Trong những đặc sản nổi
tiếng ở vùng ngập mặn Mũi Cà Mau phải kể đến con ba khía. Ba khía thuộc họ nhà
cua, nhưng sống chủ yếu ở hai bên bờ rạch hoặc trên những vạc rừng khô có các
loại cây như: đước, mắm, cóc... Với người dân Cà Mau xa xứ, trong sâu thẳm nỗi
niềm nhớ quê có cả hương vị đậm đà của ba khía muối.
Tại vùng ngập mặn Cà Mau, ba khía
chủ yếu tập trung nhiều ở Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển; Năm Căn, Đầm Dơi. Ba khía
thường đào hang ở những vạc rừng khô. Để bắt ba khía, theo những người ở địa
phương kể, họ trang bị bao tay, thùng đựng (hoặc giỏ tre) và đèn (ngày xưa dùng
đuốc)…
Bắt ba khía phải lẹ tay, bằng không chúng chạy vào hang hoặc kẹp vào tay
rất đau. Từ tháng 4-5 âm lịch, mùa sa mưa đến, cây mắm, cây cóc ra trái, con ba
khía có nguồn thức ăn, có nước ngọt uống, bắt đầu lột vỏ, có trứng.
Tháng 7-8 âl, mùa ba khía đẻ trứng cũng là mùa
hội tụ của chúng, đặc biệt vào những đêm tối trời, ba khía lên khỏi hang. Chúng
bám đầy thân cây mắm, cây cóc, bò trên bãi bùn ven bờ rạch. Lúc này con ba khía
đặc biệt ngon, thịt chắc, có gạch son. Người sành nghề săn bắt gọi đây là mùa
hội ba khía. Thời điểm này, người ta không bắt từng con mà quơ hốt từng nhóm
5-7 con.