14 thg 12, 2013

Thung lũng Ma Thiên Lãnh ở miền Đông Nam bộ

Được ví như một Đà Lạt của miền Đông Nam bộ, thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm trên địa phận xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh, Tây Ninh) hình thành bởi 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Heo và núi Phụng với diện tích hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh tuyệt đẹp cùng những suối nước chảy róc rách khi mùa mưa tới.

Một goc thung lũng Ma Thiên Lãnh. 

Hiện nay, đã có một con đường nhựa dài hơn 3 cây số từ tỉnh lộ 785 nối lên tận đỉnh núi Phụng rồi nhưng để đến được Ma Thiên Lãnh lại không phải dễ dàng, bởi đường xuống thung lũng vẫn khá cheo leo, hiểm trở và đặc biệt là ở đây có rất nhiều... rắn.

Chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng hai giờ đi xe máy, vượt quãng đường gần một trăm cây số, hiện nay Ma Thiên Lãnh trở thành địa điểm du ngoạn, nghỉ ngơi dịp cuối tuần của những bạn trẻ với nét hấp dẫn của thiên nhiên hoang sơ, tách biệt với nhịp sống hiện đại của các đô thị. Từ chân núi, nơi có một xóm nhỏ chừng chục hộ dân sinh sống, chỉ đi thêm gần một cây số là lên tới đỉnh núi. Đây chính là nơi dành cho những ai ưa mạo hiểm thực hiện hành trình khám phá bằng những con đường rừng rợp bóng cây cối cổ thụ vào lãnh địa bí ẩn chưa có dấu chân người.

Nghĩa địa Kut, thế giới vĩnh hằng của người Chăm

Dọc quốc lộ 1A ngang qua Ninh Thuận, Bình Thuận, ta sẽ thấy thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, bốn bề đồng ruộng bao la... Đó là nghĩa địa Kut của người Chăm Ahier.

Người Chăm ở Ninh Thuận có hai tôn giáo chính là Chăm Ahier, Chăm Awal (Chăm Hồi giáo bản địa hóa) và một bộ phận nhỏ theo Hồi giáo chính thống (Chăm Islam). Mỗi tôn giáo người Chăm luôn có nét văn hóa đặc thù riêng, thể hiện rõ nét trong nghi lễ tang ma.

Người Chăm Awal khi qua đời được chôn cất ở một nơi được gọi là Ghur. Hàng năm vào tháng 9 Hồi lịch người dân đến làm lễ tảo mộ và bắt đầu lễ hội Ramawan. Trong khi đó, người Chăm Ahier khi qua đời sau khi chôn hơn một năm, hài cốt được lấy lên làm lễ hỏa táng, và giữ lại 9 mảnh xương trán để đem làm lễ nhập Kut. 

Nghĩa địa Kut của người Chăm. 

Những con phố độc đáo ở Sài Gòn

Bạn có thể tìm cho mình một món đồ cổ ưa thích trên đường Lê Công Kiều (quận 1), hoặc lạc vào thế giới sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5).

Tuy không có 36 phố phường với những mặt hàng kinh doanh đặc trưng như ở Hà Nội, nhưng ở Sài Gòn đâu đó vẫn có những con đường, góc phố mà mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến những cửa hiệu san sát với mặt hàng kinh doanh giống nhau.

1. Phố đồ cổ 

Phố đồ cồ Lê Công Kiều thường thu hút đông du khách đến tham quan và mua sắm. Ảnh: Tiêu Phong. 

Chỉ ngắn chừng 200 m nhưng đường Lê Công Kiều (quận 1) lại chứa đựng trong lòng nó cả kho tàng lịch sử văn hóa của dân tộc được tái hiện qua những món đồ cổ. Đến đây, bạn như lạc vào một thế giới đồ cổ với đủ vật dụng lớn nhỏ bày san sát nhau, có cửa hiệu còn bày tràn ra cả vỉa hè. Những tờ tiền giấy Đông Dương, tiền xu thời Lý, Trần..., những chiếc liễn, bình gốm thời nhà Nguyễn, nhà Thanh... là những gì bạn có thể nhìn thấy.


Nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe

Việt Nam có hai nơi được coi là ngã ba biên giới, trong đó cực Tây Tổ quốc - A Pa Chải gắn liền với cột mốc số 0 là điểm đến mơ ước của nhiều bạn trẻ.

A Pa Chải là ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là nơi được mệnh danh “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”, nằm trên đỉnh Khoang La San, cách Hà Nội hơn 750 km.

Từ thành phố Điện Biên Phủ có nhiều cách để lên A Pa Chải. Cung đường được nhiều người lựa chọn nhất là đi qua Mường Chà - Mường Nhé - Chung Chải - Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn - Tả Kho Khừ - Đồn Biên Phòng 317 A Pa Chải. Tuyến này có tổng chiều dài gần 280 km và ôtô đi thẳng. 

Mất khoảng 2 tiếng làm thủ tục. Thời gian bắt đầu làm việc của Bộ chỉ huy biên phòng tại Điện Biên là 8h sáng. Ảnh: Ngọc Viễn Nguyễn. 

Những món ăn vặt ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi được biết đến với cái tên vùng đất núi Ấn sông Trà, và chính con sông ngọn núi ấy đã sản sinh ra nhiều sản vật, món ăn vặt dân dã, thơm ngon.

Thành phố Quảng Ngãi về chiều là thời điểm các quán hàng ăn vặt tập trung ở con đường ven sông gần cầu Trà Khúc 2. Các món ăn có đặc điểm là vị cay của gia vị, mặn của mắm ruốc... rất ngon miệng. Đặc biệt vào buổi chiều tối, khi sương xuống lành lạnh, vị cay của các món nướng thật hợp tình, hợp ý.

Những món nướng được ưa chuộng ở Quảng Ngãi là nem nướng, bắp nướng. Tuy không phải là đặc sản chỉ có ở thành phố này nhưng chúng trở nên đặc biệt khi ăn kèm với tương ớt cay, mắm nêm, càng đậm đà hơn trong thời tiết se se lạnh của xứ này. 

Món nem nướng, ăn kèm với tương ớt làm tại nhà cay nồng. 

Tam Cốc – một Hạ Long trên cạn

Nằm cách Hà Nội khoảng hơn 100 km về phía Nam, Tam Cốc là điểm du lịch thuộc danh thắng Tràng An được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn.

Cùng với khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư và khu sinh thái Tràng An, Tam Cốc là một danh thắng thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Nếu Hoa Lư là nơi xây dựng đền thờ vua Đinh và vua Lê vào thế kỷ 10 và sau này được trùng tu lại vào thế kỷ 17 thì Tam Cốc lại là nơi quay về ở ẩn của vua Lê với phong cảnh non xanh biếc nước hữu tình.

Tam Cốc thuộc địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Tam Cốc có nghĩa là 3 hang, gồm: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. 

Tam Cốc vẫn giữ được vẻ đẹp hết sức tự nhiên và cuốn hút đến lạ kỳ 

13 thg 12, 2013

Bàn chân tiên trên núi

Núi Ba Thê

Núi Ba Thê là một ngọn núi trong cụm núi Ba Thê gồm năm ngọn, nằm ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, cách Long Xuyên chừng 40 km. Ba Thê là ngọn cao nhất trong cụm núi, cao 221 m, nằm lẻ loi giữa cánh đồng tứ giác Long Xuyên. Với vị trí đặc biệt này, ngày xưa trên đỉnh núi có đặt sân bay dã chiến của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Đường lên núi

Đường lên núi hẹp, khó đi bằng xe hơi, do đó phải đậu xe ở chân núi và thuê Honda ôm chạy lên. 40 ngàn một người, chở đến từng điểm tham quan trên núi và chờ đợi để chở về. Đường dài hơn 2 km, quanh co khúc khuỷu và chật hẹp, một bên là núi, một bên là vực sâu, nhiều chỗ cua cùi chỏ và dốc dựng đứng. Các bác tài xe ôm tranh thủ nên mỗi xe đèo 2 người và không có mũ bảo hiểm (đâu có công an!). Xe cùi cùi cỡ Wave Alpha thôi, nên mỗi lần lên dốc cao nó khóc rống thảm thiết như muốn bể ống pô.

Sâu chít - đặc sản Tây Bắc

Được xem là “đông trùng hạ thảo” của Tây Bắc và được nhiều dân đi phượt một thời mê mẩn giới thiệu cho nhau, đúng là đã thử một lần thì không thể nào quên được các món ngon đặc sản làm từ sâu chít đó...

Sâu chít ngâm rượu bán ở Mộc Châu (Sơn La) - Ảnh: Thủy OCG

Cách đây vài năm, khi phong trào đi “phượt” chưa bùng cháy như bây giờ, các nhóm đi bụi biết nhau hết cả, không quen mặt nhưng nhớ "nick", nhớ bài, nhớ từng chuyến đi được chia sẻ qua các diễn đàn du lịch nổi tiếng.

Thời đó, anh em hay ngồi tụ tập ở quán Bảo Lâm, trước ở cổng Voi Phục công viên Thủ Lệ, sau chuyển ra đường Kim Mã. Chủ quán tên Nam, yêu Tây Bắc nên các món ăn của quán toàn mang hương vị và đặc sản Tây Bắc. Một trong những đặc sản của quán mà nhiều dân đi thời đó rất mê, chính là sâu chit.


Nhớ miếng khô trâu

Không ít địa danh ở miền Tây Nam bộ có thành tố “trâu”: Ngan Trâu, Đường Trâu, Xẻo Trâu, Vàm Trâu, Bàu Trâu Nằm… cho thấy vùng đất này ngày trước có rất nhiều trâu.


Cách đây khoảng 300 năm vùng đất Nam bộ ngày nay là một vùng đầm lầy, nê địa, rừng hoang cỏ rậm, nhiều thú dữ: Tới đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh.

Trong một lần đi điền dã vào vùng Đường Trâu của huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được một lão nông người Khmer kể rằng: xưa ở vùng này trâu nhiều vô kể. Theo dấu chân chúng đi, nước mưa xói mòn dần thành đường.


Điệu múa Chămpa ở tháp Bà Po Ina Nagar

Đến thành phố biển Nha Trang, viếng thăm Tháp Bà Po Ina Nagar bạn còn được chiêm ngưỡng điệu múa truyền thống Chăm đặc sắc.

Tháp Bà Po Ina Nagar là công trình kiến trúc tôn giáo do người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến 13 để thờ cúng thần linh, trong đó có nữ thần Po Ina Nagar còn gọi là Thánh Mẫu Thiên Y Ana. Tháp tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 m so với mực nước biển, ở cửa sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước.

Từ dưới chân núi, theo những bậc đá đi lên bạn sẽ gặp một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 
200 m2. Ở đây có 10 trụ đá hình bát giác cao trên 3 m xếp hành hai hàng dọc lối vào, cạnh đó là 10 trụ nhỏ và thấp hơn. Trước kia nơi đây được cho là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, nơi khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các tháp. 

Vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tháp Bà. 


Lộc An hoa anh đào vẫy gọi

Một khi đã đến biển Lộc An, bạn sẽ không muốn cất bước ra về bởi vẻ đẹp biển và đa dạng sinh vật rừng nguyên sinh ngập mặn.

Lộc An là xã thuộc huyện Đất Đỏ, cách thành phố Vũng Tàu 50 km. Trải nghiệm trên tuyến đường từ quốc lộ 51B tới Lộc An qua thị trấn Long Hải là một cái thú không nên bỏ lỡ. Bạn sẽ có cơ hội ngắm vẻ đẹp quyến rũ của rừng cây anh đào, loại hoa tưởng chừng chỉ có ở xứ sở Phù Tang. 

Nếu vào đúng dịp Giáng sinh, hoa anh đào đua nhau tràn ra vệ đường, thi nhau khoe sắc với đủ màu trắng tinh, xen lẫn vàng, xanh, tím. Cảm giác lướt trên những cung đường ven biển tuyệt đẹp của Long Hải, một bên là biển, một bên là rừng hoa anh đào, vừa cảm nhận làn gió biển trong lành, mát rượi vừa nhìn ngắm hoa anh đào nở thật không có gì tuyệt vời hơn. 

Cung đường hoa anh đào chào đón du khách đến biển Lộc An. Ảnh: tinmoitruong 

Nhà tù Phú Quốc – dấu tích một thời không thể quên

Nằm ở địa phận xóm Cây Dừa, xã An Thới thuộc khu vực cực nam đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Nhà tù Phú Quốc là trại giam tù binh trung tâm của miền Nam thời Mỹ - Ngụy.

Vốn là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừa hay còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc trên diện tích khoảng 400ha. Đây là nơi giam giữ “cán binh cộng sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ. Có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.

Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12, do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh, riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan.

12 thg 12, 2013

Còn ta với nồng nàn

Tui gặp thứ trái này lần đầu vào tối thứ Sáu tại rừng tràm Tân Tiến (huyện Tri Tôn). Trái như trái chanh, nhưng vỏ sần sùi và mùi thơm nồng nàn hơn. Trái được vắt vô dĩa muối ớt để làm món chấm. Tối đó ăn cúm núm chiên, cá lóc nướng trui... Thứ nào chấm cũng được


Dĩa muối ớt, bên cạnh là loại trái chua chua miền núi, cạnh đó nữa là nước mắm me

Dân An Giang kêu trái này là trái chút. Ái chà, viết sao ta? Chút, chúc, trúc hay trút (dân miền Tây đọc 4 chữ này y chang nhau!).

Khi tui hỏi chữ chút viết sao, các chiến hữu người An Giang ngồi trong bàn nhậu mới à ới bàn với nhau coi tên trái này viết mần sao. Có người nói là trút (như chữ con trút), có người nói là chút (như chữ một chút). Cuối cùng là... hổng biết viết sao cho đúng, chỉ biết đọc là chút thôi.


Chiếc cầu hợp tác giữa 3 nước

Xe đang ở địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang) trên quốc lộ 1, hướng về cầu Mỹ Thuận. Bác tài quay qua nói với tôi:
  • Mình sắp tới chiếc cầu do 3 nước hợp tác.
Tôi nghĩ anh ta muốn nói tới cầu Mỹ Thuận, và như vậy là sai, vì cầu Mỹ Thuận do kỹ sư và công nhân của 2 nước là Úc và Việt Nam hợp tác thiết kế, thi công thôi.

Tôi bảo anh ta lầm rồi, nhưng anh ta lắc đầu, nói:
  • Không phải cầu Mỹ Thuận. Ông cứ ngồi yên đó đi, lát nữa tới nơi tui chỉ cho!
Ở khu vực đó của huyện Cái Bè, tên các xã thường có chữ Mỹ, như xã Mỹ Trung, xã Mỹ Tân, xã Mỹ Lợi thì chia thành 2 là Mỹ Lợi A và Mỹ Lợi B, Mỹ Đức cũng chia thành 2 là xã Mỹ Đức Đông và xã Mỹ Đức Tây... Các bạn đã từng đi miền Tây trên tuyến quốc lộ 1 đều biết là từ ngã ba Trung Lương tới Vĩnh Long không hề có chiếc cầu nào lớn ngoài cầu Mỹ Thuận, vậy thì lấy đâu ra chiếc cầu do 3 nước hợp tác xây dựng?

Cầu Gành chứ không phải cầu Ghềnh

Biên Hòa có chiếc cầu nổi tiếng là cầu Gành. Đây là chiếc cầu cổ xưa nhất thành phố Biên Hòa có tuổi đời hơn 100 năm, và do kiến trúc sư lừng danh Eiffel của Pháp thiết kế. Hình ảnh chiếc cầu sắt cổ kính này gần như đã thành biểu tượng của Biên Hòa.


Cầu Gành - Ảnh: PHN

Khốn khổ thay, tên cầu đã bị gọi sai thành cầu Ghềnh gần bốn mươi năm nay. Vì đâu nên nỗi như vậy? Bạn hãy đọc đoạn trích bài viết sau của nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) nhé:

Đậu phụ và... buổi chiều Phố Cáo

Sống động và rộn ràng, mộc mạc và thân thiện, đó là tất cả những gì tôi đã lưu giữ lại trong ký ức với... món đậu phụ khi có dịp đi qua Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) vào đúng dịp chàng trai Mông cưới vợ, cũng là lúc đứa con đầu lòng được 1 tháng tuổi. 

Phố Cáo một ngày đông đầy nắng

Một ngày đông đầy nắng. Nắng cao nguyên vàng rực trên nền trời xanh đến rút ruột, cháy đỏ và làm nứt nẻ những đôi má hồng bầu bĩnh của bọn trẻ con. Trong khi đám đàn ồng ngồi quây quần và khề khà bên niêu mèn mén, chén rượu ngô thì cánh đàn bà đang hối hả làm đậu phụ, một vài người khác đang đi sắp xếp bàn ghế. Chiều nay sẽ tổ chức tiệc mừng.

Men nồng đêm trăng Thung Nai

Chúng tôi từ Hà Nội đi Thung Nai, một xã miền núi thuộc huyện Cao Phong (cách trung tâm thành phố Hòa Bình 25km) bằng xe máy. Đó là một chuyến du ngoạn ngắn nhưng có nhiều kỷ niệm và thật nhiều ấn tượng.

Hoàng hôn ở Thung Nai. 

Bắt đầu xuất phát ở Hà Nội vào khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi vẫn kịp ghé thăm công trình thủy điện sông Đà ở thành phố Hòa Bình trước khi đặt chân đến Thung Nai lúc xế chiều.

Thung Nai trong hoàng hôn kiều mị hiện lên trước mắt chúng tôi sau một quãng đường núi hoang sơ khoảng hơn chục cây số từ thành phố Hòa Bình. Thung Nai - khi ấy tựa một bức tranh phủ màu đỏ thắm của vầng dương cuối ngày.


Canh lá đắng, đặc sản xứ Mường Thanh

Nếu có dịp ghé thăm bản Mường ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa), bạn sẽ được chủ nhà thiết đãi món đặc sản đậm chất núi rừng là canh lá đắng.

Như chính tên gọi của nó, lá có vị đắng đặc trưng nên có nơi còn gọi là lá mật vịt. Cây đắng vốn là loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng, khi trở thành thứ rau ngon, người dân đem về trồng trong vườn. Cây lá đắng gần như cho lá xanh tốt quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa. Lá đắng thon dài, tỏa ra thành chùm như lá sắn. Trong chùm ấy, chỉ những lá bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu thành bát canh ngon. 

Lá đắng trong vườn nhà. Ảnh: Phamho. 

Cá kèo, đặc sản Cà Mau

Không phải cao lương mỹ vị nhưng khi kho cùng với lá giang hay ngót, cá kèo trở thành món ăn đặc trưng để nhớ về đất Mũi.

Cá kèo sinh sản và phát triển ở vùng nước mặn. Vào mùa mưa, nhất là lúc con nước rong, khi những hang ổ trú ngụ của cá kèo bị chìm sâu dưới nước, chúng phải thiên di theo dòng chảy nổi lềnh bềnh trên các kênh rạch, trông từ xa giống như những trái mù u. 

Cá kèo kho lá giang là sự kết hợp giản đơn nhưng ngon miệng giữa lá rừng và đặc sản sông nước. 

Lợi dụng lúc này, người dân thường dùng lưới để đánh bắt. Cá kèo thịt mềm, béo ngọt, thơm ngon, mật cá đăng đắng đặc trưng, ăn riết là “ghiền”, và đây được xem như đặc sản của Cà Mau.


Đồng Tháp Mười trắng trời mùa súng nở

Không chỉ “đẹp nhất bông sen”, Tháp Mười còn là nơi có nhiều hoa súng nhất. Không phải màu tím quen thuộc mà là những bông súng trắng tinh khôi.

Hoa súng là loại thực vật mọc ở vùng đầm lầy, chiêm trũng. Tuy thân mềm mại, nhưng lại dẻo dai sức sống diệu kỳ. Vốn lặng lẽ gieo mình xuống đất nhưng khi mùa nước lũ tràn qua, nước dâng cao tới đâu, cây súng vươn mình tới đó. Suốt trong 4 tháng trắng đồng, hoa súng đã kịp đơm bông, kết trái rồi thả hạt giống theo dòng nước phát tán muôn nơi.

Bởi thế, về Đồng Tháp mùa này, ai cũng phải ngỡ ngàng trước cánh đồng hoa súng đua nở giữa mặt nước mênh mông. Thay vì màu tím biếc đến tận chân trời, hoa súng ở Tháp Mười chủ yếu là màu trắng tinh khôi. Tuy sắc màu không nổi bật nhưng hoa súng trắng của vùng Đồng Tháp gợi lên vẻ đẹp trong trẻo, thuần khiết của thiếu nữ miền Tây. 

Hoa súng mọc theo mực nước dâng. Ảnh: yume 

Vẻ đẹp tiềm ẩn của đồi cát Nam Cương

Những dải lụa cát mịn màng, những đàn cừu thơ thẩn bên suối hay những khóm hoa xương rồng đua sắc nở làm nên vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn cho đồi cát Nam Cương.

Đồi cát Nam Cương rộng 700 ha, nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 8 km về phía đông nam thuộc ấp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Không nổi bật như đồi cát Mũi Né, Nam Cương ẩn mình sau những con đường quanh co xuyên qua xóm làng, lúc lên dốc, lúc lại xuống đồi. Tuy lòng vòng là thế, nhưng du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sắc vàng, đỏ hoang dại của cây xương rồng đâm chồi nảy lộc mạnh mẽ dọc lối vào nơi đất cát khô cằn này. 

Những cô gái Chăm trên đồi cát Nam Cương. Ảnh: dacsandatphanrang. 

Rừng tràm Trà Sư, bữa tiệc màu xanh mùa nước nổi

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát mùa nước nổi.

Với diện tích khoảng 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh mơn mởn của đám bèo tây giăng kín mặt nước. Đây sẽ là một trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mang và say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng, lắng nghe tiếng chim chóc kêu thật gần và những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng. 

Màu xanh hun hút của rừng tràm Trà Sư. 

Đi về phía huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 100 km, bạn sẽ gặp con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm Trà Sư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa ngút ngàn và những cây thốt nốt cao cao tỏa bóng như mê đắm, nhất là trong ánh hoàng hôn rực rỡ của miền nhiệt đới. Đâu đó, bạn còn gặp những đàn vịt đủ màu sắc, bởi họ nhuộm lông cho những chú vịt, nào vàng, nào xanh, nào tím… để nhận biết vịt của các nhà. 

Thăm lăng Bà Vú

Lăng Bà Vú tọa lạc tại P.Ninh Hiệp, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đây là công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Nói đến lăng Bà Vú người ta thường nhớ đến câu chuyện về người phụ nữ đã có nhiều công lao với vua Gia Long.

Lăng Bà Vú - Ảnh: Nguyễn Chung 

Theo truyền thuyết, khi giao tranh với quân Tây Sơn (vào khoảng thời gian 1780 - 1785), Nguyễn Ánh thất bại phải bỏ chạy. Khi Nguyễn Ánh qua làng Mỹ Hiệp ở Ninh Hòa thì lương thực cạn kiệt, mình lại bị bệnh nên kiệt sức. Trong lúc hoạn nạn, Nguyễn Ánh được một phụ nữ trong làng thương tình mời vào nhà nghỉ ngơi, nấu cơm đãi, săn sóc thuốc men chu đáo và cho lương thực mang theo lúc lên đường. Sau nhiều năm chinh chiến, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu Gia Long. Nhớ ơn người từng cứu giúp nên ông đã quay lại làng Mỹ Hiệp tìm ân nhân nhưng người xưa không còn. Để tỏ lòng tri ân, nhà vua truy phong bà là “Nhũ mẫu” (người vú nuôi), đồng thời truyền thợ giỏi đến làng Mỹ Hiệp để xây lăng cho bà.


4 thg 12, 2013

Dray Sap, miên man khói bụi

Thác Dray Sap thuộc huyện Cư Jưt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25 km. Trên đường từ Nam ra Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 14, bạn sẽ đi ngang qua thác trước khi đến TP Buôn Ma Thuột.

Lần đầu tiên tôi đến thác Dray Sap là năm 2000. Nếu bạn đã từng quen thuộc với những con thác ở Lâm Đồng như thác Prenn, thác D'Atanla. thác Pongour... bạn sẽ thấy vô cùng choáng ngợp trước vẻ kỳ vĩ của con thác lớn bậc nhất Tây nguyên này.


Thác Dray Sap năm 2001. Bạn có thể thấy khói mịt mờ dưới chân thác. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thác như một bức tường nước khổng lồ giăng ngang giữa hùng vĩ đại ngàn, dòng nước cuồn cuộn đổ tung bụi nước mịt mù dưới chân thác như khói sương ngút ngàn. Đó là lý do người Ê đê gọi tên thác là Thác Khói (trong tiếng Ê đê Dray là thác, Sap là khói).

Chợ phiên Yên Minh

Trong hành trình đến Hà Giang, nhóm chúng tôi đã có dịp ghé chợ phiên vùng cao Yên Minh, thị trấn nhỏ cách TP Hà Giang khoảng 100 km về phía Đông Bắc. Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, chợ Yên Minh chỉ họp vào ngày chủ nhật.

Ngay từ sáng sớm, trên các con đường đổ về thị trấn đã nhộn nhịp từng đoàn người đi chợ. Nhiều người từ các bản làng xa xôi trên núi cao phải dậy từ nửa đêm, vượt bao đèo dốc để đến Yên Minh. Không gian vốn yên tĩnh nơi này chợt sôi động hẳn lên vào ngày chợ phiên, với đủ sắc màu trang phục: Váy xòe thổ cẩm của người H'Mông, khăn đỏ của người Dao, màu xanh dương váy áo của các cô gái Tày, trang phục chàm của người Nùng… 

Chợ phiên vùng cao rực rỡ sắc màu 


Mì xụa

Từ lâu, nói tới các món ngon ở Sóc Trăng, người ta thường nghĩ ngay tới bánh pía, mè láo và lạp xưởng Vũng Thơm – bánh và thực phẩm của người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) định cư hàng trăm năm nay ở Sóc Trăng sản xuất. Nhưng có một thứ thực phẩm làm nên danh tiếng người Tiều Sóc Trăng từ xưa đến nay là mì xụa thì không phải ai cũng biết.

Dĩa mì xụa xào tim, gan, cật heo, tép... Ảnh: Phương Kiều 

Sách Gia Định thành thống chí của Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch và chú giải - NXB Đồng Nai, 2006), mục Phụ lục 3 (loài vật, đồ vật, đo lường), có viết: “Miến tuyến: Là mì dẻo dài sợi. Từ nầy người Tiều phát âm là mì xọua, người Nam Bộ nói nhại theo khá chuẩn âm là mì xọa. Chữ Nôm đọc là xọa vì được tác giả chú thiết âm là xứ ngọa tức xọa. Chữ Nôm mì xọa nhằm nhại âm mà không chỉ thật nghĩa (ngày nay ở miền Tây Nam Bộ người ta dùng tiếng mì xụa như tiếng Việt thông thường)”.


Kỳ lạ ngôi làng ăn Tết hai lần

Như thường lệ, cứ vào ngày 1/2 (âm lịch) hàng năm người dân thôn Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ một vị thần hoàng có công giữ nước.

9 giờ sáng ngày 1/2, hàng ngàn người dân xã Cầu Lộc lại rồng rắn kéo nhau về đền thờ ngài Lê Phúc Đồng, một vị anh hùng được nhà vua giao cho sứ mệnh chống giặc ngoại xâm thế kỷ thứ 15 tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ đến vị anh hùng này.

Vào ngày này, ngoài việc vui chơi, lễ hội của làng thì mỗi hộ dân trong làng đều làm bánh dày, thịt gà, cua, cá… thờ cúng như một cái Tết Nguyên đán thật thụ. Dọc các tuyến đường làng, cờ hoa giăng khắp nơi, trẻ con được mặc áo đẹp, người người đi “xông” nhà nhau và họ mời nhau chén rượu đầu xuân.

Sau nghi thức lễ, người dân trong làng sẽ được tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: bóng chuyền, kéo co, nấu xôi làm bánh dày…

3 thg 12, 2013

Gà hấp lá trúc - món ngon vùng Bảy Núi

Dân miền Tây, nhất là những người sành ăn, từng ngược xuôi, cơm Tây cơm Tàu... mỗi lần về Châu Đốc hoặc vùng Bảy Núi vẫn nhớ và thèm cái hương vị của gà hấp lá trúc.

Gà hấp lá trúc - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Bàn về ẩm thực Bảy Núi, chỉ riêng món rau thôi cũng làm cho nhiều người choáng ngợp về sự giàu có của các loài thảo dã, loại nào cũng hấp dẫn, cũng tạo thêm mùi nhớ, nổi tiếng nhất là bánh xèo ăn kèm với 14 loại rau rừng. Chưa hết, còn có những loại lá rừng nấu kèm thịt cá, chỉ ăn một lần thôi cũng nhớ hoài, nhớ mãi hương vị của núi rừng, chẳng hạn lá và trái trúc.

Bánh mì que Quy Nhơn

Tự hào đi nhiều, ăn nhiều, nhưng quả thật tôi phải xuýt xoa khi thưởng thức bánh mì que trên đường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn, dù món này đã có từ lâu.

Ở Quy Nhơn có nhiều xe bánh mì bán bánh mì que. Tôi ghé vào một xe bán bán mì trên đường Trần Phú. Ổ bánh mì dài khoảng 30 cm, đường kính vừa tròn cái… miệng. Ba cô bé bán hàng luôn tay làm bánh mì. Vì ổ bánh nhỏ nên dùng kéo để xẻ ra là nhanh nhất. Bên trong tủ kính có 4 khay inox, đồ chua khay nhỏ, rồi đến khay lớn ngồn ngộn rau ngò, chà bông vun có ngọn và pa-tê hấp dẫn.



Heo rừng nấu mướp

Vào những ngày vía Bà tháng Tư, khách hành hương và du lịch có dịp đổ về Long Xuyên, Châu Đốc và vùng Bảy Núi (An Giang) có thể tìm đến các nhà hàng đặc sản để thưởng thức nhiều món ngon bổ dưỡng như cúc nướng, ếch nướng, bò nướng lá trúc, gà nấu lá trúc, bò xào lá giang…và hấp dẫn nhất là heo rừng nấu mướp.

Thịt heo rừng nấu mướp.

Xin yên tâm, nếu bạn là người có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bởi hiện nay, tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có khá nhiều trại nuôi heo rừng lấy thịt chứ không săn bắt trong rừng nên món ăn này đã trở thành phổ biến ở vùng Bảy Núi.

2 thg 12, 2013

Chùa cổ trên đất Long Tuyền

Hồ sen bán nguyệt trước sân chùa Hội Linh. 

Trong nhóm chùa cổ ở đất Long Tuyền, ngoài Nam Nhã Đường còn có Hội Linh cổ tự, xây dựng vào năm Đinh Mùi năm 1907 và Long Quang cổ tự, do thiền sư Thiện Quyền lập vào năm Minh Mạng thứ 5 tức năm Giáp Thân (1824), đến nay gần 190 năm.

Long Quang cổ tự

Chùa Long Quang nằm bên bờ sông Bình Thủy; tọa lạc tại số 155/6, khu vực Bình Chánh, thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Thác Dambri giữa đại ngàn xanh

Cách thành phố Bảo Lộc 18 km, dòng thác lớn của mảnh đất Tây Nguyên mang tên "Đợi chờ" ầm ào sôi sục suốt đêm ngày.

Để đến với thác Dambri, bạn phải chạy quãng đường khá dài giữa trời xanh mây trắng của đất trời Tây Nguyên. Thác Dambri nằm trong khuôn viên quần thể khu du lịch Dambri với tổng diện tích gần 1.000 ha.

Từ cổng vào đã nghe tiếng nước đổ dữ dội. Men theo những tán cây rậm rạp, bạn bắt đầu hành trình xuống chân thác. Con đường bậc thang đã phủ rêu xanh nên bạn phải cẩn thận từng bước để không bị trơn trượt. Qua một vài khúc ngoặt, đến khi cảm giác đã mỏi chân muốn nghỉ thì thác nước hiện ra sau những màn mưa bụi, cùng vạn vật cây cỏ sẫm nước. 

Khu Du lịch thác Dambri cách thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) 18 km. Bảo Lộc cách Đà Lạt khoảng 120 km và TP HCM 180 km theo quốc lộ 20. 

Nét đẹp chùa Khmer ở Cà Mau

Ngôi chùa Khmer Monivongsa Bopharam được xây dựng từ năm 1964, tọa lạc giữa trung tâm Cà Mau như một nét duyên của thành phố cực Nam chào đón du khách.

Khuôn viên chùa rộng lớn với những tán cây thốt nốt vươn thẳng lên trời cao. Mái chính điện được cấu trúc thành nhiều tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau, tạo không gian cao vút. Đây chính là nét đặc trưng của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ. 

25 thg 11, 2013

Bánh bò thốt nốt, đặc sản Châu Đốc

Bên cạnh đặc sản mắm làm nên thương hiệu ẩm thực Châu Đốc, mảnh đất này còn nổi tiếng bởi bánh bò thốt nốt vàng ươm khiến ai ăn đều gật gù khen ngợi.

Đến Châu Đốc, An Giang, qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên…, đâu đâu bạn cũng bắt gặp cây thốt nốt. Có thể nói thốt nốt là đặc trưng của người Khmer Nam Bộ và là loại cây đa dụng của vùng Thất Sơn huyền bí. 

Trái thốt nốt được bày bán bên vệ đường. 

Lá thốt nốt được dùng để lợp nhà, làm chất đốt, cây già làm cột nhà, làm bàn ghế… Riêng, trái thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng du khách với những món ăn dân dã như: cơm (cùi) thốt nốt, nước thốt nốt tươi (hoặc lên men), đường tán, chè thốt nốt, bánh gói thốt nốt… Trong đó, món ăn gây ấn tượng cho du khách mỗi khi đến Châu Đốc trong mùa thu hoạch trái là bánh bò thốt nốt.


Nhà thờ đá tại Nha Trang

Một trong những điểm mà bạn không nên bỏ qua khi đến Nha Trang chính là nhà thờ đá nằm trên độ cao 12 m giữa trung tâm thành phố.

Hàng năm, thành phố Nha Trang thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Ngoài những thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển dài với bãi cát trắng tuyệt đẹp, các hòn đảo nổi tiếng như Hòn Tre, Hòn Tằm với đủ trò chơi trên biển, khu nghỉ dưỡng Vinpearland, vịnh Vũng Rô, bãi dài Cam Ranh... Nha Trang còn có rất nhiều điểm đến văn hóa và lịch sử nằm ngay trong thành phố. 

Nhà thờ đá nằm ngay trung tâm thành phố, dễ tìm và luôn mở cửa đón khách tham quan. Ảnh: Baokhanhhoa. 


Suối Mỡ, dòng thác bạc trên sườn tây Yên Tử

Không chỉ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Bắc Giang với dòng chảy bạc quanh năm róc rách, suối Mỡ còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với ba ngôi đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Có thể bạn không biết nhiều về các điểm du lịch ở Bắc Giang nhưng nếu có dịp ngang qua, đừng quên dừng chân ghé dòng suối Mỡ với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp tựa bức tranh. Đây là điểm du lịch nổi tiếng Bắc Giang, thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, cách trung tâm thành phố 30 km về phía đông. 

Cồng đền Hạ nằm ngay mặt đường xe chạy. 


Một chốn thiền môn thanh khiết

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt hài hòa với khung cảnh thiên nhiên mây trời non nước và một kiến trúc cổ kính làm mê lòng bao du khách.

Trúc Lâm Thiền Viện là một ngôi chùa của phái thiền Trúc Lâm nằm cách trung tâm TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khoảng 4 km. Công trình được khởi công xây dựng năm 1993, và hoàn thành sau đó một năm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Cùng với Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh) và Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm. 

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm. 

Thiền Viện Trúc Lâm được coi là thiền viện lớn nhất cả nước cả về không gian lẫn quy mô. Thiền viện được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 24 hecta, gồm 22 hecta vườn chùa và 2 hecta xây dựng các công trình của hai khu nội viện và ngoại viện.

24 thg 11, 2013

Về phương Nam lắng nghe...

Tôi đến thăm Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam ở Mỹ Tho (Tiền Giang) với niềm tôn kính và một sự thắc mắc lớn. Rằng nhà văn Sơn Nam sinh quán ở Kiên Giang, sống và qua đời ở Sài Gòn, an táng tại nghĩa trang Bình Dương, thế sao Nhà lưu niệm lại ở Tiền Giang?

Thắc mắc ấy rồi cũng được giải đáp. Khu đất xây nhà lưu niệm là nơi sinh sống của vợ chồng người con gái nhà văn Sơn Nam. Hai người đã xây dựng khu lưu niệm này để tưởng nhớ thân sinh của mình.

Giải đáp thắc mắc này xong, một sự tò mò khác lại đến. Bên cạnh nhà lưu niệm là nhà ở của gia đình anh chị Nghị - Hằng (con rể và con gái nhà văn Sơn Nam), chính diện tầng trên của ngôi nhà này là một gian thờ tự có biển ghi Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa.


Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa

Động Thiên Hà ở đất cố đô

Tuy không nổi tiếng như Tràng An, Bích Động, nhưng nếu đã một lần đặt chân đến động Thiên Hà, bạn sẽ mê mải trong không gian huyền ảo, mông lung.

Thuộc xã Sơn Hà (Nho Quan, Ninh Bình), động Thiên Hà cùng dòng sông Bến Đang dẫn lối là một tuyến du lịch hấp dẫn trong quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc. Tuy động không lớn nhưng do nằm ngay trong dải núi Tướng, vốn là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ 10, nên động Thiên Hà được nhiều du khách tìm đến để hiểu thêm về vùng đất cố đô. 

Động Thiên Hà không lớn nhưng rất đẹp với muôn hình nhũ đá. Ảnh: nguoininhbinh 

Cái thú của hành trình đến động không khác là bao so với các chuyến tham quan, khám phá Ninh Bình, bởi cảm giác lênh đênh ngồi thuyền du ngoạn. Từ bản Mường Thổ Hà, con thuyền nhẹ lướt trên dòng kênh nhỏ thuộc hệ thống sông Bến Đang. Với chiều dài chừng một cây số nhưng cũng đủ để bạn thỏa sức ngắm nhìn hai bên là khung cảnh đồng quê sông nước yên bình.


Hấp dẫn Suối Tiên

Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên ở Tp. Hồ Chí Minh nổi tiếng trong và ngoài nước vì có một không gian thoáng đãng, trong lành, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo, giữa kiến trúc cổ và kiến trúc đương đại, đây là một quần thể hấp dẫn, vừa hiện đại, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.


«
       Một số công trình lập kỷ lục Việt Nam ở Suối Tiên:
- Biển Tiên Đồng: Hồ nước biển duy nhất trong các khu công viên nước Việt Nam (năm 2004)
- Thiên Đăng Bảo Tháp: Tòa tháp cao nhất Việt Nam (năm 2005)
- Tượng Phật Quan Âm bằng gỗ mun nặng nhất Việt Nam (năm 2005)
- Thánh tượng Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn lớn nhất Việt Nam (năm 2010)
- Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2011 là lễ hội có nhiều tác phẩm tạo hình bằng trái cây lớn nhất và là lễ hội có nhiều chủng loại trái cây nhất Việt Nam (năm 2011).
                    »
Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên tọa lạc trên một vùng đất đồi hình chữ S, rộng chừng 200.000m2, thuộc phường Tân Phú, Quận 9, cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh gần 20km. 

Vùng này vốn là một lâm trại nhỏ trên vùng đất hoang sơ, đầm lầy, cây cỏ mọc um tùm. Chính giữa vùng đất là một dòng suối uốn lượn, dài gần 2km. Ven suối có một miếu thờ. Dân trong vùng kể lại rằng, ngày xưa có 7 cô gái đến suối tắm, không may sẩy chân chết đuối. Dân làng cho rằng 7 cô gái trong trắng đã hóa thành tiên rất linh thiêng nên lập miếu thờ và dòng suối cũng bắt đầu mang tên là Suối Tiên từ đó.

Được mở cửa phục vụ du khách từ năm 1992, nét độc đáo của Suối Tiên là các cụm công trình ở đây được lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, huyền tích của người Việt và tư tưởng đạo học phương Ðông. Với mơ ước về sự thái bình, thịnh vượng, những nhà thiết kế đã xây dựng Suối Tiên thành 4 khu theo truyền thuyết về tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng (phượng).


Thăm đền bà Tấm - Nguyên Phi Ỷ Lan

Ỷ Lan là người phụ nữ Việt Nam tài sắc, có công sinh hạ và nuôi dạy vua Lý Nhân Tông nhân ái, có tài. Bà còn được phong là Quốc mẫu.

Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, cũng có sách ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Bà là vợ vua Lý Thánh Tông. Ỷ Lan sinh ngày 7/3 năm Giáp Thân (1044), lúc hơn 10 tuổi thì mẹ mất, bố lấy vợ kế nhưng ít lâu sau cũng qua đời. Ỷ Lan là một cô gái rất xinh đẹp và chăm làm.

Sử cũ chép rằng, năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Một sáng mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá. Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi sau này đổi là Siêu Loại (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm- Hà Nội ngày nay), thấy thần dân đang sụp lạy, duy có một thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng đó chính là Yến Loan. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, phong Yến Loan là Ỷ Lan phu nhân, có ý nghĩa đứng dựa cây lan.

Đền chính thờ Nguyên Phi Ỷ Lan với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hoá nhà Lý, vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, lại vừa mang giá trị nghệ thuật cao.

23 thg 11, 2013

Bánh nghệ xứ Phan

Bánh nghệ, tức là loại bánh có xuất xứ từ Nghệ An. Và thật là ngạc nhiên khi loại bánh này đã không còn có ở “quê hương” của mình nhưng lại là món ăn quen thuộc hàng ngày của người dân Phan Thiết cũng như khách du lịch mỗi lần đến tham quan phố biển.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Minh, bán bánh nghệ tại góc đường Trương Gia Mô, cho biết: “Đây là nghề của gia đình chúng tôi hơn 60 năm qua. Tôi được mẹ dạy cách làm bánh nghệ và giờ đang truyền lại cho con…”. Bánh nghệ được làm bằng bột gạo nguyên chất không gia vị và chất phụ gia. Muốn bánh trắng, dai và thơm cần phải chọn loại gạo ngon. Công đoạn làm bánh là “vất vả” nhất. Bột được nén sợi, người làm bánh cầm chiếc nia (bằng nan tre đường kính khoảng 30cm) vừa hứng từng sợi bột vừa lắc lư chiếc nia để tạo hình tròn (đường kính 4cm) cho bánh. Mỗi nia đựng khoảng 25 bánh được đưa vào nồi hấp đang sôi. Sau khoảng 20 phút là bánh chín có màu trắng đục và mùi thơm của gạo.


Nem măng đắng của người Tày trên đất Lào Cai

Nem măng đắng được làm từ lá măng thay cho bánh đa nem của người miền xuôi, nhân thịt gà tơ, gà đồi cùng lá hẹ, củ kiệu băm nhỏ đậm chất núi rừng Tây Bắc.

Măng đắng là món ăn rất phổ biến của các dân tộc Tày, Thái, Mường… ở khu vực miền núi phía Bắc. Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa mưa - mùa măng mọc. Măng được chế biến thành nhiều món nhưng độc đáo nhất là nem măng đắng. Đây không chỉ là món ăn dân dã của người dân tộc miền núi mà còn là món yêu thích với những ai đã một lần thưởng thức. Đến nay, nem măng đắng xuất hiện rất nhiều tại các nhà hàng, quán ăn và là món khách du lịch không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến với Lào Cai. 

Mùa mưa được coi là mùa măng đắng ở Tây Bắc. Ảnh: dacsanvungmien 

Bánh canh Trảng Bàng nức tiếng Tây Ninh

Không chỉ đơn thuần là đặc sản địa phương, bánh canh Trảng Bàng còn mang trong mình nỗi nhớ niềm thương về mảnh đất Tây Ninh nắng gió.

Trảng Bàng (Tây Ninh) là địa danh đi vào lòng du khách với những đặc sản địa phương và làng nghề thủ công truyền thống như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng Tây Ninh. Trong đó, tô bánh canh Trảng Bàng được coi như nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Tây Ninh, khó lòng mà trộn lẫn. 

Nước dùng của bánh canh Trảng Bàng cũng giống như nước lèo của bún mắm, nước dùng của phở. Ảnh: kyluc.vn 


Cà Ná, cung đường biển gọi

Cung đường biển gọi Cà Ná mê hoặc lòng người bởi sự hòa hợp đầy sáng tạo của thiên nhiên giữa biển cả, núi rừng và trời mây.

Cung đường Cà Ná là một đoạn của quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang 30 km về phía nam. Tên gọi đặc biệt của cung đường xuất phát từ địa danh cổ của người Chăm nơi đây. 

Núi và biển giao hòa. Ảnh: daumaytoaxe.com. 

Để thưởng ngoạn cung đường này tốt nhất là bạn nên đi xe máy từ thành phố Phan Rang. Khoảng 40 phút sau, khi cánh đồng Phước Nam rộng lớn khuất xa, những tiếng sóng đầu tiên ùa về thì đường cong tuyệt mỹ của cung đường Cà Ná đã ở ngay trước mắt bạn.


Núi Phượng Hoàng đầu đông

Trên núi là bầu không khí mát mẻ, trong lành, dưới chân là dòng nước trong xanh như ngọc, chừng ấy là đủ để du khách tìm về danh thắng bậc nhất Thái Nguyên.

Nhắc đến Thái Nguyên chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những đồi chè xanh mướt hay hồ Núi Cốc với biết bao huyền thoại. Ít ai biết rằng, ở mảnh đất gang thép anh hùng cũng tồn tại những hang động nhũ đá tuyệt đẹp làm nao lòng du khách gần xa, trong đó phải kể đến núi Phượng Hoàng thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.

Theo quốc lộ 3 từ Hà Nội lên thành phố Thái Nguyên, bạn đi tiếp dọc quốc lộ 1B thêm khoảng 45 km nữa. Trong cơn gió đầu đông se lạnh bạn sẽ thấy hai bên đường, những con phố đông đúc và nhà cao tầng dần được thay thế bằng những ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc. Không còn những hàng quán tấp nập mà chỉ là núi đá bao quanh, cứ thế con đường thẳng tắp xuyên qua thung lũng, thấp thoáng những bông hoa vàng cuối vụ. 

Đường lên hang Phượng Hoàng. Ảnh: vilide.com 

Vương quốc khỉ ở Cần Giờ

Cần Giờ còn có những cánh rừng ngập mặn với những hậu duệ của Tôn Ngộ Không tinh khôn, nghịch ngợm đủ trò… thật thú vị. 

Nằm trong Khu Du lịch sinh thái Lâm Viên, xã Long Hoà huyện Cần Giờ, đảo khỉ là 1 trong 24 tiểu khu của rừng ngập mặn Cần Giờ. Khu Du lịch sinh thái Lâm Viên không chỉ thu hút du khách bằng không khí trong lành chan hòa gió biển, những câu chuyện cảm động và ấn tượng về căn cứ Cách mạng Rừng Sác, Bảo tàng Cần Giờ. Ở đó còn có những cánh rừng ngập mặn với những “hậu duệ” của Tôn Ngộ Không tinh khôn, láu lỉnh, nghịch ngợm đủ trò…

Để gây dựng được “Vương quốc” khỉ như hôm nay là cả câu chyện dài với nhiều công sức, thời gian và đặc biệt nhờ có lòng yêu thiên nhiên, niềm đam mê công việc, ý thức trách nhiệm về việc giữ rừng, bảo vệ rừng của những người trong Tổ bảo tồn động vật tại Đảo khỉ. 

22 thg 11, 2013

Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

Hồi mới giải phóng, lứa tuổi teen như tôi (teen là nói theo kiểu bây giờ cho dễ hiểu, chớ hồi đó không có khái niệm teen à nghen!) khoái hát bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (nhạc: Hoàng Hiệp - thơ: Phạm Tiến Duật). Khoái hát bởi vì đó là bản nhạc trữ tình lãng mạn và êm ái hiếm hoi giữa vô số những bài hung hăng, gào thét khác (Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, Bão nổi lên rồi...).

Bài hát mở đầu nhẹ nhàng như lời tâm sự:


Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây

và kết thúc bằng âm điệu vút cao tha thiết


Từ bên em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn


Đuông dừa, đặc sản miền Tây Nam Bộ

Người miền Tây đã chế biến đuông dừa thành nhiều món ngon như: đuông dừa nướng, đuông ngâm nước mắm hay chiên bơ...

Với nhiều người, việc nhìn những con đuông dừa to bằng ngón tay ngọ nguậy là đã thấy lạnh sống lưng. Nhưng với người dân miền Tây thì đó là một tặng vật của thiên nhiên, một đặc sản mà không phải lúc nào cũng có. Ở miền Tây, đuông dừa có nhiều nhất ở Bến Tre, nơi có các cánh rừng dừa bạt ngàn. Tuy là loại vật có hại, vì cây dừa nào bị chúng đục khoét thân đều bị chết, nhưng đuông dừa là nguồn nguyên liệu để chế biến nên nhiều món ăn thơm béo, ngon miệng.

Hàng năm, cứ vào mùa mưa là những con bọ rầy bắt đầu đục khoét vào ngọn dừa để sinh trứng. Khi nở thành ấu trùng, chúng bắt đầu ăn hủ dừa đến khi cây dừa héo úa cũng là lúc những con đuông dừa đã to béo. Khi đó, người dân chỉ cần đốn hạ cây dừa là có thể bắt đuông để chế biến thành những món ăn. 

Đuông thường sống trong các ngọn cây dừa, chúng to bằng ngón tay út, có màu trắng, béo tròn. Ảnh: Tiêu Phong. 

Đến Huế nhớ ăn bánh canh cá tràu

Bánh canh cá tràu phải ăn khi đang nóng, rắc thêm ớt bột, hạt tiêu… Ảnh: Sao Mai 

Tuy chỉ là món ăn dân dã và phổ biến ở Huế, nhưng để chế biến được một tô bánh canh cá tràu ngon đúng vị… món ăn này cũng đòi hỏi người chế biến phải tỉ mẩn và khéo léo. Ở Huế, bánh canh có nhiều cách chế biến khác nhau, như bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da heo... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá tràu (người Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi đó là cá lóc).

Bánh canh cá tràu là món trông có vẻ bình dân nhưng trong đó lại chứa đựng sự tinh tế, cầu kì ở công đoạn chế biến, chính điều này đã mang đến cho ẩm thực cố đô sự phong phú khiến bất cứ ai cũng phải ấn tượng.