5 thg 10, 2011

Đi về đâu hỡi em?

Chuyện về Long Khánh và Xuân Lộc

Tôi sinh ra ở Xuân Lộc, Long Khánh. Giấy khai sinh ghi như vậy. Điều này hoàn toàn chính xác, vì hồi đó có tỉnh Long Khánh, quận Xuân Lộc là tỉnh lỵ.

Tỉnh Long Khánh được chính quyền Sài Gòn thành lập vào ngày 24/4/1957, gồm 2 quận Xuân Lộc và Định Quán. Tỉnh lỵ đặt tại Xuân Lộc. Đến năm 1967, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Kiệm Tân thuộc tỉnh Long Khánh. Tỉnh Long Khánh có 3 quận: Xuân Lộc, Định Quán, Kiệm Tân và tồn tại cho đến tháng 4 /1975, tỉnh lỵ vẫn là Xuân Lộc.


Vị trí tỉnh Long Khánh trên bản đồ VNCH năm 1967

Sau ngày 30/4/75, tỉnh Long Khánh không tồn tại nữa. Quận Xuân Lộc biến thành huyện Xuân Lộc, thuộc tỉnh Đồng Nai.

 
Ngày 10/4/91, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định số 107, theo đó huyện Xuân Lộc được tách thành 2 huyện: huyện Xuân Lộc và huyện Long Khánh.

Từ đây bắt đầu lộn xộn.



Tại sao? Vì huyện lỵ của huyện Long Khánh là thị trấn Xuân Lộc, còn huyện lỵ của huyện Xuân Lộc là Gia Rây.

Đón xe đò, nếu lơ xe hỏi: Đi về đâu hỡi em? mà trả lời là Xuân Lộc (theo thói quen của người ngụ cư lâu ở Long Khánh) thì coi chừng sẽ được thả xuống không phải ở huyện lỵ Xuân Lộc của huyện Long Khánh mà sẽ được chở tuốt lên huyện Xuân Lộc (cách đó gần 30 cây số!).


Không chỉ địa danh hành chính, mà đa số các công trình ở Long Khánh đều mang tên Xuân Lộc. Thí dụ: Bệnh viện Xuân Lộc, nhà thờ chánh tòa Xuân Lộc... Thế đó, mang tên Xuân Lộc, nhưng không phải ở Xuân Lộc mà là ở Long Khánh. Ở Long Khánh, nhưng cụ thể hơn thì là ở Xuân Lộc, thị trấn Xuân Lộc thuộc huyện Long Khánh (các bạn có thấy là lộn xộn không?)


May quá, 12 năm sau đã bớt lộn xộn! Ngày 21/8/2003, thị xã Long Khánh được thành lập theo Nghị định số 97/2003/NĐ-CP của Chính phủ (trên cơ sở huyện Long Khánh). Tức là không còn thị trấn Xuân Lộc ở huyện Long Khánh nữa. Long Khánh là Long Khánh, Xuân Lộc là Xuân Lộc.



Bản đồ huyện Long Khánh & Xuân Lộc năm 2003

Bớt lộn xộn thôi, chứ không phải là hết. Bởi vì vẫn còn những công trình ở Long Khánh mang tên Xuân Lộc. Đặc biệt là các tên gọi theo công giáo. Chúng ta biết rằng công giáo có cách phân chia giáo phận không theo địa giới hành chính của Nhà nước. Giáo phận Xuân Lộc là một giáo phận rất lớn (bao gồm luôn cả Biên Hòa). Trung tâm giáo phận Xuân Lộc nằm ở đâu? Ở Long Khánh chứ không phải ở Xuân Lộc. Thế cho nên nhà thờ chánh tòa Xuân Lộc, đại chủng viện Xuân Lộc... đều nằm ở Long Khánh (không phải ở Xuân Lộc).


Còn nữa, vì giấy khai sinh của tôi (và chắc chắn là của nhiều người khác nữa) ghi như trên (Nơi sinh: Xuân Lộc, Long Khánh) thì nếu khi khai lý lịch tôi khai đúng theo giấy khai sinh, sẽ hiểu là tôi sinh ở đâu? Xuân Lộc hay Long Khánh?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét