âm thanh réo rắt khiến cho mọi người dù đang đi đâu, làm gì cũng phải dừng lại để lắng nghe và mỉm cười. Tiếng khèn, chiếc khèn đã gắn bó và trở thành vật đặc trưng của người Mông. Nhiều điều mình không nói ra được thì nhờ cây khèn nói hộ lòng mình. Với đàn ông người Mông, biết thổi khèn, múa khèn là một niềm tự hào. Họ được mọi người trong cộng đồng tôn trọng, nể mến”.
Vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của người Mông cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Đây là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của người Mông nơi đây.
Người Mông ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên múa khèn trong ngày hội. Ảnh tư liệu
Phát huy trong đời sống hiện đại
Ngày nay, cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng đối với đồng bào dân tộc Mông, những chiếc khèn vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Những chiếc khèn với những âm thanh dìu dặt vẫn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông trong mỗi dịp lễ, Tết. Vẫn còn đó những nghệ nhân làm khèn và thế hệ đời con, đời cháu, vì yêu khèn mà gắn bó và chế tác ra những chiếc khèn độc đáo như một cách để gìn giữ giá trị cốt lõi của dân tộc mình.
Nghệ nhân khèn Dương Văn Chơ, xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho biết, khèn có 4 loại nhạc là: Sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc. Theo nhạc là ca từ, gồm: lời ca gốc; lời ca giao duyên; lời ca đưa, đón đám ma và lời ca tế vật nuôi.
Nghệ nhân người Mông biểu diễn khèn tại Chương trình bảo tồn, phục dựng, phát huy Lễ hội Gầu Tào
“Khèn hay là khi chơi người và khèn nhập làm một, cuồng say để từng động tác múa hóa thân vào giai điệu khèn. Chính vì thế mà lúc chơi không có động tác thừa, thở ra, hít vào cây khèn đều cất lên âm hưởng của núi rừng, chuyển tải thông điệp, thổ lộ tâm tư, tình cảm của người thổi khèn đến bạn bè và vạn vật quanh mình”, nghệ nhân Chơ nói thêm.
Với những giá trị văn hóa độc đáo, năm 2017, Nghệ thuật khèn của người Mông Đồng Hỷ, Phú Lương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng chính là cơ sở, nền tảng để khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế cho bà con vùng cao nơi đây.
Mỹ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét