Hiển thị các bài đăng có nhãn Bình Dương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bình Dương. Hiển thị tất cả bài đăng

28 thg 5, 2018

Chùa Tây Tạng có bức tượng Phật bằng tóc người lớn nhất Việt Nam

Ngôi chùa ở Bình Dương xây dựng theo phong cách Mật Tông Tây Tạng, có bức tượng Bồ Đề Đạt Ma làm từ tóc của hàng nghìn Phật tử. 

Chùa Tây Tạng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) xây dựng năm 1928 với tên gọi đầu tiên là Bửu Hương Tự. Năm 1937 chùa được đổi tên như ngày nay sau chuyến đi sang Tây Tạng nghiên cứu Phật học của vị trụ trì chùa. Ngày nay, chùa tọa lạc ở một ngọn đồi xung quanh phủ kín bóng cây xanh mát. 

13 thg 5, 2018

Lạ lẫm với hương vị cháo môn Lươn

Cháo môn là món ăn bình dị, phổ biến ở vùng nông thôn nhưng nay trở thành món ăn lạ lẫm bởi nhiều lẽ: không nhiều người nấu ngon và không dễ tìm được món ăn bình dị này. Dù môn có ở nhiều nơi nhưng khi nhắc đến cháo môn, người ta lại nhắc đến vùng đất Thủ, xứ Bình Dương.


Cháo được nấu từ gạo rang hoặc gạo vo sạch. Củ môn được gọt sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với gạo cho mềm. Khi cháo nhừ, củ môn đã vừa chín, người nấu hạ nhỏ lửa nhưng vẫn giữ cho nồi cháo sôi trên bếp. Bẹ môn được lột vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn.

2 thg 5, 2018

Ngôi chùa xưa trên mu rùa

Cù lao Rùa là một cù lao có hình dạng con rùa đang bơi trên sông Đồng Nai, hiện nay theo tên gọi hành chánh nó là xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thế nhưng ngày xưa Cù lao Rùa thuộc địa phận tỉnh Biên Hòa, và điều này phù hợp với truyền thuyết của ông bà ta ngày xưa, rằng Đồng Nai là vùng đất tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng, với Long là dòng sông Đồng Nai (tên cũ là Phước Long giang, con rồng mang phước), đầu rồng là núi Long Ẩn (Bửu Long), còn Quy chính là cù lao Rùa, còn gọi là Cồn Quy. Từ Long (Bửu Long) qua Quy (cù lao Rùa) chỉ mất vài phút với một chuyến đò ngang.

Ở Cù lao Rùa, có một gò đất cao 15 met (cao nhất nơi đây) được coi như mu rùa. Chính tại nơi này đã phát hiện một di tích khảo cổ, có niên đại cách nay 3.500 - 3.000 năm, cho thấy cộng đồng dân cư người Việt đã tồn tại ở đây hơn 3.000 năm trong tiến trình mở cõi của mình. Vì thế Cù lao Rùa đã được công nhận Di tích Khảo cổ cấp Quốc gia. Cũng trên mu rùa này có một ngôi chùa cổ, ngày xưa có tên là chùa Gò Rùa, còn tên chính thức của chùa là Chùa Khánh Sơn.


Đường lên chùa Khánh Sơn

24 thg 4, 2018

Khảo cổ học Cù Lao Rùa

Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) là một địa danh thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Có tổng diện tích là 277 hecta, được bao bọc bởi dòng chảy chính của sông Đồng Nai và dòng chảy phụ tẻ nhánh bao trọn cù lao nhập vào dòng chính và chảy xuôi về Sài Gòn. Trên cù lao là một ngọn đồi nổi cao 15m so với mặt bằng khu vực, có cấu trúc như hình mu rùa, có tọa độ địa lý 10058’47” vĩ bắc và 106047’17’’ kinh đông. Nơi đây, đã phát hiện một di tích khảo cổ, có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Nơi có đặc điểm về sinh thái, cộng đồng dân cư người Việt đã tồn tại hơn 300 năm vùng đất mới trong tiến trình mở cõi của dân tộc.

Cù lao Rùa (phía tay trái)

22 thg 3, 2018

Chùa núi Châu Thới

Chùa Núi Châu Thới là ngôi chùa xưa nhất của Bình Dương và là một trong những ngôi chùa hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ (ở nửa sau TK XVll). Chùa được xây trên ngọn núi Châu Thới (cao 82m) ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sách “Gia Định Thành Thông Chí" viết: “Núi Chiêu Thái (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”


18 thg 3, 2018

Nét đẹp lễ hội ở Thủ Dầu Một

TP Thủ Dầu Một - Bình Dương có nhiều lễ hội thu hút du khách, trong đó tập trung vào thời điểm tháng Giêng âm lịch hàng năm. Một trong những lễ hội lớn và thu hút du khách nhất là tại chùa Bà (còn gọi là miếu Bà Thiên Hậu). 

Toàn cảnh lễ hội chùa Bà ngày rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất - Ảnh: NGUYỄN TẤN TUẤN

Lễ hội chùa Bà 2018 thu hút lượng du khách lên đến hàng trăm ngàn người, nhưng tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tốt. Bà Nguyễn Thu Cúc - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một - cho biết năm 2018 chính quyền cùng người dân có sự chủ động, chuẩn bị từ sớm, nên duy trì và phát huy được nét đẹp mùa lễ hội.

8 thg 2, 2018

Bên trong lò gốm thủ công cổ nhất Bình Dương

“Lò lu Đại Hưng” có lịch sử trên 150 năm, là nơi sản xuất và bảo tồn nghề gốm truyền thống.

Lò gốm cổ Đại Hưng, hay thường được người dân quen gọi là Lò lu Đại Hưng nằm ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về phía bắc. Cái tên “Lò lu” xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ... dùng cho sản xuất nông ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa. Lò lu Đại Hưng hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống, với sản phẩm nghề đặc trưng truyền thống. Đây cũng là cơ sở sản xuất gốm thủ công lớn nhất Bình Dương với diện tích gần 11.000 m2 

15 thg 11, 2017

Đại Nam - nơi không còn giới hạn mọi đam mê

Khu du lịch (KDL) Đại Nam (1765A Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với Trường đua Đại Nam kể từ khi đi vào hoạt động đã đánh dấu chặng đường phát triển mang tính đột phá nhằm đáp ứng mọi nhu cầu về du lịch văn hóa - giải trí - thể thao của du khách. 

Bà Nguyễn Phương Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam chính là người nêu ý tưởng và là người điều hành trực tiếp Trường đua Đại Nam, mô hình trường đua phức hợp “5 trong 1” và là một sân chơi tầm cỡ quốc tế phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

Trong suốt 10 năm qua, Đại Nam không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ và đổi mới tầm nhìn chiến lược, đặt du khách là trung tâm của sự phát triển để phấn đấu trở thành một khu du lịch không chỉ đẹp từ các công trình mà còn hoàn hảo cả về chất lượng dịch vụ.

22 thg 8, 2017

Nhà thờ Phú Cường- Điểm nhấn kiến trúc của tỉnh Bình Dương

Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhiều năm qua phát triển mạnh mẽ với nhiều khu đô thị mới mọc lên nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng trong khu vực trung tâm thành phố vốn đã hình thành từ lâu đời. Nổi bật hơn cả ở đây là nhà thờ Phú Cường, một ngôi nhà thờ khang trang với kiến trúc đẹp bậc nhất Bình Dương nói riêng và các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung, mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử trên vùng đất này. 

Nhà thờ Phú Cường có tên gọi đầy đủ là Nhà thờ Chánh tòa giáo phận Phú Cường được xây dựng trên một gò đất ngay ngã 6 trung tâm, thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một. Điều này tạo nên một nét độc đáo trong bối cảnh kiến trúc của nhà thờ khi từ mọi ngả được về trung tâm thành phố, nhà thờ Phú Cường theo nhiều góc độ đã nổi bật lên từ phía xa.

Ngược dòng thời gian, từ năm 1864, một ngôi nhà thờ bằng gạch có kiến trúc kiểu Gothic đã được dựng lên tại đây. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, trên cùng vị trí, nhà thờ Phú Cường đã trải qua nhiều lần được trùng tu và xây mới. Đến năm 2009, theo xu thế hiện đại, nhà thờ Phú Cường đã được xây dựng bề thế với tổng thể kiến trúc là sự kết hợp giữa những ô cửa hình vòm, mái chóp nhọn của nhà thờ Thiên Chúa giáo và mái vòm điển hình của nhà thờ Hồi giáo.

Nhà thờ Phú Cường là nhà thờ có kiến trúc đẹp bậc nhất tỉnh Bình Dương.

26 thg 7, 2017

Guốc mộc Phú Văn

Làng nghề guốc mộc truyền thống Phú Văn (phường Phú Thọ, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) dù đang chịu nhiều cạnh tranh của các sản phẩm giày dép chất liệu da hay nhựa của thời đại công nghiệp nhưng vẫn đang tiếp tục tồn tại, cải tiến mẫu mã để thích ứng với thị trường như minh chứng cho một sức mạnh tiềm ẩn của nét văn hóa truyền thống.

Dấu ấn của làng nghề guốc mộc Phú Văn về một thời kỳ sung túc, gắn với cái tên đường “Xóm Guốc” vốn đã được người dân gọi từ lâu đời và được chính quyền địa phương công nhận vào năm 1999.

Chúng tôi về Xóm Guốc, hỏi ai cũng biết đến gia đình ông Sáu Dẻo - người tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha. 

Nguyên liệu để làm guốc mộc thường là gỗ loại gỗ xốp, nhẹ, dễ xẻ và dễ tạo dáng như mít, xoài.

15 thg 7, 2017

Thăm ngôi chùa “kỷ lục” trên đất Bình Dương

Chùa Hội Khánh ở Bình Dương sở hữu nhiều kỷ lục khác nhau, từ kỷ lục địa phương đến kỷ lục quốc gia và quốc tế.

Nằm trên một ngọn đồi thấp gần trung tâm TP.Thủ Dầu Một, chùa Hội Khánh là công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất của tỉnh Bình Dương.

22 thg 6, 2017

Vãn cảnh chùa Châu Thới

Nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn ở khu vực giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh, chùa Châu Thới nằm trên núi Châu Thới (xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một di tích và thắng cảnh đẹp nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng cùng lối kiến trúc và nhiều hiện vật đặc sắc về Phật giáo, thu hút du khách khắp nơi đến tìm hiểu, khám phá. 

Hình thành từ năm 1681, chùa Châu Thới được coi là ngôi chùa cổ nhất Bình Dương. Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ do thiền sư Khánh Long dựng lên. Hơn 330 năm qua, nhờ công đức Phật tử bốn phương, chùa Châu Thới đã trở thành một ngôi chùa lớn và có kiến trúc độc đáo như bây giờ.

Chùa nằm trên núi Châu Thới, ở độ cao 82 m so với mực nước biển, xung quanh cây cối xanh tốt. Vì xung quanh là đồng bằng nên vào những hôm thời tiết tốt, đứng cách xa hàng chục cây số vẫn có thể dễ dàng nhận ra ngôi chùa độc đáo này bằng mắt thường.

Vì tọa lạc trên núi nên để lên chùa Châu Thới, du khách có thể theo hai con đường, một là đi bộ lên 220 bậc xi măng; hai là từ dưới đường chạy xe thêm một đoạn sẽ thấy con đường dành cho xe đi thẳng lên núi. Riêng những bậc làm bằng xi măng này được các chư tăng xây đắp lên từ năm 1971. Thường thì du khách sẽ chọn phương án đi bộ lên núi theo những bậc tam cấp để vừa đi vừa vãn cảnh và có thời gian để chiêm nghiệm trong không gian thoáng đãng của hàng cây tỏa bóng mát hai bên.

Con đường gồm 220 bậc tam cấp dẫn lối lên chùa Châu Thới quanh năm rợp bóng cây xanh mát.

6 thg 6, 2017

Làng nghề heo đất Lái Thiêu

Làng nghề truyền thống làm heo đất Lái Thiêu đã trải qua gần nửa thế kỷ hình thành trên đất Bình Dương. Và cho tới ngày nay, những chú heo đất ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc, gắn bó với tuổi thơ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Về phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, hỏi làng nghề làm heo đất không ai mà không biết và chúng tôi cũng dễ dàng tìm thấy được các cơ sở đang sản xuất những “lứa” heo mới còn thơm nức mùi sơn. Giữa vùng đất đang chuyển mình từng ngày, quá trình đô thị hóa thực sự không ngăn nổi sức sống của làng nghề truyền thống heo đất đang được gìn giữ trong nhiều năm qua.

Thường làm nghề heo đất chủ yếu là lao động nữ. 

12 thg 1, 2017

Làng nghề chày thớt Phú Long

Làng nghề chày thớt Phú Long ở khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã tồn tại và phát triển từ hơn nửa thế kỷ qua. Đến nay, cái chày, tấm thớt Phú Long không những được ưa chuộng trên thị trường trong nước mà đã vươn xa ra thị trường các nước như: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Lái Thiêu xưa vốn là vùng đất hoang sơ, có nhiều rừng nên nghề mộc nơi đây phát triển rất sớm nhờ nguồn nguyên liệu gỗ phong phú. Theo những người có kinh nghiệm làm chày, thớt ở Phú Long, người sáng lập ra làng nghề này là ông Hai Thiệt. Ban đầu, từ những khúc gỗ thừa của các xưởng mộc trong làng, ông mang về để tận dụng làm thớt. Sẵn nguồn nguyên liệu, lại nắm bắt nhu cầu của bà con trong vùng, ông Hai Thiệt làm thớt để bán, rồi truyền nghề lại cho con cháu sau này. Làng nghề dần được hình thành từ thời điểm những năm 1960 của thế kỷ trước và cũng để ghi công ông Hai Thiệt, người làng sau đó gọi ông là Hai Thớt.

Hiện làng nghề chày thớt Phú Long có hơn 20 cơ sở lớn, nhỏ làm việc quanh năm. Nếu trước đây một cơ sở khoảng 20 người làm thủ công chỉ được 300 thớt/ngày thì bây giờ với sự hỗ trợ của máy móc có thể sản xuất được 2.000 thớt/ngày. Ở nhiều cơ sở sản xuất lớn, sản phẩm chày, thớt Phú Long còn đăng ký thương hiệu và bán trong các siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.

Những tấm thớt to bản còn nguyên vỏ cây khi được cưa ra từ thân cây gỗ nguyên liệu.

29 thg 9, 2016

Nghề làm heo đất ở Lái Thiêu

Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành trên đất Bình Dương, làng nghề heo đất Lái Thiêu (thị xã Thuận An) là nơi tạo nên những chú heo đất ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Sản phẩm heo đất Lái Thiêu hiện được tiêu thụ tại các tỉnh Tiền Giang, An Giang, các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, và còn xuất sang các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan... 

Giữa vùng đất đang thay đổi từng ngày của quá trình đô thị hóa, các cơ sở sản xuất heo đất ở Lái Thiêu vẫn nhộn nhịp sản xuất để cho ra đời những “lứa” heo mới, thơm nức mùi sơn như minh chứng cho sức sống của nghề này.

Tại cơ sở heo đất của gia đình bà Tăng Thị Tám, người đã có 3 đời và hơn 40 năm làm nghề này, gần chục công nhân đang sơn heo, vẽ họa tiết, trang trí để kịp giao hàng cho thương lái. Theo bà Tám, gia đình làm heo đất từ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, nhà bà còn có cả lò nung heo đất, từ làm đất, nặn đất sét, đổ khuôn, cho vào lò cho đến sơn phết, trang trí - đủ tất cả các công đoạn cho ra một chú heo đất. Tuy vậy, với việc hạn chế các lò nung thủ công gây ảnh hưởng đến môi trường, số lò ít dần và thường tập trung tại một số điểm hoặc sử dụng lò nung công nghiệp. Cơ sở của gia đình bà Tám cũng khoảng 30 cơ sở heo đất ở Lái Thiêu lúc này chủ yếu thực hiện các công đoạn từ lúc heo ra lò cho đến khi hoàn thiện.

Sản phẩm heo đất khi mới ra lò.

27 thg 9, 2016

Ngôi đình phim trường

Đình cổ Tân An (phường Tân An, Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nằm bên sông Sài Gòn, được mệnh danh là "Ngôi đình phim trường" vì không gian nơi đây đã từng là trường quay của rất nhiều bộ phim Việt Nam nổi tiếng. 

Đến Đình Tân An, du khách ấn tượng trước nét thơ mộng, rêu phong cổ kính với bộ rễ của cây đa trên trăm tuổi quấn chằng chịt trên nóc cổng đình. Vào năm 1896, vua Tự Đức ban sắc phong cho Đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình là nơi thờ Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long.

Theo các tài liệu xưa, Nguyễn Văn Thành là một bậc khai quốc công thần triều Nguyễn, từng được cử làm Tổng trấn Bắc thành. Ông là người chủ trì công việc xây dựng Khuê Văn Các tại Văn miếu Hà Nội (1805), công trình văn hóa được xem là một biểu tượng cho văn hiến của đất Thăng Long (Hà Nội). Tuy vậy, ông đã bị bọn nịnh thần ghen ghét, gièm pha với vua Gia Long nhân vụ án “văn chương” của con ông là Nguyễn Văn Thuyên vào năm 1817. Nhà vua nghi ngờ cha con ông có ý phản nghịch, nên đã bức tử ông và hơn nửa thế kỷ sau, năm 1868, ông mới được giải oan dưới triều vua Tự Đức 

Cổng Đình Tân An được người dân các thời kỳ trùng tu, trang hoàng mang nhiều nét kiến trúc trong văn hóa Việt .

6 thg 8, 2016

Chợ Thủ Bình Dương - xưa và nay

“Ai về chợ Thủ bán hủ, bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”…

Chợ Thủ Dầu Một được hình thành khoảng gần 2 thế kỷ, nằm gần sát sông Gài Gòn và các con đường bao quanh chợ; phía Bắc giáp với đường Nguyễn Thái Học, phía Nam giáp đường Bạch Đằng, phía Tây giáp đường Đoàn Trần Nghiệp; phía Đông giáp đường Trần Hưng Đạo. Nhìn từ xa, chợ giống như một con tàu với cột buồm đang lênh đênh trên mặt sông Sài Gòn. Chợ có vị trí khá thuận lợi cho việc trao đổi và buôn bán với các tỉnh miền Tây, các vùng lân cận.

Chợ Thủ luôn giữ vị trí là một trung tâm thương mại tiêu biểu của Bình Dương, đồng thời cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng chính vì thế, chợ Bình Dương không chỉ là nơi mua bán mà còn là một biểu trưng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của Bình Dương và Nam Bộ.

29 thg 7, 2016

Nét đẹp miếu Bà Bình Nhâm

Miếu Bà Bình Nhâm là ngôi miếu cổ tọa lạc tại KP.Bình Phước, P.Bình Nhâm, TX. Thuận An. So với những ngôi miếu khác, miếu Bà Bình Nhâm về vẻ đẹp trong kiến trúc cũng như vẻ bề thế đều có thể được xếp vào hàng nhất tỉnh.

Miếu Bà Bình Nhâm được xây dựng từ năm 1914, do sự chung tay đóng góp của bà con trong vùng. Miếu được dựng lên, thờ Bà Chúa Xứ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân khi cần đấng thần linh che chở cho nhân dân, bảo vệ quê hương xóm ấp. Ban đầu, miếu chỉ có gian chánh điện. Năm 2002, dưới sự phát động của Ban Trị sự, miếu Bà Bình Nhâm được nhân dân trong vùng xây dựng lại khang trang, to đẹp và có kiến trúc như hiện nay. Là một trong số ít ngôi miếu có tuổi đời hơn 100 năm, đi qua hai cuộc chiến tranh, chứng kiến sự đổi thay của quê hương đất nước, miếu Bà Bình Nhâm thực sự là một nhân chứng lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều giá trị về văn hóa.

Miếu Bà Bình Nhâm. Ảnh: Đ.T

11 thg 7, 2016

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, Tp. Thủ Dầu Một) là nơi được coi là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật không chỉ của tỉnh Bình Dương mà của cả vùng Nam Bộ. Với những giá trị nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà tính cách Á Đông, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp hiện đã xuất đi nhiều nước trên thế giới. 

Khoảng giữa thế kỷ 18, những người thợ sơn mài từ vùng đất miền Trung trong quá trình di dân đã mang theo nghề sơn vào xứ Đồng Nai, Gia Định, trong đó có Tương Bình Hiệp. Ban đầu, làng nghề mới chỉ có vài hộ chuyên làm sơn son, thếp vàng và pha chế sơn then. Về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần phát triển, thợ sơn mài ở đây mới trở nên nổi tiếng khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh.

Cùng thời gian, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được truyền qua nhiều thế hệ khi những nghệ nhân tâm huyết mở ra các lớp đào tạo nghề. Sự xuất hiện của xưởng sơn mài Thanh Lễ vào thập niên 50 của thế kỷ trước đã đánh dấu một bước phát triển mới cho làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Từ đây, làng nghề xuất hiện rất nhiều các nghệ nhân tài hoa, xuất sắc như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trương Văn Cang, Trần Văn Nam và một số thầy giáo Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một như: Châu Văn Trí, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Tuyền, những người góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển của làng nghề. Đã có nhiều cơ sở sơn mài mọc lên, sản phẩm sơn mài cũng ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng của khách hàng và Tương Bình Hiệp đã trở thành một thương hiệu sơn mài nổi tiếng.

Nguyên liệu màu sử dụng để sáng tạo các sản phẩm sơn mài ở làng nghề Tương Bình Hiệp .

21 thg 6, 2016

Chuyến tàu ngoại ô

Sau hơn một tháng đưa vào hoạt động, chuyến tàu ngoại ô đi từ ga Sài Gòn đến ga Dĩ An (Bình Dương) và ngược lại đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Chỉ với 10.000 đồng, hành khách đã có một chuyến hành trình đầy thú vị, độc đáo nhưng không kém phần hấp dẫn. 

Chúng tôi có mặt tại ga Sài Gòn vào 8h sáng ngày chủ nhật, con tàu chuyển bánh qua ga Gò Vấp, Bình Triệu, Sóng Thần và điểm cuối là ga Dĩ An. Các hàng ghế trên toa không còn một chỗ trống. Những ánh mắt trong veo của các em nhỏ nhìn qua ô của kính trên tàu lạ lẫm, cuốn hút khi thế giới ngoài kia chuyển động không ngừng. Mỗi lần tàu chạy qua cầu hay qua con sông, các em nhỏ ồ lên và vỗ tay thích thú khiến cho mọi người cảm thấy khoan khoái. Đó là chuyến đi đáng nhớ của tuổi thơ.

Ý tưởng chuyến tàu ngoại ô được Tổng công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thực hiện để nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc, kẹt xe của Thành phố và san sẻ một phần vận chuyển hành khách với các phương tiện giao thông công cộng khác. Có thể nói, chuyến tàu ngoại ô đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của hành khách, cho thấy rõ hiệu quả khi mỗi ngày có hơn 3500 lượt hành khách tham gia. Những ngày cuối tuần, ngày lễ lên đến hơn 6000 hành khách/ngày.

Chuyến tàu ngoại ô bắt đầu từ ga Sài Gòn.