18 thg 1, 2013

Biển Hồ Pleiku


Với tôi: Tình và cảnh Biển Hồ (Hồ Tơ Nưng) tựa như trái cam để trong lòng bàn tay. Muốn nói gì viết gì mà chẳng được, dễ như ăn ớt. Ấy vậy mà hơn ba mươi năm, bây giờ mới viết về Biển Hồ. Tôi sinh trưởng xóm Trại Mộ, nhà cách bờ Biển Hồ khoảng cây số. Tuổi thơ, thơ thẩn rong chơi quanh Hồ nên thuộc lòng từng chỗ: Chỗ này là nhà nghỉ mát của ông chủ Tây, chỗ kia là nhà bà Nâng, người đàn bà không biết chữ, chỉ biết bán cá Biển Hồ, vậy mà làm chấn động tâm hồn của người dân quanh Biển Hồ một thuở . Chỗ nọ là thuyền đắm học sinh chết, tôi thuộc lòng vị trí của từng hòn đá lớn đá nhỏ nằm quanh Hồ, mỗi khi Hồ cạn nước (Hồ có khi đầy khi vơi tùy theo mùa mưa nắng) .

Tâm lý con người hay coi thường cái gì có trong nắm tay, tầm tay, khi vuột mất rồi mới hối hận, mới nuối tiếc, mới thấy nó quý giá, mới thấy nó đẹp. Phong cảnh Biển Hồ đối với cư dân quanh vùng thì chẳng có gì đáng nói, đáng bàn, bởi họ đã nhìn thấy hằng ngày,lờn cảm xúc, với lại họ nhìn bằng đôi mắt thường, nên khi thấy cái gì thì chỉ thấy một cái, nhìn núi thì thấy núi, nhìn mây thì thấy mây, nhìn nước thì thấy nước, nhìn thông thì thấy thông, cái thấy tách bạch ra từng món như vậy nên không thấy Biển Hồ đẹp. Phải nhìn Biển Hồ trong tổng thể vừa nêu( núi,mây, thông,nước) mới thấy Biển Hồ đẹp. Đẹp với những người đã từng có những kỷ niệm với Biển Hồ, bây giờ ly hương xa xứ, trong cõi nhớ của họ Biển Hồ đẹp như một bức tranh, như một cõi tiên mà văn nghệ sĩ đã mô tả. Nhưng Biển Hồ đẹp nhất vẫn là đẹp trong những bài viết của giới văn nghệ sĩ, tâm hồn họ quá nhạy cảm,quá bao la nhìn cảnh vật như một cái máy thu hình nên bao quát tất cả hình ảnh, âm thanh, cọng với lời văn điêu luyện trong sáng thơ mộng, thêm một chút tưởng tượng nữa nên Biển Hồ càng thêm thơ mộng, trữ tình, huyền thoại, tràn ngập tiếng chim đủ loại, tràn ngập hoa, tràn ngập cá, cá lội nhởn nhơ từng đàn, vựa cá cung cấp cho cả tỉnh, hoa sen hoa súng trên nở trên mặt hồ….khiến cho ban biên tập Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phải e dè nói rằng những tin nầy chưa được kiểm chứng.

Phở khô Gia Lai: Món ngon Phố Núi

Có ba món đặc sản làm nên nét độc đáo và quyến rũ của ẩm thực Gia Lai là cà phê, măng khô và tất nhiên, không thể không kể đến món phở khô - “món ruột” của người dân phố núi. 
Dù có nhiều điểm khác biệt với món phở Bắc vốn được xem là quốc hồn quốc túy cả trong cách chế biến lẫn thưởng thức, nhưng phở khô có một sức hấp dẫn riêng, không chỉ để thương để nhớ cho những người Gia Lai xa xứ mà còn khiến du khách đến đây ăn qua một lần rồi lưu luyến mãi. 



Độc đáo “Phở hai tô”

Một “thổ địa” tại Pleiku đưa chúng tôi đến quán phở Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi - nơi tô phở có giá 22 ngàn đồng, thuộc hàng đắt đỏ nhất tại phố núi này. Tuy đắt nhưng quán Hồng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào, nếu phải đứng đợi một lúc để “xí bàn” thì cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bù lại, được thưởng thức những sợi phở khô hương vị đậm đà đựng trong những chiếc tô sứ trắng ngần cùng với đĩa giá trụng, rau thơm, ngò gai được nhặt rửa sạch sẽ cũng đủ làm dịu lòng những thực khách khó tính nhất. Đến Pleiku, ngoài địa chỉ này, du khách còn có thể tìm đến các quán phở ngon nổi tiếng khác như Tàu Lí (đường Trần Phú), Ngọc Linh (đường Sư Vạn Hạnh), Ngọc Sơn (đường Hùng Vương)…


Phở khô Gia Lai

Ai lên Pleiku, thể nào cũng được người nơi đây một lần dắt đi ăn phở khô Gia Lai để cảm nhận cái ngon, cái thú vị của một đặc sản phố núi. Ăn một lần phở khô đảm bảo bạn sẽ "còn chút gì để nhớ". 


Phở khô Gia Lai

Phở khô là sự kết hợp của hai nguyên liệu: thịt heo và bò trong cùng một món ăn. Để có nước lèo trong, ngọt, người ta nấu xương heo và bò trong nồi nước giữ lửa liu riu 5-7 giờ để ninh xương thì nước lèo mới ngọt đậm, và phải canh hớt bọt liên tục. Thịt để nấu phở khô là thịt bò non hoặc thịt bê. Thịt được thái mỏng, trần thật nhanh qua nước lèo rồi cho vào chén nước, đây là phần nước dùng của phở. Còn thịt nạc heo băm nhuyễn được cho vào tô trên mặt bánh phở đã trần cùng với hành phi. Rau ăn chung với phở khô là xà lách, cần và rau quế.

Bún mắm cua Pleiku

Bún mắm cua là một đặc sản của phố núi Pleiku, xuất hiện khoảng hơn mười năm trở lại đây. Món bún mắm cua rất đặc biệt, ai chưa biết ăn chỉ cần ngửi mùi là không chịu nổi, chỉ cố chạy thật nhanh. Nhưng khi đã biết ăn rồi thì nó trở thành món ăn không thể thiếu, khi đi xa chỉ muốn trở về thưởng thức hương vị. 



Bún mắm cua

Bún mắm cua được bán rải rác khắp thành phố Pleiku, nhưng đặc biệt ngon và xuất hiện lâu nhất ở thành phố này là bún mắm cua chợ nhỏ nằm trên đường Phùng Hưng. Ai đến Pleiku cũng muốn được thưởng thức một lần hương vị khó quên này.


Pleiku – Đi tìm sự tích núi Hàm Rồng

Theo khảo sát bước đầu của tôi, trong văn hóa truyền thống Tây Nguyên, rồng không phải là một biểu tượng của quyền lực hay liên quan đến vẻ đẹp, sự trường cửu. 

Do đó, Hàm Rồng là một danh từ ít có khả năng thuộc về vốn từ vựng cổ của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cụ thể là thuộc kho từ của đồng bào Jrai, Bahnar nơi trái núi này tọa lạc…

Tại một công trình được công bố dưới dạng bản thảo, theo TS Nguyễn Thị Kim Vân, địa danh Hàm Rồng cách trung tâm thành phố Pleiku hiện nay 11km về phía Nam có thể được ghi là Hdrung, Hgrông hoặc Hdrông (vẫn theo khảo sát thực địa của tác giả thì đây đều là những từ “không có nghĩa”). Cũng theo mô tả của chị thì ngọn núi cao 1.028m nói trên “có dạng hình nón cụt, khá cân đối nhưng nhìn từ phía hướng Thanh An (phía Tây Nam) ra, ta lại thấy ngọn núi này gần giống một con rồng, đầu hướng về phía Đông, thân trải dài trên cao nguyên phía Tây. Nhưng do quốc lộ 14 trườn qua sát “cổ rồng” làm cho người ta khó nhận ra hình dạng hoàn chỉnh của cả dãy núi”. Từ những cứ liệu trên, TS. Vân sau khi cho rằng “chúng ta khó xác định được một cách viết tên núi (Hàm Rồng – NV) bằng tiếng Jrai, Bahnar” đã cố gắng lí giải cách định danh Hàm Rồng qua hai “lí do” của người Việt như sau: Hàm Rồng là biến âm từ cách gọi núi của người Jrai, Bahnar. Núi có hình dạng của một con rồng trải dài trên cao nguyên (nhìn từ phía Tây Nam lên), (Nghiên cứu xác định địa danh lịch sử - văn hóa ở Gia Lai – đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Sở VHTTDL chủ trì – Nhiều tác giả, TS. Nguyễn Thị Kim Vân chủ nhiệm, Pleiku, 4-2006, tr. 96, 97; mục từ “Hàm Rồng” do N.T.K.V viết. NQT viết các mục từ tiếng Bahnar trong tập sách vừa xuất bản này).


Quanh năm mây phủ, Hàm Rồng luôn bầu bạn cùng sương gió. Ảnh tư liệu


Bí ẩn Biển Hồ - Pleiku

Biển Hồ là tên do người Kinh đặt, còn tên thật của nó là Tơ Nueng, là một miệng núi lửa khổng lồ nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngằn ngặt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh nó có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại khiến Biển Hồ lại càng lung linh kỳ ảo trong ký ức của con người, cả người sở tại và du khách.



Ngay cái tên Biển Hồ có lẽ cũng là do khát vọng của con người mà ra. Cao nguyên Pleiku cao hơn mực nước biển cả nghìn mét. Theo nguyên tắc bình thông nhau thì chả có giọt nước nào tồn tại được trên những đỉnh núi cao này. Và vì thế mà con người khao khát nước, khao khát biển. Một nhà thơ đã viết khi đến thăm Biển Hồ: 

Thương thương quá suốt một đời thiếu nước
nên cái ao tù cũng thành biển của em... 


"Biển" trên cao nguyên



Bến thuyền du lịch dạo chơi Biển Hồ Pleiku. Ảnh: Hoàng Thám


Giữa bạt ngàn những dãy đồi, núi chập chùng trên cao nguyên, Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh lỵ Gia Lai, ở độ cao hơn 900 mét so với mặt nước biển với diện tích 230 héc ta. Người Tây nguyên gọi đó là T' Nưng - hoặc Ea Nueng, có nghĩa là "biển trên núi".

Nếu có dịp rong ruổi trên tuyến đường dọc Trường Sơn huyền thoại hay viếng thăm phố núi mù sương, du khách không nên bỏ qua danh thắng độc đáo này. Từ Pleiku, theo quốc lộ 14 đi Kon Tum chừng 7 km, rẽ về tay phải thêm 3 km sẽ đến Biển Hồ. Đây vốn là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua; bờ hồ có kiến tạo gần như thẳng đứng với vách đá ba-dan ngày nay đã bị phong hóa.


Món ngon "xứ nẫu"



Phơi bánh tráng.

Vùng đất Phú Yên phì nhiêu, bạt ngàn nằm giữa khu vực duyên hải nam trung bộ. Nơi đây có nhiều món ăn độc đáo, mang đậm phong cách ẩm thực và đời sống, được xem như một nét đặc thù của dân "xứ nẫu", cách gọi gần gũi, thân thương về vùng đất và con người Phú Yên. Du khách về Phú Yên sẽ thưởng thức những món ăn bình dân vừa ngon, lạ, bổ và rẻ!


“Cây nhà lá vườn”

Làng nghề bánh tráng Hoà Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) hình thành khá lâu đời. Nơi đây có khoảng 30% hộ gia đình sống bằng nghề làm bánh tráng từ bột gạo.

Bánh tráng ngon có độ dày vừa, đều khổ, tốt nắng, nướng ăn thơm, nhúng nước không dính. Bánh tráng Hoà Đa ăn với thịt heo, cháo lòng, bánh hỏi đã trở thành món ngon hấp dẫn níu chân nhiều du khách. Có nhiều món ngon nhưng món bánh tráng cuốn với thịt heo kèm rau sống hái từ đồng rau Hoà Đa, chấm nước mắm nhỉ sóng sánh thơm ngon được ướp từ cá biển đông với bàn tay của ngư dân làng Yến kèm với dĩa ớt xanh được coi là "số zách".

Cháo hàu Ô Loan


Cháo Hàu - Ảnh: vnnavi.com

Đầm Ô Loan là một trong nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Năm 1996, nơi này được Bộ VH-TT công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Đứng trên đèo Quán Cau thuộc địa bàn huyện Tuy An, bạn có thể ngắm nhìn cảnh đầm nước mênh mông rộng lớn với diện tích mặt đầm hơn ngàn hecta quanh co uốn khúc. Phía đông giáp biển, phía tây đầm giáp với quốc lộ 1A và chân các sườn núi nhỏ bao bọc xung quanh. 

Đầm có nhiều loại hải sản quí hiếm như tôm, cua, sò huyết, ghẹ, cá vượt, hàu... Trong các loại hải sản trên, hàu được xem là một loại hải sản đặc biệt của vùng sông nước Ô Loan. Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ vào khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ (tháng 3-4 âm lịch).

Đặc trưng văn hóa đá ở Phú Yên

Phú Yên là một trong những tỉnh nằm trong vùng rìa của Tây nguyên, nơi có sự hoạt động của núi lửa cách đây hơn 1 triệu năm. Dấu ấn đá hiển hiện ở khắp mọi nơi. Từ cột mốc ranh giới quốc gia, kỳ quan tự nhiên, thành luỹ, nhà ở và vật dụng thường ngày; từ những vật linh thiêng của tôn giáo đến các nhạc cụ độc đáo làm giàu đời sống tinh thần… Tất cả đều bằng đá.
Không phải chỉ có Phú Yên đậm chất “văn hoá đá”, nhưng “đá” là một trong những bản sắc văn hoá rõ nét nhất của vùng đất Phú Yên. Chất “đá” đã ăn sâu vào tính cách của những con người sống cùng với nó. Một cuộc hành trình đơn giản với đá.

HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ

Núi Đá Bia. Ảnh: Ngọc Viên