19 thg 7, 2018

Ngọn hải đăng trên bán đảo Sơn Trà

Nằm im lìm giữa núi rừng Sơn Trà hùng vĩ, ngọn hải đăng cổ Sơn Trà là một trong những địa danh ít người biết nhưng lại đẹp nổi bật giữa non nước xanh bạt ngàn. Đây là địa điểm du lịch lý tưởng khi du khách đến thăm Đà Nẵng.

Hải đăng Sơn Trà hay còn gọi là hải đăng Tiên Sa, nằm tại đỉnh Hòn Sơn Trà với độ cao khoảng 223m so với mặt nước biển, là một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ XX do Pháp xây dựng. Ảnh: PHƯỚC DANH 

Hoang sơ Bãi Rạng

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 5km, Bãi Rạng (bán đảo Sơn Trà) vẫn giữ nguyên nét đẹp ban sơ với cát vàng mịn màng, nước biển xanh thẳm, ghềnh đá nhấp nhô... Đây được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất của thành phố.

Chỉ khoảng 10 phút chạy xe máy men theo đường Hoàng Sa, qua khỏi chùa Linh Ứng Sơn Trà, bạn sẽ thấy ngay đường xuống Bãi Rạng. Gửi xe xong, đi bộ một chút xuống ghềnh, toàn bộ khung cảnh biển được bao bọc bởi núi và những rặng cây xanh rì sẽ hiện ra, làm mê hoặc du khách.


Khung cảnh biển được bao bọc bởi núi và những rặng cây xanh rì làm mê hoặc du khách. Ảnh: Internet 

Về thăm chùa Nổi

Giữa vùng bồn trũng, Gò Chùa Nổi, ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An nổi lên, có đường kính tối đa 100m, mặt gò cao hơn mặt ruộng xung quanh 3-4m, được bao phủ bởi những đám cây dầu cổ thụ cao vút và một số cây trôm cổ thụ lâu đời. Thời chiến tranh, hầu hết quần thể cây cổ thụ này bị hủy diệt, ngày nay, còn lại 5 cây dầu và cây trôm mõ sống cùng thời gian như một “chứng nhân” lịch sử.

Toàn cảnh Gò Chùa Nổi (nhìn từ cầu treo trên sông Vàm Cỏ Tây) 

Gò Chùa Nổi là di tích khảo cổ học thời tiền sử. Vì nằm trên gò đất cao giữa vùng bồn trũng nên mỗi mùa lũ, kể cả trận lũ lịch sử năm 2000, chùa Nổi vẫn không bị ngập.

Đặc sắc Lễ cúng mừng được mùa của người M’nông

Trong khuôn khổ Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức vào các ngày 18-23/7 tới, Lễ mừng Mùa bơ chín với việc tái hiện nghi lễ cúng mừng được mùa sẽ được tổ chức tại xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) do Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, các nghệ nhân đang triển khai luyện tập các tiết mục theo đúng nghi lễ cổ truyền.

Dệt thổ cẩm, đan lát sẽ trình diễn tại Lễ mừng được mùa 

Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào M’nông có một hệ thống lễ nghi vô cùng đa dạng, mỗi nghi lễ có một ý nghĩa riêng biệt. Trong đó, Lễ cúng mừng được mùa được đồng bào thực hiện ngay sau vụ thu hoạch, nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon làng một mùa vụ no đủ, cây trái sum suê…

Thú vị con đường "ẩm thực" Quảng Ngãi

Tại Quảng Ngãi có một "con đường ẩm thực” với nhiều món ăn vừa miệng, hấp dẫn. Đó là đường Nguyễn Bá Loan (đoạn từ đường Trương Quang Trọng đến Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi). Chỉ một đoạn ngắn, nhưng con đường luôn sôi động, tấp nập vào buổi sáng và buổi chiều, với những hàng quán thu hút đông đảo thực khách. 

Đến với đường Nguyễn Bá Loan, bạn có thể dễ dàng chọn cho mình món ăn yêu thích. Chỉ tính riêng món cháo cũng đa dạng với cháo vịt, cháo lòng, cháo lươn, cháo xương, cháo thịt bò. Đến với quán cháo vịt bà Hai, ngoài món cháo ăn kèm với thịt vịt luộc vừa chín tới, miếng thịt mềm dai, thơm ngon, quán còn có món lòng chưng nghệ và hẹ. Hay như món cháo lươn nấu với đậu xanh, củ nén bổ dưỡng; chủ quán còn chuẩn bị sẵn nghệ tươi xay nhuyễn cho khách hàng thoải mái cho vào bát cháo nóng hổi.

Còn quán cháo lòng bà Bảy được nhiều người biết đến bởi “bí quyết” luộc thịt, lòng vẫn giữ vị ngon ngọt, chấm với nước mắm ớt tỏi đậm đà. Ông Bảy, chủ quán cháo lòng cho biết, ban đầu quán cháo bán tại chợ Quảng Ngãi rất đông khách. Sau khi chợ bị cháy và xây lại chợ mới, nên chuyển quán về nhà trên đường Nguyễn Bá Loan. Quán vẫn duy trì lượng khách ổn định và được nhiều người ưa chuộng.


Con đường “ẩm thực” Nguyễn Bá Loan luôn nhộn nhịp mỗi sáng sớm và xế chiều. 

"Kho báu" từ những con tàu cổ

Con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Dung Quất thuộc thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận (Bình Sơn) được phát hiện cuối tháng 7.2017 khi đơn vị thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu ở cảng Hào Hưng. Đây là con tàu thứ 7 được phát hiện trên vùng biển Quảng Ngãi.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng với Sở VH-TT&DL hiện đang khẩn trương triển khai công tác khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển này.

Kết nối quá khứ và hiện tại 


Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Ngay trong khuôn viên của cảng biển Dung Quất đang phát triển kinh tế hết sức mạnh mẽ, lại có một công trình văn hóa khai quật tàu cổ xuất hiện. Điều này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa quá khứ phát triển sầm uất và hiện tại".

Nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ 2 từ phải sang) và các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu trong nước khảo sát vị trí khai quật tàu đắm tại vùng biển Dung Quất..