Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng Tháp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng Tháp. Hiển thị tất cả bài đăng

4 thg 6, 2018

Hòa An - Làng nhà sàn độc đáo ở Cao Lãnh

Ít ai biết rằng, có một làng nhà sàn khiêm tốn, rộng hơn 2ha tên là Hòa An, nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929) từng sinh sống những năm cuối đời, nay thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 

Ảnh: DƯƠNG MINH BÌNH

Làng nép mình bên con rạch nhỏ với những bến nước, cầu khỉ, vó cá, ụ rơm, chiếc xe bò. Những con đường làng thân thuộc với hàng dừa xen lẫn ô môi, cà na, bằng lăng, sanh, điên điển, súng, sen… và cây ăn trái đặc trưng.

29 thg 4, 2018

Thăm làng chiếu Định Yên

Làng chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm, nơi mà 70% hộ dân theo nghề làm chiếu.

Chợ chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) là một khu chợ độc đáo, tồn tại và phát triển từ hơn một thế kỷ. Manh chiếu, chiếc chiếu, đôi chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt. Hơn thế, nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảm của bản thân, gia đình

12 thg 4, 2018

Đậm đà hương vị hủ tíu Sa Đéc

Người dân, du khách từ khắp mọi miền, đặc biệt là du khách nước ngoài trong hành trình khám phá vùng sông nước Nam Bộ thường tìm cách ghé lại Sa Đéc để có dịp thưởng thức món hủ tíu thơm ngon đặc biệt. Nước dùng trong, ngọt kết hợp với bánh hủ tiếu màu trắng sữa, tạo nên sự hòa quyện tinh tế của nhiều phong cách ẩm thực.

Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là một vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa nơi miền Tây Nam Bộ. Đất đã làm nên hồn người và còn kết tinh nên hương vị cho món hủ tíu Sa Đéc.

Chúng tôi tìm đến quán hủ tíu Mỹ Ngọc ở phường 2, quán hủ tíu tồn tại gần nửa thế kỷ ở Sa Đéc. Bà chủ Nguyễn Thị Nương chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển về đây vào năm 1970 với nghề hủ tíu gia truyền từ Nam Vang (Campuchia). Bà và mẹ tôi đã kết hợp với khẩu vị riêng của người dân Sa Đéc cùng sợi hủ tíu truyền thống nơi đây để tạo nên hương vị riêng cho thương hiệu hủ tíu của mình. Tôi năm nay đã 65 tuổi và con gái tôi là thế hệ thứ 4 vẫn tiếp tục theo nghề hủ tíu…”.

Món hủ tíu Sa Đéc cần các nguyên liệu cơ bản gồm tôm khô, củ sắn.

6 thg 3, 2018

Bên trong ngôi chùa tồn tại xuyên 3 thế kỷ ở Sa Đéc

Chùa Phước Hưng được xây dựng từ thế kỷ 19, vẫn còn giữ được nét cổ kính, khang trang cho đến ngày nay. 

Chùa Phước Hưng hiện tọa lạc tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Công trình được một nhóm người Hoa xây dựng vào năm 1838, đến nay đã 180 năm. Mang dáng dấp của các công trình kiến trúc Hoa, nơi đây là địa chỉ thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp lễ, Tết. 

18 thg 2, 2018

Ngôi làng hơn trăm năm trồng hoa 'không chạm đất' ở Sa Đéc

Hầu hết hoa kiểng ở làng hoa Tân Quy Đồng đều được trồng hoặc treo trên giàn, tạo nét khác biệt và thu hút nhiều khách chụp ảnh. 

Làng hoa Sa Đéc nằm ở xã Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cách trung tâm TP HCM khoảng 150 km. Được phù sa dòng sông Tiền quanh năm bồi đắp cùng khí hậu thuận lợi, đây được coi là một trong những vựa hoa lớn nhất cả nước. 

3 thg 2, 2018

Vườn hồng “độc”, “dị” ở Sa Đéc

Tại khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc - tỉnh Đồng Tháp) có một vườn hồng vừa “độc” lại vừa “dị” bậc nhất Làng hoa Sa Đéc. Đó là “Vườn hồng” Tư Thắng của ông chủ trẻ tên Thắng, thứ tư trong gia đình nông dân Nam bộ.

Gọi là “độc” vì trên diện tích hơn 6.000 
m2 của mình, anh Thắng chỉ trồng mỗi loài hoa hồng và chỉ toàn loại hồng “bô lão”. Cây có tuổi đời nhỏ nhất cũng tầm 3 năm tuổi, có cây lên đến gần 40 tuổi. Nhưng quan trọng hơn là gần 70 giống hồng có mặt ở đây đều là hàng tuyển từ nhiều loại hồng độc trong và ngoài nước. 

Vì vậy, hồng ở đây không chỉ đa dạng về sắc mà phần lớn lại có mùi thơm rất quyến rũ. Đặc biệt hơn là cây nào cũng cho hoa to, đẹp vì được trồng theo công nghệ mới: Sử dụng phân sinh học, mái che,...

Đây được xem như lối kinh doanh "dị" trong Làng Hoa Sa Đéc, vì chỉ thu hút được duy nhất khách hàng thích hoa hồng. Trong khi đó, hầu hết các chủ vườn hoa ở đây đầu tư hoa kiểng rất đa dạng chủng loại, màu sắc để đáp ứng mọi nhu cầu từ “thượng vàng hạ cám” nên thu hút mọi đối tượng khách hàng.

1 thg 2, 2018

Lấp Vò - Những điểm đến

Từ khi có Khu Du lịch văn hóa Phương Nam (KDLVHPN) (xã Long Hưng A), tiềm năng du lịch của huyện Lấp Vò dần được “đánh thức”, ngày càng có nhiều du khách biết những điểm đến của địa phương. Đây là cơ sở để huyện tập trung đầu tư bài bản cho du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm những điều thú vị của vùng đất có sông Tiền và sông Hậu đi qua.

Khu Du lịch văn hóa Phương Nam

28 thg 12, 2017

Những ngôi nhà ở làng Hòa An với cụ Nguyễn Sinh Sắc

Cách đây 100 năm, tại làng Hòa An, nhất là dọc theo con rạch Cái Tôm có rất nhiều ngôi nhà gắn với quãng đời hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Nhà của ông Lê Quang Hiển

Năm 1917, ông Lê Quang Hiển - cha vợ của ông Diệp Văn Kỳ, một điền chủ ở Cao Lãnh - mời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về nhà của ông chơi. Cụ Sắc ở tại nhà ông Hiển vài ngày rồi đến rạch Cái Tôm, làng Hòa An sống, hoạt động. Mặc dù chỉ ở một thời gian ngắn ngủi, nhưng có thể nói, ngôi nhà của ông Lê Quang Hiển là địa điểm đầu tiên lưu dấu chân cụ Sắc khi đến với vùng đất Cao Lãnh.

20 thg 12, 2017

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp

Lễ giỗ lần thứ 88 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm nay được tổ chức theo quy mô cấp Tỉnh, diễn ra trong ba ngày từ 12-14/12.

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khánh thành ngày 13/12/1977, là công trình ghi ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước và là thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

14 thg 12, 2017

Đắm mình trong thế giới chim muông hoang dã Tam Nông

Một ngày ở rừng tràm Tam Nông tuy ngắn ngủi nhưng tôi đã mua được sự kiên trì, lòng thương cảm và biết bao cảm xúc khi đắm mình trong thế giới chim muông hoang dã Nam Bộ, mà trước đó dù có mơ cũng không thể thấy.

Cảnh điên điển "rút ruột nuôi con" 

Vườn quốc gia Tam Nông (Đồng Tháp) chẳng phải là chỗ lạ. Nhưng, vào được vùng lõi của vườn để ngắm chim là một chuyện hoàn toàn khác, mà các anh kiểm lâm ở đây cũng bảo rằng với khách, điều đó đếm trên đầu ngón tay! Và tôi có được diễm phúc đó...

22 thg 10, 2017

Về đồng ăn sen

Ở miền Tây Nam bộ, sen mọc rất nhiều ở vùng trũng Đồng Tháp Mười đến độ được coi như là thực vật đặc trưng: Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/ Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười (ca dao). Nhiều thành phần của sen có mặt trong ẩm thực dân gian vùng đất này.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

20 thg 10, 2017

Du ngoạn làng lò gạch

Mỗi lần bay ngang bầu trời Nam bộ, ngoài bạt ngàn xanh cây trái và sông nước uốn lượn thì đập vào mắt du khách là những cụm tháp nâu đỏ nổi bật. Có dịp vào bên trong lại ngỡ là những Tháp Chàm hay các đền tháp cổ xưa. Thật ra là những lò gạch. 

Chưa ai biết rõ kỹ thuật xây lò để nung gạch có từ bao giờ và xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng gạch là vật liệu chính được làm từ đất sét nung để xây dựng từ xa xưa.

Di chỉ khảo cổ với hiện vật gạch được tìm thấy ở khu vực gần sông Tigris (Trung Đông) có niên đại 7.500 trước Công nguyên. Phải là đất sét mới làm được gạch.

Đất trộn với nước, nhồi nhuyễn và đưa vào khuôn đóng thành viên, màu nâu xám, phơi hoặc sấy khô rồi chất vào lò. Lò đốt bằng củi, các loại than trấu, khí đốt…suốt nhiều giờ.

Khi gạch "chín", chuyển sang màu đỏ hoặc nâu sẫm. Trải mấy ngàn năm, hình dạng gạch gần như không thay đổi, ban đầu là gạch chỉ, còn gọi là gạch thẻ (đặc), sau này có thêm gạch tàu (vuông), gạch ống.

Một góc làng Lò gạch An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp

5 thg 10, 2017

Chùa Lá Sen - điểm đến hot nhất miền Tây mùa nước nổi

Vào mùa nước nổi, lá sen "vua" chịu được sức nặng tối đa 140 kg khiến nhiều du khách tò mò ghé chùa Phước Kiển, Châu Thành, Đồng Tháp. 


Cứ dịp tháng 9, 10 vào mùa nước nổi miền Tây, ngôi chùa nhỏ ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp lại nườm nượp người ghé thăm, chủ yếu vì tò mò loài hoa sen "vua" có lá to, có thể ngồi lên. Buổi sáng khoảng 9h trở đi rất đông khách, vì khung cảnh lúc này đẹp hơn khi trưa nắng. 

10 thg 9, 2017

Thương lắm cà na

Hồi tôi còn nhỏ, nội tôi nói: Xã Long Thắng, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là nguồn gốc của trái cà na. Bởi thế mới có câu ca dao: “Long Thắng là xứ quê mùa. Đi thăm cháu ngoại cho “vùa” cà na”.

Cà na dầm muối ớt Ảnh: Tô Phục Hưng

Mỗi lần về thăm quê bên Đồng Tháp, nội thường mua cà na ngâm nước muối đường về làm quà cho con cháu.

6 thg 6, 2017

Chuyện khởi nghiệp của ông Năm Phích 90 tuổi

Điểm du lịch của một lão nông 90 tuổi mới hình thành hơn năm tháng đã thu hút đông đảo nhiều lượt du khách đến tham quan. 

Cuối tháng 12-2016, Khu du lịch (KDL) sinh thái vườn xoài Thiện Thành của cụ ông Lê Văn Thành, mọi người hay gọi là Năm Phích (ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) chính thức khai trương. Với ông Năm Phích, đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông, một lão nông thứ thiệt không biết gì về du lịch, quanh năm suốt tháng chỉ quen với việc đồng áng.

Quyết làm giữa khó khăn trăm bề
Ông Năm Phích cười khà khà khi nhắc đến làm du lịch của mình: “Khó khăn trăm bề chứ tưởng giỡn. Tui cũng lận đận, lao đao nhiều thứ lắm rồi mới làm được”.

Đó là mối nhân duyên mà cho đến bây giờ ông Năm Phích không nghĩ nó sẽ vận vào người mình một cách tự nhiên như vậy. “Hơn nửa năm trước, mấy chú trên tỉnh có về thăm tui rồi gợi ý tui làm đi. Lúc đó tui cũng đắn đo nhiều thứ lắm, mình làm nông, trồng cây mấy chục năm nay có biết gì mà làm du lịch này kia...” - ông Năm Phích kể lại.

5 thg 6, 2017

Về Đồng Tháp thưởng thức ốc treo giàn bếp

Ốc treo giàn bếp là một trong những món ăn nghe khá lạ tai với nhiều người. Nhưng với người dân Đồng Tháp thì đây là một đặc sản không thể thiếu.

Ốc treo giàn bếp
Ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cứ vào mùa lũ rút, nội đồng bắt đầu khô cạn, cá rút xuống ao đìa, sông rạch trú ẩn cũng là dịp để bà con tát đìa bắt cá, tôm và nhiều loại khác như rắn, rùa, cua, ếch , ốc.

Nói đến ốc lúc này nhiều người chê vì cho rằng bắt ốc làm gì phải xách mỏi tay. Tuy nhiên, chỉ có dân “ghiền” hay người sành điệu, biết thưởng thức mới bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp chờ những tháng khô hay những ngày Tết mới dùng đến.

30 thg 4, 2017

Chùa Bửu Lâm - Đồng Tháp

Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ ở Nam Bộ có tuổi đời trên 300 năm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của địa phương, là một chứng tích đánh dấu sự hiện diện khá sớm của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, 70 tuổi, người đã từng có thời gian ẩn náu, chiến đấu tại chùa Bửu Lâm kể lại: “Hồi đó chiến tranh ác liệt, tui cùng nhiều đồng chí được nhà chùa và nhân dân nuôi chứa dưới các hầm bí mật nhờ vậy mới thoát được sự càn quét, truy lùng của địch. Từ đó chùa này được tụi nó đặt tên là chùa “Việt Cộng”…

Hướng dẫn chúng tôi ra xem tận mắt một gốc cây sộp rất khổng lồ, bà Xuyến nói thêm: “Dưới gốc cây này là hầm chứa được khoảng 20 cán bộ của ta. Do bị người dân tuyên truyền tác động về sự huyền bí, linh thiêng của ngôi chùa nên bọn giặc rất hoang mang lo sợ không dám bắn phá vào cây sộp này. Thậm chí mỗi khi ngang qua gốc cây này, chúng còn dừng lại thắp nhang cầu nguyện được yên ổn.

Gốc cây sộp nơi có hầm bí mật nuôi chứa cán bộ

27 thg 4, 2017

“Vương quốc” quýt hồng Lai Vung

Nằm bên dòng sông Hậu được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) được biết đến là “vương quốc” quýt hồng của vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long. Loại trái cây này đã trở thành sản vật đặc biệt với hương vị thơm, ngọt, vỏ mỏng ít hạt, đang là mặt hàng giúp người nông dân nơi đây làm giàu.

Dọc theo hai con đường liên xã ở huyện Lai Vung là màu sắc bắt mắt của quýt hồng đang vào độ chín. Quýt hồng chủ yếu được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu. Với diện tích canh tác gần 2000ha, mỗi năm, vùng quýt hồng Lai Vung cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 tấn. Hiện nay, quýt hồng Lai Vung có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã được xuất khẩu đi một số nước trên thế giới.

Giá quýt hồng thường dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Những năm được mùa, giá có thể lên đến 30.000đ/kg mà vẫn không đủ hàng để bán. Đặc biệt, cũng giống quýt hồng Lai Vung, cũng một kỹ thuật canh tác, nhưng khi đưa về trồng ở vùng khác, chủ yếu quanh khu vực châu thổ sông Cửu Long lại cho năng suất không cao, trái quýt cũng không ngon ngọt, đẹp, năng suất cao như ở Lai Vung. Chính vì vậy, vùng đất này được người dân Đồng bằng Sông Cửu Long mệnh danh là "Vương quốc quýt hồng".

Với diện tích gần 2.000 ha trồng quýt và hàng năm cung cấp cho thị trường trên 40.000 tấn/ năm, vùng đất Lai Vung được người dân Đồng bằng Sông Cửu Long mệnh danh là "Vương quốc' quýt hồng. Ảnh: Công Đạt

3 thg 4, 2017

“Xứ sở ngàn hoa” đất phương Nam

Nằm bên dòng sông Tiền phù sa màu mỡ, làng hoa ở Tp. Sa Đéc (Đồng Tháp) đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua, được ví như “xứ sở ngàn hoa” của đất phương Nam. Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc hiện đang cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước. 

Nghề trồng hoa ở Sa Đéc có từ đầu của thế kỷ 20, xuất phát từ một số hộ trồng hoa cảnh ở xã Tân Quy Đông. Ban đầu, họ trồng chủ yếu để trang trí và làm quà biếu trong dịp Tết. Dần dần, số hộ trồng hoa tăng lên và mục đích trồng hoa cũng thay đổi, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, mua bán.

Hoa ở Sa Đéc không có mùa rõ rệt, dường như quanh năm lúc nào cũng có hoa, hoa từ các vườn nhỏ, ruộng to được tập kết về bến sông chuẩn bị cho cuộc hành trình đến tay những người tiêu dùng. Hoa cảnh Sa Đéc theo mọi ngả đường đi khắp miền Nam, miền Trung, thậm chí ra cả miền Bắc để phục vụ thú chơi của người dân cả nước.

Một vườn ươm hoa giống của làng hoa tại Sa Đéc. Ảnh: Công Đạt

27 thg 3, 2017

Hoa nhĩ cán nhuộm tím dòng kênh Đồng Tháp

Hàng triệu nhánh hoa nhĩ cán nhỏ xíu vươn lên khỏi mặt nước và nở rộ khiến con kênh nội đồng Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) như một tấm thảm tím thẫm.

Nhĩ cán tím hay còn gọi là rong ly tím là hoa của một loại rong sống ở vùng nước ngập mặn Tây Nam, đặc biệt là tại các khu vực bảo tồn thiên nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, Đồng Tháp.