29 thg 9, 2021

Cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam ở Phú Yên

Cây cầu gỗ hiện lên mộc mạc, nên thơ giữa khung cảnh ráng chiều rực rỡ của vùng đất Phú Yên.

Việt Nam có rất nhiều cây cầu gỗ bắc qua sông nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cầu gỗ Ông Cọp - Phú Yên. Cầu gỗ Ông Cọp hay còn gọi là cầu Miếu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh, nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu. Cây cầu là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng, đập Tam Giang…

(Ảnh: Trịnh Nam Thái)

28 thg 9, 2021

Từ Năm Căn nhớ về... Cư xá 60 căn

Trước đây, đường bộ Việt Nam chỉ tới Năm Căn là hết. Nơi đây là vị trí hợp lưu của sông Cửa Lớn, là điểm giao thương thuận lợi, nên dần dần phát triển thành phố chợ bên sông.

Tượng đài Phan Ngọc Hiển ở Năm Căn

Người ta giải thích xuất xứ tên gọi Năm Căn như sau: Cách đây hơn 2 thế kỷ có một người Hoa tên Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy (trại đáy là khu trại nơi dân chài phơi lưới và đóng đáy). Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh Năm Căn.

Món gỏi lá đổi vị theo thời gian

Lá lìm kìm mọc nhiều ở các khu vực rừng ngập mặn, tùy theo thời điểm thu hái mà sẽ có vị mặn, hơi chua chát, xen lẫn ngọt dịu.

Khi đến Cần Giờ (TP HCM), du khách có thể thưởng thức các món ngon từ hải sản được nuôi trồng, đánh bắt ở biển và món ăn làm từ các loại rau thiên nhiên mọc dại trong khu vực rừng ngập mặn. Trong số đó, lìm kìm hay còn gọi là rau kìm là loại khá đặc biệt. Chúng là loại dây leo có lá nhỏ bằng ngón tay hình giọt nước và mọng nước, ăn giòn, hương vị thay đổi theo mùa mưa và mùa khô trong năm.

Vào khoảng thời gian khác nhau trong ngày, loại lá này cũng có những thay đổi về hương vị như mặn, chua chát và có hậu ngọt. Người dân Cần Giờ dùng lá lìm kìm chế biến thành nhiều món ngon như trộn gỏi với cá bống sao, tôm thẻ hay đem xào tỏi, nhúng lẩu cá, nấu canh với tôm, tép rất thanh vị và ngọt nước. Hiện các món ăn này đã có mặt trong nhiều khu du lịch sinh thái và được xem như món ngon không thể bỏ qua khi đến Cần Giờ.

Hòn đá chênh vênh đẩy không đổ ở Quy Nhơn

Hòn Chồng nằm trên các khối đá bên bờ biển, cách không xa bãi tắm Hoàng Hậu ở Ghềnh Ráng - Tiên Sa (TP Quy Nhơn).

Từ bãi tắm Hoàng Hậu (bãi Trứng), du khách phải trèo và nhảy qua những khối đá nhiều hình dáng, kích thước trong khoảng 30 phút để đến với Hòn Chồng. Đây là hai khối đá xếp chồng lên nhau ở điểm cao khoảng 60 m so với mặt biển. Nhìn từ xa Hòn Chồng tưởng chừng dễ đổ sụp chỉ bởi một cái đẩy tay nhưng lại đứng vững trước giông gió bao đời nay và được người dân, du khách mệnh danh là "tác phẩm nghệ thuật" của thiên nhiên.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân (57 tuổi), du khách từ Gia Lai cho biết đã đến thăm Hòn Chồng vào tháng 7/2019. Phần lớn du khách đến khu du lịch đã quen thuộc với bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Tiên Sa nhưng không nhiều người tới chụp với đá Hòn Chồng.

Bà Bích Vân bên đá Hòn Chồng. Ảnh: Robehieu Robe

Tảng đá xếp chồng chênh vênh ở Mũi Dinh

Tảng đá lớn như tòa nhà xếp chồng lên nhau, tùy theo góc chụp sẽ tạo cảm giác chênh vênh, là điểm check-in của nhiều du khách.

Tảng đá chồng nằm ở khu vực Mũi Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Vị trí của tảng đá cách điểm check-in "Đồng cừu Sơn Hải" khoảng 4 km theo đường ven biển Ninh Thuận.

Với kiểu tạo dáng giơ tay, du khách như đang bê trọn tảng đá lớn. Ảnh: Bạch Quyền

Không ai biết tảng đá chồng này xuất hiện từ khi nào nhưng theo người dân địa phương thì nó đã tồn tại ở đây qua bao thế hệ. Về kích thước, tảng đá chồng phía trên dài và rộng hơn xe đầu kéo container, cả khối đá lớn như một ngôi nhà 3 tầng. Thời gian gần đây, khối đá mới được du khách phát hiện và chụp ảnh.

18 thg 9, 2021

Bình Dương, có mấy Bình Dương?

 1.

Có lần tui ra Qui Nhơn, buổi tối ngồi uống cà phê với mấy anh bạn. Mấy ảnh nói với nhau:
  • Sáng mai tui có việc phải đi Bình Dương.
  • Lâu mau? Chừng nào về?
  • Làm việc trong buổi sáng thôi, trưa về.
Tui nghĩ thầm trong bụng: Từ Bình Định đi Bình Dương bằng xe cũng phải hơn 12 tiếng, muốn sáng mai tới đó thì giờ này phải đi rồi. Bằng không thì phải đi máy bay. Mà chuyện gì quan trọng, cấp bách đến nỗi phải bay đi Bình Dương gấp rồi trưa bay về vậy ta?

Hóa ra hổng phải vậy! Bình Dương là tên một thị trấn thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chỉ cách Qui Nhơn có 68 km thôi. Đi về trong buổi sáng là hoàn toàn ok!

Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Bình Dương, Phù Mỹ. Ảnh: Huyện đoàn Phù Mỹ.