21 thg 10, 2013

Lên Hà Giang thưởng thức thắng cố

Chảo thắng cố bốc khói nghi ngút, thơm lừng một góc chợ là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi phiên chợ vùng cao.

Nếu ai đã một lần lên các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là những huyện vùng cao ở Hà Giang, chắc hẳn đều rất ấn tượng với một món đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây - món Thắng cố.

Nguyên liệu làm món Thắng cố thường là thịt ngựa, thịt bò, gần như tất cả các phần của chúng đều được sử dụng làm món thắng cố. Thịt được cắt thành những miếng nhỏ, cho tất cả vào một chiếc chảo lớn được bắc lên bếp củi cùng một chút hương liệu rồi đun sôi. Ấy thế là có món thắng cố bốc khói nghi ngút, thơm lừng...

Với đồng bào dân tộc vùng cao, đặc biệt là người Mông, thắng cố là món ăn không thể thiếu mỗi dịp xuống chợ. Khi chợ đã vãn, ấy là lúc mọi người ngồi quây quần bên chảo thắng cố, từng bát, từng bát thắng cố được múc ra, rượu ngô thơm lừng... cuộc vui xuống chợ lúc này mới bắt đầu...

Băng tuyết kỳ thú ở Sa Pa

Từ trưa 30/12/2012, tại khu vực đèo Ô Quí Hồ (Sa Pa, ở độ cao gần 2000 mét đã xuất hiện băng đông khá dày. 

Đây là đợt xuất hiện băng tuyết đầu tiên từ đầu mùa đông đến nay tại Sa Pa. Khu vực này hiện nhiệt độ giảm sâu dưới 1 độ, sương mù dày đặc kèm theo mưa phùn nhỏ tạo khối băng đá đông kết mỏng trên mặt đường, khiến các phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn vì sương mù và mặt đường trơn.

Nhiều du khách đang có mặt nghỉ Tết tại thị trấn du lịch Sa Pa vẫn dùng các phương tiện xe gắn máy, hoặc thuê ôtô lên vùng Trạm Tôn, Núi Xẻ để được ngắm băng đông kết và chờ dịp may để được xem tuyết rơi.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, nhiệt độ vẫn đang tiếp tục giảm thấp, đợt lạnh này kéo dài trong vài ngày tới. 

Ruộng bậc thang mùa nước đổ đẹp như tranh...

Tháng 5 bắt đầu mùa cày cấy là lúc những thửa ruộng ở Ý Tý loang loáng nước chồng lấn lên nhau như những bậc thang bắc lên trời xanh.

Từ xưa đến nay, khu ruộng bậc thang vẫn luôn là hình ảnh đẹp ở các vùng cao khiến du khách và nhiều nhà nhiếp ảnh say mê khám phá. Ở xã Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vào mùa nước đổ là một trọng những địa điểm mà những người yêu phong cảnh, ruộng bậc thang khó mà bỏ qua.

Tháng 5 bắt đầu mùa cày cấy, nước mưa đổ xuống... là lúc những thửa ruộng ở Ý Tý loang loáng nước, chồng lấn lên nhau như những bậc thang bắc lên trời xanh; được phối kết hợp với mây ngũ sắc vờn ngang đỉnh núi, tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp không kém phần hấp dẫn so với những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng tại Sa Pa (Lào Cai) và Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Căng Chải ở Yên Bái.

19 thg 10, 2013

Tản mạn Cửu Long Giang

Từ thuở xa xưa, phần sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ Việt Nam vẫn thường được gọi là sông Cửu Long hay Cửu Long Giang. Trường ca Con đường Cái quan của Phạm Duy có đoạn:


Cửu Long Giang! 
Gió về vui trên sóng sông

Uốn quanh như chín con rồng
Ôm trọn đứa con...

Giai điệu mênh mang lồng lộng như tính phóng khoáng của người miền Tây Nam bộ.


Chín con rồng đây là chín cửa sông Mê Kông đổ ra biển. Nhánh sông Hậu đổ ra biển bằng 3 cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc và cửa Trần Đề. Nhánh sông Tiền đổ ra biển bằng 6 cửa: cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Cung Hầu, cửa Cổ Chiên, cửa Hàm Luông và cửa Ba Lai.


Bản đồ do người Pháp lãp hồi đầu thế kỷ trước với 9 cửa sông, hiện còn treo ở Bưu điện Trung tâm TPHCM. Đánh số từ 1 đến 9 do anh Khiếu văn Chí thực hiện

Độc đáo lễ hội kén rể Đường Yên

Lễ hội kén rể được phục dựng lại từ năm 2001 sau 60 năm thất truyền, với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian... 

Từ sớm 13/3 (2/2 âm lịch), người dân làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội đã tấp nập đổ ra đình, tham gia lễ hội tưởng nhớ nữ tướng Lê Hoa, vị nữ anh hùng sau khi phò tá Hai Bà Trưng thắng trận đã trở về quê nhà mở hội đua tài canh nông và kén rể.

Lễ hội kén rể được phục dựng lại từ năm 2001 sau 60 năm thất truyền, với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian, thể hiện tinh thần hiếu học, tinh thần thượng võ của dân tộc. Những phần thi trong lễ kén rể tái hiện lại những công việc thường ngày của cư dân lúa nước, gửi gắm trong đó những ước vọng về một cuộc sống ấm no và mùa màng tươi tốt.

Trải qua 4 phần thi giữa 2 thôn Bắc và thôn Hạ: Thi cày ruộng, câu ếch, chọc chó, bắt trạch trong chum lễ hội đã tìm được người xứng đáng làm phu quân của nữ tướng Lê Hoa, đó là chàng trai sinh năm 1991 Trần Đức Cao thuộc thôn Bắc.

Trước khi lễ hội chính diễn ra là những điệu hát quan họ của các liền anh, liền chị.

18 thg 10, 2013

Trái bình bát

Miền quê Tây Nam bộ có đặc thù địa hình là những kênh rạch chằng chịt. Vùng đất thấp ven sông, dọc hai mé kênh, có nhiều phèn, cùng với khí hậu nóng ẩm là điều kiện để cây bình bát – một loại cây hoang mọc đầy, tạo nên một màu xanh ngát cả vùng.

Cây bình bát.

Bình bát là loại cây gỗ nhỡ, cao khoảng 5 - 3 mét. Lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Cây bình bát thường được làm củi đốt. Người bình dân thường đốn bình bát về ngâm, bỏ lớp da ngoài, lấy lớp da trong làm dây bện thắt thành những chiếc võng đưa, vừa dai, vừa chắc. Trẻ con miền quê, sáng sáng thường hay đi dọc theo mé kênh, rạch để lượm bình bát chín.


Về Đông Hưng vinh danh người soạn thảo bia tại Văn Miếu

Tiến sỹ Bùi Sĩ Tiêm (1690-1733) là quan nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11 thời Lê Dụ Tông, tức năm 1715. Ông được sinh ra tại làng Hào, xã Kinh Lũ, Tổng Bình Cách, huyện Đông Quan, nay là thôn Kinh Hào, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ngày 11/6/1715 (năm Vĩnh Thịnh 11) thi Đình, đỗ Đình Nguyên đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Đình Nguyên Hoàng Giáp). Khoa thi này có tới 3.500 sỹ tử, ông là một trong số 20 người được chọn vào sân rồng, đích thân nhà vua sát hạch kiểm tra và vua đã phê chuẩn ông đỗ: Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh Tiến sĩ, chiếm bảng Khôi nguyên được khắc tên vào bia Tiến sĩ

Ngay sau khi thi đỗ, Bùi Sỹ Tiêm được bổ chức Hiệu lý làm quan tại triều. Vì tin cậy tài năng, đức hạnh và khẩu khí văn chương của Bùi Sỹ Tiêm, triều đình đã giao cho ông soạn bài văn bia Tiến sĩ khoa Ất Mùi ông vừa thi đỗ để dựng bia tại Văn Miếu. Đây có lẽ là một trường hợp độc đáo, một vinh hạnh hiếm thấy đối với một vị tân khoa. Bởi lẽ xưa người được giao trọng trách soạn bia Tiến sĩ phải là người có danh vọng, uy tín lớn trong giới học quan

Hoa gạo rực trời tháng Ba

Mùa hoa gạo gắn liền với tháng ba, cái màu hoa đỏ thắm rưng rức trong ký ức của những người con xa quê.

Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo đâu đó quanh làng, thường ở đầu làng hoặc chơ vơ giữa đồng. Hoa Gạo còn có những cái tên thật mỹ miều như hoa Pơ lang, hoa Mộc Miên cái tên chỉ thoáng nghe qua thôi cũng đủ để bạn tưởng tượng đến những áng văn thơ, những lời hát say đắm lòng người.

Với các cụ ta xưa thì hoa Gạo là tín hiệu để nhận biết sự giao mùa và chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp:

“Bao giờ đom đóm bay ra 
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng” 

Người xưa có câu “hồn cây đa, ma cây gạo” chắc hẳn vì thế mà cây gạo hay được trồng ở đầu làng để vong hồn của ma đói chỉ quanh quẩn đầu làng. Vì thế cây gạo cũng hay gắn với cổng làng. Hoa gạo năm cánh đỏ tươi lúc hoa rơi cánh hoa xoay như chóng chóng nhìn thật đẹp. Có cây gạo nằm bên sông quê vào mùa hoa gạo rụng đỏ mặt sông nhìn thật nên thơ.


17 thg 10, 2013

Thơm nồng bánh canh hẹ Phú Yên

Vị thơm nồng của hẹ đem lại sự hấp dẫn riêng cho món bánh canh chả cá tưởng chừng rất quen thuộc của đất miền Trung.

Đây là món ăn rất phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng kéo dài đến vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Tùy vào từng địa phương mà món bánh canh được biến tấu với nhiều phiên bản khác nhau. Từ nguyên liệu làm sợi bánh canh như bánh canh bột gạo hay bánh canh bột lọc... Chả cá cũng được làm từ nhiều loại cá khác nhau như cá cờ, cá thu, cá mối, cá nhồng, cá chỉ vàng... Tất cả góp phần tạo nên những nét đặc trưng mang bản sắc riêng, đem lại hương vị thơm ngon cho thực khách.

Riêng với người Phú Yên, ngoài các nguyên liệu thường thấy như chả cá, sợi bánh... thì màu xanh mướt cùng vị thơm nồng của hẹ chính là điểm nhấn tạo nên sự hấp dẫn riêng đối với du khách khi thưởng thức món ăn bình dị này. 

Món ăn là một bức tranh ẩm thực đẹp mắt với màu xanh của hẹ, màu vàng của chả cá chiên, màu trắng của sợi bánh, của trứng cút... Ảnh: Tiêu Phong. 

'Vương quốc đỏ' ở Vĩnh Long

Dọc dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là những lò gạch, gốm, trông xa như những lâu đài thu nhỏ rực đỏ dưới ánh mặt trời.

Dòng Cửu Long đỏ nặng phù sa, đổ về hạ lưu bằng hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, hàng năm mang về cho bình nguyên Nam Bộ hàng triệu mét khối phù sa. Không chỉ bồi đắp cho những cánh đồng lúa bạt ngàn, những miệt vườn bốn mùa hoa trái, những hạt phù sa đỏ ối tụ lại Vĩnh Long còn góp phần hình thành ở đây những mỏ sét nguyên sinh quý giá. 

Sông Cổ Chiên nổi tiếng với làng nghề gạch, gốm. Ảnh: baoninhthuan