27 thg 2, 2013

Về với xứ Mường

Nằm cách Hà Nội chừng 45km, thuộc địa phận xã Cự Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, Khu du lịch sinh thái Việt - Pháp Vịt Cổ Xanh mang đến cho du khách một không gian yên bình, một điểm đến gắn kết du lịch xanh với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường... 

Từ Hà Nội, chỉ mất hơn tiếng đồng hồ, du khách đã có mặt tại Khu du lịch sinh thái Việt - Pháp Vịt Cổ Xanh (KDLVCX). Nằm xen kẽ giữa núi rừng hùng vĩ, nơi đây hiện là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Hòa Bình. KDLVCX được xây dựng từ năm 2004 theo ý tưởng của hai vợ chồng người Pháp An Trần Chassedieu với mong muốn khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

KDLVCX có diện tích trên 25ha, bao quanh bởi quần thể thiên nhiên 100ha rừng cây, đồi chè, hồ nước... Tọa lạc ở trung tâm là tòa nhà Phong Lan mang phong cách nhà sàn Việt Nam kết hợp với kiến trúc nhà vùng Côte d’Azur, miền Nam nước Pháp, quê hương của chồng bà An Trần Chassedieu. Nằm rải rác trên các sườn đồi, thấp thoáng sau những khu vườn xanh mướt, bên cạnh hồ nước với cái tên giản dị Đập Đom là 12 khu nhà nghỉ xinh xắn, mộc mạc. Đặc biệt, tại các khu nhà nghỉ này, bà An Trần Chassedieu chủ trương không trang bị điều hòa, máy lạnh, tivi, giúp du khách có những ngày trở về cuộc sống giản dị, đời thường và cảm nhận trọn vẹn không khí mát lành của thiên nhiên.

Một góc khu du lịch sinh thái Việt - Pháp Vịt Cổ Xanh.

Mã Pí Lèng hay Máo Pì Lèng?

“Cái mỏm này gọi là Mã Pí Lèng nhưng dân Mông chúng tôi từ xưa tới nay vẫn gọi là Máo Pì Lèng”, cụ Vương lý giải tên gọi một địa danh nổi tiếng ở đất Hà Giang. 

Xong việc ở Trạm Biên phòng, chúng tôi về nghỉ ở dinh thự của vua Mèo xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) và ăn Tết với con cháu cụ Vương. Sớm 27 tháng Chạp thiếu, tôi lên đường về Hà Nội. Trời ướt sũng sương. Con đường đá không tên gồ gề toàn ổ trâu, ổ voi chen đá hộc trơn nhẫy từ Sà Phìn đi Đồng Văn. Già nửa buổi sáng chúng tôi mới tới Mã Pí Lèng trên đất Mèo Vạc. Bất chợt trời hứng chí hửng lên le lói nắng. Đây là một cơ hội hiếm có vào mùa này. Cụ Vương bảo tài Dự dừng xe ''cho tụi nó xem sông Nho Quế''. Tôi và Lê Vui - chuyên viên Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc nhảy khỏi xe, lom khom ra mép vực nhòm xuống sông. Một vệt ngoằn nghèo phản chiếu từ mặt nước hơi ánh lên như dải lụa xanh lơ ai đó vô tình đánh rơi giữa hai vách núi thăm thẳm vẫn còn đang mờ sương.

Khi đã yên vị trên xe, cụ Vương bảo: ''Cái mỏm này gọi là Mã Pí Lèng nhưng dân Mông chúng tôi từ xưa tới nay vẫn gọi là Máo Pì Lèng''. Tôi và Lê Vui lại ngớ ra. Vậy ra hàng trăm bài báo, bài viết về địa danh nổi tiếng này lẽ nào sai? Tôi rón rén hỏi cụ: ''Vậy Mã Pí Lèng có nghĩa gì thưa cụ?''. Cụ thủng thẳng mà rằng: Theo tiếng Mông nó là sống mũi con ngựa. Nhưng không phải Pí mà là Pì. Song như vậy vẫn sai. Tên của nó chính xác là Máo Pì Lèng-tức sống mũi con mèo. 


26 thg 2, 2013

Du lịch xanh Mũi Né

Từ một dải bờ biển hoang vu với những đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, Mũi Né giờ đã trở thành trung tâm du lịch của thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, địa điểm du lịch xanh - thân thiện với môi trường.

Dọc theo con đường chạy ra Mũi Né - Hòn Rơm tính từ bãi đá Ông Địa, chỉ hơn chục km, du khách như lạc vào một thế giới khác khi hàng chục resort cứ nối tiếp nhau trong không gian xanh hòa mình với thiên nhiên. Từ Victoria, Sea Lion Beach Resort & Spa, Sao Biển cho đến Làng Tre - Mũi Né, Sunny Beach, Muine Bay…, khu nghỉ dưỡng nào cũng sở hữu một bãi biển dài với hàng dừa xanh mượt bên bờ cát trắng, như nàng công chúa phơi mình dưới nắng vàng và biển xanh. 

Một khu nghỉ dưỡng rợp bóng cây xanh ở Mũi Né.

Nét văn hóa đặc sắc của người Khmer

Đối với người Khmer, Lễ hạ thủy ghe ngo là một điều đặc biệt. Mỗi năm, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần để tham gia lễ hội Ok Om Bok, sau đó được đưa lên bờ và bảo quản như cũ. Nó đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, vừa mang tính truyền thống vừa mang yếu tố tâm linh.

Một dịp rất tình cờ, chúng tôi từ Tp.HCM xuống thăm người bạn Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Đối với dân làm báo, được biết đây biết đó, tham gia vào các lễ hội để hiểu rõ về văn hóa và con người của nhiều vùng đất là điều rất thú vị. Người bạn Khmer hỏi chúng tôi: “Các cậu xem đua ghe ngo rồi đúng không? Thế đã biết Lễ hạ thủy ghe ngo chưa?”. Tất cả chúng tôi lắc đầu kèm với chút tò mò hiện trên khuôn mặt mỗi người.

Lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào giữa tháng 10 âm lịch. Trước khi ghe ngo được đưa đi tranh tài ở ngày hội, các bổn sóc và chùa Khmer thường tổ chức lễ cúng đầu ghe (đồng bào Khmer gọi là Pithi Sene Kbal Tuok) để hạ thủy ghe ngo. Ghe ngo được người Khmer xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của sức mạnh phum sóc, luôn được bảo quản rất cẩn thận và được đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong phum sóc. Vì vậy, Lễ hạ thủy ghe ngo có vai trò đặc biệt, thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào yếu tố tâm linh, tin vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của ghe ngo trong những cuộc đua.

Chuẩn bị làm Lễ hạ thủy ghe ngo tại chùa Bâng Sa (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). 

Ngày xuân vui hội ném còn

Truyền thuyết của người Thái ở Mường Thanh (Điện Biên) kể rằng: Ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ đã mời các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Vua Hùng đã sáng chế ra trò chơi ném còn để nhân dân cùng vui chơi. Từ đó, trò chơi ném còn trở nên rất phổ biến đối với người Thái. 

Trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái ở Tây Bắc, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu trò chơi ném còn. Để chuẩn bị cho ngày hội ném còn, các cô gái Thái đã chuẩn bị khâu quả còn trước vài tháng. Quả còn được bàn tay khéo léo của các cô thôn nữ Thái khâu bằng vải, hình trái còn to bằng quả cam lớn, bên trong có nhồi bông, cỏ mềm, vải vụn, hoặc hạt của cây bông. Bên ngoài còn được trang điểm bằng rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp.

Sân ném còn được tổ chức trên khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng và dựng một cây tre dài từ 15m - 20m. Trên ngọn cột tre, ngoài lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của hội xuân còn có một vòng tre đường kính ước khoảng hai gang tay, có quấn giấy đỏ. Vòng tròn dán giấy đỏ này coi như là tâm điểm để các đội thi nhau ném. Đội nào ném thủy tâm đó, coi như dành phần thắng. 

Sân chơi ném còn là một bãi đất trống giữa bản.

Nhảy trên biển Đá Nhảy

Vô số những núi đá to nhỏ trải trên bờ cát phẳng lì ở biển Đá Nhảy (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) khiến bạn không thể không reo hò thích thú khi đến đó. 

Biển mang tên Đá Nhảy, cái tên chỉ cần đọc lên cũng đã tạo ra điều gì đó lạ lẫm, tò mò, lôi cuốn khám phá. 

Cũng chẳng ai nhớ Đá Nhảy có từ bao giờ và vì sao biển lại mang tên đó. Thôi thì hãy cứ hiểu nôm na, gần gũi theo nghĩa đen là trên bờ biển có rất nhiều đá, có thể nhảy từ hòn đá này sang hòn kia nên gọi là Đá Nhảy vậy. Chính những bãi đá to nhỏ đó đã tạo nên nét riêng biệt của biển không lẫn vào đâu được.


Bờ cát phẳng mịn dẫn ra bãi Đá Nhảy