Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

31 thg 12, 2021

Điều bí ẩn về cây cổ thụ thiêng nhất cao nguyên đá Đồng Văn

Sự hiện diện của cây thiêng Thài Phìn Tủng là điều lạ ở vùng cao nguyên khắc nghiệt. Có lẽ điều này đã khiến cây được gắn với một sức mạnh tâm linh huyền bí.

Nằm ở Xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cây thiêng Thài Phìn Tủng là một di sản văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông ở khu vực cao nguyên đá địa đầu đất nước

30 thg 12, 2021

Lạc lối giữa khu phổ cổ trên cao nguyên đá Đồng Văn

Với khung cảnh cổ kính cũng nét văn hóa bản địa độc đáo, phố cổ Đồng Văn sẽ khiến những vị khách miền xuôi khắc ghi trong tâm trí cả đời khi một lần ghé thăm.

Nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, phố cổ Đồng Văn là một trong những khu phố cổ nổi tiếng nhất Việt Nam.

Con đường Hạnh Phúc huyền thoại của Hà Giang

Con đường Hạnh phúc của Hà Giang là nơi 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong quá trình mở đường, đem lại hạnh phúc thực sự cho đồng bào.

Trước thập niên 1960, từ thị xã Hà Giang lên đến huyện Mèo Vạc chưa có đường ô tô. Khi đó, chỉ có con đường mòn gập lởm chởm đá sỏi cho người đi bộ và ngựa thồ hàng xuyên qua một vùng núi non vô cùng hiểm trở.

19 thg 12, 2021

Hẻm Tu Sản - danh thắng kỳ vĩ của Hà Giang

Hẻm núi đá sâu, với làn nước xanh mướt như ngọc, mang đến cảm giác thư thái cho du khách.

Hẻm Tu Sản nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), dòng sông Nho Quế xanh ngắt như sợi chỉ len lỏi theo đường cong của con đường Hạnh Phúc. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam. Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

13 thg 12, 2021

Người Lô Lô uyển chuyển trong điệu múa truyền thống

Người Lô Lô ở hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc đều có những điệu múa riêng đầy bản sắc.


Người Lô Lô ở Hà Giang có hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, Lô Lô Hoa đông hơn sống tại các xã Lũng Táo, Sủng Là, huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Tuy có tên gọi khác nhưng người Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa chỉ khác nhau về trang phục, còn tiếng nói, phong tục tập quán thì không có gì khác biệt. Thiếu thốn về vật chất nhưng người Lô Lô luôn sống trong không khí âm nhạc vui tươi, bên những cây khèn, nhị, hồ, thanh la và những điệu múa làm say đắm biết bao du khách thập phương gần xa.

Dân tộc Lô Lô là một trong 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Trong ảnh, người Lô Lô hoa, sống tại xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc đang chuẩn bị cho Lễ cầu mưa.

30 thg 11, 2021

Phố Cáo Hà Giang

Hầu như chưa bị thương mại hóa, Phố Cáo vẫn mang một nét đẹp nguyên sơ, chỉ ghé thăm một lần sẽ khắc ghi mãi mãi vào tâm trí...

Phố Cáo là một xã vùng cao thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một địa danh mà du khách không thể bỏ qua trên hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.

Ghé thăm thung lũng Sủng Là - Hà Giang

Không chỉ lôi cuốn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, thung lũng Sủng Là còn níu chân du khách bằng những sắc màu văn hóa đặc sắc...

Nằm ở cao nguyên đá Đồng Văn, trên đường đến thị trấn Đồng Văn của Hà Giang, thung lũng Sủng Là được cộng đồng du lịch biết đến như một trong những thung lũng đẹp nhất vùng Tây Bắc.

Nhìn từ xa, Sủng Là hiện ra như một bức tranh nên thơ với những nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc thấp thoáng giữa màu xanh của ruộng nương và những dãy núi hùng vĩ

Sự khắc nghiệt của địa hình và thời tiết ở Sủng Là không ngăn nổi các loài cây đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, tạo nên một “thung lũng nơi đá nở hoa” vô cùng tươi đẹp.

Các loài hoa ở Sủng Là khoe sắc theo những thời điểm nhất định trong năm. Đó là sắc hồng tím của tam giác mạnh vào tháng 10-11, sắc vàng của hoa cải tháng 11-12, sắc hồng tươi và trắng tinh khôi của đào, mận tháng 1-2..

Nằm ở vùng lõi của cao nguyên đá Đông Văn, khu vực xung quanh thung lũng Sũng Là cũng là nơi lý tưởng để khám phá các di sản địa chất đặc sắc, được biết đến qua những tên gọi hấp dẫn như nương đá, địa hình đơn nghiêng, sự kiện hủy diệt sinh giới... 

Không chỉ lôi cuốn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, Sủng Là còn níu chân du khách bằng những sắc màu văn hóa đặc sắc. Điều này được kết tinh ở làng văn hóa Lũng Cẩm, nơi sinh sống của 60 hộ dân thuộc các dân tộc khác nhau như Mông, Hoa, Lô Lô...

Hình ảnh đặc trưng của làng Lũng Cẩm là những ngôi nhà trình tường được xây bằng đất, bùn, không dùng đến những vật liệu hiện đại như xi măng, vôi vữa.

Mỗi ngôi nhà lại được bao quanh bởi một bức tường đá vững chãi, gồm những viên đá đủ hình dạng được xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên, mộc mạc và phóng khoáng như tính cách con người nơi đây

Đến với nơi địa đầu đất nước này, bất kỳ du khách phương xa nào cũng có thể cảm nhận được sự ấm áp đến từ những người đồng bào thân thiện và hiếu khách.

Cuộc sống đời thường ở Sủng Là hòa quyện với thiên nhiên, đất trời, đem lại cảm giác vô cùng thanh thản, như một thế giới trái ngược với cuộc sống ồn ào, nhiều lo toan nơi phố thị

Với vẻ đẹp hồn hậu của mình, Sủng Là đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim điện ảnh nổi tiếng “chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải, do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất vào năm 2005. Kể từ đó, thung lũng bình yên này ngày càng được nhiều người biết đến...

30 thg 9, 2021

Lễ cúng Bàn Vương của người Dao ở Hoàng Su Phì

Lễ cúng là dịp người Dao ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) tỏ lòng biết ơn Sư tổ Bàn Vương, người sinh ra 12 tộc họ, đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa.

Truyền truyết người Dao kể rẳng, Bàn Vương vốn là Long Khuyển Bàn Hồ, nhờ lập được công lao to lớn giết được Cao Vương (xâm lược nước Bình Vương) nên được vua Bình Vương trọng thưởng và gả công chúa cho. Bàn Vương và công chúa sinh được 6 trai 6 gái, Bình vương ban cho mỗi người một họ, trở thành 12 họ sớm nhất của người Dao. Khi Bình Vương chết, Bàn Vương lên làm vua của người Dao.

Trong những bản làng người Dao ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) còn lưu truyền câu chuyện về cái chết của Bàn Vương như sau: Tuy đã lên làm vua nhưng Bàn Vương vẫn giữ nếp sống giản dị, hay truyền dạy người Dao cách trồng cấy, dệt vải, săn bắn. Một lần vào tháng 2 âm lịch, Bàn Vương lên núi săn bắn, đuổi theo một con sơn dương, chẳng may bị sơn dương húc, ngã vào cây gù hương và mất. Từ đó người Dao làm lễ cúng giỗ Bàn Vương vào tháng hai âm lịch.

Người Dao ở Hoàng Su Phì nổi kèn trống thông báo buổi lề cúng Bàn Vương bắt đầu. Ảnh: Việt Cường/VNP

23 thg 8, 2021

Pải Lủng - Những con dốc mang hình dấu hỏi

Ở Việt Nam có lẽ không có con đường nào mang lại nhiều cảm xúc cho những người yêu xê dịch như cung đường 4C. Với chiều dài hơn 180km, đường 4C từ Tp. Hà Giang ngược lên Cao nguyên đá Đồng Văn với vô số đèo vực quanh co, vắt qua núi non hùng vĩ. Nhưng trên cung đường ấy còn có một con dốc đặc biệt mang hình những dấu hỏi có tên Pải Lủng. Dừng chân ở dốc Pải Lủng để khám phá khung cảnh tuyệt đẹp và cũng để du khách tìm hiểu vì sao con đường 4C còn mang tên Con đường Hạnh Phúc.

Dốc Pải Lủng thuộc địa phận xã Pải Lủng, huyện Đồng Văn. Theo người dân địa phương Pải Lủng nghĩa là rồng trắng. Nhìn từ trên cao xuống, khúc cua tay áo lọt thỏm giữa bốn bề núi đá ở độ cao hơn 1400m so với mặt nước biển giống hệt một con rồng.

Nằm ở vị trí cửa ngõ chuẩn bị tiến vào đại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, những góc cua thay đổi đến chóng mặt tại dốc Pải Lủng đủ hiểm trở tạo nên một thử thách thực sự cho những tay lái miền xuôi trước khi bất chợt thấy trước mặt sừng sững cụm tượng đài tưởng niệm những người mở đường.

2 thg 8, 2021

Những câu chuyện truyền thuyết thú vị về núi Đôi Quản Bạ ở Hà Giang

Du khách khi đến với Hà Giang thường dừng lại trên đường vào huyện Quản Bạ, ngắm nhìn tòa thiên nhiên căng tròn phía xa với ánh mắt trầm trồ.


Sở dĩ người dân nơi đây gọi là núi Đôi bởi vì hai quả núi gần như bằng nhau được xếp song song. Và mỗi mùa, gò bồng đảo của thiên nhiên ấy lại được tô điểm màu sắc khác nhau và du khách khi có dịp ghé chân vào thời gian nào cũng có những trải nghiệm thú vị.

Núi Đôi gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền từ đời này sang đời khác. Truyện kể rằng xưa kia, ở vùng đất này có một chàng trai người H’mông tuấn tú, có tài thổi đàn môi.

Tiếng đàn môi của chàng réo rắt đã níu giữ trái tim của một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào. Phải lòng chàng nên nàng tìm cách ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh.

5 thg 6, 2021

Phở chua Hà Giang

Tại Hà Giang có một món phở với nước dùng đặc biệt làm từ loại dấm thật chua, hòa với đường, bột sắn.

Nhắc đến ẩm thực ở cao nguyên đá Hà Giang, du khách thường nhắc đến những món ăn như thắng cố, mèn mén, cháo ấu tẩu, rượu ngô, chè Shan Tuyết… Không nhiều người biết đến món phở chua cũng nổi tiếng không kém tại đây.

Phở chua được du nhập vào các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… từ sau đời Mãn Thanh (Trung Quốc) cách đây khoảng hơn 300 năm. Trong tiếng Hoa, phở chua được gọi là "Lường pàn", có nghĩa là "Phở mát". Và vì là phở mát nên món ăn này chỉ ưa dùng vào mùa hè. 

Các nguyên liệu trong tô phở chua.

28 thg 5, 2021

Bí ẩn nhà cổ ở Há Súng

Khi nói về các kiệt tác kiến trúc nổi tiếng tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du khách thường nghĩ tới Dinh thự vua Mèo hay dãy Phố cổ Đồng Văn và Phố Cáo. Nhưng căn nhà cổ của dòng họ Vừ ở thôn Há Súng, xã Lũng Táo là cái tên được dân đam mê du lịch, yêu khám phá nhắc tới nhiều nhất bởi còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

Thôn Há Sùng nằm khuất nẻo sau một dãy núi cách đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc không xa. Từ Dinh thự vua Mèo, đi theo đường lên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú khoảng 4km thì rẻ phải, đi tiếp khoảng 1,5km trên con đường nhỏ trải bê tông vòng vèo, dốc đứng là đến được Há Súng.

Căn nhà cổ bề thế của dòng họ Vừ được dựng trên một gò đất hình mai rùa giữa bốn bề núi đá. Cửa hướng nhìn thẳng ra một võng núi hình mắt ngựa. Theo quan niệm truyền thống của người Mông, khu đất ấy rất đắc địa để dựng nhà.Trước nhà là một dãy bậc đá dài dẫn thẳng lên cửa chính. Đứng trước căn nhà cổ, ai cũng sẽ trầm trồ trước công trình kiến trúc đồ sộ, khác biệt với tất cả các căn nhà khác trong vùng. Bức tường mặt trước, phần dưới xây bằng những tảng đá lớn được gọt đẽo kỹ càng. Phần trên đá là tường trình đất dày. Chính giữa có cửa chính trang trí cầu kỳ, trên cao hai bên là hai cửa sổ nhỏ. Bức tường này là phần nhô cao nhất, như một lá chắn vững chắc bảo vệ cho toàn bộ căn nhà.

4 thg 5, 2021

Nghề chạm bạc của người Mông ở Lao Xa

Bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Những đồ trang sức bằng bạc được làm ở Lao Xa không chỉ để người Mông trong vùng làm đẹp và thể hiện sự giầu sang trong những dịp lễ, Tết, mà còn được dùng như một vật bảo vệ sức khoẻ, mang lại hạnh phúc.

Chạm khắc bạc là nghề thủ công truyền thống, có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Trang sức bạc là của hồi môn rất phổ biến được cha mẹ người Mông tặng con cái khi xây dựng gia đình. Vì lẽ đó, nghề chạm khắc bạc vẫn được người Mông tại đây duy trì, phát triển để tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống.

Tại Đồng Văn, ai cũng biết bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Vùng đất này tạo ra những sản phẩm chạm bạc nức tiếng trong vùng. Đã từ rất lâu, mỗi khi muốn đặt một món trang sức bằng bạc ưng ý, người dân địa phương, không chỉ riêng người Mông đều lên đường đến Lao Xa.

Những chiếc vòng cổ được chế tác tinh xảo bởi người thợ chạm bạc ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP

2 thg 5, 2021

Sắc màu cao nguyên đá Hà Giang

Hà Giang không chỉ có màu xám của đá tai mèo mà còn rực rỡ sắc hoa dại, màu váy truyền thống của người H'Mông, màu xanh của núi đồi...


Hà Giang là mảnh đất địa đầu Tổ Quốc, nơi không chỉ có những cánh đồng hoa nở đẹp hút hồn mà còn có nhiều điểm đến lịch sử níu chân du khách. Một trong số đó phải kể tới Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên nằm ở huyện Vị Xuyên - nơi từng là "biển lửa" của chiến trang biên giới (1984 - 1989). Nghĩa trang Vị Xuyên hiện có hơn 1.800 mộ trong đó có 1 mộ tập thể, 346 mộ chưa xác định thông tin.

Trên hành trình khám phá cao nguyên đá, Vị Xuyên sẽ là điểm dừng đầu tiên đưa du khách "về nguồn". Vị Xuyên cách trung tâm Hà Nội khoảng 300 km, nên đi từ Hà Nội nếu xuất phát vào sáng sớm du khách sẽ tới đây vào đầu chiều. Tại đây du khách được lắng nghe những câu chuyện về một thời hoa lửa khốc liệt và dâng nén hương thành kính đến các chiến sĩ đã yên nghỉ.

20 thg 2, 2021

Người Mông cúng Thần rừng

Mỗi năm, dịp Tết đến, Xuân về, người Mông ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cùng với các gia đình người Mông đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) lại tổ chức Lễ cúng hần rừng.

Người Mông quan niệm mỗi khu rừng đều có thần rừng cai quản. Cúng thần rừng là để phù hộ dân bản khỏe mạnh, trồng cấy bội thu, mùa màng tươi tốt và đặc biệt cũng là nâng cao ý thức, gìn giữ rừng – cái nôi nuôi sống cho cộng đồng người Mông.

Người Mông cúng thần rừng vào ngày đầu năm bởi đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm. Trong ngày làm lễ mọi người sẽ mang các lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Địa điểm này do thầy cúng là một người có uy tín, hiểu biết lễ nghi của trong dòng họ chọn. Lễ vật dâng lên thần rừng gồm dê, gà, đậu phụ và bánh trưng.

Thầy cúng đốt những tờ giấy bản ở Lễ cúng Thần rừng. Ảnh: Việt Cường

7 thg 1, 2021

Nhà cổ trăm tuổi giống dinh Vua Mèo

Diện mạo khá tương đồng với Dinh thự vua Mèo, ngôi nhà cổ Há Súng đang gây hiếu kỳ về giá trị kiến trúc và nguồn gốc lịch sử.

Cách ngã ba Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) chưa đến 3 km, ngôi nhà cổ thuộc thôn Há Súng khuất sau một thung lũng đá tai mèo của xã Lũng Táo. Với diện mạo khá tương đồng với Dinh thự vua Mèo nổi tiếng, ngôi nhà đang thu hút nhiều chú ý bởi giá trị kiến trúc đặc sắc và những dấu hỏi về nguồn gốc, lịch sử của nó.
Thôn Há Súng cách Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức chỉ 3 km, từ ngã ba Sà Phìn đi lên hướng cột cờ Lũng Cú. Nếu không chú ý, du khách sẽ rất khó vào được thung lũng này.

12 thg 10, 2020

Rực rỡ ánh chiều tà buông trên miền sơn cước

Khoảnh khắc hoàng hôn luôn đẹp lộng lẫy, gợi nhiều cảm xúc và tâm trạng. Trên những miền sơn cước xa vắng, núi rừng trùng điệp, ánh chiều tà buông tạo nên những khung cảnh mỹ lệ, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. 

Bộ ảnh này là những buổi chiều buông trên những chặng đường miền sơn cước để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc. Mỗi khoảnh khắc hoàng hôn trên núi ở một địa điểm là một sắc thái riêng. Dấu ấn không chỉ là hình ảnh được lưu lại mà cả những trải nghiệm, ký ức để thêm hiểu, cảm, trân trọng vẻ đẹp mà thiên nhiên, cuộc sống ban tặng. 

Chiều buông trên cao nguyên Mộc Châu 

14 thg 4, 2020

Mùa xuân ở Phố Trồ

Giữa thung lũng đá tai mèo khô khốc, Phố Trồ hiện ra như một bức tranh sơn thủy với những nếp nhà bao quanh hồ nước trong xanh. 

Phố Trồ là một thôn nhỏ gần trung tâm thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, cách cửa khẩu Phó Bảng chưa đầy 5 km. Địa danh này được trời ban vẻ đẹp non nước hữu tình, với điểm nhấn là hồ Rồng rộng 1 ha chưa bao giờ cạn, ở chính giữa thôn. Đây được cho là điều hiếm có ở cao nguyên đá, được người bản địa coi trọng và gìn giữ. 

26 thg 2, 2020

Thổ canh hốc đá

Một phương pháp canh tác nông nghiệp đặc trưng đang được đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá thuộc tỉnh Hà Giang áp dụng hàng nghìn năm qua đã thực sự khiến nhiều người phải khâm phục. Đó là hình thức thổ canh hốc đá với biết bao nhọc nhằn, gian truân trong cuộc chinh phục thiên nhiên, vươn lên chống chọi cái đói, cái nghèo ở miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Nhọc nhằn trên đá
Nếu ai chưa đến cao nguyên đá, chưa được tận mắt chứng kiến người dân canh tác trên đá thì thật khó có thể tưởng tượng nổi người nông dân nơi đây phải làm nông nghiệp vất vả và tốn nhiều mô hôi công sức đến mức nào. Đó là một cuộc mưu sinh không giống bất cứ nơi đâu. Bao đời nay, đồng bào có câu nói “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Dân ca Mông lại có câu “Loài cá sống ở nước/ Loài chim bay trên trời/ Người Mông sống ở núi”. Với 3/4 diện tích là núi đá, quanh năm hạn hán, sản xuất đều trông vào nước trời, cộng thêm do ở trên cao, xa khu dân cư nên việc chăm bón, thu hoạch không mấy dễ dàng. 

Cha cõng con đi cày trên đá. 

5 thg 2, 2020

Độc đáo lễ cúng thần rừng của đồng bào Pu Péo

Lễ cúng thần rừng là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc gắn với sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của đồng bào Pu Péo (thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Lễ cúng thần rừng phản ánh niềm tin của con người với thiên nhiên với trời đất và vạn vật và ý thức hướng về tổ tiên nguồn cội, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên đã phù hộ cho cháu con may mắn, mạnh khỏe, làm ra của cải vật chất có bát ăn, bát để... 

Nghi lễ linh thiêng
Tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo. Tại những nơi người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng được người dân giữ gìn và bảo vệ bởi những luật tục và những điều kiêng kỵ. Trong ý thức người dân, rừng cấm là nơi thần rừng cư ngụ và để có cuộc sống no đủ, gia đình được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được phép xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú...

Tay cầm cành cây, thầy cúng gọi mời thần rừng và các vị thần . Ảnh: Thanh Hà