3 thg 11, 2013

Mì ngon đất Quảng

Người Quảng Nam thường mời bạn phương xa một bát mì lớn để bày tỏ tấm lòng hiếu khách và để giới thiệu về món ăn đặc sản quê hương mình.
'Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mỳ Quảng cho anh vui lòng' 

Mì Quảng cũng giống biết bao món mì khác, được làm từ gạo và nguyên liệu dân gian dễ kiếm. Nhưng người thưởng thức dễ dàng nhận ra sự khác biệt của nó bởi mùi thơm của rau, mùi béo của thịt, của dầu, hương thơm của đậu phụng, chất giòn béo của bánh tráng, vị cay của ớt. Trong bát mì chứa đựng cả vị nồng nàn của nắng, của gió và của những tấm lòng người dân đất Quảng. 


Tô mì Quảng đặc biệt chỉ có trên mảnh đất Quảng Nam. Ảnh: quangnammonngon. 


Nhan sắc Hà Giang

Tháng 10 là mùa đẹp nhất của nhan sắc Hà Giang. Vẻ đẹp của một người phụ nữ đỏng đảnh, vui buồn, giận hờn đều đẹp. Vẻ đẹp sương khói, rực nắng, mù mây, mưa phùn ảm đạm. Có lẽ vì vậy mà lôi cuốn, hấp dẫn sự khám phá, kiếm tìm của bao tay máy và khách du lịch trong và ngoài nước.

Mùa của hoa nở bên đường, trên những triền đồi dốc thoải. Mùa lúa chín nhuộm vàng ruộng bậc thang, khói đốt đồng thơm mùi rạ sau vụ gặt, váy áo rộn ràng về chợ. Mùa hoa xuyến chi, tam giác mạch khoe sắc, mùa em thơm lúa nương...

Tháng 10 này, tôi trở lại Đồng Văn lần thứ 5. Cuộc sống đổi thay, phát triển hơn, "hương đồng cỏ nội" ít nhiều nhạt phai nhưng với tôi, phong vị và màu sắc của núi rừng Tây Bắc vẫn luôn rất hấp dẫn. Hãy lên Đồng Văn vào tháng 10 bạn nhé! 

Mùa gặt đã gần xong, đường đến TP Hà Giang hai bên là những ruộng lúa trơ gốc rạ, khói đốt đồng bay lãng đãng, cho đất được bồi bổ, hồi phục sinh lực chờ mùa vụ mới 

Bánh tráng Trảng Bàng

Những chiếc bánh tráng mỏng làm từ bột gạo của người dân Trảng Bàng (Tây Ninh) từ lâu nổi tiếng khắp nơi, được nhiều người ưa thích. Thế nhưng, nếu có dịp tận mắt nhìn thấy những người nông dân ở phía bắc của dòng Vàm Cỏ Đông đã phải vất vả, tỉ mỉ trong từng công đoạn làm ra những chiếc bánh mới hiểu vì sao bánh tráng nơi này lại trở thành đặc sản lừng danh.

Bánh phơi sương rồi phơi nắng

Tôi đã có dịp tận mắt quan sát người dân Trảng Bàng làm bánh tráng với những công đoạn tỉ mỉ và vất vả vô cùng. Đầu tiên là việc chọn gạo. Chắc chắn, chỉ có thứ gạo được trồng ở những cánh đồng ven dòng sông Vàm Cỏ Đông, con sông chảy ngang qua đất Trảng Bàng này thì bánh tráng làm ra mới ngon, mới đậm đà.


2 thg 11, 2013

Nhà cổ Cai Cường

Bên bờ rạch Cái Muối tấp nập thuyền ghe, nhà cổ Cai Cường (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) được biết đến như một công trình kiến trúc mang dáng dấp châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa. Ngôi nhà hiện là điểm dừng chân hấp dẫn của du khách trên hành trình khám phá miệt vườn Tây Nam bộ.

Ngôi nhà cổ này nguyên là của gia đình ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ ở địa phương xưa. Theo hướng dẫn viên Mỹ Hạnh, công ty Cổ phần Du lịch Vĩnh Long thì ông Phạm Văn Bổn vốn là người giàu có nhất vùng này nên người dân còn gọi ông là Cai Cường.

Nhà cổ Cai Cường được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh bao gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc, đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước, mặt chính quay về hướng Bắc nhìn ra rạch Cái Muối. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông - Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất. Đây là kiểu thiết kế theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúc Việt-Pháp cùng “nội ứng ngoại hợp”, tức nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn ngoại thất bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây. 



Nhà cổ Cai Cường là công trình kiến trúc mang dáng dấp Châu Âu pha lẫn nét Á Đông cổ xưa trong không gian của miệt vườn Tây Nam Bộ.

31 thg 10, 2013

Làng Nôm, vẻ đẹp xưa ở Hưng Yên

Nằm cách Hà Nội khoảng 30km về hướng Đông, làng Nôm - ngôi làng cổ thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên đang được nhiều người yêu thích nét đẹp xưa tìm tới. Đường về làng, hai bên là những cánh đồng lúa xanh bát ngát yên bình.

Một cổng xây trăm năm tuổi

Bước qua cánh cổng làng cổ kính có từ hàng trăm năm nay, một không gian làng quê còn khá nguyên vẹn mở ra trước mắt mọi người. Nằm ở vị trí trung tâm làng có một hồ nước rộng và trong xanh.

Hai bên hồ là những cây cau thẳng tắp, những cây nhãn vàng ươm bởi những sợi tơ hồng quấn quýt. Đặc biệt quanh hồ còn có nhiều ngôi nhà cổ, nhiều nhà thờ dòng tộc có niên đại hơn trăm tuổi cũng long lanh in hình dưới hồ nước.

Phước Minh Cung ở Trà Vinh

Phước Minh Cung tọa lạc tại số 44 đường Điện Biên Phủ (thuộc phường 2, thành phố Trà Vinh), con đường chính lúc nào cũng nườm nượp xe cộ qua lại, nhưng chỉ cần bước vào bên trong chánh điện, du khách sẽ cảm nhận một không gian trầm lắng, u nhàn.

Bia di tích lịch sử cấp quốc gia

Phước Minh Cung là tên chữ còn tên dân gian thường gọi chùa Ông Quan Thánh vì thờ Quan Công.

Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự Quan Vân Trường, thường được gọi là Quan Thánh Đế Quân, Quan Đế, Hán Vũ Đế, Xích Đế. Quan Công sinh năm 162 ở tỉnh Sơn Tây, Trung Hoa. Ông mất năm 219. Quan Công đã cùng với Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em tại vườn đào. Quan Công là người hội đủ các đức tính trung dũng, nghĩa tình độ lượng và công minh chính trực, là nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc hậu Hán. Chính vì vậy mà khi ông qua đời người ta đã tôn thờ ông như một vị thánh.

Ổi Đông Dư ngọt ngon phù sa sông Hồng

Nói đến Bát Tràng, người ta thường nói đến thương hiệu gốm tồn tại từ bao đời nay, nhưng ít ai biết bên cạnh làng gốm truyền thống còn có thứ sản vật quý không đâu sánh bằng, đó là trái ổi Đông Dư.

Những trái ổi găng thơm ngon trong nắng - Ảnh: P.T.T.

Có dịp đi ven đê sông Hồng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự xanh tốt của những cây ổi được trồng bằng đất phù sa sông Hồng. Ở trong làng nhà nào cũng có một vườn ổi, ít thì 5-10 cây, nhiều thì có tới vài chục cây.

Về Sóc Trăng ăn bánh nắn lá dừa nước

Cũng như những miền quê khác ở Tây Nam bộ, đất Sóc Trăng chằng chịt kênh rạch dọc ngang; ven bờ sông rạch, lá dừa nước mọc ken dày tạo nên một màu xanh ngút tầm mắt. Mọc chen trong các đám lá dừa nước ngoài các loại cây thân gỗ như bần, vẹt, quao, dái ngựa… còn có những loài dây leo như cóc kèn, dây choại… đặc biệt là dây mơ rừng.

Bánh nắn trên lá dừa nước. 

Có lẽ ngay từ những ngày đầu khai mở vùng đất mới, người miền quê đã biết tận dụng những thứ có sẵn để chế biến các món ăn chơi, vừa ngon miệng, vừa tăng thêm dư vị cho cuộc sống hàng ngày. Người ta đốn lá dừa nước, hái những lá mơ mọc hoang ấy về nhà để làm một thứ bánh đơn giản nhưng rất độc đáo, gọi là bánh nắn lá dừa nước.


Ngọt ngào hương kẹo Sìu Châu

Có một món quà quê mà khiến người ta phải thòm thèm mãi mỗi khi nhắc tới, thứ kẹo do chính những người dân Việt làm nên từ những nguyên liệu sẵn có của vùng châu thổ sông Hồng nhưng lại “khoác” một cái tên rất Hoa: kẹo Sìu Châu.

Nghe đến kẹo Sìu Châu, không ít người tưởng rằng đây là một sản phẩm do người Hoa Kiều làm ra. Điều này cũng xuất phát từ một lý do, đó là từ xa xưa, những người Hoa sống trên đất ta thường nổi tiếng vì làm ra nhiều món ăn ngon với những cái tên độc đáo.

Kẹo Sìu Châu vốn là đặc sản nổi tiếng của đất Thành Nam, là một thứ kẹo lạc, vừng hoặc kẹo lạc pha vừng. Cái tên kẹo Sìu Châu có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng kẹo ngon có tiếng của Nam Định. Cửa hàng đó được đặt ở phía trước đền Triều Châu – một ngôi đền cổ của những người đồng hương thuộc huyện Triều Châu, tỉnh Phúc kiến, Trung Quốc sang sinh cơ lập nghiệp ở đất Sơn Nam hạ, ngay gần bến Ngự sông Vị Hoàng (con sông lấp rất nổi tiếng trong thơ Tú Xương khi xưa). Vì không có tên hiệu nên nhân dân quanh vùng thường gọi là hiệu kẹo ngon ở trước cửa đền Triều Châu, lâu dần người ta chọn cách gọi giản tiện hơn là kẹo Triều Châu, rồi kẹo Sìu và trở thành cái tên kẹo Sìu Châu như ngày nay.

Kẹo Sìu Châu 

Chuyện thú vị về kẹo Cu Đơ

Câu chuyện thú vị về sự tích kẹo Cu Đơ, một đặc sản của Hà Tĩnh, được tái hiện sinh động qua cuộc trò chuyện giữa PV báo Tiền Phong và ông Nguyễn Trường Phiệt (khối 3, phường Quang Trung, TP Vinh), người nói là một thành viên trong nhóm đặt tên cho kẹo lạc Cu Đơ cách đây hơn 60 năm.

Cu Đơ Hà Tĩnh chính hiệu được sản xuất tại lò kẹo phường Đại Nài

“Từ trước lại nay, có nhiều bài báo viết về xuất xứ kẹo Cu Đơ. Nhưng xem ra, tất cả đang ở dạng phỏng đoán, suy luận, chưa đúng sự thật!”, ông Nguyễn Trường Phiệt nói.