26 thg 6, 2021

Những cây đa cổ thụ ở Ia Nueng

Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa-lịch sử độc đáo, trong đó có một số đại thụ gắn liền với ký ức và văn hóa cộng đồng. Tuy vậy, những cây xanh quý hiếm này dường như vẫn chưa được tôn vinh đúng tầm để phát huy giá trị, đặc biệt là trong phát triển du lịch. Làm hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản là một trong những cách cần tính đến.

Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 1 cây xanh muốn được công nhận là Cây di sản thì phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và văn hóa-lịch sử tùy theo nguồn gốc (cây trồng hoặc cây tự nhiên). Do vậy, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 đại thụ được công nhận là Cây di sản vào năm 2016. Đó là cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Từ khi được công nhận đến nay, cây đa làng Ghè đã được đưa vào các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện cùng với các điểm đến văn hóa-lịch sử, tạo sức hút đáng kể cho du lịch huyện biên giới.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Trên địa bàn thành phố có khá nhiều đại thụ nhưng chưa có cây nào được làm hồ sơ để công nhận Cây di sản. Điểm lại số cây này, ông Hà khẳng định, tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) có 3 cây đa vài trăm năm tuổi, rất xứng đáng được công nhận là Cây di sản.

Cây đa cổ thụ ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Lâu nay, Ia Nueng được du khách nhiều nơi biết đến thông qua vẻ đẹp của một ngôi làng điển hình với cây đa, giọt nước. Đặc biệt, hình ảnh 3 cây đa cổ thụ xòe tán lá vạm vỡ che mát cả một vùng đã mang lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.

Già làng Hmrik cho hay: Người dân không còn nhớ ai đã trồng những cây này từ lúc nào, chỉ biết rằng chúng đã sừng sững ở đấy từ xưa rất xưa. Ông chia sẻ: “Cha tôi lớn lên đã thấy mấy cây đa cao lớn như thế rồi, chắc cũng đã qua 3 đời người. Ngày xưa, lễ hội lớn của làng như pơ thi, mừng lúa mới… đều tổ chức dưới gốc đa”.

Già Hmrik kể thêm, trước đây, bà con quan niệm có thần linh trú ngụ trong những cổ thụ này để bảo vệ làng. Ngày còn nhỏ, ông Hmrik từng chứng kiến lễ cúng Thần Cây. Làng ngả thịt con heo, con dê cúng Yàng rồi mỗi nhà đều mang đến 1 ghè rượu. Già trẻ gái trai hòa trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã và những điệu xoang bất tận, vui say trọn 1 ngày.

Có thể thấy rõ một điều, không chỉ là cây xanh đơn thuần về mặt sinh học, những đại thụ này còn gắn liền với ký ức cộng đồng qua hàng trăm năm. Giờ đây, khi phong tục xưa dần mai một, cây lại lặng lẽ làm chứng nhân của nhịp sống thường ngày, ngắm nhìn lũ trẻ lớn lên, vui đùa nơi giọt nước, lắng nghe những cuộc chuyện trò của người làng trong lúc tránh nắng, rì rào che mát cho khách phương xa, lặng im vỗ về bao tâm hồn kiếm tìm sự tĩnh lặng…

Theo chúng tôi, trong số 3 đại thụ kể trên, cây to nhất có chu vi đến hơn 8 người ôm, cao trên 25 m. Phần diện tích nền xung quanh đã được đầu tư lát gạch sạch sẽ, dân làng đều nhắc nhau gìn giữ để những bóng cây luôn xanh mát. “Nếu một ngày nào đó vắng bóng những đại thụ này thì làng sẽ ra sao?”. Già Hmrik chắc nịch câu trả lời: “Mất cây đa, Ia Nueng đâu còn là làng. Ông bà xưa đã dặn dò con cháu không được đốt gốc, chặt cành. Nhờ vậy, cây mới xanh tươi đến ngày nay. Cây đa là linh hồn, là sức mạnh của làng, không được để mất đâu”.

Đối chiếu với những tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, có thể thấy, những cây đa ở làng Ia Nueng đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được công nhận là Cây di sản, vấn đề còn lại là sự quan tâm của chính quyền và các ban, ngành liên quan.

Một khi được công nhận, “di sản xanh” này sẽ góp phần phát huy giá trị vùng đất, khẳng định mục tiêu xây dựng Pleiku trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Cùng với việc phục dựng các lễ hội, nghi lễ gắn liền với chủ thể ấy, thành phố sẽ có thêm một điểm đến lý thú dành cho khách phương xa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa và tạo sức hút khi nhu cầu tìm về với thiên nhiên trong lành đang là xu hướng mà nhiều du khách hướng đến.

Độc đáo món lá mì của người Tây Nguyên

Thời chiến tranh, mì là loại cây nuôi người kỳ diệu, dễ trồng, hợp với đất rừng nguyên sinh, ăn được cả củ và lá. Nhổ một cây lên lấy củ, phải trồng lại mấy lóng hom giống cho người đến sau có cái mà ăn tiếp. Một cách hành xử đầy chất nhân văn.

Cái món lá mì của người dân Tây Nguyên cũng vì vậy trở thành một nét ẩm thực đặc sắc của miền bazan đất đỏ. Phổ biến nhất trong các món ăn từ lá mì với người Tây Nguyên là anhăm kte (cũng gọi là kte pơlang). Lá mì non cả đọt được rửa sạch, vò kỹ thái hoặc giã nhỏ là nguyên liệu chính cho món anhăm kte. Để thêm vị đắng, người ta cho một ít lá đu đủ, vài quả cà đắng. Ngoài ra có thể cho thêm nắm lá yao (loại dây leo còn gọi là rau ngót rừng), là thứ lá cho vị ngọt của mì chính và tạo màu xanh lá cho món ăn.

Món lá mì xào thịt chua. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Thủy Trung Tiên - ngôi đền cổ 1000 năm tuổi ở hồ Trúc Bạch

Ai đã từng đi qua hồ Trúc Bạch (Tây Hồ - Hà Nội) chắc hẳn không khỏi một lần thắc mắc về sự tồn tại của ngôi đền nhỏ với những hàng cây xanh cổ thụ um tùm soi bóng. Đó là ngôi đền Thủy Trung Tiên từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt và tên gọi ban đầu của đền là Cẩu Nhi.

Đền Cẩu Nhi xưa với tên gọi là đền Thủy Trung Tiên nằm cách đường Thanh Niên khoảng 30m với khuôn viên đẹp, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ với một cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ đườngThanh Niên vào cổng tam quan.

Sự tích xưa kể rằng, ngôi đền gắn truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (974 - 1028) lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Theo một số sách thì trước khi Lý Công Uẩn lên làm vua, có con chó ở châu Cổ Pháp, (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đẻ ra con sắc trắng có đốm đen thành hai chữ “Thiên tử” ứng với việc này (vì vua Lý tuổi Tuất). Từ đó, được Vua cho dựng miếu thờ sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.

Ẩm thực Hà Nội:Từ làng ra phố

Từ bao đời nay, những làng nghề ẩm thực truyền thống của người dân đất Kinh kỳ đã tạo ra những món ăn quyến rũ rồi lan tỏa và hình thành nên hệ sinh thái ẩm thực Việt. Những món ăn đã không còn khoảng cách, từ làng nghề đã ra phố rồi ghi danh trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Ẩm thực Hà Nội cứ thế thấm vào lòng du khách bốn phương mang theo hoài bão, khát vọng của người Việt Nam hướng đến cuộc sống hòa bình, an vui.

Làng nghề: “Cái nôi” của ẩm thực Hà thành

Thủ đô Hà Nội có nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng có chiều dài lịch sử. Mỗi món ăn lại gắn liền với tên gọi của từng làng quê như: Bánh Cuốn - Thanh Trì, Xôi Nếp - Phú Thượng, Cốm Thơm - Làng Vòng, Bún Ngần- Phú Đô, Bánh chưng- Lỗ Khê, Giò chả- Ước Lễ… Không gian của làng nghề ẩm thực luôn gắn liền với không gian của từng hộ gia đình. Từ đời ông - cha - con - cháu cứ tiếp nối nghề truyền thống và luôn giữ gìn những bí quyết riêng trong cách chế biến món ăn để làm nên bản sắc.

Mới đây, Chúng tôi đã về Làng giò chả Ước Lễ, huyện Thanh Oai để cùng trải nghiệm không khí làng nghề nức tiếng. Nghề làm giò chả ở thôn Ước Lễ đã có cách đây khoảng 500 năm. Dưới thời phong kiến, món ăn này rất cao quý và chỉ xuất hiện trong các bàn tiệc của giới thượng lưu. Thời Pháp thuộc, giò chả Ước Lễ đã nổi tiếng với nhà hàng Tân Việt ở Phố cổ, Tân Lợi ở Hà Đông. Vào năm 1958, thương hiệu giò chả Tuyên Thành của làng Ước Lễ đã xuất khẩu giò sang Pháp. Thời bao cấp, giò giả Ước Lễ còn được coi là món ăn xa xỉ.

Một ngày khám phá vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Yêu không khí trong lành và các loài động thực vật quý hiếm, Nhật Minh chọn vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát để thư giãn cuối tuần.

Tình hình dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã thúc đẩy người Việt hướng đến du lịch bền vững, tránh đi các điểm tham quan phổ biến, đông đúc mà tìm về những nơi thân thiện với môi trường, trải nghiệm những hoạt động lành mạnh như đi bộ, đạp xe... Lựa chọn du lịch của chàng trai Lâm Nhật Minh (sinh năm 1995) cũng không ngoại lệ. Anh cùng đồng nghiệp đã có chuyến ghé thăm vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh trước khi Việt Nam bước vào đợt giãn cách xã hội năm 2020.

Nhật Minh hiện làm trong lĩnh vực truyền thông tại TP HCM. Do tính chất công việc căng thẳng, anh thường tìm đến du lịch, chụp ảnh như một cách thư giãn đầu óc. "Mình chọn đến vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vì muốn thử cảm giác đi phượt trong rừng, hít thở không khí trong lành và khám phá các loài động thực vật quý hiếm. Nơi đây cũng gần Sài Gòn nên tiện đi về trong ngày. Quan trọng là Lò Gò mang lại cảm giác thân thương và yên bình khi mình được đặt chân trên chính mảnh đất quê hương Tây Ninh", Minh chia sẻ.

Đầm nước mặn lớn nhất Bình Định

Cảnh sắc yên bình và nhịp sống mưu sinh trên đầm Thị Nại được khắc họa qua bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Quy Nhơn - Nguyễn Tiến Trình.


Vùng ven biển Bình Định có 3 đầm lớn là Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), Đạm Thủy (huyện Phù Cát) và Thị Nại (TP Quy Nhơn), trong đó Thị Nại là đầm lớn nhất cũng là “vườn ươm” của các loài thủy sản. Thị Nại xưa có tên là đầm Biển Cạn do nước rút cạn để trơ lòng đầm. Đầm này đã có thời gian mang tên Hải Hạc Đàm nhưng người dân từ lâu vẫn gọi đầm Thị Nại.

“Bình Định có núi Vọng Phu. Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Trình (quê ở Bình Định) dùng câu ca dao để giới thiệu về đầm Thị Nại. Đầm có diện tích trên 5.000 ha, thuộc địa phận 4 phường, xã của TP Quy Nhơn và 4 xã của huyện Tuy Phước và đổ ra cửa Thị Nại.

Trên hình là quang cảnh đầm với các cụm dân cư, xen kẽ các thửa ruộng, hệ thống ao nuôi trồng thủy sản và điểm nhấn là cầu Thị Nại.