3 thg 7, 2024

Au lèng - nét đẹp văn hoá của người Bắc Kạn

“Au lèng” là nét đẹp văn hoá trong lao động, sản xuất đã có từ lâu, đến nay vẫn được người dân tỉnh Bắc Kạn gìn giữ và phát huy. Tập quán truyền thống này thể hiện tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Trong thực tiễn sản xuất cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, người dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn thường có tập quán “au lèng” hay còn gọi là giúp sức lẫn nhau. Xuất phát từ sự giúp đỡ, đổi công cho nhau một cách tự nguyện, nhằm phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng làng xóm.

Tập quán "au lèng" luôn được người dân Bắc Kạn gìn giữ và phát huy.

Là người hay đi au lèng, chị Nông Thị Liễu ở thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn cho biết: Trong các hoạt động canh tác, xây dựng kênh mương hoặc thậm chí các công việc hằng ngày, người dân trong thôn, xã sẵn lòng đến để giúp đỡ nhau mà không phân biệt tuổi tác hay giới tính... Sự giúp đỡ này không cần ghi chép, bởi họ tự nhớ và sẵn lòng hỗ trợ lại khi cần.


Những ngày cuối tháng 3, tại các cánh đồng ở xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể từng tốp từ 6 -10 người tập trung cấy lúa. Bên cạnh việc đi cấy thuê thì có những nhóm bà con đang đổi công giúp sức cho nhau, nhờ vậy mà công việc hoàn thành kịp thời gian, thời vụ, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập.

Vừa thoăn thoắt cấy lúa, bà Lý Thị Biểu ở thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc cho biết: “Hôm nay có 5 chị em ở trong thôn đến giúp nhà tôi cấy. Kết quả đã giúp tôi hoàn thành vụ cấy năm nay sớm hơn so với những năm không "au lèng". Sáng hôm sau tôi đi giúp lại mọi người để cùng nhau hoàn thành kịp thời vụ”.


Các chị thường tập trung giúp đỡ qua lại lẫn nhau như cày cuốc, cấy lúa, trồng ngô, làm cỏ, thu hoạch lúa, sắn, bắp, các loại hoa màu...

Trong quá trình “au lèng” với nhau, các chị còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đối với với những gia đình ít người, thì việc au lèng trở nên quan trọng hơn, bởi đây là cơ hội để họ đi au lèng cho nhiều nhà, sau đó khi cần thì nhận lại rất nhiều sự giúp đỡ từ làng xóm.

Theo bà Vẩn, tập quán "au lèng" đã có từ đời ông bà, bố mẹ và đến nay, con cháu vẫn luôn duy trì tập quán này. Nhất là vào mùa vụ, không khó để bắt gặp người dân trong làng giúp nhau trong các hoạt động nông nghiệp, cùng với những tiếng réo gọi quen thuộc như: "Nay đi au lèng không"; "Đi au lèng đi" hoặc "Nay đi au lèng nhà nào đó"... để rồi những tốp người cầm nón, cầm dụng cụ đi ra đồng đổi công cho nhau.

Bà con thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc đang "au lèng" giúp nhau cấy lúa.

Bằng sự đoàn kết và sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau, tập quán "au lèng" không chỉ giúp bà con hoàn thành công việc một cách hiệu quả mà còn tạo ra một môi trường xã hội hòa hợp và gắn kết; phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Tâm Tình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét