6 thg 1, 2016

Bến xe khách Mỹ Tho xưa và nay

Để phục vụ việc di chuyển của hành khách, không có gì tiện lợi bằng những chuyến xe. Nhu cầu đi lại càng nhiều thì xe cộ càng đông; bến bãi cũng từ đó mà phát sinh thêm ở nhiều khu vực. So với các tỉnh bạn, thành phố Mỹ Tho có thể nói là nhiều bến xe nhất, và cũng theo thời gian mà chúng trải qua bao bước đổi dời!

Trước năm 1955, tại góc Giếng Nước Nhỏ, giao lộ giữa Yersin và Ngô Tùng Châu (bây giờ là Lê Thị Hồng Gấm) có bến xe lam Mỹ Tho – Bình Đức. Ban đầu chỉ có một vài chiếc, sau “thấy làm ăn được”, nên dần dần số đầu xe lên gần cả chục! Khổ nỗi lúc đó đất rộng người thưa, tuyến đường Mỹ Tho - Bình Đức lại ít khách, nên chuyện hành khách lên xe phải “chờ đủ người” rất mệt mỏi, có khi cả tiếng đồng hồ! Hành khách giận dỗi xuống đi bộ là chuyện thường, và bác tài đã đuổi kịp họ tại… Bình Đức!

Bến xe Mỹ Tho 1968


Sau, khoảng năm 63, 64, bến xe này được dời về chợ Hàng Bông, sát bên hông Ủy ban hành chánh xã Điều Hòa (bây giờ là khung viên Trung tâm Thương mại - thường gọi là siêu thị). Nhưng đất không lành thì chim không đậu. Bến xe lam Mỹ Tho - Bình Đức từ từ thấy vắng, và kể từ khi honda Nhựt vào thị trường, thì hành khách phần thì “tự túc”, phần thì đi honda ôm (dù lúc đó honda ôm chưa thịnh hành lắm). Khoảng đường Mỹ Tho - Bình Đức chừng 5,6 cây số, vèo một cái là đến, thì ai công đâu mà lên xe lam để chờ mỏi cổ? Vì thế xe lam tuyến đường nầy từ từ tự giải tán. Các xe này bắt qua chở mối rau củ của các bạn hàng từ miệt vườn, hay ai mướn gì chở nấy. Tuy vậy, phần không ổn định, phần thì xe quá cũ kĩ, nên ít lâu sau, xe cũng bị đem… “trồng hành”!

Theo các lão bối thì từ lâu lắm đã thấy có bến xe lam đi Chợ Gạo, sau này có cầu Chợ Gạo thì có cả xe hơi đi Gò Công nằm tại ngã tư Nguyễn Huỳnh Đức - Đinh Bộ Lĩnh, phía Bến Tắm Ngựa. (trước kia muốn đi Gò Công thì hành khách phải qua phà Chợ Gạo rồi “sang xe”). Bến xe nầy khá nhộn nhịp; nhưng về sau có lẽ vì muốn “an toàn giao thông”, bởi bến xe mà nằm tại ngã tư thì rất nguy hiểm; nên nó được dời về Ngã Ba Sở Rác. Nhưng chỉ một thời gian sau, bến xe này lại “chuyển hộ khẩu” về “Bến Xe Mới” tại khu vực chợ Thạnh Trị bây giờ.

Bến xe Mỹ Tho 1968

Cũng nên nói thêm, phương tiện di chuyển của tuyến đường này gần như trăm phần trăm là quá “đát”. Xe lam thì phía trước chỉ đủ cho bác tài ngồi trên một cái yên; phía trên là một tấm bạt hay cái “lưỡi trai” lớn tạm che chút đỉnh nắng mưa. Về sau được chế biến có “phòng” hẳn hoi và chỗ bác tài ngồi là một cái băng dài. Hai bên bác tài có thể đèo thêm hai hành khách. Đây có thể nói là chỗ ngồi hạng nhất, nhưng cũng là nơi nguy hiểm nhất nên thường chỉ dành cho những thanh niên. Xe hơi thì được lưu lại từ hồi… Bảo Đại tắm mưa! Phía trên là hai hoặc ba băng ghế bằng cây, dành cho những khách “hạng sang”(!); phía sau là một băng dài được đặt giữa hai hàng băng sát thành xe, đối diện nhau (tất cả cũng toàn bằng cây) để dành cho những bạn hàng và hàng hóa.

Muốn khởi động, lơ xe phải dùng “ma-ni-quên” cho vào cái lỗ ở đầu xe mà quây nhiều vòng. Vậy mà có khi xe cũng chẳng chịu nổ máy; tài xế phải mượn hành khách xuống xe… “Một, hai, ba. Hè!” là chuyện thường!

Cả hai loại xe, khi nổ máy thì y như sấm dậy, còn khói thì phun mù trời như khói tàu!

Thế mà trong thời gian chống Mỹ, những chiếc xe cà tàng ấy đã góp phần không nhỏ trong việc giao liên, vận chuyển vũ khí vào nội thành một cách tốt đẹp.

Lúc đó, bến xe khách lớn nhất vẫn là bến xe nằm sát bên văn phòng xã Điều Hòa. Đây là nơi náo nhiệt nhất, tập trung nhiều loại xe với nhiều tuyến đường khác nhau. Sau này vì nhu cầu hành khách càng đông, xe càng nhiều, nên để giải quyết nạn quá tải, bến xe được dời về vị trí chợ phường 4 (khu vực chợ Thạnh Trị) ngày nay. Người đương thời gọi là “Bến Xe Mới” (chớ lầm với Bến Xe Mới 42 Ấp Bắc hiện nay), nhường chỗ cho công trình xây dựng Chợ Hàng Bông. Thời điểm đó, Bến Xe Mới có vẻ bề thế và càng náo nhiệt: Nó gồm đủ loại xe lớn nhỏ, có đủ các hãng như Á Đông, Thuận Thành, Ngọc Châu… tranh nhau phục vụ khách đưa đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Với tuyến Mỹ Tho – Sài Gòn thì cứ mười lăm phút một chuyến. Đặc biệt là “xe lô” Minh Chánh, không bao giờ trễ giờ chạy, có khi lại chạy sớm hơn giờ qui định, nếu xe đã đủ chỗ ngồi. Xe lại cũng chẳng bao giờ rước khách dọc đường, mà chạy một mạch đến nơi, kiểu như xe tốc hành bây giờ vậy.

Nhiều nơi trong bến xe, và trên mỗi xe, có nhiều tấm bảng khuyến cáo tài xế như “Không chạy quá 60 km/giờ”, “Thà chậm mà tới, còn hơn nhanh mà không bao giờ tới”. Có lẽ ý nghĩa của nó luôn có giá trị với mọi thời gian?

Sau ngày giải phóng, bến xe này được dời qua đầu đường Trần Hoàng Quân (nay là Tết Mậu Thân), nhường vị trí lại cho Khu Triển Lãm. Được chừng vài năm, Khu Triển Lãm giải thể, Bến xe “tái định cư” lại chỗ cũ.

Khi Bến Xe Mới ở 42 Ấp Bắc hoàn thành, Bến Xe Mới (giờ đã thành “Bến Xe Cũ”!) ở chợ Thạnh Trị một lần nữa lại “chuyển hộ khẩu”!

Sau ngày Cầu Bắc dời về chợ Đồng Xanh, tại đây lại hình thành một bến xe gồm xe lam; nhưng nhiều nhất là xe dai-ha-su (daihatsu) để đưa khách từ Cầu Bắc tới Bến Xe Mới (bến xe hiện nay, 42 Ấp Bắc). Nhưng được vài năm rồi cũng tự giải tán bởi không cạnh tranh nổi với đạo quân honda ôm vốn rất “cơ động”, và không phải mất nhiều thì giờ chờ đợi.

Mới đây, công ty xe buýt được thành lập đã tạo nhiều ưu thế, chiếm được nhiều hành khách đi trong nội hạt cũng như các huyện trong tỉnh. Tùy theo tuyến đường mà các bến xe buýt đặt tại công viên Thủ Khoa Huân, tại Ngã Ba Sở Rác, tại Ngã Ba QL 60 - QL 1A.


Bến xe Tiền Giang hiện nay

Bến Xe Mới hiện nay được tọa lạc trên một khu đất rộng lớn, là một công trình khá qui mô.

Vì số lượng hành khách ngày càng đông, và nhu cầu tiện nghi cũng cần một đòi hỏi nhất định, cũng như yêu cầu đi lại được nhanh chóng; nên các xe khách Tiền Giang hiện tại không còn tình trạng cổ lỗ sĩ như xưa. Bến xe còn thực hiện được những tuyến đường xa đến tận Đà Lạt, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Phan Thiết, Cà Mau… mà trước kia không có.

Qua bao cuộc thăng trầm, bây giờ Bến Xe Mới Tiền Giang có lẽ là nơi dừng chân lâu dài của các loại xe chở khách?

Kha Tiệm Ly (Theo Văn nghệ Tiền Giang số 47)
Ảnh: PHN sưu tầm từ Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét