10 thg 9, 2011

Viếng thiền viện Chơn Không

Từ Bãi Trước (Vũng Tàu) đi theo đường Quang Trung đến ngã tư mũi tàu, rẽ trái theo đường Lê Lợi, đến ngã ba đường Lê Lợi - Vi Ba tiếp tục rẽ trái đi theo đường Vi Ba khoảng 1 km đường đèo lên triền núi Lớn (núi Tương Kỳ), ta sẽ đến Thiền viện Chơn Không.

Cổng Thiền viện Chơn Không - Ảnh: Võ văn Tường

Thiền viện nằm trên triền hòn Sụp, núi Tương Kỳ, ở độ cao khoảng 80 met, diện tích tọa lạc khoảng 2 ha.


Mặt tiền Thiền viện Chơn Không - Ảnh: Võ văn Tường

Hai Ẩu nói với Bùm: Con biết Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt ở bên hồ Tuyền Lâm chớ?

Bùm: Dạ biết. Nhưng Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt có liên quan gì đến Thiền viện Chơn Không ở Vũng Tàu này?


Hai Ẩu: Nếu không có Thiền viện Chơn Không này thì đã không có Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và nhiều thiền viện khác như Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo)...

Hòa thượng Thích Thanh Từ (thế danh Trần Hữu Phước, sinh năm 1924) trong thời gian 1960 - 1964 là Vụ trưởng Phật học vụ của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, là giảng sư của Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Hòa thượng cũng là cao đồ của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Thời thế lúc bấy giờ Phật giáo suy sụp, năm 1964, hòa thượng giã từ Phật học viện để về núi ẩn tu. Tháng 4/1966, hòa thượng dựng nên một ngôi thất đơn sơ bằng cây lá, diện tích vẻn vẹn 4 met² mang tên Pháp Lạc Thất (quyết tìm vui trong pháp mầu) trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu. Ý nguyện của Người là tìm đường khôi phục Thiền tông Việt Nam, vốn phát triển rất mạnh từ thời Trần với vị tổ là vua Trần Nhân Tông.

Ngày rằm tháng 4 năm Mậu Thân (1968), Hòa thượng phát nguyện nhập thất vô hạn định với lời kiên quyết: Nếu đạo không sáng, thệ không ra thất. Cửa thất đóng chặt từ đó.

Ngày 20/7/68 (âm lịch), Hòa thượng sáng ra được nẻo đạo lý sắc không.

Ngày rằm tháng Chạp năm 1968, Người ra thất và đem những điều sở đắc chỉ dạy cho đồ chúng. Đây là thời điểm mở đầu cho công cuộc chấn hưng Thiền tông Việt Nam.

Ngày 8/4/71, thiền sư Thích Thanh Từ công bố thành lập Thiền viện Chơn Không và mở khóa đầu tiên tu thiền 3 năm, từ 1971 đến 1974.

Từ ấy, Thiền tông Việt Nam khôi phục trở lại.

Năm 1974, thiền sư Thích Thanh Từ xây dựng Thiền viện Thường Chiếu (Long Thành, Đồng Nai) và về trụ trì tại đó. Những năm tiếp theo, nhiều thiền viện đã được tiếp tục xây dựng, cả ở trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều Thiền viện được chúng ta biết đến rất nhiều như Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm tây Thiên...

Hiện nay ở Thiền viện Chơn Không vẫn còn ngôi Pháp Lạc Thất đơn sơ ngày nào. Bên cạnh đó là Đồi Tự Tại, ta có thể đứng trên ấy mà nhìn xuống thành phố Vũng Tàu náo nhiệt, xa xa
 là biển xanh bao la.

Thành phố biển, nhìn từ Đồi Tự Tại trên Thiền viện Chơn Không. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Điểm nhấn về cảnh quan Thiền viện Chân Không là hòn non bộ ở trung tâm của khuôn viên thiền viện. Có bốn sư tử ngồi chầu bốn hướng, chính giữa là bàn tay nâng cao đóa sen, biểu tượng cho sự vươn lên của Thiền tông.


Non bộ. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Bàn tay nâng đóa sen. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thật lòng mà nói, Hai Ẩu thấy hình tượng điêu khắc này không đẹp. Bàn tay cầm đóa sen gợi cho người ngắm cảm giác toàn thân đã bị vùi lấp chỉ còn cánh tay, hơn là cánh tay vươn lên trên núi đá!

Đến thiền viện, bạn có thể tham quan lầu chuông với quả đại hồng chung bằng đồng nặng 1.100 kg


Lầu chuông. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Nhưng có lẽ cảm giác khoan thai nhất sẽ đến với bạn khi ngồi giữa nơi tĩnh lặng này, nhìn bên trên là núi xanh, bên dưới là thành phố náo nhiệt và xa hơn nữa là biển cả bao la. Bạn sẽ cảm nhận được bài thơ Chân không của Thiền sư Thích Thanh Từ

CHÂN KHÔNG

Chân không thể bất biến,
Huyễn hữu thường đổi thay.
Khói mây bọt bóng nước,
Tan hợp cuộc vần xoay.

Linh lung trăng rọi biển,
Xanh biếc núi im lìm.
Ngút ngàn mặt bể cả,
Thăm thẳm bầu trời xanh.

Đường phố xe qua lại,
Sông biển tàu tới lui.
Dòng đời duyên biến đổi,
Bệ đá đạo nhân ngồi.

(Thiền viện Chân Không, tháng 7. 1985)



Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét