15 thg 2, 2021

Tà Pạ

 Có lẽ dân du lịch - săn ảnh biết đến cái tên Tà Pạ là từ cánh đồng Tà Pạ. Người ta nói với nhau rằng ở phía Nam cũng có nơi có ruộng bậc thang giống như những ruộng bậc thang vốn đã rất nổi tiếng ở Tây Bắc, nơi đó là Tà Pạ. Thật ra không hẳn như thế, nhưng cánh đồng Tà Pạ cũng là cảnh đẹp thu hút mọi người.


Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer.

Người nông dân Khmer mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…

Ghé Cần Thơ vào mùa vú sữa

Cuối tháng Chạp, các vườn vú sữa trĩu những quả căng mọng, du khách có thể mua về làm quà xuân.

Vườn trái cây Vàm Xáng nằm tại xã Phong Điền là một trong những vườn trái cây xen canh tại Cần Thơ, cho trái quanh năm vì trồng nhiều loại cây. Cuối tháng Chạp là mùa vú sữa sai quả và vụ muộn của dâu ta. Quả cho năng suất cao đã được thu hoạch và bán cho các thương lái, nhưng vườn vẫn để dành không ít cây còn quả để đón tiếp khách du lịch.

Ông Trần Văn Liền, hay còn được gọi là bác Năm Liền, chủ một vườn trái cây, đích thân hướng dẫn du khách tham quan và thuyết minh từng loại cây. Ông Năm Liền cho biết huyện Phong Điền có đến 7.200 ha cây ăn trái, được mệnh danh là "vương quốc trái cây" của Cần Thơ.

Vú sữa nặng trĩu cành.

Mùa đào chuông trên Bà Nà - Núi Chúa

Hoa đào chuông, biểu tượng Bà Nà bung nở và chim hút mật tạo nên bức tranh mùa xuân, thu hút các nhiếp ảnh gia đến tác nghiệp.


Bộ ảnh “Loài hoa biểu tượng Bà Nà khoe sắc hồng” do nhiếp ảnh gia Phạm Phùng (TP Đà Nẵng) thực hiện. Anh đam mê nhiếp ảnh, chụp đa đạng thể loại, từ phong cảnh, động thực vật cho tới đời thường, đặc biệt thích chụp thiên nhiên và các loài đặc hữu tại Đà Nẵng.

“Tôi thường lên Bà Nà để săn ảnh, nhất là vào mùa xuân vì thời điểm này đào chuông bung nở, thiên nhiên đầy sức sống và có nhiều chim đến hút mật hoa. Các loài chim trên Bà Nà cũng là đối tượng để tôi tác nghiệp”, anh Phạm Phùng nói.

Sắc màu trang phục các dân tộc Dao

Theo chân nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng khám phá vẻ đẹp các dân tộc Dao qua chân dung trang phục dành cho các nghi lễ truyền thống.

Cặp đôi người Dao Lù Gang trong trang phục cưới truyền thống tại xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), cạnh bên là hai chàng trai thổi nhạc cụ kèn pí lè. Người Dao sử dụng kèn này vào những dịp như lễ cưới hỏi, lễ Tết, cúng thần lúa, thần rừng. Tiếng kèn như lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ.

Mua trầu cau lấy lộc ngày đầu năm

Xuất hành đầu năm, việc đầu tiên người Huế thường làm là mua những trái cau, lá trầu với mong muốn năm mới đủ đầy, may mắn.

Theo quan niệm của người dân cố đô, ngày mồng 1 Tết mua được lá trầu đẹp, quả cau ngon nghĩa là rước được lộc tốt về nhà. Vì vậy người Huế chọn đây là món hàng mua "mì xưa" (mở hàng) năm mới. Một lễ gồm 1 trái cau, 1 lá trầu, và vôi có giá khoảng 15.000 đồng. Lễ đẹp là những trái cau non, xanh, tươi và lá trầu còn nguyên cuống, phẳng, không bị dập nát.

Người bày bán mẹt hàng lộc. Ảnh: Ngân Dương

14 thg 2, 2021

Cách làm đẹp của người M’nông xưa

Xưa kia, chiếc lược làm bằng sừng trâu là vật dụng không thể thiếu của các cô gái M’nông để chăm chút nét đẹp nữ tính. Vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên với da nâu, mắt sáng, mái tóc ửng vàng như hòa điệu với sắc màu đất đỏ bazan và màu nắng cháy của cao nguyên đại ngàn.

Các cô gái chải tóc bằng chiếc lược sừng trâu hay lược làm bằng tre để tóc không rối sau khi tắm gội ở sông suối. Sau khi mái tóc gọn gàng, các thiếu nữ dùng dây buộc tóc bằng thổ cẩm, hạt cườm, dây cỏ tranh hay vòng tre để giữ tóc khỏi bị buông xõa khi tham gia nhảy múa trong lễ hội bon làng.

Lược sừng trâu của người M’nông