Bánh căn
Vốn là món ăn bình dị của người Chăm, ngày nay bánh căn thu hút du khách trong nước và quốc tế, trở thành món ăn không thể không thử khi tới Ninh Thuận. Bánh căn cũng dần xuất hiện phổ biến ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Bánh được làm từ bột gạo. Bột gạo, sau khi ngâm được người dân Ninh Thuận pha trộn thêm cơm nguội rồi xay bột, đo liều lượng nước và gạo sao cho phù hợp để bánh không bị nhão, cũng không bị khê khi nướng bánh…
Bánh căn Phan Rang đúng điệu phải được được đổ trong khuôn đất sét mua về từ Bàu Trúc, mỗi khuôn có 8-10 chén nhỏ rời nhau đi kèm nắp đậy. Trên lò than hồng rực, khi khuôn đã tỏa ra hơi nóng, là lúc người bán bắt đầu đổ bánh. Người bán không cho dầu hay mỡ như bánh khọt miền Tây, nên bánh căn có lớp vỏ mỏng, giòn nhẹ bên ngoài và thơm mùi bánh nướng đặc trưng. Chiếc bánh căn nho nhỏ, nóng hổi, "ôm trọn" phần nhân trứng, thịt và tôm... vừa chín tới là người bán nhanh thả thêm hành lá hoặc mỡ hẹ xanh, ốp đôi bánh lại thành từng cặp đều nhau.
Ảnh: @Ginnyvo0806
Ở Ninh Thuận thực khách có thể thưởng thức những chiếc bánh căn với một tô nước cá kho nhạt (nấu từ cá, hành và dưa) hoặc mắm nêm. Món ăn này tại Đà Lạt lại thường ăn kèm nước sốt xíu mại, làm từ thịt viên và hành.
Gợi ý địa chỉ:
- Bánh xèo Phương Thảo, số 16 Quang Trung, Thành phố Phan Rang
- Bánh căn, bánh xèo Hồ Cá Phan Rang, số 80 Trần Quang Diệu, Thành phố Phan Rang
Tại Ninh Thuận, mỗi tô bún sứa gồm bún, sứa tươi, trứng cút, đậu hũ, ngò xanh và đậu phộng.
Thịt sứa không chỉ thơm ngon, giòn sật đặc trưng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, quá trình chế biến sứa khá kì công: rửa sạch cho hết nhớt, ngâm trong phèn chua hoặc lá ổi giã nát 1-2 tiếng, xả lại thật kĩ rồi cắt thành từng miếng nhỏ, tiếp tục ngâm nước muối.
Thực khách khi thưởng thức sẽ ăn kèm bắp chuối, rau muống bào, giá sống và không thể thiếu mắm ruốc. Thực khách trộn tô bún đều tay và chậm rãi thưởng thức sứa giòn sần sật, đậu phộng beo béo, đậu hũ mềm, ớt cay se se và vị mặn đặc trưng của mắm ruốc.
Gợi ý địa chỉ:
- Bún sứa Kiều, số 85 đường Lê Lợi, Thành phố Phan Rang
- Quán Bún Sứa cá, số 70 Lê Lợi, Thành phố Phan Rang
Bánh canh chả cá là đặc sản Ninh Thuận nổi tiếng, đặc biệt là tại khu vực Phan Rang. Món ăn dân dã này được bày bán ở khắp các con đường, góc phố.
Nếu ở TP.HCM, sợi bánh thường to, dai và trắng trong thì bánh canh ở Phan Rang được làm từ bột gạo, xay nguyễn rồi luộc chín bằng nước sôi, sợi bánh không quá to, không dai và có màu trắng đục.
Ảnh: Dhangng
Phần nước lèo được hầm từ nước thịt heo và xương cá ngừ, thác lác, nhồng... Với chả cá, đầu bếp sẽ dùng phần thịt cá được lóc ra trước đó ướp gia vị theo công thức riêng rồi nhào cho thật mịn. Ngày nay, các hộ làm chả cá chuyển sang dùng máy thay vì thủ công bằng tay để tiết kiệm thời gian.
Một tô đầy đủ sẽ gồm sợi bánh, chả cá, cá dầm, ngò thơm, hành lá và phía trên rắc thêm chút tiêu đen. Khi đưa vào miệng, bánh canh mềm, mịn, dẻo, nước dùng ngọt thanh, chả cá thơm thơm hòa quyện.
Gợi ý địa chỉ:
- Bánh canh Nhường, số 284 Ngô Gia Tự, Thành phố Phan Rang
- Bánh Canh Bún Sứa Yến, số 30 đường Trần Bình Trọng, Thành phố Phan Rang
- Bánh canh Bà Bốn, số 75 đường Ngô Gia Tự, Thành phố Phan Rang
Gỏi cá mai Ninh Chữ được xem là một trong những món ăn đặc sản của ẩm thực Ninh Thuận được nhiều du khách yêu thích, "săn lùng" bởi sự thơm ngon và cách chế biến rất khéo léo của người dân nơi đây.
Cá mai là loại cá nhỏ, mảnh, dài chừng ngón tay trỏ, giống cá cơm nhưng ít mùi tanh hơn, trong suốt nên có thể làm gỏi rất phù hợp. Điểm khác của cá mai với đa phần những loại cá khác là thịt ngọt và dai, không bị nhờn nhớt và bở. Loài cá này tập trung nhiều ở vùng biển Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Phú Quốc...
Ảnh: Heo226
Cách chế biến món gỏi này khá cầu kì. Trước tiên, người đầu bếp phải làm sạch cá, bỏ đầu và đuôi, rồi tỉ mỉ và khéo léo rút xương làm sao cá không vỡ thịt, không nát. Cá sau khi rút xương được làm tái bằng nước cốt chanh tươi. Khi bày ra dĩa sẽ được trộn kèm với hành tây và gừng thái nhỏ.
Trước khi đưa tới thực khách, món ăn này được rắc thêm đậu phộng rang, hành phi giòn tan để làm dậy mùi thơm của món gỏi. Nước chấm gỏi ca smai của Ninh Thuận được làm từ hỗn hợp ớt, tỏi băm nhỏ trộn đều cùng nước mắm nhĩ, đậu phộng giã mịn, thêm một ít đường, bột ngọt, nước cốt me.
Linh Trang tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét