Bi đình của Tư Lăng mang vẻ đẹp kiến trúc tân cổ điển phương Tây, một nét kiến trúc mới lạ trong các công trình kiến trúc cung đình thời bấy giờ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Trong số lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, lăng vua Đồng Khánh có một lịch sử xây dựng khá trắc trở kéo dài qua 4 đời vua và cũng là công trình lăng tẩm hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn xuất hiện sự Âu hóa về mặt kiến trúc, đánh dấu cho sự chuyển tiếp việc Âu hóa mạnh mẽ của lăng vua Khải Định được xây dựng vào năm 1920 sau đó.
Toàn cảnh Cung Môn, cổng chính của Tư Lăng, nhìn từ phía ngoài và phía trong. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Lăng vua Đồng Khánh có tên chữ là Tư Lăng, rộng khoảng 10.000 m², nằm trên núi Cư Sĩ và đồi Hộ Thuận Sơn, thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây thực chất là một quần thể nhiều khu lăng mộ khác nhau gồm khu lăng mộ của vua Đồng Khánh; khu lăng mộ của hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Cai, hiệu là Kiên Thái Vương, cha của vua Đồng Khánh; và một số tẩm mộ của người thân trong gia đình nhà vua.
Khu lăng mộ của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (cha vua Đồng Khánh) ở Tư Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Lịch sử hình thành lăng vua Đồng Khánh có thể nói được bắt đầu từ việc vua Đồng Khánh cho xây dựng điện Truy Tư vào tháng 2 năm 1888. Số là lúc bấy giờ, sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh thấy khu lăng mộ của cha mình là Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai được xây trước đó nhưng chưa có điện thờ nên đã sai Bộ Công xây dựng điện Truy Tư gần cạnh lăng mộ cha để làm nơi thờ cúng. Tuy nhiên, việc thi công đang dang dở thì nhà vua đột ngột qua đời vào năm 1889.
Điện Ngưng Hy, trước đó có tên là điện Truy Tư, là công trình kiến trúc độc đáo nhất của Tư Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Vua Thành Thái lên kế vị đã cho đổi tên điện Truy Tư thành Ngưng Hy và dùng làm nơi thờ vua Đồng Khánh. Thi hài nhà vua được mai táng đơn giản trên đồi Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy một khoảng ngắn về phía Tây. Sang đến đời vua Duy Tân việc sửa sang, xây dựng hầu như không thấy nhắc tới. Phải đến năm 1916, con trai vua Đồng Khánh (tức vua Khải Định) lên ngôi mới cho tu sửa điện thờ, xây cất lăng mộ cho cha mình. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái đình (sân chầu), Bi đình (nhà bia) đến Bửu thành (khu vực an táng, có tường thành bao quanh) và Huyền cung (huyệt mộ, nơi an táng thi hài nhà vua) đều được kiến thiết dưới thời Khải Định đến tháng 7/1917 mới xong phần cơ bản và đến năm 1923 thì hoàn tất. Như vậy, quá trình xây dựng lăng vua Đồng Khánh tính từ lúc khởi công điện Ngưng Hy vào năm 1888 cho đến lúc hoàn tất vào năm 1923 dười thời Khải Định là 35 năm.
Vẻ diễm lệ của Tư Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tư Lăng có tổng cộng hơn 20 công trình lớn nhỏ, kiến trúc cơ bản không khác gì so với lăng mộ các vị vua tiền triều như Tự Đức hay Thiệu Trị, tức đó là một quần thể các công trình được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình nhà Nguyễn, có tường thành bao quanh và được tuân thủ theo những nguyên tắc phong thủy đương thời như có hồ nước, vườn cây, và dựa theo hình sông thế núi để xây dựng. Vì thế tổng thể công trình là một quần thể cung điện nguy nga, tráng lệ, phong cảnh hữu tình giống như nơi người sống đang ở chứ không mang vẻ u sầu, ảm đạm của một khu chôn cất người chết như trong suy nghĩ của nhiều người.
Bia đá và tượng quan viên, voi, ngựa chầu ở Tư Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Điểm đáng chú ý của lăng Đồng Khánh là do được xây dựng trong buổi giao thời của lịch sử Việt Nam nên kiến trúc lăng có sự đan xen, hòa phối giữa kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian và kiến trúc phương Tây mới du nhập nên tạo thành một nét kiến trúc khá mới lạ so với lúc bấy giờ. Theo đó, nếu như điện Ngưng Hy, công trình ấn tượng nhất của lăng Đồng Khánh nổi bật với lối kiến trúc cung đình xây theo lối “trùng thiềm điệp ốc” như các cung điện trong Hoàng thành Huế thì khu vực nhà bia lại được xây theo lối kiến trúc tân cổ điển phương Tây pha nét Á Đông. Bên cạnh đó, ngay cả điện Ngưng Hy, trong quá trình sửa chữa dưới thời vua Khải Định sau này cũng có những cải biến theo lối trang trí phương Tây, mà rõ nhất là việc lắp hệ thống ô cửa kính nhiều màu ở phía trước tạo nên vẻ đẹp rực rỡ khác lạ so với các công trình truyền thống trước đây.
Khu lăng mộ vua Đồng Khánh. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Trở lại với điện Ngưng Hy, nơi được đánh giá là đang lưu giữ bậc nhất về nghệ thuật sơn son thếp vàng và nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Việt Nam. Ở đây, phía bên trong nội thất của tòa nhà được thiết kế thành 7 gian 2 chái với 100 cây cột gỗ lim, tất cả đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bên ngoài, từ trên nóc xuống đến phần mái là cả một bức tranh nghệ thuật độc đáo được kết hợp giữa lớp ngói hoàng lưu li vàng rực và hàng trăm ô hộc trang trí các hình vẽ, câu thơ bằng chữ Hán làm bằng nghệ thuật pháp lam ngũ sắc hoặc đất nung tráng men màu, một loại hình tạo tác thủ công mĩ nghệ đặc sắc và quý hiếm của Huế xưa.
Vẻ đẹp vàng son lộng lẫy bên trong điện Ngưng Hy. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Trải qua thời gian, lăng Đồng Khánh bị xuống cấp hư hại nghiêm trọng nên cuối năm 2018 đã được tu bổ, sửa chữa và hoàn thành vào tháng cuối tháng 6/2022 và tiếp tục được mở cửa cho khách tham quan.
Có thể nói, lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn là một trong những bộ phận quan trọng trong tổng thể kiến trúc kinh đô Huế - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO tôn vinh từ năm 1993. Nói đến Huế, người ta không chỉ nghĩ đến thành trì, cung điện, đàn miếu, chùa quán mà còn nghĩ ngay đến các khu lăng tẩm rộng lớn của các vua Nguyễn, những công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống và sự hài hòa với tự nhiên.
Du khách tham quan vẻ đẹp trầm mặc, thơ mộng của Tư Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Với lăng vua Đồng Khánh, trong bối cảnh giao thời giữa cái cũ và cái mới, các nghệ nhân Huế thời bấy giờ đã có sự thành công nhất định trong việc thể nghiệm cái mới khi tiến hành xây dựng khu lăng mộ này bằng cách đưa yếu tố dân dã vào trong cung đình và mạnh dạn Âu hóa một phần công trình và đã tạo nên được nhiều yếu tố bất ngờ và thú vị về tính mĩ thuật của Tư Lăng, đáng cho đời sau nghiên cứu học hỏi.
Chân dung vua Đồng Khánh, vị hoàng đế thứ chín của nhà Nguyễn. Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Vua Đồng Khánh là vị vua thứ chín của nhà Nguyễn, tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, ngoài ra còn có tên là Đường và Biện. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (hoàng tử con vua Thiệu Trị, vị hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn - PV) và bà Bùi Thị Thanh. Vua sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (19/02/1864), ở ngôi được 3 năm (1886-1888) rồi lâm bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tí (28/01/1889) lúc được 25 tuổi. Vua Đồng Khánh có 10 người con (6 trai, 4 gái). Sau khi mất, bài vị vua Đồng Khánh được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Cảnh Tông.
(Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Bài, ảnh: Thanh Hòa - & Tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét