Hiển thị các bài đăng có nhãn Quảng Trị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quảng Trị. Hiển thị tất cả bài đăng

9 thg 9, 2016

Dấu chân chúa Nguyễn bên bờ sông Thạch Hãn

Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), tức là Chúa Tiên, là người tiên phong mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của chín đời Chúa Nguyễn, lập nên vương triều nhà Nguyễn.

Nguyễn Hoàng (sinh tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa) là con trai thứ hai của Nguyễn Kim (1468 - 1545) và bà Nguyễn Thị Mai (quê ở Hải Dương). Theo phả hệ họ Nguyễn ở Gia Miêu, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc.

Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, Nguyễn Kim phải tránh sang Lào, xây dựng lực lượng, tìm cách khôi phục nhà Lê. Lúc ấy Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, Nguyễn Kim để Nguyễn Hoàng lại cho em ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng.

Lúc Nguyễn Hoàng 20 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ thường khuyên Nguyễn Hoàng lập công danh sự nghiệp. Nguyễn Hoàng làm quan dưới triều Lê, lập nhiều công lớn, được vua Lê Trung Tông phong tước Thái úy Đoan Quốc Công.

21 thg 8, 2016

Những di tích việc bức hại giáo dân ở Quảng Trị từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX

Bức phù điêu tại lăng Tử Đạo Trí Bưu

Một số thông tin về việc cấm đạo ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX:
  • Ở Đàng Trong, 6 đời Chúa Nguyễn đã ban hành 8 sắc chỉ trong thời gian từ 1625 đến 1725.
  • Ở Đàng Ngoài, 7 đời Chúa Trịnh đã ban hành 17 sắc chỉ trong thời gian từ 1629 đến 1773.
  • Nhà Tây Sơn có 5 sắc chỉ cấm đạo do vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) ban hành 2 sắc chỉ và Cảnh Thịnh ban hàng 3 sắc chỉ. Đặc biệt, vua Quang Trung không ban hành một Sắc Chỉ nào. Quan Thái Phó Trần Quang Diệu là người chống lại việc cấm đạo. Ông chống đối lại việc bắt bỏ tù và đày đoạ các Giáo Sĩ và giáo dân. Vợ chồng Thái Phó (phu nhân là nữ tướng Bùi Thị Xuân) rất có cảm tình với các Giáo Sĩ Thừa Sai. Cuộc tàn sát năm 1798 ghê gớm hơn cả, với những màn tra tấn dã man như tẩm dầu vào các đầu ngón tay, hay đổ vào rốn, trước khi châm lửa, hoặc treo ngược đầu "tội nhân" xuống... Các cơ sở Công Giáo tại Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hoá: nhà thờ, nhà xứ, tu viện, trường học, đều bị cướp phá, dân chúng chạy vào rừng trú ẩn lánh nạn.

12 thg 8, 2016

Cửa Việt chiều tháng 8 yên bình quá

Cửa Việt (Quảng Trị) những ngày đầu tháng 8. Vừa qua cơn sóng gió, chiều buông với những giao hòa giữa sông và biển trong cảnh sắc hoàng hôn khiến ký ức như trôi về một miền xa thẳm. 

Cửa Việt chiều chầm chậm đi qua - Ảnh: NINH NGUYỄN 

Có người nói cửa Việt là nơi dòng sông Hiếu đổ về Biển Đông. Cũng có ý kiến cho rằng cửa Việt nơi dòng sông Thạch Hãn đổ về biển cả. Cả hai ý kiến này đều đúng vì dòng sông Hiếu khi chảy qua thành phố Đông Hà đã hợp lưu cùng dòng Thạch Hãn, đổ ra cửa Việt.

1 thg 8, 2016

Ngôi làng ba tầng nằm sâu trong lòng đất 22 m

17 đứa trẻ đã được sinh ra tại địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong chiến tranh chống Mỹ.

Địa đạo Vịnh Mốc tọa lạc trên quả đồi đất đỏ bazan, ở độ cao hơn 28 m so với mực nước biển. Hệ thống làng hầm trong lòng đất hình thành và phát triển kéo dài khắp 70 làng của 15 xã, thị trấn và Vịnh Mốc là tiêu biểu nhất. Cấu trúc của địa đạo Vịnh Mốc dài 1.701 m, kết nối thông của 3 địa đạo khác là: Địa đạo của quân dân thôn Vịnh Mốc; địa đạo của quân dân thôn Sơn Hạ và địa đạo của lực lượng Công an vũ trang đồn 140. Gần 2.000 ngày đêm tồn tại, có những lúc trong lòng địa đạo chứa khoảng 1.200 người. Hiện trung bình mỗi năm đón gần 80.000 lượt khách. 

20 thg 7, 2016

Đâu rồi những đồi sim?!

Với ý nghĩ tìm lại những nét đặc trưng về thiên nhiên, con người ở Quảng Trị đã ghi sâu vào ký ức tuổi thơ, hai đề tài tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ và tìm kiếm nhất là hình ảnh những đồi sim, nắng và gió Lào ở Quảng Trị.

Sim bên triền đập Trấm, tháng 6/2014

Những “đồi sim” chứ không chỉ là hoa và trái sim. Và với thằng nhóc 6 tuổi như tôi hồi đó, chưa hề biết gì đến bài thơ của cụ Hữu Loan, chỉ thấy thích khi biết loại trái ngon, ngọt đầy ắp rổ của mấy bà ngồi bán dọc đường Phan Bội Châu vô chợ Đông Hà, lại có thể hái ăn thoải mái, không phải mua vì cây sim mọc hoang đầy trên đồi. Hồi đó, nhà tôi ở cái xóm nhỏ thuộc thôn đệ Nhị, cạnh đồng lúa làng Tây Trì. Nếu tính theo đường QL9 thì qua khỏi nhà thờ là “ngoại ô” rồi, con đường lên dốc và quẹo tay trái về hướng tây; bên trái là đồi đất chập chùng mọc đầy sim, bên phải là vùng đất thấp kéo dài ra bờ sông Hiếu. Đi lên, qua khỏi đường sắt là đã thấp thoáng những xóm người Thượng (cách gọi người dân tộc thiểu số hồi ấy).

7 thg 3, 2016

Thương nhớ cháo bột Hải Lăng

Không phải ngẫu nhiên mà cháo bột Hải Lăng nổi tiếng khắp cả nước, vì đây là nơi khai sinh ra món ăn dân dã nhưng gợi nhớ, gợi thương này...
Cháo bột (còn gọi là cháo vạt giường) rất quen thuộc ở miền Trung nhưng chỉ ở Hải Lăng mới tìm được hương vị chính gốc. Vì người dân ở đây chỉ chuyên làm món này và cách nêm nếm, nguyên liệu không thể lẫn với các vùng miền khác. 

Tô cháo bột Hải Lăng dân dã nhưng gợi nhớ 

4 thg 3, 2016

Bánh lọc Mỹ Chánh - đặc sản Quảng Trị

Nếu ai đã từng thưởng thức bánh lọc thôn Mỹ Chánh ắt sẽ hiểu lý do vì sao món ăn này lại trở thành đặc sản nổi tiếng, được hành khách vào Nam ra Bắc ưa thích và mua làm quà. 

Bánh lọc Mỹ Chánh nổi tiếng mấy chục năm nay 

Đoạn quốc lộ 1 qua thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có hàng chục người bán bánh lọc. Nhiều người ngồi ngay trên vỉa hè để tiện bán. Người khác thì mở quán cho khách vào ăn, tại đây, thực khách được xem quy trình làm bánh từ đầu đến cuối. 

30 thg 12, 2015

Ngắm chiều tà trên Động Cát Vàng

Không chỉ là bức tường thành ngăn nạn cát bay, Động Cát Vàng ở Gio Linh, Quảng Trị còn là điểm đến của những ai yêu cảnh thiên nhiên hoang sơ.

Cách Quốc lộ 1A khoảng 10 km về phía Đông trên đoạn đường 75B xuôi về Cửa Việt, Động Cát Vàng hay còn mệnh danh là “Tiểu sa mạc” giữa xứ đồng bằng nằm ở Thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong những địa điểm dừng chân đẹp mắt cho những ai mê thiên nhiên hoang sơ.

Chiều xuống mênh mang ở Động Cát Vàng

11 thg 11, 2015

Món lạ ở thành cổ Quảng Trị

Cháo được nấu từ thịt cá quả thơm ngon cùng những sợi bột vạt giường hay bát bún hến dân dã là những món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến Quảng Trị.
Còn được gọi là cháo canh, cháo bột hay cháo cá, cháo vạt giường là món ăn thường được người địa phương đãi khách đường xa.

Cháo cá vạt giường hấp dẫn bởi hương vị đặc trưng của bột gạo hay bột lọc và cá lóc. Người chế biến phải chọn loại gạo ngon, ngâm qua đêm cho nở rồi xay thành bột. Khâu nhào bột rất quan trọng bởi nếu làm lâu, khi nấu bột sẽ dai và ngon hơn. Bột chín được cán mỏng rồi thái thành từng sợi, gọi là bột vạt giường. Hương vị làm nên món cháo vạt giường chính là cá lóc được hấp chín, lọc lấy thịt, đầu và xương giã nhỏ chắt nước để làm nước dùng. 

Người dân Quảng Trị thích ăn cháo vạt giường thật cay. Nếu không ăn được cay, bạn nên lưu ý với chủ quán. Ảnh: tinquangtri 

8 thg 10, 2015

Chắt chắt và ốc xào bên bờ sông Thạch Hãn

Chắt chắt ăn kèm bánh tráng giòn tan hay ốc xào với mùi nước cốt dừa thơm đặc trưng là món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến thành cổ Quảng Trị.

Ngay cung đường ven sông Thạch Hãn thuộc thị xã Quảng Trị có những quán ăn vặt bán chắt chắt xào hay ốc xào dừa đậm đà vị cay nồng khó quên.

Chắt chắt xào

Cái tên chắt chắt chắc hẳn sẽ gây một sự tò mò cho du khách. Chắt chắt cùng họ với ngao, hến nhưng nhỏ hơn, thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Chúng sống ở nước lợ trộn lẫn trong cát. Ở vùng nước sâu, người ta dùng cào, đứng trên thuyền để xúc. Ở vùng nước cạn, chỉ cần xắn quần ngang đầu gối rồi dùng tay là có thể cào được chắt chắt.

Chắt chắt được đem về ngâm nước vo gạo để nhả hết bùn. Sau đó chà xát thật sạch vỏ chắt chắt rồi đổ vào nước đang sôi, dùng đũa khuấy đều để tách ruột. Dùng rổ đãi như đãi gạo là lấy được phần ruột (nước luộc chắt chắt để thật lắng rồi lọc, đem nấu canh hoặc nấu cháo sẽ rất ngọt.) 

Chắt chắt xào là món ăn vặt rất thú vị khi đến Quảng Trị. 

13 thg 9, 2015

Đường tây Trường Sơn thân thuộc mà lạ lẫm

Nhánh phía tây dãy Trường Sơn của đường mòn Hồ Chí Minh ngày nay đã được mở rộng, đổ bê tông chắc chắn, khang trang hơn nhưng vẫn heo hút. Khi được cầm lái trên cung đường ghi dấu lịch sử hào hùng đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước này, cảm xúc tự hào bỗng dưng trào dâng. 

Con đường như dải lụa vắt vẻo giữa núi rừng Tây Trường Sơn 

Con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa chính là cái nền móng để xây dựng đường Trường Sơn Tây ngày nay. Đường đã được trải bê tông trên toàn tuyến, uốn lượn và nằm sâu giữa rừng miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị. 

12 thg 9, 2015

Bánh rong biển dân dã ở Quảng Trị

Bát bánh được làm từ rong biển, chắt chiu những chất tinh túy từ biển cả, tạo nên hương vị riêng cho ẩm thực Quảng Trị.

Vùng Cửa Tùng (huyện Gio Linh, Quảng Trị) có rất nhiều loại rong biển. Dọc theo các triền đá doi ra từ biển Cửa Tùng xuống Vịnh Mốc là nơi rong phát triển nhiều. Nghề hái rong biển cũng trở thành một nét đặc trưng của người dân nơi đây.

Họ có thể chế biến ra nhiều món từ rong nhưng đặc trưng ở vùng này là bánh rong biển dân dã. 

Rong biển được ngâm và rửa sạch qua nước muối trước khi chế biến thành bánh canh rong biển. Ảnh: hoitho 

25 thg 8, 2015

Mùa cá hấp

Dọc Đường xuyên Á xuống những xã vùng biển bãi ngang Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) vào mỗi độ tháng 4, tháng 5 kéo dài đến hết mùa nắng là mùa hấp, phơi cá.

Giữa trời nắng và gió như gắp than đổ vào lồng ngực của khách bộ hành, nhưng ven đường, nơi lò hấp, đôi tay vén khéo của người đàn ông, phụ nữ vùng biển vẫn tất bật với từng mẻ cá khô đượm mùi biển cả. Để từ đó, từng con cá theo bước chân của khách thương hồ di vạn nẻo đường xa.

Đã gần chục năm nay, nghề hấp và phơi cá là công việc thường nhật của người dân vùng biển Cửa Việt. Công việc này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Loại cá được hấp phơi đa phần là cá nục, có kích thước tương đương hai ngón tay người lớn. Cá tươi sau khi đánh lên, hấp sơ qua nước nóng, sau đó phơi dưới trời nắng.

Cá phơi được nắng, hong được gió sau hai đến ba lượt thì được bẻ đầu, đóng gói và xuất đi các thị trường trong và ngoài nước. Đã từ lâu, công việc này đã tạo công ăn việc làm và tạo thu nhập cho nhiều người dân bãi ngang ven biển ở Quảng Trị.

28 thg 7, 2015

Khám phá đảo Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khoảng 30km. Đảo Cồn Cỏ đã hai lần vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... 

 Âu cảng nơi tàu đánh cá và tàu khách ra đảo neo đậu 

Với diện tích chỉ vào khoảng 4km2 nhưng có đến ¾ diện tích là rừng nguyên sinh, Cồn Cỏ là một điểm đến thích hợp cho những phượt thủ đam mê khám phá. Có thể coi Cồn Cỏ là hòn đảo đẹp một cách hiếm có của miền Trung. Địa chất trên đảo khá đặc biệt. Theo các tài liệu khoa học, đảo Cồn Cỏ hình thành từ quá trình vận động phun trào núi lửa. Đảo có cấu tạo địa chất đa dạng khi vừa có đá bazan, vừa có đá san hô và cát. Khách du lịch đến đây có thể tận hưởng cảm giác “lên rừng xuống biển” khi mà vừa bước ra khỏi khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú đã là một bờ biển xanh ngắt đầy gió ở ngay trước mắt. 

23 thg 6, 2015

Mít luộc chấm mắm nêm - đặc sản dân dã ở Quảng Trị

Thường xuất hiện trong mâm cơm ngày hè của người dân Quảng Trị, mít luộc chấm mắm nêm là món ăn mang đậm tình quê hồn hậu trong nỗi nhớ của những người con xa xứ.

Hè về là lúc những trái mít non trong vườn đang kỳ phát triển. Người dân Quảng Trị thường tỉa bớt những trái mít non mọc sát nhau để quả phát triển tốt hơn. Nhờ đó, trên mâm cơm gia đình có thêm nhiều món ngon như mít non kho cá, nấu canh tôm thịt, trộn nhộng tằm... Trong đó, đơn giản và dễ làm nhất là món mít luộc chấm mắm nêm. 

Sau khi luộc chín, người chế biến xắt thành từng miếng vừa ăn rồi bày ra đĩa. Tùy khẩu vị mỗi người mà để nguội hoặc ăn nóng. Ảnh: Quangtri360. 

4 thg 6, 2015

Chân chất bánh mì xíu Quảng Trị

Con nít Quảng Trị lớn lên không đứa nào không biết bánh mì, mà người ở đây chỉ quen gọi ngắn gọn là “mì” thôi (người xứ khác lỡ chân lạc tới đây dễ bị nhầm thành món mì nước lắm, vì cái tên).
Thời đó, đi học đường xa, xe đạp không có, đứa nào đứa nấy phải dậy từ mờ sáng, hơn 6 giờ đã xụt xịt ra khỏi nhà, xúm xít ghé xe đẩy bán mì đầu xóm mua ổ mì xíu để ăn lót dạ trên đường đến trường .

Mì xíu là bánh mì nhân thịt xíu, thứ thịt heo rim mặn ngọt với xì dầu, na ná kiểu xá xíu. 

Bánh mì mới ra lò nóng hổi, giòn tan, thịt ba chỉ rim đậm đà, thêm chút rau răm, chút ớt, chút nước xíu làm dậy mùi thơm phức 

4 thg 5, 2015

Chợ ... đèn pin


Không phải là chợ chuyên bán đèn pin mà vì chợ này nhóm họp khi trời còn tối đen, người bán hàng phải dùng đèn pin để cho khách mua xem hàng và thấy nhau mà giao dịch.

Hàng ngày, chợ đông từ trước 4g sáng, khi trời sáng hẳn thì chợ đèn pin giải tán, trả lại “mặt bằng” là đoạn đầu đường Quang Trung ra bờ sông Thạch Hãn, cạnh chợ thị xã Quảng Trị.

Người mua không phải là các bà nội trợ mà họ mua rồi bán lại ở các chợ nhỏ; kiểu như đây là “chợ đầu mối” chuyên về nông sản, nguồn hàng từ các làng quanh thị xã.


Độc đáo giếng đá cổ ở Gio An

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, cuộc sống nhân dân và bộ mặt làng xã đã thay đổi, nhưng Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) còn giữ được hệ thống di tích vô cùng quý giá. Đó là những giếng đá có thể do người Chăm tạo tác từ cuối thế kỷ XII, khi mật độ dân cư còn thưa thớt.

Bao năm nay, nhiều du khách đến Gio Linh theo quốc lộ 1A thường rẽ vào tỉnh lộ 75 để lên viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hầu như không ai biết là mình đang đi qua một vùng quê độc đáo: xã Gio An với 16 giếng đá cổ, di sản của nền văn minh xếp đá độc nhất vô nhị.

Giếng ở đây không mang hình ảnh những cái giếng cổ thường thấy ở các làng, xã vùng đồng bằng là đào sâu xuống lòng đất tìm mạch nước; ở đây, giếng được khai thác các mạch nước ngầm ở sườn đồi, xếp đá ngăn lại giữ nước, lắng nước, chứa nước và dẫn nước … theo ý mình.

Lần theo di tích văn minh người xưa

Giếng Pheo ở thôn Tân Văn. Ảnh: Trần Bình

2 thg 5, 2015

Đảo Cồn Cỏ - Hòn ngọc thô giữa đại dương

Cách không quá xa đất liền, thiên nhiên hoang sơ với nhiều loài cây rừng, hải sản quý hiếm, đảo Cồn Cỏ trở thành điểm du lịch hút khách ở Quảng Trị trong những năm gần đây.

Cồn Cỏ cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý. Hiện tại chưa có tàu khách thương mại ra Cồn Cỏ nên du khách thường thuê thuyền cá làm phương tiện để đặt chân đến hòn đảo tiền tiêu này. Cách khác là đi nhờ tàu công vụ của UBND huyện hoặc tàu sắt chở vật liệu ra xây dựng đảo. 

3 thg 4, 2015

Ô Lâu còn đó câu hò

Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!

Chuyện xưa kể rằng, có chàng thư sinh từ phương Bắc trên đường vào kinh (Huế) ứng thí, đã gặp cô lái đò ngang trên sông Ô Lâu rồi hai người đem lòng mến thương nhau. Sau kỳ thi, chàng về quê và ước hẹn sẽ sớm quay lại gặp nàng. Nhưng rồi, bặt vô âm tín, chàng không trở lại như đã hứa hẹn. Sau thời gian dài mòn mỏi đợi chờ, cô lái đò lâm bệnh mà chết. Lúc chàng trai ngày ấy trở lại tìm người yêu thì cô lái đò năm xưa đã không còn nữa. Câu chuyện đơn giản như hàng ngàn câu chuyện tình khác, nhưng không hiểu sao với tôi cảm giác mến thương cô gái đa tình ngày xưa cứ đọng mãi trong lòng và cứ hẹn với mình thế nào cũng phải tìm đến bến đò ấy một lần.

Để thỏa ước nguyện đó và cũng là dịp thưởng ngoạn khung cảnh trữ tình của sông Ô Lâu, nhóm bạn chúng tôi xuống đò làm một chuyến thám du đường thủy.

Ngao du sông nước