24 thg 12, 2013

Hà Giang – mảnh đất của tình yêu

Những cung đường tuyệt đẹp, những đỉnh núi hùng vĩ, những triền dốc và thung lũng chìm sâu trong mây, ruộng bậc thang trùng điệp, những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài ngút ngàn, những dòng sông, con suối nên thơ, những ngôi nhà cổ, những phiên chợ và những chén rượu nồng, tất cả đã tạo nên một Hà Giang - mảnh đất của tình yêu.


Cách Hà Nội gần 300 km, Hà Giang - tỉnh cực Bắc của đất nước Việt Nam, một tỉnh vùng cao giàu bản sắc văn hoá, ngôi nhà chung của 20 dân tộc, gồm người H'mong, Pathen, La Chí, Sán Chỉ, Cao Lan, Lô Lô, Zay, Tày, Dao...

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, bản sắc riêng biệt và vẫn giữ lối sống nguyên sơ, đơn giản. Tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn, vẫn còn bãi đá cổ, nơi sinh sống của người Việt cổ cói niên đại trên 2.000 năm tuổi.

“Rượu trời” của người Cơtu

Còn được gọi là “rượu trời”, rượu tà vạt là một trong những thức uống rất được ưa chuộng trong phần lớn các sinh hoạt hằng ngày cũng như lễ hội của cộng đồng người Cơtu ở tỉnh Quảng Nam. Theo thời gian, “rượu trời” cũng được rất nhiều người Kinh ưa thích giống như rượu từ cây thốt nốt của người Khmer ở An Giang.

Buồng quả tà vạt

Tuy là thức uống nổi tiếng và khá phổ biến ở Quảng Nam nhưng cũng chỉ có một số khu vực dân cư người Cơtu nắm được kỹ thuật khai thác được loại rượu này. Không ai biết được rượu tà vạt có từ khi nào.

21 thg 12, 2013

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng

Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng

Du khách đến tham quan thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đều tìm đến viếng ba ngôi chùa nổi tiếng là điểm đến du lịch, gồm chùa Dơi, chùa Đất Sét và chùa Sà Lôn. Chùa Sà Lôn (còn có tên gọi là chùa Chén Kiểu) là ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo tiểu thừa (Nam tông), thuộc xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), cách thành phố Sóc Trăng hơn 10 cây số bên quốc lộ 1 hướng đi Bạc Liêu.

Nguyên tiếng Khmer của chùa Sà Lôn là Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luong, bắt nguồn từ tên con rạch Chro Luong chạy dọc theo đường làng Xoài Cả Nả (*), trước chùa. Từ tên Wath Sro Loun người ta gọi gọn còn Sro Loun, nhưng để dễ phát âm và dễ nhớ, người ta gọi trại theo tiếng Việt là Sà Lôn.

Khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Một ngày trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian trong lành của rừng nguyên sinh.

Ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La không ai là không biết đến khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà người trong vùng vẫn gọi bằng cái tên thân mật: “Rừng ông Giáp”. Là khu rừng rậm rạp, ít người lui tới nên muốn vào thăm, ai nấy đều phải gõ cửa ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cạnh suối Bùa để được nghe chỉ dẫn. 

Năm 2008, tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng mang tên Đại tướng là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: hanhtrinhvietnamxanh.com 

Men theo con đường mòn nhỏ dốc đá trơn trượt, bạn sẽ được chủ nhân của ngôi nhà gỗ, đồng thời là người giữ rừng kể lại câu chuyện năm xưa. Trong lần hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi.

Vốn có tên gọi là rừng bản Nhọt nhưng với lòng kính trọng, biết ơn và cảm phục công lao của Đại tướng, người dân địa phương đã gọi khu rừng này là "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp" như một cách để con cháu luôn nhớ về nơi Đại tướng đã dừng chân. Vẫn là những con đường rêu đá nhỏ hẹp, lúc lên, lúc xuống, nhưng qua câu chuyện kể đồng hành, bước chân lữ khách như chững lại, để rồi hình dung về quãng đường thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên của đoàn quân năm xưa.

Lội qua con suối Bùa là con đường dẫn lên phía đỉnh núi Dưn. Từ đây nhìn xuống có thể thấy những hố đất sâu hoắm nham nhở dọc sườn núi, dưới những tảng đá, khe vách, gốc cây cổ thụ. Theo người dẫn đường, ở khu vực này xưa kia có rất nhiều hầm, hang trú ẩn do bộ đội đào khi dừng chân ở đây. 

Cây cổ thụ trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: vov 

“Rừng ông Giáp” hiện có diện tích khoảng 200 ha, được hình thành từ hai dãy núi bao bọc, cây cối xanh tốt, quanh năm mây phủ. Không giống như nhiều khu rừng khác chỉ còn gỗ tạp, dây leo, khu rừng vẫn còn nguyên vẹn với những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể. Một góc khác là cây lát, dổi, sâng, sấu cổ thụ lâu năm, là những cây pơ mu cao hàng chót vót, thẳng đứng lẫn trong làn sương mờ ảo.

Trong không gian tĩnh lặng của rừng già, văng vẳng bên tai là tiếng suối Dưn chảy róc rách đêm ngày như lời nguyện từ năm xưa vọng lại. Đây là nơi trú quân đầu tiên trong rừng bản Nhọt. Dọc theo các con suối khác trong rừng cũng được Tướng Giáp chọn đóng quân: đài quan sát trên đồi suối Hiền, trạm quân y dã chiến bên dòng suối Bùa và đặc biệt là trên ngọn suối Tắc Tè bên sườn đồi Tang Tú - nơi đặt sở chỉ huy mà Đại tướng dừng chân, đến nay vẫn còn hiện hữu. 

Suối trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: vtc 

Một ngày bách bộ, vượt dốc, lội suối trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân rầm rập, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian trong lành của rừng nguyên sinh được bảo vệ bởi bàn tay và tấm lòng của những người Mường.

Khu rừng cấm càng trở nên linh thiêng sau sự ra đi của vị Tướng già vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua. Nhiều người đã tìm đến đây chỉ để thắp một nén nhang tỏ lòng thành kính và tiếc thương vô hạn với người Anh Cả, rồi lặng lẽ đi vào sâu trong rừng như một cách hồi tưởng về Đại tướng. Khu rừng như ngôi “đền xanh” để người dân nơi đây ghi nhớ công lao của Đại tướng cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm nào.

Vy An

Điểm cuối trên dải đất hình chữ S

Cà Mau trong tiếng Khmer có nghĩa là “nước đen”, với màu đặc trưng của lá tràm, lá đước của thảm rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống.

Nếu trước đây, từ thành phố Cà Mau muốn về Đất Mũi phải đi hơn 2 giờ bằng ca nô thì nay khoảng cách đã được rút ngắn lại nhờ con đường mở mới từ Cà Mau đến huyện Năm Căn hơn 50 km. Là đoạn cuối cùng của quốc lộ 1 kéo dài từ Lạng Sơn, con đường đi qua thị trấn Năm Căn mang đến cảm giác như đang chinh phục một “đỉnh cao mới”. 



Mũi đất Cà Mau. Ảnh: dulichcamau 


16 thg 12, 2013

Ô Quy Hồ hùng vĩ

Trong dịp chào mừng 110 năm du lịch Sapa vừa qua, đèo Ô Quy Hồ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao chứng nhận kỷ lục là đèo dài nhất Việt Nam. Ô Quy Hồ còn được mệnh danh là “vua đèo Tây Bắc”. 

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên quốc lộ 4D, uốn lượn quanh co trên lưng chừng những ngọn núi trùng điệp của dải Hoàng Liên Sơn. Với chiều dài gần 50km (dài hơn đèo Khâu Phạ thuộc tỉnh Yên Bái khoảng 10km), đỉnh Ô Quy Hồ nằm ở độ cao 2.025 mét so với mặt nước biển.

Từ Sapa, du khách đi khoảng 15 km là đến đỉnh đèo. Tuy nhiên đoạn đường hơn 5km nữa mới thật sự đẹp mê hồn với những vách núi dựng đứng quanh năm mây phủ, phía dưới là thung lũng ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. 

Đường lên Ô Quy Hồ trập trùng đồi núi