19 thg 3, 2021

Bánh hỏi Phú Long

Bình Thuận ngoài Hòn Rơm, Mũi Né đẹp nao lòng với những trảng cát, hàng dừa và nguồn hải sản phong phú, còn có một món ăn đặc sản mà nếu chưa thưởng thức thì xem như chưa đến, món ẩm thực bánh hỏi Phú Long.

Không chỉ nổi tiếng về ẩm thực, nghề làm bánh hỏi cũng là một “đặc sản nhiếp ảnh” mà bất cứ người cầm máy nào cũng mơ ước được một lần trải nghiệm và ghi lại những khoảnh khắc vừa chân thật vừa sống động đến như vậy.

Lò bánh hỏi của gia đình ông Lê Văn Chương, khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, mỗi ngày sản xuất trung bình 200kg – 250kg (từ gạo tinh chất và không dùng phụ gia bảo quản), mỗi công đoạn đều rất tỉ mỉ: chọn gạo ngon để ngâm qua đêm, vo sạch rồi xay nhuyễn. Bột được hấp hơi trong một tiếng đồng hồ, lăn thành từng cây hình trụ, sau đó đưa vào máy ép để tạo thành sợi, trải ra những khay tròn bằng tre rồi đem hấp chín trong 20 phút.

Quy trình hấp bánh tại lò bánh của gia đình ông Chương.

Lạp sườn Cao Bằng

Lạp sườn là món ăn truyền thống lâu đời của người Cao Bằng, một món ăn được hòa quyện bởi mùi thơm của nắng vùng cao, mùi thoảng thơm của núi rừng, vị thơm, ngọt của thịt. Tất cả những hương vị ấy được gửi trọn trong món lạp sườn Cao Bằng khiến ai đã một lần thưởng thức đều thật khó quên.

Cái ngon của lạp sườn Cao Bằng là mảnh đất vùng cao, nơi chăn nuôi lợn khá rộng rãi, tự do, thức ăn mang chất đất vùng cao khiến lợn Cao Bằng có điểm riêng biệt khác hẳn nuôi ở vùng đồng bằng. Ngoài ra nguồn nước đặc trưng khiến vật nuôi lấy thịt và rượu có hương vị tuyệt vời cùng với một số gia vị, có thể nói là bí quyết của ẩm thực Cao Bằng.

Cách chế biến món lạp sườn Cao Bằng rất công phu, trải qua nhiều công đoạn. Việc đầu tiên tiên là lòng lợn (lòng non) được rửa sạch nhiều lần bằng nước muối loãng, sau đó là rửa bằng rượu, lòng lợn sẽ được phơi khô rồi thổi hơi vào khiến lòng lợn rãn ra thành bong bóng, để làm vỏ bọc bên ngoài lạp sườn.

Nhà tù Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được ví như là “Trường học Cộng sản” - là nơi rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, và hôm nay là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các bậc tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo. Chính quyền Pháp thuộc lựa chọn Côn Đảo làm nơi xây dựng ngục tù bởi lẽ nơi đây cách xa đất liền, không có phương tiện lưu thông và quan trọng là người tù không thể trốn thoát.


Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 chiến sĩ yêu nước thuộc nhiều thế hệ người Việt Nam bị giam cầm, tra tấn và hi sinh tại “đại ngục trần gian”, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.
Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (hay còn gọi là chuồng cọp) tại Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.

Dàng Then, lễ hội cấp sắc độc đáo của người Tày

Dân tộc Tày là cư dân bản địa cư trú sớm nhất ở vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc tổ quốc. Bà con có bề dày truyền thống văn hóa mà lễ hội Dàng Then là lễ hội rất tiêu biểu trong đời sống tín ngưỡng.

Một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian

Dàng Then là một chắc sắc mặc định trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người Tày cư trú ở một làng, một vùng cụ thể có tài cao hiểu rộng về cúng bái và hát xướng.

Dàng Then đứng ra chủ trì tổ chức lễ hội một khi ước lệ được trời cấp cho tờ sắc để làm Dàng Then hoặc nâng cấp sắc này trở thành ngày hội sôi nổi, háo hức của cả một vùng người Tày rộng lớn với nhiều làng bản tham gia.

Thầy then phát bùa chú và buộc chỉ đỏ mong muốn bình an, tài lộc tới mọi người . Ảnh: Ngọc Thành

Những địa danh kỳ lạ: Vào Cùa ra Cộn

Không chỉ Huế, mà vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị cũng có những địa danh một tiếng - độc âm nghe rất lạ, và đến nay chưa thể hiểu chính xác nghĩa là gì.

Xứ Cùa hôm nay đã thành một vùng quê trù phú của Quảng Trị - Ảnh: X.DŨNG

Cây mai diệu kỳ xứ Cùa

Cùa là một vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thời nhà Nguyễn là "kinh đô Tân Sở" - nơi vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến và ban chiếu Cần Vương. Còn nhớ hôm ngồi chơi ở làng Mai Lộc (xã Cam Chính) - xứ Cùa, ông Phan Văn Bảo, chủ nhà, chợt hỏi tôi: "Anh biết vì sao làng này có tên là Mai Lộc không?", tôi lắc đầu.

9 thg 3, 2021

Mùa bắp ven sông vẫy gọi du khách

Một mùa bắp bãi sông nữa lại về. Dọc các bãi bồi ven sông Trà, đâu đâu cũng ngút ngàn một màu xanh mởn của đồng bắp phất cờ đậu trái. Những trái bắp non còn bấm sữa, lá xanh mướt một màu được người dân thu hoạch vội mang về làm quà cho thực khách. Đó là món bắp luộc thơm phức và nóng hổi, thường được thưởng thức trong những ngày tiết trời đầu xuân se lạnh.

Với những đứa con được sinh ra từ làng quả quyết rằng, ở đâu cũng có thể trồng bắp, nhưng bắp trồng ven sông ngọt chắc chắn không nơi đâu sánh bằng. Có lẽ vì vậy, cứ đến mùa bắp ven sông, nhiều người lại tìm đến nơi bán bắp luột quen thuộc nằm trên Tỉnh lộ 23B đoạn qua xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) để lựa chọn cho mình một trái bắp còn đang nóng hôi hổi, rồi xuýt xoa bóc tách từng lớp lá, vừa thổi vừa thưởng thức những hạt bắp dẻo thơm và được uống bát nước bắp luộc thơm mát.

Những gian hàng bán bắp luộc trên Tỉnh lộ 623B đoạn qua xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa)