25 thg 2, 2015

Bảo tàng điêu khắc Chăm độc đáo giữa Đà Nẵng

Được hoàn thành vào năm 1919, Bảo tàng điêu khắc Chăm là trung tâm lưu trữ và nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Chăm ở dải đất miền Trung.

Cổ viện Chàm, nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm (số 2, đường 2-9, thành phố Đà Nẵng), được xây dựng theo ý tưởng của nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier với một đề án của Viện Viễn đông Bác cổ. Công trình được hoành thành vào năm 1919, trở thành là trung tâm lưu trữ và nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Chăm ở dải đất miền Trung. Công trình được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu pha trộn với những đường nét của kiến trúc Chăm theo gợi ý của Parmentier.

Một góc của Bảo tàng điêu khắc Chăm


Công trình đã qua hai lần cải tạo, mở rộng, song những đường nét cơ bản và phong cách kiến trúc vẫn được tôn trọng và giữ nguyên vẹn. Lần mở rộng thứ nhất được tiến hành vào giữa thập niên 1930, hoàn thành vào năm 1936. Trong lần cải tạo này, hai khối nhà được xây dựng hai bên, về phía trước công trình cũ để tạo nên hai phòng trưng bày mới, dành cho những hiện vật thu thập được trong giai đoạn 1920-1930. Chính nhà khảo cổ Henri Parmentier đã đưa ra ý tưởng trưng bày các tác phẩm theo nguồn gốc - địa điểm phát hiện và khai quật; cấu trúc đó cùng tuyến tham quan bảo tàng về cơ bản vẫn giữ nguyên cho tới hiện tại.

Lần mở rộng thứ 2 là năm 2002. Khối nhà mới 2 tầng được xây dựng phía sau nhà cũ, có diện tích 2000m2 trưng bày; 500m2 dành cho kho, xưởng phục chế và các phòng làm việc - nghiên cứu.

Đài thờ Trà Kiệu (Niên đại: Thế kỷ VII–VIII; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Trà Kiệu – Quảng Nam). Đài thờ này chứa đựng bộ linh vật tiêu biểu Linga-Yoni. Xung quanh bệ thờ là các chạm khắc miêu tả những câu truyện truyền thuyết của Ấn Độ giáo. Đài thờ Trà Kiệu được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 1 – tháng 10/ 2012. 

Theo ý tưởng trưng bày của nhà khảo cổ Henri Parmentier từ khi thành lập bảo tàng, các không gian trưng bày được phân chia và đặt tên theo nguồn gốc - địa điểm phát hiện, khai quật hiện vật.. Hiện nay, Bảo tàng điêu khắc Chăm có các không gian trưng bày sau: Phòng Quảng Trị, Hành lang Quảng Nam, Hành lang Quảng Ngãi, Phòng Trà Kiệu, Phòng Mỹ Sơn, Phòng Đồng Dương, Phòng Tháp Mẫm - Bình Định, Khu trưng bày mở rộng.

Ngoài cách phân chia hiện vật theo nguồn gốc (không gian trưng bày) thì có nhiều cách khác để phân loại, sắp xếp các hiện vật – các tác phẩm điêu khắc Chăm; như: chất liệu, niên đại, loại hình tác phẩm điêu khắc (phù điêu, tượng tròn, chi tiết kiến trúc), nội dung tác phẩm…

Các tác phẩm ở Bảo tàng điêu khắc Chăm còn được phân thành các bộ sưu tập sau đây: Theo chất liệu: Đá (đá sa thạch), đất nung, đồng, chất liệu khác; Theo nội dung: Đài thờ, tượng thần, vật linh, chi tiết kiến trúc.

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam (đầu thế kỷ XX). Bản thân công trình đã có giá trị kiến trúc đặc sắc. Những tác phẩm điêu khắc trưng bày ở nơi đây phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm xưa; cũng phản ánh những quan niệm và tư duy tạo hình trong điêu khắc, kiến trúc. Phần lớn tác phẩm miêu tả những vị thần trong Ấn Độ giáo; bên cạnh đó cũng có những tác phẩm có nội dung gần gũi cuộc sống.

Những tác phẩm điêu khắc Chăm ở nơi đây thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc ở cả yếu tố tạo hình, nội dung, tư tưởng cũng như độc đáo về chất liệu. Các tác phẩm có thể tồn tại và có giá trị độc lập; lại có mối quan hệ - kết nối để tạo nên một giá trị chung, tạo nên hồn Chăm Pa trong một không gian kiến trúc. Hơn thế, nơi đây còn chứa đựng cả nền văn hóa – văn minh rực rỡ trong lịch sử một dân tộc.

Một số hình ảnh Bảo tàng điêu khắc Chăm:

Toàn cảnh bảo tàng nhìn từ lối vào

Một góc khác của công trình

Những đầu trụ trên mái được cách điệu hình ảnh của những tháp Chăm

Phù điêu “Cưỡi ngựa đánh cầu” (Niên đại: thế kỉ VII–VIII; chất liệu: đá sa thạch; nguồn gốc: Thạch An - Quảng Trị). Tác phẩm nguyên là thành bên trái bậc thềm lên cửa tháp.

Trụ cửa (Niên đại: thế kỉ VII–VIII; chất liệu: đá sa thạch; nguồn gốc: Hà Trung - Quảng Trị) 

Trang trí trên bệ Đài thờ Trà Kiệu

Tượng thần Siva - đấng hủy diệt (Niên đại: thế kỷ XIII–XIV; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Tháp Mẫm – Bình Định) 

Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Niên đại: Thế kỷ VII–VIII; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam). Đây là đài thờ của ngôi đền Mỹ Sơn E1. Đài thờ gồm nhiều phiến đá ghép lại thành một bệ thờ hình vuông. Những phần được thu thập về trưng bày tại Bảo tàng hiện nay gồm 14 phiến đá được chạm khắc tinh tế, miêu tả sinh hoạt của các nhà tu khổ hạnh, nhạc công, vũ nữ và những người ngưỡng mộ. Đài thờ Mỹ Sơn E1 được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 1 – tháng 10/ 2012.

Mi cửa tháp Mỹ Sơn E1 (Niên đại: thế kỷ VII; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam). Đây là một tác phẩm điêu khắc trên một chi tiết kiến trúc tháp – là mi cửa (còn gọi là trán cửa, vòm cửa), nội dung thể hiện một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ: Đó là cảnh thần Vishnu sinh ra thần Brahma từ cuống rốn của mình.

Vũ nhạc triều đình (Niên đại: thế kỷ VII; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam). Đây là phiến đá gác ngang phía trên cửa đi để xây tiếp lên phần vòm cửa (được gọi là mi cửa, dầm cửa hay lanh-tô), được tìm thấy tại tháp Mỹ Sơn E4. 

Thần Ganesa (Niên đại: thế kỷ VII; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Mỹ Sơn – Quảng Nam) Ganesa là vị thần may mắn. Theo tín ngưỡng, người ta thường cầu cúng thần trước khi tiến hành các công việc quan trọng để mong kết quả tốt lành.

Thần Gác cửa (Niên đại: thế kỷ IX-X; chất liệu: sa thạch; nguồn gốc: Đồng Dương - Quảng Nam)

Bồ tát Tara (Niên đại: thế kỷ IX-X; nguồn gốc: Đồng Dương - Quảng Nam). Đây là tượng đồng lớn nhất và là một trong số rất ít tượng đồng của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Tượng Bồ tát Tara được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 1 – tháng 10/ 2012.

Đài thờ (Niên đại: thế kỉ XII; chất liệu: đá sa thạch; nguồn gốc: Bình Định)


Hình ảnh bầu vú người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Chăm, thể hiện ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực và xã hội mẫu hệ.


Những không gian lưu dấu hồn xưa.

CTV Hà Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét