14 thg 7, 2012

Lược sử con đường cái quan

Đường Cái quan còn gọi là đường Quan lộ, đường Quan báo, đường Thiên lý [1], đường xuyên Việt; nay chính là Quốc lộ I A, chạy dài từ km 0 tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến km 2301 + 340m tại thị trấn Năm Căn (Năm Căn, Cà Mau) trên lãnh thổ Việt Nam. Được hình thành dưới thời nhà Lý và kéo dài cho đến tận thời Nguyễn, đường cái quan đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế cũng như quốc phòng. Nó góp phần to lớn trong công tác quản lý đất nước, do vậy nhà Nguyễn đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát triển tuyến đường huyết mạch này.

I. Lịch sử hình thành:

1.1 Trước thời nhà Nguyễn:

Quốc lộ 1 - đoạn qua Quảng Bình

Ở buổi đầu dựng nước và sau đó, Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, nhân dân chỉ sống trong vòng kinh tế “tự cung tự cấp”, nếu cần giao lưu từ vùng này sang vùng khác người ta thường sử dụng đường thủy. Song về mặt quản lý lãnh thổ, nhà nước vẫn phải có đường để nối liền các địa phương, vì thế đường bộ Việt Nam đã ra đời. 

Trước khi có đường Cái quan, dưới thời Lý Thái Tông (ở ngôi: 1028-1054), ở Việt Nam đã có hệ thống đường Quan lộ. Mỗi tuyến đường được chia ra từng cung, có cắm biển gỗ để chỉ phương hướng, có người cai quản, và đặt nhà trạm (tức dịch trạm, cách nhau khoảng 15-20 km), chủ yếu là để chuyển công văn [2], tài vật từ kinh đô đi khắp nơi và ngược lại, đồng thời làm nơi nghỉ chân của các quan lại triều đình trên đường công cán.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì đường Cái quan chính thức được xây dựng vào năm Ất Mão (1375), dưới thời Trần, để nối liền kinh thành Thăng Long với Thanh Hóa. Đến thời Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào đến Châu Hóa (Huế).
Năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi bình Chiêm. Sau chiến thắng Chà Bàn, đạo thừa tuyên Quảng Nam thừa tuyên được thành lập vào tháng 6 (âm lịch) năm đó. Để tiện việc coi giữ, nhà vua đã cho tổ chức lại hệ thống giao thông liên lạc thông suốt từ Thăng Long cho đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định) bằng đường bộ.
Năm Mậu Ngọ (1558), Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, tiếp theo là xảy ra cuộc tranh giành thế lực giữa họ Trịnh và họ Nguyễn (sử cũ gọi là thời Trịnh-Nguyễn phân tranh), kéo dài suốt 2, 5 thế kỷ. Để phục vụ cho chiến tranh, con đường này đã được đôi bên cho sửa sang, mở rộng. Sau đó, đường Cái quan được nối dài theo sự nghiệp mở nước về phương Nam của dân tộc Việt, và vào khoảng 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, con đường vào đến đất Hà Tiên.
Năm 1792, chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) đã cho đắp đường từ Mỹ Tho qua giồng Kiến Định và bắc cầu Quỳ Tông. Trong năm này, ông đã huy động dân binh đắp đường thiên lý phía nam từ Gia Định dọc theo giồng cát xuống Trấn Định, qua Thủ Đoàn, giồng Cai Yến, giồng Tha La, giồng Kỳ Lân, giồng Cai Lữ, giồng Trà Luộc, giồng Cai Lễ, giồng Thủ Triệu, Cái Thia... Hai bên đường thiên lý đặt nhiều quán trạm.

1.2 Dưới thời nhà Nguyễn:

Quốc lộ 1 - đoạn qua Đồng Nai. Bên phải, nơi có bảng, là công trình xây dựng đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây
Ảnh: Phạm Tường Nhân

Đường Cái quan phát triển mạnh mẽ nhất là triều Nguyễn, và thực sự trở thành “huyết mạch kinh tế và hệ thần kinh quản trị quốc gia”.

Sau thời kỳ Nam Bắc phân tranh kéo dài hàng mấy trăm năm, vua Gia Long thấy đường sá giao thông là vấn đề khẩn yếu cho việc chính trị và quân sự nên đã sai quan trấn nhậm các doanh trấn phải sửa chữa, bắc cầu ván qua sông suối và uốn thẳng lại con đường Thiên lý. Cụ thể là vào tháng 3 (âm lịch) năm 1809, nhà vua sai Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Chất đi coi công việc sửa đắp đường quan các tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sách Quốc triều toát yếu (phần Chính biên) chép: "…Ngài (Gia Long) nghĩ đàng cũ quanh co, khiến Nguyễn Hoàng (Huỳnh) Đức, Lê Chất giăng dây cho thẳng, bắt dân sửa lại. Cho hoãn việc trưng binh, đình việc tạp tụng; chỗ nào có mồ mả thời cấp tiền cho dân dời đi chỗ khác, và trồng cây hai bên đàng” [3]. 

Đầu năm 1810, vua Gia Long lại sai Giám thành Nguyễn Văn Học lo việc sửa cầu cống đường sá ở các địa phương Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Trị, Quảng Bình. Công việc gồm có "đo xem thế đất, lấy dân sửa đắp, cấp cho (dân) lương ăn hàng ngày". Vua lại dặn thêm Nguyễn Văn Học rằng "... trời mùa hè nóng nực, không nên đúc thốc (dân) làm quá, để nới sức dân" [4].
Năm 1812, De la Bissachere trong “Etat actuel du Tonkin de la Cochinchine et les royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho” xuất bản ở Paris (Hiện trạng Bắc Kỳ, Nam Kỳ, các vương quốc Lào, Campuchia và Lạc Thổ) đã mô tả về con đường Cái quan lúc bấy giờ như sau: “… có một con đường lớn nối Phú Xuân và Đông Kinh (Hà Nội). Con đường này đẹp như đường châu Âu… đường tuy không lát gạch đá, nhưng chỗ nào không vững chắc thì người ta đổ gạch, đá vụn và đóng cọc để củng cố; đường làm hơi vồng lên ở giữa để thoát nước ra hai vệ đường. Hai bên đường có rãnh thoát nước và trồng cây…”
Đến tháng 10 năm ất Hợi (1815), vua Gia Long lại sai Tổng trấn Lê Văn Duyệt làm đường từ Sài Gòn đi về phía tây. Bắt đầu từ cửa Đoài Nguyệt ở phía tây thành Bát Quái, qua cầu Tham Lương (đường Trường Chinh nay), qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đống, giáp ngã ba đường sứ tới Khê Lăng đến đất Kha Pha (Cao Miên)... Chỗ gặp sông ngòi thì bắc cầu, đầm lầy thì đắp đất, gặp rừng thì đốn cây. Mặt đường rộng 6 tầm (12,72 m), đường thông suốt cho người và ngựa….
Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, mới lên ngôi được hai năm (1821), vua Minh Mạng cho phép Bình Thuận huy động dân chúng đi phát chặt những cây rừng rậm rạp ở hai bên đường cái mở rộng thêm mỗi bên 10 tầm .
Năm 1832, vua Minh Mạng lại dụ cho bộ Công: “…đường cái quan có nhiều chỗ núi cao, lính trạm leo trèo, nhân dân đi lại, có nhiều khó khăn trở ngại. Vậy truyền lệnh cho các quan địa phương xem xét địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở, thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4 – 5 thước trở lên, đủ đi lại được; chỗ nào vì nước mưa lụt chảy xói, lâu ngày thành trũng sâu, thì đá lấp đầy, hoặc xây thành bậc, cho được bằng phẳng, rồi ủy cho phủ huyện thuê dân làm, trả công ưu hậu bằng tiền và gạo, rộng cho thời hạn, cốt được thành công để lợi ích lâu dài” [5].
Năm 1835, vua Minh Mạng cho đắp các đường bộ ở các tỉnh Nam Kỳ dùng vào việc quan báo, khắc phục việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy trước đây. Từ thành Định Tường còn có thêm 3 tuyến đường quan trọng khác: đường từ bắc thành Gia Định đến Định Tường, dài 10.800 trượng (từ Sài Gòn đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Chợ Gạo đến Mỹ Tho); đường từ cửa tây thành Định Tường đến địa giới tỉnh Vĩnh Long, dài 6.600 trượng (từ Mỹ Tho cặp sông Tiền đến Cái Thia); đường từ đông nam thành Vĩnh Long đến địa giới Định Tường (từ Vĩnh Long đến bến đò sang Cái Thia).
Lúc bấy giờ, con đường cũng được chia thành nhiều cung, mỗi cung trung bình dài khoảng 25-30 dặm (15km-20km). Để có chỗ canh phòng, vận chuyển công văn giấy tờ, và làm nơi đón đưa quan lại trú đêm trên đường; ngay từ thời Gia Long, triều đình đã cho dựng ở giữa hai cung một nhà trạm gồm ba gian hai chái bằng gạch ngói hay cây lá, theo cùng một kiểu do bộ Công quy định, có hào và tường bao bọc chung quanh, lại có chòi gác bốn phía. Trên cửa ra vào có treo biển khắc tên trạm. Ở mỗi trạm đều có nhiều phu trạm (khoảng 50 người) và ngựa (khoảng 3 con) để làm nhiệm vụ chuyển tải công văn giấy tờ, khiêng cáng và đồ dùng của quan lại qua đường. Quản lý và điều hành sự vụ các dịch trạm trên đường Thiên lý là chức năng của ty Bưu chính, còn việc đưa lệnh của triều đình và thu nhận báo cáo của các địa phương là nhiệm vụ của ty Thông chính sứ. Người của hai cơ quan này phải túc trực ngày đêm để điều hành công việc được thông suốt.
Đèo Mẹ bồng con trên quốc lộ 1, đoạn qua Long Khánh. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Nhìn chung, con đường Cái quan ngày trước cũng chỉ là con đường đất, chạy qua các làng mạc hoang vu, dân cư còn rất thưa thớt, qua những đèo dốc và rừng hoang. Khó khăn chính trên tuyến đường này là chưa bắc được nhiều cầu qua các sông suối nhất là vào mùa mưa lũ. Và phương tiện đi lại, ngoài ngựa, võng, kiệu, cáng dành cho quan lại với một số xe bò, xe trâu chuyên chở hàng hóa, lương thực, còn hầu hết nhân công đi bộ mang vác.
Sau ngày Thất thủ Kinh đô (tháng 7 năm 1885), thực dân Pháp tiến hành mở rộng con đường đi qua đèo Hải Vân để nối liền cửa biển Đà Nẵng (nơi các chiến hạm của Pháp neo đậu) với Kinh đô Huế. Công trình do Đại úy công binh Besson đảm trách. Thực dân Pháp đã cưỡng bức nhân dân các làng xã lân cận đi làm đường mà không được trả công. Cho đến lúc nào làm xong phần đường của địa phương mình mới được trả về quê quán. Vì quá công phẫn cho nên vào cuối tháng 12 năm 1886, dân chúng đã nổi dậy giết chết viên Đại úy Besson và tiêu hủy toàn bộ các bản thiết kế cùng phương tiện để làm việc làm đường. Sau đó họ đồng lòng bỏ việc tập thể kéo nhau về lại quê hương. Bởi thế để hoàn thành đoạn đường Huế - Đà Nẵng thực dân Pháp đã gặp nhiều thử thách hết sức khó khăn.
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp chú tâm vào việc xây dựng và khai thác các tuyến đường sắt, còn đường bộ chúng bỏ lửng. Mãi cho đến sau năm 1912, Toàn quyền Sarraut mới chú ý trở lại. Năm 1918, thực dân Pháp ký nghị định chia đường bộ Việt Nam thành hai loại: đường thuộc địa (routes colonials) và đường địa phương (routes régionales). Đường thuộc địa (21 đường) do tổng ngân sách Đông Dương đài thọ, đường địa phương do các ngân sách các kỳ phụ trách.
Đường thuộc địa số 1 được vạch theo con đường Cái quan của nhà Nguyễn nối Hà Nội với Sài Gòn. Con đường Cái quan được điều chỉnh lại và mở rộng, lát đá, rải nhựa, xây cầu cống, bến phà, và trở thành đường Quốc lộ I A ngày nay.

II. Trong Văn học Nghệ thuật:

Đường Cái quan đã được nhắc đến trong câu ca dao: 

Đường cái là đường cái quan,
Chận em ra chợ làm tan chợ rồi.
Danh sĩ Nguyễn Thông trong một chuyến đi ra Bình Thuận đã sáng tác bài Long Thành – Phước Tuy đồ trung hoài cảm, trong đó đã nói lên nỗi cực nhọc và hiểm nguy khi đi trên con đường này (dịch từ chữ Hán):
Ve kêu tự chốn nào?
Về tối giọng thêm sầu.
Khách đi mệt muốn nghỉ
Vắng vẻ chốn rừng sâu!
Bên đường hổ đói thét,
Mảnh áo giọt sương thâu…
Vào những năm nửa thế kỷ 20, nhạc sỹ Phạm Duy đã lấy tên Con đường Cái quan để kể lại lịch sử cuộc Nam Tiến của dân tộc mình.

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu
Chú thích:
[1] Vì chủ yếu dành cho quan lại sử dụng nên có có các tên này. Từ “cái” ở đây có nghĩa là lớn. Từ “báo” ở đây có nghĩa là báo tin. Thiên lý có nghĩa là nghìn dặm, là rất xa.
[2] Công văn thường được đựng trong ống tre (có niêm phong, và đóng dấu cẩn thận) được chuyển đi bằng ngựa, hoặc chạy bộ. Người phu trạm chạy tin ngày xưa, nay được coi là tiền thân của ngành bưu chính Việt Nam nên ngày 6 tháng 6 năm 1971, Tổng cục Bưu chính Việt Nam Cộng hòa đã cho phát hành con tem với hình người phu trạm phi ngựa để kỷ niệm 20 năm bưu hoa Việt Nam.
[3] Trích trong Quốc triều toát yếu (phần Chính biên), tr. 99.
[4] Dẫn lại theo Nguyễn Thanh Lợi, Đường thiên lý thời Nguyễn.
[5] Trích trong Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, tr.191.

Tài liệu tham khảo:
  • Nguyễn Đắc Xuân, Từ đường Thiên lý tới con đường Cái quan (bản điện tử) [http://lichsu.vn/Lich-su-Viet-Nam/235/Tu-duong-Thien-ly-toi-con-duong-Cai-quan.html]
  • Nguyễn Thanh Lợi, Đường thiên lý thời Nguyễn (bản điện tử) [http://dongten.net/archives/2925/2] 
  • Nhiều người soạn (Trần Nam Tiến chủ biên), Hỏi đáp lịch sử Việt Nam. (tập 3). Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều toát yếu (phần Chính biên). Nxb Văn học, 2002.
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964.

Tìm lạ nơi đất quen

Điện Biên, Phong Nha, Nam Cát Tiên, ba điểm du lịch ở Bắc Trung Nam không xa lạ gì với dân du lịch bụi. Nhưng nếu bạn cho rằng mình đã thuộc như lòng bàn tay những nơi này, thì e là chưa chắc. Hãy thử đi theo cách này xem, chắc chắn bạn sẽ thấy những điều mới lạ từ những vùng đất quen trên đất nước mình.

Hành trình tốn ít nhất hai ngày một đêm nếu khởi hành từ thành phố Điện Biên lên Tủa Chùa, các xã không có nhà trọ và hàng quán phục vụ, nên chuẩn bị võng để ngủ chợ, lương khô, thịt, gạo xin nấu nhờ ở các gia đình ven đường. Cao nguyên đá từ xã Tả Sìn Thàng, kéo dài đến tận xã cuối cùng của huyện là Xín Chải. Mây núi ở cung đường này sáng sớm rất đẹp. Trà cổ thụ Tủa Chùa là một sản vật quý. Rừng trà cổ thụ ở các xã cũng rất độc đáo, thân trà cao to, mọc san sát, là rừng trà cổ đẹp và nhiều nhất của cả Đông Bắc – Tây Bắc.


Đường lên Tủa Chùa, Điện Biên.



10 thg 7, 2012

Đi Đồng Tháp mùa nước nổi

Theo câu hát “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”; mùa nước nổi, cuối tháng 9, chúng tôi háo hức lên đường. Dài theo con đường nhựa từ thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) tới thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), dưới nền đường cao vút, nước ngập lé đé những ruộng mạ xanh dờn. Hỏi bà chủ quán bên đường đọc báo, nghe đài loan tin lũ vượt ngưỡng báo động ba sao kỳ vậy. Mấy anh chàng chăn vịt chạy đồng ngồi uống cà phê trưa cười ha hả: “Còn cả tháng nữa mới tới đỉnh”. Vì vậy cánh đồng hai bên đường tuy trắng xóa một màu nước, nhưng không “đã con mắt” bằng khi nước nổi lên đến đỉnh điểm. Lúc đó nước là nước dập dềnh sóng, ngập tràn mọi thứ nơi nó đi qua.

Sen mọc tràn mặt kinh VQG Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ, song song với việc bảo tồn các loài động - thực vật, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Cá lóc nướng trui

Ra giêng là thời điểm nhiều cánh đồng ở khắp ĐBSCL vào mùa gặt. Màu vàng của lúa chín trải dài từ những tỉnh tả ngạn sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp cho đến Hậu Giang, Bạc Liêu và tận đất mũi Cà Mau.

Vào cuối mùa hạn này, nước trên các ruộng lúa đã rút xuống các con mương xung quanh, nhường lại nền đất khá khô cứng đủ để những chiếc máy gặt đập liên hợp "ra tay".

Chính trong những con mương này là "đất dụng võ" cho các tay nhấp cá lóc múa may cây cần câu của mình. Nhưng không phải tay câu nào cũng lủng lẳng chiến lợi phẩm vì từ lâu loài cá đồng này đã không còn nhiều trên đồng ruộng để thỏa mãn cái thú câu ấy nữa.

Tuy nhiên, ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời của vùng đất Cà Mau thì cá lóc lại đặc biệt phong phú.


Lúa chín vàng trên mảnh đất giàu phù sa

Những cô gái lái xe ngựa trên đất cù lao


Một loại hình du lịch độc đáo giữa cù lao trên sông Tiền mênh mông nước của tỉnh Bến Tre là du khách được đi xe ngựa thăm Cù lao xanh. Điều đặc biệt, tài xế xe ngựa toàn là nữ xuất thân từ nghề sông nước.

Vừa điều khiển ngựa vừa "alô"... 500m nữa tới rồi!

Qua một đêm "lên đời" thành lái xe ngựa

Trong lịch trình của một tour du lịch hè miền Tây, chúng tôi đến khu du lịch sinh thái ấp văn hóa Hòa Tây thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Để đến được điểm sinh thái này, mọi người phải đi bằng thuyền máy vượt qua sông Tiền.

Buổi trưa nắng gắt, thật bất ngờ khi khách được đón bằng phương tiện độc đáo là xe ngựa. Những chiếc xe ngựa đã được chờ sẵn, đội hình tài xế thì không thấy một nam nhi nào cả mà toàn là phụ nữ. Trong khi chờ các thành viên đến sau, chúng tôi lân la vào quán nước bên đường của cụ Bảy Tấn để làm quen.

Về miệt vườn ăn trái, tắm sông

Mùa hè, tôi lại ưa về miền Tây Nam bộ hơn bởi là mùa trái cây rộ nhất. Chợ Lách là nơi tập trung đủ các loại vườn chuyên canh trái cây đặc sản Nam bộ, mà hầu như vườn nào cũng cho trái ngon. Bởi xứ này sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất nước, nên nhà vườn ở đây tuyển toàn giống ngon để trồng. 

Trái chín được hái ăn bằng thích

Tôi nhớ cách nay mười năm, lần đầu tiên được rủ “đi Lách” (cách nói tắt của người dân huyện Chợ Lách, Bến Tre) vào dịp tết Đoan Ngọ. Sau khi đi hết mấy vườn trái cây, cơ sở làm cây giống, kiểng thú, rồi ra cồn Tiên xem dân địa phương trẩy hội tắm bùn sông, chị Minh Hương, giám đốc một công ty du lịch, nhận định ngay “xứ này làm du lịch được đấy!” Nhưng suốt mấy năm sau, cầu, đường trong huyện đều nhỏ hẹp, nhà nghỉ sơ sài đã làm cho bao lượt công ty lữ hành về đây khảo sát rồi lại đi. Còn chúng tôi vẫn cứ mê những vườn sầu riêng, măng cụt, xoài tứ quý, nhãn, bưởi da xanh, chôm chôm…, mê những nhà vườn giỏi làm cây giống, trồng hoa kiểng, mê những nghệ nhân uốn kiểng thú nên ít nhất hai năm lại cùng gia đình về chơi.


9 thg 7, 2012

Khổ qua rừng


Ai cũng biết khổ qua nguyên trái hầm thịt nạc bằm hoặc cá thác lác quết nước muối, khổ qua xắt lát xào thịt bò, khổ qua xắt lát ướp lạnh ăn với thịt chà bông (thường được gọi một cách “văn vẻ” là “da cá sấu, chỉ xơ dừa”)…, là những thức ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Dù phối hợp chung với nguyên liệu nào, người ta vẫn lấy khổ qua làm “đơn vị chuẩn”, vì các món ăn này ngon đều nhờ hương, nhất là vị đắng của khổ qua. Tất cả các món trên đều được thực hiện bằng những trái khổ qua to lớn thường bày bán ở các chợ ở Nam bộ.



Về giồng ăn... côn trùng

Tháng ba, tháng tư, không khí oi nồng. Một vài cơn mưa trút xuống. Đất giồng khô khát, nhanh chóng uống những dòng sữa mật, cỏ xanh lún phún mọc lên. Đó là mùa sinh sản và phát triển của những con dế cơm. Mùa dế rộ, sau cơn mưa đêm, sáng sáng, mấy cô cậu học sinh không có giờ học, những người nông nhàn tụm năm tụm ba xách giỏ tre đan dầy đi bắt dế. Nơi đất giồng, người ta đổ nước vào hang cho dế ngộp chun lên, còn nơi đất thịt thì lật đất ở các bờ mẫu hoặc vạch chân đống rơm sẽ thu hoạch bộn bàng.

Sa mưa cũng là mùa đuông đất sinh sôi nảy nở. Đuông đất giống đuông chà là nhưng nhỏ hơn và ngắn hơn (cỡ hai đốt ngón tay giữa), sống trong lòng đất. Trong một thời gian ngắn, đuông đất trở thành bọ rầy. Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung nhưng to cỡ ngón tay cái người lớn. Muốn bắt chúng, người ta thường nhặt phân bò, phân trâu khô un cho khói tỏa lên trời. Lát sau, chúng bay đến, vần vũ trong đám khói, cầm chổi huơ đập chúng rớt xuống đất, bắt bỏ vào giỏ. Ở Tịnh Biên (An Giang) người ta dùng đèn bình dụ bọ rầy đến, bắt đem ra chợ bán, giá 10.000đ – 15.000đ/100 con.




Dừa sáp

Dừa bình thường thì xứ mình đi đâu cũng gặp. Còn dừa sáp thì hiếm lắm, chỉ thấy có ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Dạo này bạn bè ở Sài Gòn về miền Tây hay đòi kiếm dừa sáp ăn chơi. Tôi bèn nói muốn ăn dừa sáp thứ thiệt thì phải qua Cầu Kè, nhưng cũng phải mua chỗ quen biết, giá một trái nhỏ… “chỉ có” 60.000 đồng

!Đặc sản Cầu Kè 

Từ Cần Thơ tôi và anh bạn chở nhau qua nhà ông già người Khmer tên là Thạch Chịa đã hơn 80 tuổi, ở khóm 2, thị trấn Cầu Kè. Nhà ông có 25 cây dừa sáp cho trái trồng trên ba liếp vườn ngay hàng thẳng lối, dọn dẹp cỏ rác sạch sẽ.

Có một cái giếng to như thế!

Tự điển tiếng Việt định nghĩa Giếng như sau: Hố đào thẳng đứng, sâu vào lòng đất, dùng để lấy nước.

Định nghĩa là như vậy, và cái giếng thì có ai mà không biết. Bởi vậy, nếu nhìn bức hình này và nói đó là cái giếng thì đúng là... chịu hổng nổi!

Cái này mà là cái giếng à? (Ảnh: Hai Lúa Miền tây, yume.vn)

Vậy đó mà nó đúng là cái giếng. Gọi đầy đủ là Giếng Nước hoặc Giếng Đôi (vì gồm 2 cái giếng). Tên của nơi có cái giếng này là Công viên Giếng Nước, thuộc thành phố Mỹ Tho. Dân gian gọi là Giếng Nước, tên chính thức từ chính quyền cũng là Giếng Nước. Vậy đây đúng là... cái giếng!


7 thg 7, 2012

Trăm năm danh tiếng hủ tiếu Mỹ Tho

Hồi nhỏ, tôi nghe các bậc bô lão ở quanh đình Điều Hoà, phường 2 thành phố Mỹ Tho nói hủ tiếu là món ăn của người Hoa đem tới xứ này. Các cụ bảo, khi gánh người Hoa do Dương Ngạn Địch, tổng binh Long Môn, tướng nhà Minh không chịu đầu phục triều Thanh, dẫn bầu đoàn thê tử, tuỳ tùng sang Việt Nam lánh nạn được chúa Nguyễn cho vào cư ngụ làm ăn ở vùng Mỹ Tho hồi năm 1679, lập ra Mỹ Tho đại phố mua bán sầm uất, khi đó món hủ tiếu xuất hiện. Nếu đúng như chuyện xưa, hoá ra món hủ tiếu Mỹ Tho cũng có hơn 300 năm tuổi, bởi năm 2009 là tròn 330 năm thành lập Mỹ Tho

Hơn trăm năm tồn tại, món hủ tiếu được những bàn tay tài hoa của người Hoa, người Việt biến tấu ra hàng chục sản phẩm, khó mà kể hết. Nhưng tô hủ tiếu Mỹ Tho rặt ri thì hiện nay không còn nhiều người biết nấu, người bán còn ít hơn. Tuy nhiên, cho dù hủ tiếu nấu với thịt heo, thịt bò, hải sản, thậm chí nấu với cá lóc như ở Long Xuyên, thì người ta vẫn nói cái thần của món hủ tiếu Mỹ Tho nằm ở sợi hủ tiếu. Ông Đặng Văn Sai, một người từng nhiều năm tìm hiểu hủ tiếu Mỹ Tho, nói từ hồi xưa những người Hoa đã phát hiện ra sợi hủ tiếu làm bằng thứ gạo Gò Cát của làng Mỹ Phong ngon số một.




Em gái Gáo Giồng

Em gái này là người chèo xuống đưa nhóm của Hai Ẩu tham quan sân chim Gáo Giồng.


Chùa Khmer ở Trà Vinh

Ở Trà Vinh đi đâu cũng thấy chùa, và nếu là chùa thì gần như chắc chắn đó là chùa Nam tông Khmer.

Đúng vậy, Trà Vinh là tỉnh có nhiều ngôi chùa Khmer nhất Việt Nam. Cả nước có 539 ngôi chùa Nam tông (cả Nam tông Khmer và Nam tông Kinh) thì chỉ riêng Trà Vinh đã có 141 ngôi chùa Nam tông Khmer!

Chùa Khmer tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam bộ, trong đó nhiều nhất là Trà Vinh (141 ngôi), Sóc Trăng (92 ngôi), Kiên Giang (74 ngôi), An Giang (65 ngôi).

Chùa Âng. Ảnh: Võ văn Tường


25 thg 6, 2012

Mưa... cứ mưa bay trên tầng tháp cổ

Trên quốc lộ 01 ra Nha Trang, khi qua khỏi Phan Rang độ 15 km, nhìn bên tay phải bạn sẽ thấy một cụm tháp Chàm cổ. Đó là tháp Hòa Lai.

Tháp Hòa Lai sau khi trùng tu năm 2008 - Ảnh: Wikipedia

Tháp Hòa Lai còn được gọi là Ba Tháp, vì gồm có 3 ngôi tháp: Tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam. Tháp Giữa xây dở dang, chỉ còn nền tháp, nên bây giờ ta chỉ thấy hai tháp.

Cụm tháp Hòa Lai được xây dựng koảng thế kỷ thứ 9, là một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, cũng do đó Hòa Lai được đặt tên mở đầu một phong cách kiến trúc Chăm: phong cách Hòa Lai.

23 thg 5, 2012

Rạch Gầm soi dấu muôn đời oai linh

Quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương thì rẽ làm hai, đi thẳng là vào thành phố Mỹ Tho còn rẽ phải là đi tiếp quốc lộ 1 để đến Vĩnh Long, Cần Thơ.

Từ đoạn này trở đi, quốc lộ 1 đi gần song song với sông Tiền, nhưng cách một đoạn khá xa. Nếu bạn đi thẳng vào Mỹ Tho, theo trục đường chính (đường Ấp Bắc - Nguyễn Trãi) rồi đến cuối đường bạn sẽ rẽ phải theo đường Lê thị Hồng Gấm. Con đường này đi cặp theo dòng sông Tiền. Ra khỏi thành phố Mỹ Tho, con đường trở thành tỉnh lộ 864. Đi 14 km, bạn sẽ đến đây:


Phía trước mặt, cách vài trăm mét, có một chiếc cầu mang tên cầu Rạch Gầm, bắc ngang con Rạch Gầm, bên trái là khu Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút. Đây chính là nơi cách đây 227 năm (năm 1785) đã diễn ra trận thủy chiến lừng danh trong lịch sử Việt Nam: Trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho

Chùa Vĩnh Tràng là một danh thắng của tỉnh Tiền Giang, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa tọa lạc ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho nên khá thuận tiện cho việc tham quan.


Chùa Vĩnh Tràng là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, đến nay đã được 2 thế kỷ.



30 thg 4, 2012

Hai Ẩu đã làm gì ở Trà Vinh?

Hai Ẩu đến Trà Vinh. Hắn đi chùa, để chứng tỏ lòng mình thuần khiết.

Chùa Samrông Ek

Bước vào chùa Samrông Ek, điều đầu tiên thu hút hắn không phải là kiến trúc chùa, là đức Phật từ bi, mà là hình ảnh nude. Bán nude thôi, nhưng cũng đủ khiến Hai Ẩu nhìn ngắm say sưa...

Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ!

Tên đường phố ở nước ta được đặt theo tên danh nhân lịch sử - văn hóa. Bỏ qua những chuyện ngớ ngẩn, kiểu như ở TPHCM có đường Trần Hưng Đạo A, Trần Hưng Đạo B (tức là có 2 ông Trần Hưng Đạo), hay có đường Đinh Tiên Hoàng không xa mấy đường Đinh Bộ Lĩnh (cứ coi như một đường đặt cho ông khi chưa làm vua, và một đường là đặt cho ông khi đã làm vua rồi)... thì tên đường cũng là một cách gợi cho ta nhớ lại lịch sử.

Lịch sử thì không phải ai cũng biết, cũng thuộc, cho nên nhiều khi đi trên con đường mang tên vị danh nhân ấy mà chẳng biết ông là ai, có công trạng như thế nào.

Ca dao (thời nay) có câu rằng:

Dân ta phải biết sử ta
Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ!



Gốm Bàu Trúc: Nắn bằng tay, xoay bằng... đít

Hi, xin được khẳng định rằng cái câu Nắn bằng tay, xoay bằng đít không phải tui tự đặt ra để câu view đâu, mà chính là tự xưng của dân làng nghề Bàu Trúc đó!

Làng Gốm cổ truyền Bàu Trúc có lịch sử hàng ngàn năm, nằm trên quốc lộ 1, cách Thành Phố Phan Rang Tháp Chàm 7 km về phía Nam trên đường từ Hà Nội vào Thành Phố Hồ Chí Minh và là làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á...

Gốm Bàu Trúc hiện nay rất nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới vì bản chất nghệ thuật đặc sắc, và vì hai đặc điểm hổng giống ai của nó.

Thứ nhất:

Để làm các đồ gốm dạng tròn (bình, chậu...) hầu như tất cả các nơi trên thế giới đều dùng bàn xoay. Khối đất sét được đặt trên một cái bàn xoay đều, nghệ nhân dùng tay tạo dáng cho sản phẩm. Ở Bàu Trúc thì không! Không có cái bàn xoay! Cục đất sét đứng yên và... người xoay. Bởi vậy nên họ mới gọi là: Nắn bằng tay, xoay bằng đít.

 Cục đất sét

19 thg 4, 2012

Mukhalinga là gì?

Linga là gì chắc mọi người đều đã biết. Xin nhắc lại một tí thôi: đó là biểu tượng sinh thực khí của người đàn ông, được thờ tại các kiến trúc tôn giáo của đạo Hindu. Tương tự như vậy là yoni, sinh thực khí của người đàn bà.

Những bậc hiền tài, có công lớn với đất nước, với xã hội, được nhân dân tôn kính sẽ được nhân dân trân trọng thờ cúng như một vị thần. Hình thức tôn kính trang trọng nhất là tạc gương mặt người đó lên... một cái linga. Linga có tạc hình mặt người gọi là mukhalinga.
Ở Việt Nam, linga có rất nhiều trong các kiến trúc tôn giáo của người Chăm, tuy nhiên mukhalinga thì rất hiếm. Có lẽ vì số nhân vật được người Chăm tôn thờ như vị thần không nhiều.

Muakhalinga (có lẽ là duy nhất) ở Việt Nam có thể chiêm ngưỡng được tại tháp Chàm Po Klong Garai (Phan Rang), trên mukhalinga này là gương mặt vị vua nổi tiếng của Chiêm Thành: Po Klong Garai (thế kỷ 12).

 Mukhalinga Po Klong Garai - Ảnh: Phạm Hoài Nhân


15 thg 4, 2012

Chuyện thương hiệu: Tui là Mọi!

Ninh Thuận là đất trồng nho. Đi xe trên quốc lộ 1 qua vùng đất này bạn có thể nhìn thấy những vườn nho bên đường, hoặc ghé vào một điểm dừng nào đó để mua nho, rượu nho, mật nho.... Thế nhưng thương hiệu nho Ninh Thuận đi được vào các siêu thị, triển lãm, hội chợ thì chỉ có một: Nho Ba Mọi.

 Trong vườn nho Ba Mọi

Không đi theo con đường của những chủ vườn nho khác là cứ sản xuất rồi đưa ra bán ở dọc quốc lộ, anh Nguyễn Đại Vệ, con trai cả của ông chủ vườn nho đã xây dựng thương hiệu nho Ba Mọi một cách bài bản, từ quy trình sản xuất đến phân phối và cả truyền thông. Một trong những cách làm thú vị và hiệu quả là biến trang trại nho Ba Mọi thành một điểm tham quan du lịch miễn phí. Trong tour du lịch đến tháp Chàm Po Klong Garai, du khách có thể đến thăm vườn nho cách đó vài cây số, nơi đó sẽ được chủ vườn thuyết trình về quy trình trồng nho, sản xuất rượu nho và dắt đi tham quan vườn nho, rồi thưởng thức những sản phẩm từ nho. Hoàn toàn miễn phí (dĩ nhiên sau đó bạn sẽ chẳng tiếc gì khi mua vài chai rượu nho hay vài ký nho, ha ha!).


Trên quê hương cố tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu

Ông Nguyễn văn Thiệu sinh tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận).

Từ làng Tri Thủy, những đứa bé đi học phải qua một cái đầm lớn là đầm Nai. Như bao nhiêu đứa trẻ khác, cậu bé Nguyễn văn Thiệu phải hằng ngày lội qua cái đầm ấy rồi đi bộ 5-7 km để đến trường. Cởi quần áo ra, áo quần và cặp sách đội trên đầu, cậu bé lội quãng đường hơn nửa cây số dưới đầm.

 Bản đồ thôn Tri Thủy và đầm Nai

Lớn lên, thành đạt, cậu bé Nguyễn văn Thiệu ngày nào nghĩ đến những đứa trẻ phải lội biển đến trường như mình nên cho xây một chiếc cầu, chiếc cầu ấy được người dân địa phương gọi là cầu Nguyễn văn Thiệu. Hiện giờ, cầu mang tên là cầu Tri Thủy.


Ngu như cừu!

Vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận nuôi nhiều nhất 3 con: dê, cừu và bò.

Trong 3 con này thì có đến 2 con... có thương hiệu. Đó là con dê và con bò. Con dê nổi tiếng là... , còn con bò nổi tiếng là... ngu như bò!

Nuôi cừu ở Ninh Thuận (Ảnh: Ninh Thuận online)

Ấy vậy mà người Ninh Thuận khi chửi ai ngu thì không chửi là ngu như bò, mà lại chửi là ngu như cừu!

Bởi vì con cừu còn ngu hơn cả con bò nữa!


8 thg 4, 2012

Huyền Trân ơi, điều gì là Vĩnh Hảo?

Ngàn năm xưa, dòng suối Eamu từ dãy núi Tuy Phong thuộc vùng Panduranga của vương quốc Chiêm Thành (nay thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận) có tiếng là dòng nước thiêng, đem lại tuổi thanh xuân cho người đời.

Núi Tuy Phong

Năm 1306, nàng công chúa Huyền Trân 19 tuổi vâng mệnh vua cha về làm vợ Chiêm vương Chế Mân, bỏ lại mối tình cùng thượng tướng Trần Khắc Chung, đổi lấy hai châu Ô, châu Lý để mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly....


Võ Đông Sơ đã kêu (ca) như thế nào?

Võ Đông Sơ kêu Trời: Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu... Hà.

Kêu, nhưng mà vừa kêu vừa ca, nên tui mới gọi là kêu ca.

Có phải Võ Đông Sơ đã kêu (ca) như vậy không?

Nếu Võ Đông Sơ là người Bắc thì chàng đã kêu như thế này:

Ối giời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu... Hà.

Võ Đông Sơ không phải người Bắc, nên không ca Ối giời ơi!, nhưng chàng đâu phải người Nam mà ca Trời ơi!


Ngôn ngữ ăn uống

Buổi sáng, có một người quen ghé thăm bạn và gọi: Phê?

Bạn sẽ có thừa kinh nghiệm để biết rằng người ấy muốn nói: Đi uống cà phê không?

Vô quán (ở đây cũng cần nói thêm, quán ấy ngoài cà phê còn bán hàng chục, hàng trăm thức uống khác, nhưng ta không gọi là quán giải khát mà cứ gọi là quán cà phê), để gọi một ly cà phê đen, bạn chỉ cần nói gọn lỏn là: Đen. Còn muốn uống cà phê đá thì kêu: Đá!

Ấy là ta nói ở trong Nam, chứ từ miền Trung trở ra Bắc thì khi ta gọi Đen, quán sẽ chưa chịu hiểu mà sẽ hỏi thêm: Đen nóng hay Đen đá? Ý là hỏi: Cà phê đen nóng hay cà phê đen đá?

Tôi chợt nghĩ đến việc này khi hôm qua có một anh bạn từ Hà Nội vào, đi uống cà phê, anh gọi: Đen đá! mà cô tiếp viên ở quán ngơ ngác không biết anh ta muốn uống cái gì, đen hay là đá.

Sẵn đây xin kể vài chuyện ngồ ngộ trong chuyện gọi ăn - gọi uống ở các nơi trong nước.

.


Hột vịt lộn Thu Hà

Hột vịt lộn Thu Hà là một món đặc sản nổi tiếng ở Biên Hòa mà có lẽ hầu hết người dân Biên Hòa (và cả người phương xa đến Biên Hòa) đều biết.

Quán nằm trên đường Phan Đình Phùng, chỗ góc Hưng Đạo Vương - Phan Đình Phùng. Quán nổi tiếng và... chảnh tới mức không thèm có bảng hiệu, ai biết thì đến, không biết thì thôi! Nói đùa thế thôi, hột vịt lộn ở đây nổi tiếng từ rất lâu rồi, nên không cần bảng hiệu người ta vẫn tới ăn nườm nượp. Không có bảng hiệu, bạn cứ nhìn chỗ nào người ngồi đông nghẹt (trong quán và trên lề đường, có khi cả bên kia đường) mà ghé vào là đúng!

Quán chỉ bán từ 5-6 giờ chiều đến khoảng 8-9 giờ tối.

Người ta nói rằng hột vịt lộn ở đây ngon vì những lý do sau:
  • Hột vịt lộn mua vào được tuyển chọn bằng máy soi, đạt loại xịn mới mua. Do đó hột vịt "lộn" vừa phải, không quá già, không quá non, miếng mề đủ giòn giòn để nhai mà không cứng.
  • Hột vịt được luộc bằng nước dừa nên có mùi vị rất đặc biệt.
Ngoài ra, gia vị (muối tiêu, chanh, ớt) cũng được pha chế rất ngon.




Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới?

Thằng cha Richard Johnson viết một cuốn sách là The World's Best Street Food (Món ăn đường phố ngon nhất thế giới). Cuốn này ngày 9 tháng 3 năm 2012 mới ra mắt, nhưng hắn ta PR trước bằng cách trích giới thiệu trên tạp chí The Guardian.

 Bánh mì Việt Nam. Ảnh: Richard Johnson

Trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới mà hắn ta giới thiệu có món bánh mì Việt Nam (xem tại đây). Báo chí Việt Nam khoái quá, nô nức giới thiệu lại (xem một ví dụ tại đây).

Đọc tin này tui vừa hãnh diện vừa chạnh lòng.


8 thg 3, 2012

Chùa Nam tông ở Đồng Nai

Chùa Nam tông ở Việt Nam tập trung phần lớn tại miền Tây Nam bộ, chủ yếu là Nam tông Khmer. Ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Nam tông có 19 ngôi, trong đó có 17 ngôi chùa Nam tông Kinh và 2 ngôi chùa Nam tông Khmer, chiếm khoảng 15% trong tổng số 1.121 ngôi tự viện. Trong số các ngôi chùa Nam tông này, lớn nhất là Tổ đình Bửu Long ở quận 9. Điều lý thú là ngôi chùa này do cư sĩ Võ Hà Thuật quê ở Bửu Long, Đồng Nai dâng đất cúng dường, và sau đó là trụ trì chùa, pháp danh Lão Tâm (đó cũng là nguyên do chùa mang tên Bửu Long).(Xin xem: Tổ đình Bửu Long)

Thế còn ở Đồng Nai, có ngôi chùa Nam tông nào không? Theo số liệu thống kê của Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai thì là KHÔNG: Tự viện: 478 cơ sở (260 chùa Bắc tông; 08 Thiền viện; 12 Tu viện; 38 Tịnh xá; 124 Tịnh thất, Thiền thất; 33 Niệm Phật đường). Ngoài ra còn có 455 am cốc. (Xin tham khảo tại: http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn/thpg-dong-nai/211-tinh-hoi-phat-giao-dong-nai.html).

Thật ra là có đấy các bạn ạ, ngôi chùa Nam tông này không nằm đâu xa xôi mà ở ngay tại thành phố Biên Hòa, trong một khuôn viên khá rộng: 4.000 m2. Bạn là dân Biên Hòa, bạn có bất ngờ với thông tin này không?

Đó là chùa Bửu Đức.

Chùa cổ ở Biên Hòa

Chùa Bửu Phong - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Theo ghi chép chính thức thì Biên Hòa có 3 ngôi chùa cổ.

Xưa như thế nào thì gọi là chùa cổ? Biên Hòa được thành lập vào năm 1698, cách nay hơn 3 trăm năm. Những ngôi chùa xây dựng trước năm 1698 tại Biên Hòa được gọi là cổ tự.

Ba ngôi chùa đó là:
  • Chùa Đại Giác ở Cù lao Phố
  • Chùa Bửu Phong trên núi Bửu Phong (còn gọi là núi Bình Điện)
  •  Chùa Long Thiềng ở Bửu Hòa (nhiều nơi gọi là Long Thiền, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng Long Thiềng mới đúng, chữ Thiềng do chữ Thành đọc trại mà ra)

Núi Châu Thới

Nói núi Châu Thới là danh thắng của Đồng Nai là không đúng, nếu xét theo... hộ khẩu. Bởi vì núi Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Thế nhưng với những người lớn tuổi ở Biên Hòa, Đồng Nai thì núi Châu Thới ở Biên Hòa, bởi vì từ xưa tới giờ là vậy. Dĩ An thuộc Biên Hòa, chỉ mới tách ra để thuộc Bình Dương sau này thôi.

Nếu xét theo vị trí địa lý, núi Châu Thới chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hòa có 4 km, trong khi cách thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới... 20 km. Đi dọc bờ sông Đồng Nai ở Biên Hòa, ngó qua bên kia sông là đã thấy núi Châu Thới, còn ở Thủ Dầu Một thì đố mà thấy!

Núi Châu Thới, nhìn từ một quán cafe bờ sông ở Biên Hòa 

Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều

Nếu không có bài hát Thương về miền đất lạnh của Minh Kỳ với câu hát ngân nga:

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào
Cho thế nhân thôi, rũ hết u sầu để lòng quay về bến yêu

 

thì có lẽ khách phương xa ít biết đến ngôi chùa Linh Sơn ở Đà Lạt.

Cũng phải thôi, vì chùa Linh Sơn không có cảnh quan và kiến trúc bề thế, thơ mộng như Thiền viện Trúc Lâm, không phải có bề dày lịch sử như Tổ đình Linh Quang, lạ lẫm như chùa Thiên Vương Cổ Sát (chùa Tàu)...


Cổng chùa Linh Sơn - Ảnh: Kinh Luân SGTT online

5 thg 3, 2012

Nếu bạn nghe được lời thì thầm của Quy Nhơn


“Người Quy Nhơn tin rằng trong lời sóng biển ru có nhắc đến tên của những đứa con đi xa. Tôi tin là trong bài hát ru của biển Quy Nhơn giờ đã có lời hát gọi tôi. Một phần trái tim tôi, một phần ánh mắt tôi đã là của Quy Nhơn”. Bạn tôi, chỉ sau một lần đến với Quy Nhơn đã tin rằng sóng biển Quy Nhơn đã gọi tên mình.

Hoàng hôn trên đầm Thị Nại
Tiếp cận với Quy Nhơn

Quy Nhơn cũng giống như khá nhiều thành phố nho nhỏ, dân cư thưa thớt khác ở miền Trung. Nhiều người khi mới đến Quy Nhơn tỏ ý không hiểu vì sao dọc đại lộ, ven các lối đi, dưới các rặng cây xanh ở khu vực trung tâm thành phố, dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành lại có rất nhiều ghế đá. Đến khi trở lại khu vực này vào sáng sớm, khi chiều muộn họ à ra thích thú. Cùng với cái giống cũng có những nét khác, Quy Nhơn có nhiều công viên, cây xanh, nhiều khu đất vàng của thành phố được bố trí làm khu vui chơi cho trẻ em, là chỗ để người già thư giãn, tập thể dục và tán chuyện.

24 thg 2, 2012

Xe lửa qua phà

Xe lửa làm sao mà qua phà được?

Tại sao xe lửa lại phải qua phà?

Chuyện tưởng như bịa này hóa ra lại có thật 100%, mà bức ảnh sau chính là minh họa rõ nét nhất.
Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sắt này là sáng 20-7-1885. Tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Ðông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho.


22 thg 2, 2012

Đà Lạt từ trong nhìn ra

Đà Lạt đáng yêu nhất khi nhìn ra từ bên trong quán cà phê. Cái đẹp ấy được nhân lên lộng lẫy qua những phản chiếu và khúc xạ từ những cửa sổ kính của quán trong nhà hay những tấm kính chắn gió của những quán lộ thiên. Những lộn xộn, bừa bãi trong kiến trúc hay quy hoạch chung biến mất. Chỉ còn những mảng màu dội vọng long lanh trong nắng hay khuếch tán đằm thắm qua màn sương sớm.

Cùng với sương mù, bóng tối là thứ phấn son mà trời đất ban phát cho thành phố. May mắn thay Đà Lạt vẫn có cả hai. Đà Lạt đẹp nhất về đêm nhờ những mỹ phẩm tự nhiên ấy. Khi những vết sẹo trên dung nhan được màn đêm nhân từ che giấu, Đà Lạt đẹp đến mê hoặc. Và mặt hồ Xuân Hương biến thành một tấm gương khổng lồ cộng hưởng mọi sắc màu của ánh đèn đô thị.

Tôi thích ngồi trong những quán cà phê nhìn ngắm Đà Lạt bên ngoài, mưa hay nắng, ngày hay đêm, sương mờ hay quang đãng. Từ trong nhìn ra, Đà Lạt vẫn yêu kiều. Cái yêu kiều đó là món chiêu đãi tôi dành cho những người bạn phương xa thất vọng vì trót yêu Đà Lạt. Và chiêu đãi cả những người bạn Đà Lạt đang chán chường chốn này. Tổng thể còn lâu mới hoàn hảo nhưng chi tiết quyến rũ vẫn còn nhiều. Nếu không tìm thấy những chi tiết đó, chính tôi cũng sẽ bỏ đi.


 Đà Lạt thật và ảo phản chiếu ngược xuôi qua nhiều tấm kính trong và ngoài ở quán cà phê Hà Linh.

Biên Hòa bắt đền Quy Nhơn

Hồi năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam để lập ra 2 dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn (tức Gia Định). Hai nơi này được thành lập cùng một lượt nên khi Sài Gòn kỷ niệm 300 năm thành lập (năm 1998) thì Biên Hòa cũng kỷ niệm 300 năm luôn.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù lao Phố

Tuy lập cùng một lúc nhưng khi ấy Trấn Biên (Biên Hòa) mới là xịn, còn Phiên Trấn (Sài Gòn - Gia Định) thì... chỉ là đồ xơ-cua thôi!

Ngay khi thành lập (1698), Biên Hòa đã có cù lao Phố lừng lẫy rồi, cù lao Phố được sách Tàu gọi là Nông Nại Đại Phố (Tàu họ đọc Đồng Nai thành Nông Nại!), sách Việt gọi là Giản Phố, Đông Phố... Tóm lại là thành phố lớn. Còn lúc đó Phiên Trấn đâu có cái gì đâu!


21 thg 2, 2012

Chuyện nghiêm túc bậy bạ

Chuyện này là chuyện nghiêm túc, bởi vì dựa trên những tư liệu nghiêm túc, đó là các địa danh hành chính do Nhà nước quy định, được trích dẫn từ các văn bản pháp quy đàng hoàng.


Ngoài Bắc, tuốt ở gần cực Bắc, chỉ phía dưới tỉnh Cao Bằng có thị xã Bắc Kạn (thuộc tỉnh Bắc Kạn).

Trong Nam, tuốt ở gần cực Nam, chỉ phía trên tỉnh Cà Mau có huyện Giá Rai (thuộc tỉnh Bạc Liêu).


8 thg 2, 2012

Đồng Tháp có cái tháp

Đồng là cánh đồng, tháp là cái tháp. Vậy Đồng Tháp là cánh đồng có cái (hoặc nhiều cái) tháp.

Nhưng nói cho đầy đủ thì Đồng Tháp là gọi tắt của Đồng Tháp Mười. Vậy Đồng Tháp Mười là cánh đồng có cái Tháp Mười hoặc... mười cái tháp!

Vậy cái Tháp Mười (tháp 10 tầng, hoặc tháp thứ 10, hoặc 10 cái tháp) ở đâu tại Đồng Tháp để mình tới ngắm cho hả dạ đây ta? Bó tay chấm com, chắc phải nhờ thổ địa Đồng Tháp chỉ vậy!

 Rừng tràm Tam Nông - Đồng Tháp


Đồng Nai có con nai

Theo sách Địa chí Đồng Nai, nguồn gốc địa danh Đồng Nai vẫn chưa rõ, nhưng theo dân gian và nhiều nhà nghiên cứu thì Đồng Nai chắc là cánh đồng có nhiều nai.

Ừ, cứ cho là vậy đi! Nhưng Đồng Nai là cánh đồng có nhiều nai từ hồi nào ấy, chứ không phải bây giờ. Giờ đây kiếm đỏ mắt mới thấy nai (thịt nai trong các quán thịt rừng thì dễ kiếm hơn).

Nai không hề là con vật - sản vật tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai như con cá ba sa của An Giang hay cây đước của Cà Mau.

Đồng Nai có nhiều thứ tiêu biểu, như cây cà phê, cây cao su, như khu công nghiệp... nhưng chắc chắn không phải là con nai.

Ấy thế mà huy hiệu của tỉnh Đồng Nai lại có con nai bự chần dần (cái huy hiệu dưới đây là tôi lấy ra từ website chính thức của UBND tỉnh Đồng Nai, và thú thiệt là tui thấy nó... xấu tệ!). Không chỉ huy hiệu chính thức của tỉnh có hình con nai, mà còn hàng đống logo của các công ty, doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai đều có hình con nai, dù rằng doanh nghiệp đó không hề nuôi nai, bán thịt nai, hay là liên quan gì đó đến nai.

Photobucket
Huy hiệu tỉnh Đồng Nai

Cafe Eva - Kontum


Cafe Eva là quán cafe nổi tiếng nhất Kontum, đã được giới thiệu trong sách du lịch quốc tế Lonely Planet.

Nơi đây cả không gian và thời gian thấm đẫm chất Tây nguyên.

Nơi đây có bờ tường dựng thành vách núi, có những cổ thụ rơi ngập lá trên lối vào, những giò phong lan đẫm sương đêm...

Nơi đây có những bếp lửa hồng với những thanh củi của người Ba Na, những chiếc ấm đen thui...

Nơi đây có vô số tượng nhà mồ Tây Nguyên, một nét văn hóa độc đáo của người Tây nguyên...

Và đừng quên, mảnh đất Kontum này ngày xưa là chiến trường khốc liệt, để hôm nay những di vật chiến tranh được cấu thành những kiến trúc gợi nhớ trong quán cafe...

Có thể nói không quá lời: Nếu bạn đến Kontum mà không có thời gian đi nhiều, hãy ghé cafe Eva, vì nơi đó cô đọng và thấm đẫm cả thời gian và không gian của vùng cao nguyên heo hút này!



Cổng quán cafe Eva


Quốc lộ 15 có phải ở Biên Hòa?

Nếu bạn là dân Biên Hòa, và được hỏi: 
  • Quốc lộ 15 ở đâu?
Bạn sẽ chẳng cần suy nghĩ mà trả lời ngay: Quốc lộ 15 ở Biên Hòa, từ Ngã ba Vườn Mít ra tới Vòng xoay Tam Hiệp.

Google Map vẫn dùng tên đường cũ: Quốc lộ 15

Điều đó chắc như đinh đóng cột, và có thể kiểm chứng dễ dàng bằng 2 cách: Một là đi trên đoạn đường ấy, nhìn bảng hiệu 2 bên đường, địa chỉ ghi rõ ràng là Quốc lộ 15. Hai là tìm trên Internet, những thông tin rao bán bất động sản... đều ghi rõ tên những bất động sản ở khu vực ấy là gần Quốc lộ 15.

Thế nhưng cái điều chắc như đinh đóng cột ấy... trật lất bạn à!


2 thg 2, 2012

Tản mạn bên... bệnh viện Từ Dũ

Ngồi uống cafe cạnh bệnh viện Từ Dũ, để giết thời giờ, Hai Ẩu đố Bùm:

Bệnh viện Từ Dũ

Đố con giữa bệnh viện Từ Dũ và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM có gì liên quan với nhau?

Bùm trả lời: Bệnh viên Từ Dũ là nơi người ta vô đẻ con, Bảo tàng Mỹ thuật là nơi họa sĩ đẻ ra tác phẩm nghệ thuật!

28 thg 1, 2012

Mắm tôm chà Gò Công



Nhiều người cho rằng món mắm này có từ lâu đời nhưng vào lúc nào thì không ai dám xác định. Một điều chắc chắn là mắm tôm chà đã được trở thành món ăn của cung đình triều Nguyễn do được " tiến cung" cho bà Từ Dũ.

Do đó, nếu xét theo năm bà được đưa về Huế (1824) hầu Hiến tổ (vua Thiệu Trị lúc chưa lên ngôi), mắm tôm chà tối thiểu phải xuất hiện cách nay khoảng 200 năm, từ đầu TK 19.Có lẽ món mắm này vào thời của bà Từ Dũ còn rẻ do con tôm bạc, nguyên liệu chính để làm mắm, tại Gò công lúc đó nhiều vô kể và rất rẻ, giống như con cá kèo ở Cà Mau Mắm tôm chà đến nay vẫn còn chế biến thủ công. 

Chiều xưa có ngọn trúc đào

Chắc nhiều người trong chúng ta biết và yêu thích bài hát Trúc đào do Anh Bằng phổ nhạc

Nhưng bài thơ gốc để Anh Bằng phổ nhạc là bài Trúc Đào của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên thì có lẽ ít người biết hơn.

Lời bài hát như thế này:

Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Chiều thu gió lạnh êm đềm
Mùa thu lá rụng cho mềm chân em

Tại vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn
Nhìn vầng trăng sáng lung linh
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê


Trong rừng cao su

Bùm và Hai Ẩu lang thang trong rừng cao su


Photobucket



23 thg 1, 2012

Ngôi nhà đá rửa ở 22 Trương Định

Không thích ở ngôi nhà do nhà nước cấp trên đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), KTS Ngô Viết Thụ đã tìm mua được căn biệt thự cũ trên đường Trương Định, quận 3. Và ông đã đập đi, xây lại ngôi nhà theo ý riêng mình.

 Ngôi nhà đá rửa thế hệ thứ hai này là một trong những ngôi nhà sử dụng vật liệu đá rửa sớm nhất ở Sài Gòn.


Đó là một trong những ngôi nhà sử dụng đá rửa tô vách ngoài đầu tiên của Sài Gòn thập niên 1960, chính xác là năm 1968. Tuy gọi là đầu tiên nhưng lại là đầu tiên của thế hệ đá rửa thứ hai.