4 thg 7, 2021

Ngỡ ngàng trước thác Bring

“Em đã bao giờ nghe đến thác Bring chưa? Đây là một trong những thác nước hùng vĩ và hoang sơ trên địa bàn huyện Kon Rẫy, gần như chưa có sự tác động bởi con người. Nếu có dịp, em hãy tự mình trải nghiệm xem sao, chị nghĩ địa điểm này sẽ không làm em thất vọng đâu”. Lời giới thiệu ngắn gọn của một đồng nghiệp trong chuyến tác nghiệp đã khơi dậy sự tò mò, tính hiếu kỳ và tôi có chuyến trải nghiệm với thác Bring.

Từ UBND xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy đi dọc theo Tỉnh lộ 677 khoảng 4 km rồi rẽ trái, chúng tôi men theo con đường đất tiến vào thác Bring. Ngay từ khoảng cách còn rất xa, chúng tôi đã nghe được tiếng ầm ầm thác đổ, át cả tiếng xe máy đang di chuyển trên đường. Chỉ như vậy, đủ để mỗi người chúng tôi mường tượng sự hùng vĩ, kích thước, độ cao thác nước mà chúng tôi đang hướng đến. Điều đặc biệt là xuyên suốt cả chặng đường vào thác, chúng tôi không gặp bất kỳ bóng dáng của một khách du lịch nào, điều này càng củng cố thêm niềm tin về việc thác nước còn hoang sơ, chưa bị con người tác động.

Chạy chừng khoảng gần 3 km, thác nước Bring hiện lên trước mắt chúng tôi với dáng vẻ hùng vĩ, uy nghi, sừng sững giữa rừng.

Khèn bầu 6 ống của người Mạ

Trong số các nhạc cụ của người Mạ trên địa bàn tỉnh, M'buốt (còn gọi là khèn bầu 6 ống) là nhạc cụ có cấu tạo phức tạp và khả năng diễn tấu phong phú.

Loại nhạc cụ này có thể dùng để đệm hát, múa, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong các dịp lễ hội. Trai tráng trong bon làng dùng khèn bầu để thổ lộ tình cảm với người yêu…

Nghệ nhân người Mạ trình diễn khèn bầu 6 ống

Hoài niệm Vĩnh Tế Sơn, Tân Lộ Kiều Lương

Để người dân TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) và du khách hiểu về truyền thống lịch sử, sự gian khổ, hy sinh của các bậc tiền nhân đã khai phá và giữ gìn từng tấc đất quê hương, là cội nguồn của dân tộc và đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam bộ, UBND TP. Châu Đốc vừa tổ chức Lễ phục dựng bia Vĩnh Tế Sơn và bia Tân Lộ Kiều Lương.

Trong quá trình mở mang và phát triển bờ cõi phía Nam, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã có nhiều đóng góp to lớn về kinh tế, quốc phòng và đời sống của người dân vùng đất An Giang, như: đào kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, đắp đường Tân Lộ Kiều Lương… Quá trình khai phá này được ghi trên bia Vĩnh Tế Sơn và bia Tân Lộ Kiều Lương. Bia Vĩnh Tế Sơn được dựng năm 1828 (sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế 4 năm), bia cao hơn đầu người bằng loại đá sa thạch.

Theo thời gian, do để ngoài trời chịu nhiều mưa, nắng nên mặt đá bị bào mòn, chữ còn, chữ mất. Bia Tân Lộ Kiều Lương cũng được dựng lên cùng năm với bia Vĩnh Tế Sơn, sau khi hoàn thành con lộ Châu Đốc - Núi Sam. Ngày nay, bia không còn nhưng văn bia vẫn còn trong sử sách.

Phục dựng bia Vĩnh Tế Sơn tại lăng Thoại Ngọc Hầu

Những cung đường tản bộ trên phố núi Pleiku

Những năm gần đây, Pleiku khá nhộn nhịp dòng người bộ hành miệt mài mỗi sớm, mỗi chiều, như một cách thư giãn rèn luyện sức khỏe. Phố núi với địa hình đồi dốc quanh co, với thung lũng nghiêng triền trở thành nẻo đường lý tưởng cho những người đam mê tản bộ.

Tản bộ ở Pleiku thư thái và yên tĩnh. Người đi bộ tĩnh tâm chiêm nghiệm bao nhiêu điều thú vị, đón một ngày mới đầy năng lượng, hay lãng du sau một ngày làm việc vất vả. Khí hậu quanh năm mát mẻ, có lúc sương mù buông thấp như mơ. Những con đường nhỏ hẹp, quanh co mà đầy tâm tư.

Người thích sự nồng ấm, khoáng đạt thì chọn Quảng trường Đại Đoàn Kết-trái tim của Phố núi. Đi bộ ở Quảng trường khá bằng phẳng, an toàn, tâm hồn thêm thư thái. Cảnh quan nơi đây hài hòa, thảng hoặc ngân lên tiếng chim líu lo trong những vòm xanh cao vút, cây cỏ hoa lá đủ màu đủ sắc cũng góp phần tạo hứng khởi, xả stress rất lý tưởng. Tuy nhiên, không gian ấy như bình địa, người đi bộ nhiều lúc không có được sức rướn cần thiết.

Thung sâu giữa lòng Phố núi

Bên cạnh Đà Lạt thì Pleiku có đặc điểm rõ nhất của vùng đồi núi cao nguyên với nhiều thung lũng tự nhiên đẹp và thơ mộng, hấp dẫn du khách.

Đô thị Pleiku dù "sinh sau đẻ muộn" trong số các thành phố cao nguyên nước ta nhưng điều kiện tự nhiên không thua kém bất cứ đô thị miền núi nào. Đặc biệt, nơi đây xuất hiện sự kiến tạo địa chất với nhiều miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm. Bên cạnh đó, Pleiku có nhiều thung lũng rộng nằm trong lòng và ngoại ô cùng các con suối nhỏ nước chảy róc rách quanh năm.

Ở phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến 4 thung lũng nội đô Pleiku tạo ấn tượng khá đậm nét cho bất cứ ai lần đầu đến thành phố Bắc Tây Nguyên này. Đó là thung lũng phía Bắc, ở cuối đường Tô Vĩnh Diện (gần làng Ốp) thuộc phường Hoa Lư, phía đối diện là Sân bay Pleiku; thung lũng phía Nam trên đường Lê Thánh Tôn, giáp đường Trường Sa, thuộc phường Hội Phú và phường Ia Kring; thung lũng phía Đông, nằm trên đường Tôn Thất Tùng (trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh) quanh qua đường Lê Duẩn, kéo dài đến cầu Ia Sol (đường Cách Mạng Tháng Tám) thuộc phường Phù Đổng và Hội Phú; thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh và Trường Tiểu học-THCS-THPT Sao Việt) thuộc phường Tây Sơn. Hầu hết những thung lũng này có diện tích hàng chục héc ta, thuộc đất nông nghiệp; từ lâu được người dân địa phương khai phá để làm ruộng lúa nước hoặc trồng rau màu.

Thung lũng phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) gần Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Ảnh: Phan Lài

Cự Đà: "bảo tàng sống" về kiến trúc làng nghề ven đô

Làng cổ Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Tp. Hà Nội là một "bảo tàng sống" về kiến trúc làng nghề ven đô.

Theo cụ Vũ Văn Thân (87 tuổi) người làng Cự Đà thì những tài liệu khảo cứu lịch sử và gia phả các dòng họ ở đây cho thấy làng đã hình thành từ 4 thế kỷ trước do các hoàng thân trong gia tộc chúa Trịnh khởi lập. Sau đó, các nhà tư sản tài ba như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát… (chủ những xưởng dệt, nhà máy, tiệm buôn, hãng vận tải lớn của Hà Nội giai đoạn 1920-1940) đã thổi hồn kiến trúc Pháp vào ngôi làng này.

Người dân tự hào về làng Cự Đà đến nỗi khi ra Hà Nội lập hiệu, tạo được uy tín, tất cả đều lấy tên làng ghép với tên mình. “Những nhà tư sản nổi tiếng của Hà Nội thời ấy mà có tên bắt đầu bằng chữ Cự là người ta biết ngay quê ở làng Cự Đà chúng tôi” - cụ Thân giải thích.

Làng cổ Cự Đà là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc làng nghề truyền thống. Ảnh: Khánh Long/VNP