Hiển thị các bài đăng có nhãn TTXT Du lịch Lạng Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TTXT Du lịch Lạng Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng

16 thg 1, 2023

Đền Cửa Tây

Đền Cửa Tây nằm ở phía tây Thành cổ Lạng Sơn, nay là đường Trần Hưng Đạo (quốc lộ 1A cũ Lạng Sơn – Hà Nội), phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.


Đền có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, thờ Trần Hưng Đạo và các vị Thánh Mẫu. Kiến trúc của đền gồm 2 tòa nhà: Tòa thứ nhất là điện thờ Mẫu, toà thứ 2 kiến trúc theo kiểu chữ Đinh thờ Đức Thánh Trần và các gia tướng: Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu cùng các Hoàng Tử và Công chúa. Đây là một trong những đền thờ vọng Đức Thánh Trần ở Lạng Sơn.

Đền Cửa Nam

Đền Cửa Nam nằm ở phía nam Thành cổ Lạng Sơn, nay thuộc phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, cách cổng thành phía nam khoảng 100 m.

Đền Cửa Nam được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ Đinh chuôi vồ, cửa chính của Đền quay về hướng bắc. Đền thờ Mẫu (hệ tứ phủ) và thờ vọng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).


Đền Cửa Nam là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương.

Đền Cửa Bắc

Đền Cửa Bắc nằm ở phía bắc Thành cổ Lạng Sơn, nay nằm ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Trần Nhật Duật thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

Đền Cửa Bắc được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Đền thờ Đức Thánh Trần (Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và thờ Mẫu (Mẫu Liễu), Phật (Thiên Thủ Thiên Nhãn).

Kiến trúc của Đền hình chữ Nhị, gian Đại Bái (Chính Điện) ở bên ngoài, gian Hậu Cung ở phía trong. Theo tư liệu “Xã chí Lạng Sơn”: Trước đây, Đền có nhiều hiện vật quý gồm: 1 tấm bia đá ghi công đức thời Khải Định (1924), 06 tượng thánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, 2 nhang án, lỗ bộ, 1 bát nhang cổ bằng sứ, 1 bát nhang đỏ. Hiện nay, tại Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi công đức (năm 1924) và có thêm các tượng, đồ thờ tự, ngai (thờ bóng), điện thờ…


Đền Cửa Bắc là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng nằm ở khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 15 km.


Đền Mẫu Đồng Đăng trước đây nằm trong một mái đá sát chân núi (cách vị trí đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía đông bắc), hiện tại ở vị trí này còn có một bia ma nhai, kích thước: 53cm x 80cm, cạnh đó có một nghiêm mực đá được chạm khắc vào tháng sáu năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long thứ 8 (1809). Sau này, thấy nơi đây chật hẹp không mấy thuận tiện cho việc thờ cúng, nhân dân địa phương đã di chuyển nơi thờ tự đến vị trí hiện nay. Đây là nơi thờ tự tín ngưỡng thánh Mẫu và Phật theo kiểu “Tiền Thánh – Hậu Phật”.

Chùa Bắc Nga

Chùa Bắc Nga thuộc thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, nằm trên trục đường 4B (Lạng Sơn – Lộc Bình) và bên dòng sông Kỳ Cùng (đoạn xã Gia Cát), cách thành phố Lạng Sơn 12 km về hướng đông nam.


Qua tích chuyện lưu truyền trong dân gian, rằng nơi đây cảnh đẹp, thường có bầy tiên nữ bay về hái hoa, bắt bướm và tắm ở khúc sông Kỳ Cùng này. Sau đó, nhân dân trong vùng đã góp công, góp của xây dựng Miếu thờ Tiên tại đây với mong muốn các tiên nữ phù hộ cho dân làng một cuộc sống bình an hạnh phúc và lấy ngày 15 tháng Giêng hàng năm để làm Lễ hội Chùa, mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân làng được bình an, hạnh phúc. Sau này cũng có nhiều tiền nhân, công thần văn sĩ ngưỡng mộ cảnh đẹp đã phát tâm, bỏ tiền trùng tu, tôn tạo miếu thờ Tiên, sau thành chùa thờ Tiên, rồi thờ Phật, gọi là Chùa Bắc Nga (Tiên Nga Tự).

Chùa Tà Lài

Chùa Tà Lài (chùa Thanh Hương) nằm ở lưng chừng núi Phia Chàu thuộc thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, cách thành phố Lạng Sơn 20 km.


Chùa Tà Lài do một nữ đô đốc thuộc dòng họ Nguyễn Đình hưng công xây dựng từ thế kỷ XVIII (thờ Phật) khi bà theo quận công Nguyễn Đình Lộc lên trấn ải Lạng Sơn. Chùa gồm có cung Tiền Đường (ở ngoài), cung Tam Bảo ở trong hang núi (Chùa Hang). Trải qua một thời gian dài tồn tại, Chùa bị hư hỏng và xuống cấp. Từ đó đến nay, Chùa đã được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất vào năm 2006 Chùa được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn, hệ thống cung thờ và tượng thờ được bổ sung phong phú hơn (cung Mẫu, cung Sơn Trang, các tượng Mẫu…) thể hiện sự phối thờ: “Tiền Thánh – Hậu Phật” tại chùa Tà Lài.

3 thg 12, 2019

Núi Nàng Tô Thị – Thành Nhà Mạc

Núi nàng Tô Thị và thành nhà Mạc nằm phía trước cửa động Tam Thanh là một quần thể di tích nằm trong khu di tích danh thắng Nhị-Tam Thanh đã được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962.


Tượng đá nàng Tô Thị ở Lạng Sơn đã đi vào truyền thuyết, ca dao của dân tộc ta với câu ca dao nổi tiếng: 

 “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa 
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…”

Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn – Bắc Sơn


Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 80 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 1B. Địa hình nhiều hang động trong lòng núi, xen kẽ giữa các núi đá vôi là các vùng núi đất và các thung lũng bằng phẳng tạo nên phong cảnh kỳ vĩ và hoang sơ, vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên. Đến với Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn là đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Tày với rất nhiều nhà sàn được xây dựng dựa theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, được làm bằng gỗ, không gian rộng rãi thoáng mát, hài hòa với cảnh quan tự nhiên của núi rừng, đồng ruộng… Tham quan tại Quỳnh Sơn, du khách còn được tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày qua các làn điệu hát Then, đàn Tính; thưởng thức đặc sản ẩm thực hấp dẫn…

Đền Quan giám sát

Đền Quan Giám Sát nằm ở thôn Việt Thắng, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, cách thị trấn Hữu Lũng 14km về hướng đông nam.


Đền Bắc Lệ

Đền Bắc Lệ (Đền Bà Chúa Thượng Ngàn) nằm ở thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 80 km về phía nam.

Đền Bắc Lệ cổ kính, ẩn trong tán lá của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Từ cổng Đền, có thể bao quát cả một vùng đồi núi rộng lớn ở phía trước. Đền Bắc Lệ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, trải qua năm tháng ngôi đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc và những di vật cổ có giá trị như: 19 bức tượng lớn nhỏ làm từ gỗ mít, những bức hoành phi, câu đối được chạm trổ tinh tế.


2 thg 12, 2019

Chợ cửa khẩu Tân Thanh

Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km, chợ cửa khẩu Tân Thanh là khu chợ lớn nhất trong các chợ biên giới ở Lạng Sơn.


Khu chợ Tân Thanh mới được đưa vào sử dụng đầu năm 2000. So với các cửa khẩu khác, hàng hóa ở đây được đưa ra gần đường biên hơn, người dân ở các địa phương lân cận, dù là người Việt Nam hay người Trung Quốc đều được tự do đi lại buôn bán.

Tại khu cửa khẩu Tân Thanh có nhiều trung tâm mua bán. Ngoài khu trung tâm mua sắm 2 tầng, còn có trung tâm thương mại Hồng Kông, khu Thế giới Phụ nữ, chợ cửa khẩu và khu chợ trời nằm sát đường biên giới Việt – Trung. Do mang tính chất trao đổi hàng hóa giữa hai bên của vùng biên, chợ Tân Thanh có cả hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc, các mặt hàng rất phong phú và đa dạng.

Với khoảng cách không quá xa thành phố Lạng Sơn, cùng với những sản phẩm hàng hóa đa dạng, chợ Tân Thanh luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, mua sắm khi đến với Lạng Sơn.

Chợ Kỳ Lừa

Chợ Kỳ Lừa nằm ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đây là khu chợ do Hán quận công Thân Công Tài mở ra từ thế kỷ XVII cho cư dân hai nước Việt-Trung giao lưu buôn bán, trở thành một trung tâm buôn bán phồn thịnh, tấp nập của Lạng Sơn từ đó đến nay.


Những năm trước đây chợ Kỳ Lừa là chợ chính của thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn) không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa… Chợ Kỳ lừa mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch.

Đến năm 1996, do nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân ngày càng tăng lên, chợ truyền thống Kỳ Lừa được đầu tư xây dựng mới, với diện tích khoảng 2.700 m², có tên gọi là Chợ đêm Kỳ Lừa. Hình thức hoạt động kinh doanh trong chợ là bán lẻ, bán buôn các loại hàng hóa với chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu giao lưu buôn bán, tham quan, mua sắm của các thương nhân và khách du lịch.

Chợ Kỳ Lừa mang đậm bản sắc văn hóa vùng biên cương, sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đến với Lạng Sơn.

Chợ Đông Kinh

Chợ Đông Kinh là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố Lạng Sơn, nằm bên dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn.


Chợ được xây dựng khang trang, mang nhiều nét hiện đại, đáp ứng được nhu cầu tham quan, mua sắm cho hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Chợ hoạt động cả ngày, luôn nhộn nhịp, đông đúc. Từ những đồng bào dân tộc thiểu số xuống trao đổi mua bán hàng hóa nhỏ lẻ, đến các tiểu thương, công thương lớn từ bên Trung Quốc sang… làm cho chợ Đông Kinh trở nên tấp nập, hàng hóa phong phú. Chợ đông nhất vào tháng Giêng, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc của thành phố Lạng Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Đây là địa điểm du lịch mua sắm vô cùng hấp dẫn đối với du khách khi đến với Lạng Sơn