Hiển thị các bài đăng có nhãn cây trái. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cây trái. Hiển thị tất cả bài đăng

19 thg 1, 2021

Ngắm cây lộc vừng di sản trên 300 tuổi ở Hậu Giang

Cây lộc vừng tọa lạc ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có tuổi đời hơn 300 năm. Có thể xem đây là một trong những cây cổ thụ hiếm hoi, có tuổi thọ cao ở đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền lịch sử khẩn hoang của vùng đất Long Thạnh. Xoay quanh cây lộc vừng ở Hậu Giang này còn có nhiều câu chuyện tâm linh mà mọi người hay kể cho nhau nghe. 

Cây lộc vừng trên 300 tuổi ở Hậu Giang 

18 thg 1, 2021

Vãn cảnh Chùa Diêu Quang chiêm ngưỡng cây Trôm cổ thụ

Chùa Diêu Quang tọa lạc tại đường Lương Văn Chấn, phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An được người dân trong vùng quen gọi là Chùa Cây Trôm, vì trước chùa có cây trôm cổ thụ xanh tốt tỏa bóng. 

Chùa Diêu Quang được người dân trong vùng quen gọi là Chùa Cây Trôm vì trước chùa có cây trôm cổ thụ 

Ngôi chùa này trước kia là miếu Dao Quang, tên của một trong bảy vì sao (thất tinh) theo tín ngưỡng tu tiên, thờ cúng các vị tiên thánh. Đại đức Thích Thiện Thạnh, trụ trì chùa Diêu Quang, cho biết, sau bao lần bể dâu biến đổi, miếu biến thành chùa. Và có lẽ do sợ đồng âm nên Dao Quang được gọi trại đi thành Diêu Quang.

14 thg 12, 2020

Hương vải trăm năm

Trong một lần đến chùa Svay Ta Hon (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang), tôi khá bất ngờ khi bắt gặp 2 cây vải thiều 300 năm tuổi. Có lẽ, đây là cây vải thiều to lớn nhất mà tôi từng thấy. 

Chùa Svay Ta Hon vào một ngày mưa. Lối dẫn vào chùa với lớp đá phủ dấu thời gian và hàng cột nhiều màu sắc tạo ấn tượng khá đặc biệt cho những ai lần đầu tới đây. Trong cái lạnh buốt của cơn mưa xứ núi vừa mới đi qua, tôi ngồi trò chuyện cùng sư cả Chau Hênh về lịch sử của 2 cây vải thiều cổ thụ này. Là người cởi mở, sư cả Chau Hênh vui vẻ chỉ tay về 2 cây đại thụ được công nhận là cây di sản trong khuôn viên ngôi chùa yên ắng này và câu chuyện về chúng dần hé lộ qua những ly trà nóng.

“Cây có hồi nào thì sư không biết chắc. Chỉ nghe ông già, bà cụ nói lại là tuổi cây tương xứng với tuổi chùa. Có một ông sư cả đã cất công lên đến Xiêm Riệp (Campuchia) để mang về 3 cây vải thiều trồng trong sân chùa. Qua mấy trăm năm, có 1 cây đã chết. Hiện giờ còn 2 cây sống tốt nên sư cũng ra sức bảo quản, giữ gìn như kỷ vật của cha ông để lại. Mấy ông già đi trước đã giữ gìn thì tới sư phải bảo quản thiệt tốt, vì nhà nước đã công nhận là cây di sản” - sư cả Chau Hênh thiệt tình. 

Hai cây vải thiều đại thụ trong khuôn viên chùa Svay Ta Hon 

5 thg 11, 2020

Giữ cổ thụ 100 năm cho bến Người tình

'Cây da cổ thụ thân thương đã trở thành một phần ký ức của người Sa Đéc rồi. Chúng tôi quyết bảo tồn dù có người muốn đốn bỏ' - ông Võ Thanh Tùng, nguyên chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ. 

Cây da trước khi chưa bị nghiêng - Ảnh: THANH NGHĨA

Về Sa Đéc, du khách hỏi thăm cây da trăm tuổi hay quán cơm Cây Da tại phường 1, chắc hẳn dân địa phương nào cũng có thể hướng dẫn chính xác. 

Cùng với đình thần Vĩnh Phước gần đó và rạch Cái Sơn, hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình" thân thuộc của làng quê Việt Nam tái hiện ngay tại mảnh đất bên dòng sông Tiền.

9 thg 10, 2020

Món cà đắng giã ớt rừng

Cà đắng giã là món ăn tươi trộn gia vị của đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, Ê đê, M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là một món ăn quen thuộc, dễ làm trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy giản dị nhưng món ăn đặc trưng, rất ngon và lạ miệng. 

Nguyên liệu và cách chế biến món cà đắng giã của người Mạ, Ê đê, M’nông tương đối giống nhau. Thành phần chính gồm cà đắng, ớt rừng (ớt hiểm), chanh, rau thơm và gia vị. Cà đắng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất đa dạng. Nhiều loại cà đắng mọc tự nhiên trên triền đồi, núi được đồng bào đem về trồng trong vườn nhà. 

Cà đắng tròn được dùng phổ biến trong chế biến món ăn của Mạ, Ê đê, M’nông 

Cà đắng có loại to hơn ngón chân cái của người lớn, hình tròn sọc xanh dọc theo quả; lại có loại cà đắng hình dạng thuôn dài, sọc xanh trắng xen lẫn. Người M’nông có cây cà đắng cho quả to bằng viên bi, không sọc. Người Ê đê có loại cà đắng da trơn, nhẵn, khi già màu vàng ươm. Các loại cà này đều có thể dùng chế biến món cà đắng giã ớt hiểm. 

23 thg 9, 2020

Dấu ấn cây da trăm tuổi

Hơn mấy trăm năm trơ gan với mưa nắng thời gian, cây da Long Bình đã trở thành nhân chứng cho quá trình đổi thay của vùng đất đầu nguồn biên giới. Đến thăm cây đại thụ này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với kích thước to lớn cũng như lắng nghe những câu chuyện thú vị liên quan đến nó. 

Theo hướng dẫn của người dân thị trấn Long Bình (An Phú), tôi quẹo từ Quốc lộ 91C vào một con đường nhỏ. Người dân địa phương gọi đây là “giồng Cây Da” với ngụ ý nơi đây xưa kia là giồng đất cao có một cây da to lớn. Tên gọi dân gian đó đã nói lên quá trình gắn bó giữa cây với đất, giữa đất với người hàng mấy trăm năm.

Sau vài trăm mét dò đường, tôi đã gặp được cây da Long Bình mà từ trước tới nay chỉ nghe qua lời kể. Quả thật, khi đứng trước cây đại thụ này, bất cứ ai cũng sẽ thấy mình nhỏ bé! Những nhánh cây già cỗi vươn mình vững chãi dưới cái nắng trưa biên giới. Tiếng lá lao xao tạo ra thứ âm thanh trong trẻo của thiên nhiên. Bóng mát của cây có thể che lấp một sân bóng chuyền bên dưới và còn cả khoảng sân rộng để đám nhóc thơ ngây chơi “năm - mười”.

Bà Nguyễn Thị Lệ (người dân định cư gần cây da) cho biết: “Cây da này theo tên gọi dân gian là sung reo. Bởi, trái của cây gần giống như trái sung và có thể ăn được. Do kích thước lá lớn nên mỗi khi có gió thổi sẽ tạo ra âm thanh rất lớn, tựa như tiếng reo. Cây da có từ hồi nào tôi không biết, nhưng bà nội tôi kể rằng hồi bà mới về đất này làm dâu thì cây đã to lớn lắm rồi. Bà nội có hỏi ông cố tui, thì ông cũng chỉ biết cây da có từ trước khi lớp người đầu tiên đến đây “cắm dùi” khai hoang, mở đất. Như vậy, cây da đã có trước khi gánh họ Nguyễn của tui đến ở cái đất này, mà tới tui đã hơn 5 đời rồi!”. 

20 thg 9, 2020

Cây lim xanh nghìn năm tuổi- báu vật rừng Yên Thế

Cây lim xanh đại cổ thụ, ngự trên đồi Lim, thôn Xuân Lung, xã Xuân Lương (Yên Thế-Bắc Giang) có chiều cao gần 50m, gốc cây khoảng 6 đến 7 người ôm, được nhiều người cao tuổi ở địa phương cũng như các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng đã có nghìn năm tuổi.

Theo các cụ cao niên nơi đây, từ khi sinh ra đã thấy cây lim xanh sừng sững uy nghi to lớn như hiện nay. Cùng với nhóm di tích đình, chùa và giếng cổ Xuân Lung, cây lim xanh được ví như tấm bình phong che chở cho người dân làng xã. Theo phong thủy, khu đất đình là đất rồng, 2 giếng là 2 mắt rồng còn cây lim xanh là mũi của rồng; bởi vậy, cây lim xanh là một biểu tượng linh thiêng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương.

Cây lim xanh cổ thụ ở thôn Xuân Lung.

1 thg 9, 2020

Nhãn rừng, thứ quả dại gắn liền tuổi thơ của nhiều người

Cùng với những loại quả dại như chà là, chùm chày, dủ dẻ.. thì nhãn rừng cũng là loại cây gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Nhãn rừng (hay nhãn dê) là loại cây bụi hay cây gỗ nhỏ, thường mọc dại nhiều nơi ở vùng quê, thậm chí trên vùng đất cát khô cằn. 

28 thg 7, 2020

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Vườn nhãn Bạc Liêu từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng, không chỉ vì hương vị ngọt thanh tao và hương thơm quyến rũ mà còn nổi tiếng về tuổi thọ. Những cây nhãn ở đây đều trên trăm năm tuổi nên người dân bản địa thường gọi là nhãn cổ với dáng vẻ gân guốc, uốn lượn tựa như những tác phẩm nghệ thuật mà tạo hóa đã khắc nên. 

Những cây nhãn ở đây đều trên trăm năm tuổi 

Nhãn Bạc Liêu đã đi vào nhiều trang thơ, bài hát và đã ở lại với đời sống của người dân Bạc Liêu hàng trăm năm nay. Đối với khách phương xa, có dịp du lịch Bạc Liêu, ai cũng một lần muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những thân nhãn cổ hơn trăm tuổi và nếm vị ngọt ngon của nhãn cổ một thời trứ danh. 

18 thg 7, 2020

Vườn dâu Cái Tàu Cà Mau – Xứ sở của loài dâu

Vườn dâu Cái Tàu thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 30 km về phía Tây, tiếp giáp với rừng U Minh Hạ và dọc theo tuyến sông Cái Tàu. Vườn dâu này tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua còn lưu giữ nhiều những cây dâu cổ thụ mang dấu ấn thời gian của vùng đất phương Nam xưa.

12 thg 7, 2020

Hương vị rừng Bảy Núi

Mùa mưa đến cũng là lúc cây rừng Bảy Núi đơm bông, kết trái. Với nhiều người, trái cây rừng tuy không cao lương mỹ vị nhưng lại ẩn chứa tình cảm của quê hương, phảng phất một chút tuổi thơ của những ai lớn lên trong cái nắng, cái mưa của vùng Bảy Núi.

Bảy Núi những ngày mưa đất trời dịu mát. Những cánh rừng cũng vì thế trở nên xanh tươi. Lúc ấy, những đứa trẻ ở miệt bán sơn dã này bắt đầu “mùa ăn vặt” với mấy loại trái rừng. Theo quan niệm dân gian, cây nào không được trồng thuần dưỡng thì sẽ gọi là “rừng”. Bởi thế, những loài cây hoang dại mọc sát vách nhà thì trái của chúng vẫn được gọi là trái rừng như một lẽ tự nhiên. Theo chân người bạn về xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trong một ngày mưa, tôi men theo mấy con đường mòn dưới những hàng thốt nốt đi tìm trái chồi mồi. 

29 thg 6, 2020

Hàng cây thốt nốt tuyệt đẹp ở Núi Phú Cường – Tịnh Biên – An Giang

Về An Giang, khách du lịch sẽ bắt gặp một loại cây đặc trưng đã gắn bó sâu sắc với người dân nơi đây – cây thốt nốt. Tên gọi “thốt nốt” do người địa phương đọc chệch từ tiếng Khmer là “th’not”. Cây thốt nốt hiện hữu khắp mọi nơi dọc miền quê An Giang, từ những con đường uốn cong rợp mát đến những cánh đồng lúa bát ngàn hay những ngọn núi hùng vĩ giữa đồng bằng cũng đều có bóng dáng loài cây ấy. Chính vì vậy An Giang được mệnh danh là xứ sở của cây thốt nốt.

Thốt nốt gắn liền với đời sống người Khmer nơi đây. Cây được trồng bằng hạt và hợp với vùng đồi núi khô hạn. Sau 20-25 năm trồng, cây trưởng thành cao từ 5- 7m, có đường kính thân cây từ 30 – 40cm như cây dừa, lá dài và xanh như lá cọ. Lá cây thốt nốt có thể dùng lợp nhà hay làm chất đốt. Thân cây thốt nốt có thể dùng làm cột nhà, bàn ghế đều được. Đặc biệt trái thốt nốt là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn đặc sản, dân dã là đặc sản xứ An Giang. Nổi tiếng là cơm lấy từ trái thốt nốt, nước thốt nốt tươi ngọt mát, đường tán thốt nốt, chè thốt nốt nốt, hay bánh gói, bánh bò…

9 thg 6, 2020

Cây đa Di sản đền Thánh Tản

Cây đa cổ thụ trong khuôn viên đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xóm Quýt (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) là “báu vật” xanh của vùng đất Xứ Đoài ngàn năm mây phủ.

Ở Việt Nam, cây đa được tìm thấy tại nhiều đình, chùa và khu vực làng quê. Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ trong làng và bên cạnh các di tích, gắn liền với phong cảnh làng quê “cây đa, bến nước, sân đình”. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Câu chuyện về cây đa cổ thụ xóm Quýt nằm bên đền cổ thờ Tản Viên Sơn Thánh được nhắc đến nhiều lần trong câu chuyện của các chuyên gia thuộc Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nhưng chỉ khi bước chân đến nơi này mới có thể cảm nhận được sự hoành tráng của một trong những cây đa cổ thụ được cho là lớn nhất ở Việt Nam.

Cây đa xóm Quýt nằm trong khuôn viên bên Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Chà là – miền ký ức của tuổi thơ

Sáng nay đi ngang chợ quê, tình cờ nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi ngồi bên rổ chà là, bao nhiêu ký ức tuổi thơ chợt ùa về...

Ngày trước, trẻ con ở quê thường không được ăn quà vặt. Những trái cây từ núi rừng là món quà mà đứa nhỏ nào cũng thích, nhất là quả chà là. Mùa chà là chín rộ vào vào tháng 5. Đám trẻ con chúng tôi í ới gọi nhau vào rừng hái chà là. 

Trái chà là từng là cả tuổi thơ của bao người. 

7 thg 6, 2020

'Check-in' vườn chà là rực rỡ độc đáo ở miền Tây

Những ngày này, một điểm du lịch, check in được nhiều bạn trẻ nhắc đến là vườn chà là rực rỡ sắc màu lạ mắt ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Khách tham quan chụp ảnh check in ở vườn chà là - Ảnh: T. LŨY

Vườn nằm cạnh đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao, phường Tân Quy Đông, từ hơn chục ngày nay nhộn nhịp hẳn lên... Vườn chà là đã được chủ vườn trồng hơn chục năm, nhưng năm nay là năm đầu tiên chủ vườn mở cửa cho du khách vào tham quan chụp ảnh.

27 thg 5, 2020

Ngọt thơm 'xoài trứng' Yên Châu, ăn một lần sẽ nhớ mãi

Giống xoài đặc sản tựa hình trái tim nhỏ nhắn vừa tròn nắm tay, khiến ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi vị ngọt thơm, ruột vàng ươm.

Giống xoài trong Yên Châu, Sơn La là giống xoài cổ với hương vị đặc trưng mà không giống xoài nào có - Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày này dọc đường quốc lộ 6, bà con Yên Châu (Sơn La) gùi những giỏ hàng đầy ắp xoài, mùi hương vương vấn níu chân người đi đường. Ông Quàng Văn Xuân (55 tuổi, giám đốc HTX Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu) chia sẻ, Yên Châu nổi tiếng với "chuối ngọt, xoài thơm", nhưng đặc biệt nhất phải kể đến giống xoài tròn.

24 thg 5, 2020

Trở lại chuyện 4 cây chà là Canary

Mừng là bởi cây đã không chết như từng lo lắng. Còn buồn và tiếc thì… Nó cứ như cảm giác thấy một cô gái đẹp bị dập vùi, không ai biết, chẳng ai thương…

4 cây chà là Canary khi còn ở sân Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế 

Khoảng cuối những năm 1980, tôi dẫn ông chú công tác ở Bộ Nội thương từ Hà Nội vào Huế ghé Công ty Xăng dầu thăm người bạn là anh Thắng giám đốc. Trong lúc 2 ông nói chuyện, tôi xuống sân chơi và để ý thấy ở bồn hoa giữa sân công ty có 4 cái cây rất lạ, cọ chẳng phải cọ, đoác chẳng ra đoác. Hỏi là cây gì, nhiều người dấm dẳng không có câu trả lời chắc chắn. Ngắm qua thì thấy từa tựa cây vạn tuế. Thời điểm ấy, cây vạn tuế đang rất quý, nhiều nhà vườn ở Vỹ Dạ trồng được mấy cây trong chậu đã phải mua thép cỡ phi 8, phi 10 về “cùm” lại vì sợ mất trộm. Thậm chí, nghe nói có người “kỹ tính”, buổi tối còn mắc điện vào cho… yên tâm. Nhưng vạn tuế thì cây nhỏ thôi chứ không thể lớn “hiện ngụy” như mấy cây ở sân công ty xăng dầu. Thời gian trôi đi, và tôi cũng quên luôn thắc mắc của mình, dù qua về vẫn thấy 4 cây “vạn tuế to hiện ngụy” bình thản xanh tốt như nhiều năm rồi chúng vẫn thế…

Lạ lùng cây xanh xứ Huế: Những cây chà là Canary quý hiếm

Trong số các loài cây ngoại nhập được trồng ở Huế, có một loài quý hiếm mà hầu như rất ít người quan tâm, mặc dù có dáng dấp tuyệt đẹp và đã tồn tại trên cả trăm năm giữa lòng cố đô, đó là chà là Canary.

Bén duyên với Huế 

Cách đây không lâu, trong khuôn viên Công ty xăng dầu Thừa Thiên-Huế, 50A Hùng Vương (nguyên trước đây là Sở Công chánh Huế, thuộc chế độ cũ) có 4 cây chà là Canary. Không ai biết những cây này do ai trồng và có mặt tự bao giờ, nhưng qua đặc điểm sinh trưởng và tuổi cây có thể đoán biết chúng được nhập trồng trên cả trăm năm về trước.

Trong số 4 cây đó, chỉ có một cây cái, với kích thước nhỏ hơn 3 cây đực. Từ năm 2004 - 2007 chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu những cây chà là Canary quý hiếm này. Mặc dù đường kính thân cây đã đạt đến mức 45 - 50 cm, nhưng chiều cao cây chỉ từ 6,5 m (cây cái) đến 8,5 m (cây đực cao nhất), chiều dài lá chỉ từ 2,5 - 3 m. Quả chỉ dài 1,5 - 2 cm, rộng 1 - 1,5 cm. Hạt dài 1,2 - 1,5 cm, rộng 0,8 - 1,2 cm. Như vậy, so với cây ở vùng nguyên sản, cây trồng ở Huế thấp hơn, quả và hạt cũng bé hơn rất nhiều. Đây là một hiện tượng thích nghi sinh thái thường gặp ở thực vật. Tuy thế, cây vẫn ra hoa kết trái, và rất sai quả. Cây ra hoa vào mùa đông và trái chín vào giữa mùa xuân. 

Những cây chà là Canary quý hiếm đang được “gửi tạm” ở khuôn viên của Hội hữu nghị Việt Nhật, Huế - Ảnh: Đ.X.C


23 thg 5, 2020

Vườn chà là ở miền Tây lần đầu mở cửa đón khách

Những ngày gần đây, nhiều du khách đến làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đều tỏ ra thích thú với vẻ đẹp của khu vườn có hàng trăm cây chà là đang cho trái.

Đây cũng là lần đầu tiên chủ khu vườn này mở cửa phục vụ khách tham quan. Với sắc vàng của những chùm chà là đang trĩu quả, nơi đây nhanh chóng trở thành địa điểm tham quan, chụp ảnh của nhiều người.

Vườn chà là này nằm trên đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao, ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc. Chủ vườn chà là này cho biết, trong vườn hiện có tổng số hơn 100 cây chà là đã trên 10 năm tuổi, cây đã bắt đầu cho trái 3 năm nhưng năm nay là năm cây cho nhiều trái nhất nên chủ vườn quyết định mở cửa cho khách vào tham quan, chụp ảnh với giá vé 20 ngàn đồng/người.

Du khách tạo dáng chụp ảnh tại vườn chà là

20 thg 5, 2020

Thơm ngọt quả gùi trên Cao nguyên M’nông

Cây gùi có tên khoa học là Willughbeia cochinchinensis, là loại thực vật có dây leo hóa gỗ mọc hoang dại trong rừng. Ở Việt Nam, cây gùi phân bố chủ yếu một số tỉnh ở vùng Đông Nam bộ và vùng phía Nam Tây Nguyên. 

Vào mùa gùi, bắt đầu từ tháng 4, 5 dương lịch, đi qua các bon làng chúng ta không khó để bắt gặp từng nhóm người M’nông rủ nhau vào rừng tìm hái những quả gùi chín vàng. Cũng từ đó những người đi buôn tập trung đón mua quả gùi của đồng bào dân tộc thiểu số đem bán. 


Gùi khi chín có kích thước to nhỏ khác nhau, có vỏ màu vàng, mỏng