12 thg 12, 2013

Rừng tràm Trà Sư, bữa tiệc màu xanh mùa nước nổi

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát mùa nước nổi.

Với diện tích khoảng 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh mơn mởn của đám bèo tây giăng kín mặt nước. Đây sẽ là một trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mang và say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng, lắng nghe tiếng chim chóc kêu thật gần và những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng. 

Màu xanh hun hút của rừng tràm Trà Sư. 

Đi về phía huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 100 km, bạn sẽ gặp con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm Trà Sư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa ngút ngàn và những cây thốt nốt cao cao tỏa bóng như mê đắm, nhất là trong ánh hoàng hôn rực rỡ của miền nhiệt đới. Đâu đó, bạn còn gặp những đàn vịt đủ màu sắc, bởi họ nhuộm lông cho những chú vịt, nào vàng, nào xanh, nào tím… để nhận biết vịt của các nhà. 

Thăm lăng Bà Vú

Lăng Bà Vú tọa lạc tại P.Ninh Hiệp, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đây là công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Nói đến lăng Bà Vú người ta thường nhớ đến câu chuyện về người phụ nữ đã có nhiều công lao với vua Gia Long.

Lăng Bà Vú - Ảnh: Nguyễn Chung 

Theo truyền thuyết, khi giao tranh với quân Tây Sơn (vào khoảng thời gian 1780 - 1785), Nguyễn Ánh thất bại phải bỏ chạy. Khi Nguyễn Ánh qua làng Mỹ Hiệp ở Ninh Hòa thì lương thực cạn kiệt, mình lại bị bệnh nên kiệt sức. Trong lúc hoạn nạn, Nguyễn Ánh được một phụ nữ trong làng thương tình mời vào nhà nghỉ ngơi, nấu cơm đãi, săn sóc thuốc men chu đáo và cho lương thực mang theo lúc lên đường. Sau nhiều năm chinh chiến, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu Gia Long. Nhớ ơn người từng cứu giúp nên ông đã quay lại làng Mỹ Hiệp tìm ân nhân nhưng người xưa không còn. Để tỏ lòng tri ân, nhà vua truy phong bà là “Nhũ mẫu” (người vú nuôi), đồng thời truyền thợ giỏi đến làng Mỹ Hiệp để xây lăng cho bà.


4 thg 12, 2013

Dray Sap, miên man khói bụi

Thác Dray Sap thuộc huyện Cư Jưt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25 km. Trên đường từ Nam ra Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 14, bạn sẽ đi ngang qua thác trước khi đến TP Buôn Ma Thuột.

Lần đầu tiên tôi đến thác Dray Sap là năm 2000. Nếu bạn đã từng quen thuộc với những con thác ở Lâm Đồng như thác Prenn, thác D'Atanla. thác Pongour... bạn sẽ thấy vô cùng choáng ngợp trước vẻ kỳ vĩ của con thác lớn bậc nhất Tây nguyên này.


Thác Dray Sap năm 2001. Bạn có thể thấy khói mịt mờ dưới chân thác. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thác như một bức tường nước khổng lồ giăng ngang giữa hùng vĩ đại ngàn, dòng nước cuồn cuộn đổ tung bụi nước mịt mù dưới chân thác như khói sương ngút ngàn. Đó là lý do người Ê đê gọi tên thác là Thác Khói (trong tiếng Ê đê Dray là thác, Sap là khói).

Chợ phiên Yên Minh

Trong hành trình đến Hà Giang, nhóm chúng tôi đã có dịp ghé chợ phiên vùng cao Yên Minh, thị trấn nhỏ cách TP Hà Giang khoảng 100 km về phía Đông Bắc. Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, chợ Yên Minh chỉ họp vào ngày chủ nhật.

Ngay từ sáng sớm, trên các con đường đổ về thị trấn đã nhộn nhịp từng đoàn người đi chợ. Nhiều người từ các bản làng xa xôi trên núi cao phải dậy từ nửa đêm, vượt bao đèo dốc để đến Yên Minh. Không gian vốn yên tĩnh nơi này chợt sôi động hẳn lên vào ngày chợ phiên, với đủ sắc màu trang phục: Váy xòe thổ cẩm của người H'Mông, khăn đỏ của người Dao, màu xanh dương váy áo của các cô gái Tày, trang phục chàm của người Nùng… 

Chợ phiên vùng cao rực rỡ sắc màu 


Mì xụa

Từ lâu, nói tới các món ngon ở Sóc Trăng, người ta thường nghĩ ngay tới bánh pía, mè láo và lạp xưởng Vũng Thơm – bánh và thực phẩm của người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) định cư hàng trăm năm nay ở Sóc Trăng sản xuất. Nhưng có một thứ thực phẩm làm nên danh tiếng người Tiều Sóc Trăng từ xưa đến nay là mì xụa thì không phải ai cũng biết.

Dĩa mì xụa xào tim, gan, cật heo, tép... Ảnh: Phương Kiều 

Sách Gia Định thành thống chí của Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch và chú giải - NXB Đồng Nai, 2006), mục Phụ lục 3 (loài vật, đồ vật, đo lường), có viết: “Miến tuyến: Là mì dẻo dài sợi. Từ nầy người Tiều phát âm là mì xọua, người Nam Bộ nói nhại theo khá chuẩn âm là mì xọa. Chữ Nôm đọc là xọa vì được tác giả chú thiết âm là xứ ngọa tức xọa. Chữ Nôm mì xọa nhằm nhại âm mà không chỉ thật nghĩa (ngày nay ở miền Tây Nam Bộ người ta dùng tiếng mì xụa như tiếng Việt thông thường)”.


Kỳ lạ ngôi làng ăn Tết hai lần

Như thường lệ, cứ vào ngày 1/2 (âm lịch) hàng năm người dân thôn Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ một vị thần hoàng có công giữ nước.

9 giờ sáng ngày 1/2, hàng ngàn người dân xã Cầu Lộc lại rồng rắn kéo nhau về đền thờ ngài Lê Phúc Đồng, một vị anh hùng được nhà vua giao cho sứ mệnh chống giặc ngoại xâm thế kỷ thứ 15 tổ chức ăn tết lại để tưởng nhớ đến vị anh hùng này.

Vào ngày này, ngoài việc vui chơi, lễ hội của làng thì mỗi hộ dân trong làng đều làm bánh dày, thịt gà, cua, cá… thờ cúng như một cái Tết Nguyên đán thật thụ. Dọc các tuyến đường làng, cờ hoa giăng khắp nơi, trẻ con được mặc áo đẹp, người người đi “xông” nhà nhau và họ mời nhau chén rượu đầu xuân.

Sau nghi thức lễ, người dân trong làng sẽ được tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: bóng chuyền, kéo co, nấu xôi làm bánh dày…