Tương truyền, chàng Ô Quy Hồ vốn là con trai Thần Núi. Ngày ngày, chàng lên núi đốn củi, thổi sáo, làm bạn với mây gió, muông thú. Một ngày nọ, bảy người con gái của Ngọc Hoàng ngẫu hứng xuống trần gian dạo chơi và tắm ở thác nước gần nơi chàng Ô Quy Hồ sinh sống. Nàng tiên út vô tình nghe thấy tiếng sáo của Ô Quy Hồ cất lên và đem lòng yêu mến chàng tiều phu. Từ đó Ô Quy Hồ và nàng tiên nữ thường xuyên hẹn hò, tình tự bên dòng thác.
Băng tuyết trên đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: Nguyễn Cường
Một khu homestay ẩn hiện trong mây trên đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: Trần Hiếu/ Báo ảnh Việt Nam
Cầu kính trên đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: Thông Thiện/ Báo ảnh Việt Nam
Thời tiết cũng là một nét riêng đặc trưng ở đèo Ô Quy Hồ. Vào mùa Hè khi bên kia đèo khu vực huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, không khí mát mẻ, chiều và đêm lạnh, chìm dưới sương mờ thì bên này đèo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lại nắng chói chang. Khi mùa Đông đến, bên huyện Tam Đường ấm áp và có chút nắng thì bên Sa Pa lại lạnh giá, bang tuyết, sương mù phủ kín lối đi. Đi từ bên này qua bên kia dù vào mùa nào trong năm cũng khiến du khách ngỡ ngàng với sự khác biệt của khí hậu.
Hoàng hôn trên đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam
Với những du khách ưa khám phá, Ô Quy Hồ là khát khao chinh phục vì đó là con đèo quanh co và hiểm trở nhất ở rừng núi Tây Bắc với những khúc cua hình tay áo đầy mạo hiểm. Khi dừng chân trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, hướng tầm mắt về phía chân trời, du khách mới thấy được sự bất tận bao la của đất trời Tây Bắc. Mỗi lần là một sự trải nghiệm rất khác biệt và mang đến những cảm giác khác nhau. Vào những đêm trăng tròn, trời quang đãng, ánh sáng chiếu xuống vách đá dựng đứng hay len qua những tán lá bên đường rất đẹp và huyền ảo.
Bài: Thanh Hòa
Ảnh: Nguyễn Thắng, Hoàng Hà, Trần Hiếu, Thông Thiện và Nguyễn Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét