Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

18 thg 9, 2021

Bình Dương, có mấy Bình Dương?

 1.

Có lần tui ra Qui Nhơn, buổi tối ngồi uống cà phê với mấy anh bạn. Mấy ảnh nói với nhau:
  • Sáng mai tui có việc phải đi Bình Dương.
  • Lâu mau? Chừng nào về?
  • Làm việc trong buổi sáng thôi, trưa về.
Tui nghĩ thầm trong bụng: Từ Bình Định đi Bình Dương bằng xe cũng phải hơn 12 tiếng, muốn sáng mai tới đó thì giờ này phải đi rồi. Bằng không thì phải đi máy bay. Mà chuyện gì quan trọng, cấp bách đến nỗi phải bay đi Bình Dương gấp rồi trưa bay về vậy ta?

Hóa ra hổng phải vậy! Bình Dương là tên một thị trấn thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chỉ cách Qui Nhơn có 68 km thôi. Đi về trong buổi sáng là hoàn toàn ok!

Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Bình Dương, Phù Mỹ. Ảnh: Huyện đoàn Phù Mỹ.

4 thg 8, 2021

Vắng tanh như chùa Bà Đanh

 1. Hồi xưa ấy, lúc đầu tui đọc được thông tin là chùa Bà Đanh ở Hà Nội. Số 199 đường Thụy Khuê, gần Hồ Tây. Thế rồi có dịp cùng bạn bè ngồi chơi bên bờ Hồ Tây, tui tranh thủ thả bộ qua phố Thụy Khuê để coi vắng như chùa Bà Đanh là sao.

Trái với hình dung của tui, chùa Bà Đanh đâu có vắng. Nói cho chính xác là không vắng mà cũng không đông (thử nghĩ coi, ở ngay trung tâm quận Tây Hồ mà vắng gì nổi!), không có gì nổi bật và cũng hơi khó tìm vì nằm sâu trong hẻm. Tên chùa cũng không phải Bà Đanh, mà là Châu Lâm - hoặc Phúc Châu.

Lối vào chùa Châu Lâm. Ảnh: ZingNews

31 thg 7, 2021

Ca khúc "Về Đồng Nai"

Ca khúc Về Đồng Nai được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1984 và trong nhiều năm từ giữa thập niên 1980 được phát thường xuyên trên đài phát thanh Đồng Nai (hồi đó chưa có truyền hình Đồng Nai, và nghe hát chủ yếu qua loa phường). Thường xuyên đến mức tưởng như nhạc hiệu của đài. 

Khách quan mà nói, đây chưa phải là một ca khúc xuất sắc của nhạc sĩ Xuân Hồng, nhưng được nghe thường xuyên và lời ca êm dịu, tha thiết nên tui vẫn nhớ hoài và ghi lại kỷ niệm một thời.


13 thg 7, 2021

Xáng là gì?

Trước khi người Pháp đến Việt Nam, người Việt ở Nam bộ đã di chuyển trên sông rạch và làm ruộng ở những vùng sông rạch này rồi. Khi người Pháp đến, họ thấy sông rạch tự nhiên (và một số kinh đào như kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà...) là chưa đủ. Họ cho đào kinh thêm ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở, rút bớt nước lụt, rút bớt phèn. Khác với những con kinh do người Việt đào trước đó chủ yếu bằng thủ công, những con kinh do người Pháp đào sử dụng phương tiện cơ giới.

Những chiếc máy đào kinh, vét mương rạch này được gọi là xáng. Những con kinh đào bằng xáng được gọi là kinh xáng.

Kinh Xáng Xà No. Ảnh: Lý Anh Lam

6 thg 7, 2021

Vàm Xáng là gì?

Câu ca dao "Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền" dễ làm những người không phải dân Cần Thơ nghĩ rằng đây là 4 địa điểm khác nhau . Thiệt ra, đây là 4 địa danh nhưng chỉ có 2 địa điểm thôi. Bởi vì Ba Láng thuộc Cái Răng còn Vàm Xáng thuộc Phong Điền. Câu ca dao trên nếu diễn giải dài hơn một chút cho rõ nghĩa thì sẽ là "Cái Răng có Ba Láng, Vàm Xáng ở Phong Điền".

Cái Răng là quận nội đô, Phong Điền là huyện ven đô của thành phố Cần Thơ.

Ba Láng là phường thuộc quận Cái Răng, phía Tây của phường này giáp huyện Phong Điền.

Cổng chào phường Ba Láng, TP. Cần Thơ

5 thg 7, 2021

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

 


Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

Dân Cần Thơ chắc ai cũng biết câu ca dao đó, nhưng mà nhứt trí với nhau về ý nghĩa câu ca dao thì chắc là không. Điểm gây tranh cãi chính là ý nghĩa của 2 câu sau, nó có vẻ mâu thuẫn với những quan điểm truyền thống của người dân Nam bộ:

Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

3 thg 5, 2021

Ở nơi không có sân bay, nhưng có máy bay đậu

An Giang không có sân bay?

Thật ra An Giang đã từng có không chỉ một mà đến 3 sân bay, đó là các sân bay Long Xuyên (còn gọi là sân bay Vàm Cống, nằm ở Long Xuyên), sân bay Châu Đốc (nằm ở Châu Đốc) và sân bay Thất Sơn (nằm ở Tịnh Biên). Tuy nhiên đó đều là các sân bay nhỏ, phục vụ cho mục đích quân sự và đến nay đã không còn sử dụng nữa.

An Giang có đề xuất xây dựng sân bay tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch ngày 2/6/2011, tuy nhiên đến năm 2016 dự án này đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch giao thông 13 tỉnh Tây Nam Bộ từ nay tới năm 2030 vì không khả thi.

Tóm lại là hiện nay An Giang không có sân bay nào hết!

Nhưng vẫn có máy bay!

Máy bay YAK-40 ở khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Lê Quang Dũng

1 thg 5, 2021

Gỏi lá Kontum

Người ta nói rằng tới Kontum mà chưa ăn gỏi lá thì... chưa nên về! Đó là tui mới biết gần đây, còn trước đây những lần tới Kontum tui đều về tuốt trước khi biết gỏi lá là cái món gì. Lần gần đây cũng vậy, sau khi ghé thăm Nhà thờ Gỗ và Tòa Giám mục thì cũng đã chiều tối, tới giờ ăn. Quẹt quẹt trên Google Maps một chút thì biết rằng gần xịt nơi đó là con đường Trần Cao Vân, nơi tập trung nhiều quán đặc sản gỏi lá Kontum, tui cùng gia đình quyết định tới ăn cho biết chớ không phải là định trước.

Nói đến gỏi, người ta nghĩ ngay đến đủ thứ rau củ, ngó sen... với tôm, thịt luộc pha trộn chua chua ngọt ngọt... Còn gỏi cuốn thì cũng nhiều món rau, tôm thịt... như trên, nhưng không có làm chua ngọt mà cuốn bánh tráng rồi chấm nước chấm. Thế nhưng gỏi lá Kontum thì không phải như vậy!

Gọi là gỏi lá bởi vì nó chủ yếu là... lá, như vầy nè (cái rổ lá chớ không phải cái cô sơn nữ bưng rổ đâu nghen!).

26 thg 4, 2021

Gió và nước ở Kontum

 Những ai đam mê kiến trúc ắt hẳn đều biết đến tên kiến trúc sư Võ Trong Nghĩa với vô số tác phẩm đoạt giải quốc tế của anh, trong đó nổi bật là những kiến trúc xanh - đặc biệt là với vật liệu chủ lực là tre. Công trình nổi bật, đoạt giải quốc tế đầu tiên của Võ Trọng Nghĩa là cafe Gió và Nước ở Bình Dương, hoàn thành năm 2008.

Sau Gió và Nước ở Bình Dương, nhiều công trình tương tự đã được Võ Trọng Nghĩa tạo nên cả trong và ngoài nước. Một trong những công trình ấy là Cafe Indochine ở KontumCafe Kontum Indochine được xây dựng tháng 7/2013 và ngay sau đó đã được tạp chí ArchDaily (Mỹ) đưa vào danh sách 5 công trình được đề cử giải thưởng Building of the Year (công trình của năm) tại hạng mục khách sạn - nhà hàng. Giải thưởng trên được quyết định bởi chính các nhà chuyên môn và hơn 300.000 độc giả trên toàn thế giới của ArchDaily bình chọn cho công trình kiến trúc ấn tượng nhất trong năm.

Cafe Indochine Kontum. Ảnh: PHN

22 thg 4, 2021

Lăng cá Ông ở Vũng Tàu

 Lăng cá Ông ở Vũng Tàu nằm trong Đình thần Thắng Tam, trên đường Hoàng Hoa Thám. Đây là một quần thể kiến trúc, di tích gồm ba công trình: đình Thắng Tam, miếu Bà và lăng cá Ông. Năm 1991, cụm kiến trúc đình Thắng Tam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


Tam quan đình thần Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Theo tập quán lâu đời của cư dân biển, họ gọi cá ông (cá voi) là Ông Nam Hải. Do vậy, lăng cá Ông được gọi là Lăng Ông Nam Hải. Dưới đây là ảnh mặt tiền của Lăng Ông Nam Hải, chụp trước năm 2011 (ảnh của anh TMB, đăng trên Thời báo Kinh tế SG ngày 16/02/2010)

20 thg 4, 2021

Thăm nghĩa trang cá Ông lớn nhất Việt Nam

 Trần Hưng Đạo là con đường nhựa nhỏ chạy ven biển làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đến cuối đường, ta thấy cổng một ngôi đền hướng ra biển, đó là Ngọc Lăng Nam Hải, nơi được xem là nghĩa địa cá voi lớn nhất Việt Nam.



Tục an táng và thờ cúng cá ông (cá voi) là một tín ngưỡng dân gian có ở hầu như mọi làng chài thuộc duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Khi người dân chài phát hiện được cá voi mắc cạn và mất, tục gọi là ông luỵ bờ thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Chủ ghe hoặc 
người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang "ông". Sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, sau đó cúng 21 ngày, 49 ngày, 3 tháng 10 ngày, giỗ đầu... như cúng đối với cha của mình.

19 thg 4, 2021

Đây là đâu hỡi em?

 Bến Vân Đồn ở đâu?

Nếu bạn là dân Sài Gòn thì khi nghe câu hỏi này theo phản xạ tự nhiên bạn sẽ trả lời ngay: Ở quận 4 chớ ở đâu? Tất nhiên rồi, vì Bến Vân Đồn là con đường cặp theo rạch Bến Nghé ở quận 4.

Đường Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM

Thế nhưng nếu không phải dân Sài Gòn, bạn sẽ dừng một chút để suy nghĩ và trả lời rằng: Vân Đồn ở Quảng Ninh. Đúng luôn! Nhứt là thời gian gần đây sân bay Vân Đồn là nơi nhiều khách nước ngoài về Việt Nam và... đi cách ly.

18 thg 4, 2021

Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam

Thế hệ ngày nay có lẽ chỉ còn nghe nhắc đến ông Đạo Dừa mỗi khi đi tham quan Cồn Phụng ở Bến Tre, nơi ông tu hành trong thời gian dài và xây dựng nên nhiều cơ sở thờ phụng.

Ông Đạo Dừa tên thật là Nguyễn Thành Nam, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1910 tại Bến Tre. Xuất thân trong một gia đình danh giá và giàu có, ông du học tại Pháp, tốt nghiệp kỹ sư hóa học và về nước năm 1935. Đến năm 1945 ông đi tu ở Bảy Núi, Châu Đốc và năm 1963 chính thức lập nên Đạo Dừa tại Cồn Phụng, Bến Tre.

Chiếc đỉnh lớn ghép bằng gốm sứ đặt tại Cồn Phụng. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia

17 thg 4, 2021

Ai qua bến Đà giang

 Ai qua bến Đà giang?

Tui... chưa qua bến Đà giang, cũng chưa từng có dịp đi dọc đoạn sông Đà nào. Thế nhưng trong đầu tui vẫn có những nét khái quát về sông Đà, bởi vì hồi nhỏ tui... có học Địa lý! Chi tiết ấn tượng nhất mà tui nhớ về sông Đà là có một đoạn sông chảy ngay dưới chân Hoàng Liên Sơn, dãy núi cao nhất Việt Nam. Chi tiết này gợi lên một hình ảnh hùng vĩ và hoang dã về sông Đà.


3 thg 3, 2021

Chùa Phật Lớn trên núi Cấm

Đây là tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Tượng có chiều cao 33,6 m (tính từ dưới chân đế đến đỉnh đầu), diện tích bệ tượng 27 x 27 m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông, cốt thép. Tượng thuộc chùa Phật Lớn, chánh điện nằm cách đó không xa. Ngày 29/5/2013, tượng được công nhận là Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á.


20 thg 2, 2021

Chuyện Thầy Thím ở núi Sập

 Nhắc đến Thầy Thím là người ta nghĩ ngay đến Dinh Thầy Thím ở La Gi, Bình Thuận. Sự tích Thầy Thím nơi đây được truyền tụng rất nhiều, được ghi chép và kể lại khắp miền Trung và Nam bộ chớ không chỉ ở La Gi. Dinh Thầy Thím rất uy nghi, to rộng, có tiếng là linh thiêng, hàng năm đều có lễ hội trọng thể. Lại còn có cả khu mộ Thầy Thím nữa.


Câu chuyện về Thầy Thím được tóm tắt thế này: Thầy là một đạo sĩ tài năng, giàu lòng nhân ái ở Quảng Nam, Thím là vợ của Thầy. Do bị vua xử oan ức, Thấy và Thím cỡi rồng bay về phương Nam, đến trú ngụ tại làng Tam Tân, thuộc La Gi. Từ đó Thầy Thím ra sức giúp đỡ dân làng về nhiều mặt. Khi hai người mất, dân làng biết ơn nên lập dinh để thờ.

Tưởng đâu câu chuyện Thầy - Thím này là độc nhất, nhất là việc ghép giữa Thầy và Thím khá lạ, thế nhưng xuôi về phương Nam ta lại bắt gặp câu chuyện Thầy Thím với mô-týp tương tự.

Thoại Sơn, An Giang, tức Núi Sập, nơi diễn ra câu chuyện Thầy Thím

18 thg 2, 2021

Chùa Xà Tón ở Tri Tôn

 Ở cách thành phố Long Xuyên khoảng trên 50 km, thuộc huyện Tri Tôn có một ngôi chùa Khmer nổi tiếng. Đây được xem là ngôi chùa Khmer tiêu biểu nhất, lớn nhất và xưa nhất ở An Giang. Tên chùa là Xvayton, viết là ស្វាយទង.


Toàn cảnh chùa Xà Tón. Ảnh Bùi thị Đào Nguyên trên Wikipedia

15 thg 2, 2021

Tà Pạ

 Có lẽ dân du lịch - săn ảnh biết đến cái tên Tà Pạ là từ cánh đồng Tà Pạ. Người ta nói với nhau rằng ở phía Nam cũng có nơi có ruộng bậc thang giống như những ruộng bậc thang vốn đã rất nổi tiếng ở Tây Bắc, nơi đó là Tà Pạ. Thật ra không hẳn như thế, nhưng cánh đồng Tà Pạ cũng là cảnh đẹp thu hút mọi người.


Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer.

Người nông dân Khmer mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…

9 thg 2, 2021

Ăn buffet tại Khu ẩm thực Làng Bột Sa Đéc

Làng bột Sa Đéc là một làng nghề truyền thống, ra đời cách nay hàng trăm năm. Hiện làng nghề có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông, mỗi năm cung ứng 30.000 tấn bột gạo, không chỉ cho thị trường Sa Đéc mà cho nhiều tỉnh phía Nam.

Ý tưởng lập nên một điểm du lịch, nơi đó khách có thể vừa tham quan vừa thử tự tay xay bột, làm bánh như đến làng nghề, vừa là nơi thưởng thức các món bánh làm từ bột như đến khu ẩm thực là một ý tưởng hay. Khu ẩm thực Làng Bột Sa Đéc dựa trên ý tưởng đó.

Tui hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này và mặc dù chỉ biết ăn bánh chớ không biết làm bánh, tui rất muốn đưa các dì của tui, là những người phụ nữ quê quán ở miền Tây Nam bộ đến thăm nơi này để nhớ lại ngày xưa và để thưởng thức lại những món bánh dân gian mà ngày xưa mình đã tự tay làm.

Coi trên mạng, tui thấy rất hấp dẫn với các món buffet như hình:

5 thg 2, 2021

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

  1.

Hình trên được chụp ở bên ngoài hang Cắc Cớ, một hang động nổi tiếng trên núi Sài Sơn thuộc khu vực chùa Thầy, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Có câu ca dao nhắc về hang Cắc Cớ như sau:

Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Sao có tên là Cắc Cớ? Người bạn Hà Nội giải thích với tui: Bởi vì nó... cắc cớ. Nam thanh nữ tú lên tới đây, chui vô hang xong ra về là dính cặp với nhau ngay.